Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 14-19/5/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Châu Á: GDP các nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng thêm từ 0,1 - 0,5% do xu hướng tăng chi cho tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ tăng. Năm 2018, kế hoạch giảm thuế và thâm hụt chi tiêu của Hoa Kỳ sẽ kích thích làm gia tăng nhu cầu của của nước này đối với hàng hóa từ châu Á.

Các nước như Cambodia và Việt Nam sẽ có khả năng gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khi GDP được dự báo tăng trưởng thêm 0,4 - 0,5%. (Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Changyong Rhee)

- Nhật Bản: Trong 3 tháng đầu năm 2018, GDP của Nhật Bản giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017, sau khi tăng 1,6% trong quý 4/2017, do tiêu dùng cá nhân yếu kém và hàng hóa xuất khẩu giảm sút.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, tình trạng này chỉ mang tính tạm thời, bởi giá rau quả tươi tăng và thời tiết mùa đông kém thuận lợi là những nhân tố ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng trong quý 1/2018. (Theo khảo sát của hãng tin Anh Reuters ngày 14/5)

- Đức: Trong quý 1/2018, tăng trưởng GDP đạt 0,3% so với quý trước đó và thấp hơn mức dự báo 0,4% của các nhà phân tích. Đây là quý thứ 15 liên tiếp kinh tế Đức tăng trưởng, đánh dấu thời kỳ tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1991 - ngay sau khi nước Đức thống nhất. (Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức ngày 15/5)

- Nga: Trong quý 1/2018, kinh tế Nga tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức dự báo tăng 1,1% được Chính phủ Nga đưa ra trước đó. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo kinh tế các năm sẽ tăng trưởng bình quân 1,5 - 2% từ nay đến năm 2020.

Mục tiêu tăng trưởng của Nga trong năm 2018 là 3,9%. Hiện nền kinh tế Nga đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bán vũ khí. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Nga - Rosstat ngày 17/5)

Thị trường lao động

Từ nay đến năm 2030, có 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới nếu chính phủ các nước thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện hơn với môi trường. Khu vực châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu được dự báo tăng số lượng việc làm lần lượt lên 3,14 và 2 triệu việc làm, nhờ các biện pháp cải tiến trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu dự kiến sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm 2% số giờ làm việc từ nay đến năm 2030. Trung Đông và châu Phi sẽ mất đi một lượng việc làm lần lượt khoảng 0,48% và 0,04%. (Theo Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO ngày 15/5)

Thị trường vàng

Các nhà đầu tư đã rót khoảng 3,1 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ (ETF) chuyên đầu tư vàng trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 02/2017. Nhiều nhà đầu tư đã chọn vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động chính trị và tiềm ẩn chiến tranh thương mại.

Một số nhà quản lý tài sản cũng đang sử dụng vàng để ứng phó với rủi ro lạm phát tăng cao. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán dòng tiền vào các quỹ ETF vàng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu vàng miếng tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc đã phục hồi từ đầu năm 2018. (Theo Hội đồng vàng thế giới)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do các nhà đầu tư chờ kết quả cuộc đàm phán thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Tính chung cả tuần (14/5 - 18/5/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,47%; 0,54%; 0,66% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (11/5/2018).Trong ngày giao dịch ngày 18/5/2018:

+ Dow Jones tăng 1,11 điểm (0,01%), lên 24.715,09 điểm.

+ S&P 500 giảm 7,16 điểm (-0,26%), xuống 2.712,97 điểm.

+ Nasdaq giảm 28,13 điểm (-0,38%), xuống 7.354,34 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,25 điểm (-0,15%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (18/5/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 12,2 điểm (0,5%) lên 2.460,65 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 91,99 điểm (0,4%) lên 22.930,36 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 105,76 điểm (0,34%) lên 31.047,91 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 12,9 điểm (-0,2%) xuống 6.081,4 điểm. 6.094,3

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 39,02 điểm (1,24%) lên 3.193,3 điểm.

Dầu mỏ

Tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu gần như đã chấm dứt, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ được thực thi từ tháng 1/2017 và nhu cầu tiêu thụ có xu hướng gia tăng. Các nhà sản xuất dầu mỏ thậm chí đã cắt giảm nhiều hơn mức được yêu cầu trong khuôn khổ của thỏa thuận trên.

Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng 39 nghìn thùng/ngày trong tháng 4/2018, xuống 9,868 triệu thùng/ngày (mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận về thắt chặt nguồn cung được thực thi vào đầu năm 2017).Dự trữ dầu mỏ của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế trong tháng 3/2018 đã giảm 12,7 triệu thùng so với tháng 02/2018, xuống 2,83 tỷ thùng.

Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm mạnh xuống 1,505 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018, là mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.(Theo Báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 14/5)

Từ tháng 01/2018 đến nay, giá dầu thô đã tăng 20%, tiến sát mốc 80 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á cao kỷ lục. Châu Á có thể phải tiêu tốn 1 nghìn tỷ USD để nhập khẩu dầu trong năm 2018, tăng gấp đôi so với các năm 2015 - 2016 khi giá dầu giảm sâu.

Cùng với đó, đồng USD tăng giá, làm cho chi phí nhập khẩu xăng dầu tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực tới nhiều nước ở châu Á - khu vực có mức độ phụ thuộc cao vào nguồn năng lượng nhập khẩu. (Theo hãng tin Reuters ngày 17/5)

Tuần từ (14/5 - 18/5/2018), giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 0,82%; 1,8%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (18/5/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,21 USD (-0,29%) xuống 71,28 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,79 USD (-1,01%) xuống 78,51 USD/thùng.

Châu Á

- Triều Tiên: Mức tăng thu nhập thực tế của Triều Tiên lên tới 4,5%/năm nhờ thương mại trong 20 năm chuyển từ tình trạng “đóng cửa” sang “mở cửa, kim ngạch thương mại của Triều Tiên đã tăng gấp ba lần từ mức 2,2 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn 1996 - 2016, kim ngạch thương mại của Triều Tiên đã tăng gấp 3 lần, từ 2,2 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD.

Tỷ lệ nhập khẩu trên nhu cầu nội địa của Triều Tiên đạt khoảng 19 - 21% trong năm 2016, so với khoảng 13 - 18% trong năm 1996. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 14/5)

- Thái Lan: Luật thuế đối với tiền ảo hay tài sản ảo nói chung tại Thái Lan có hiệu lực từ ngày 14/5, theo đó những giao dịch tài sản ảo trên mạng chịu thuế suất 15%.

Người bán có nhiệm vụ đăng ký với Ủy ban Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SEC) về những giao dịch tài sản ảo trong vòng 90 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp đôi giá trị giao dịch hoặc ít nhất là 500 nghìn THB (hơn 370 triệu đồng).

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết, việc quản lý và đánh thuế nhằm bảo vệ nhà đầu tư và chống vấn nạn rửa tiền, cùng nhiều hoạt động tội phạm khác trên mạng. (Theo TTXVN tại Thái Lan ngày 15/5)

- Indonesia: Chính phủ Indonesia đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5,4 - 5,8% vào năm 2019, nhằm tạo ra sự phát triển cân bằng trên cả nước và chú trọng phát triển các khu vực còn lạc hậu.

Những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là: (i) Ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế có giá trị cao và nâng cao năng suất lao động; (ii) Kiềm chế lạm phát trong thời gian tới ở mức 3,5% hoặc thấp hơn để đảm bảo sức mua của người dân và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình; (iii) Tiếp tục duy trì tỷ giá hối đoái của đồng IDR trước mọi biến động của thị trường (tỷ giá đồng IDR dự kiến sẽ được Chính phủ duy trì ở mức 13.000 - 14.000 IDR/1 USD vào năm 2019). (Theo bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia ngày 20/50)

- Hàn Quốc: Nước này xếp thứ 8 trong nhóm 10 quốc gia có hoạt động xuất khẩu tăng nhanh nhất thế giới. Theo thống kê của WTO, trong 3 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đã xuất khẩu 145,4 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2017, xuất khẩu tăng trưởng cao nhất, đạt tốc độ 15,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng bình quân 10% của 71 quốc gia.

Tuy nhiên, đà tăng này đã chậm lại trong năm 2018 trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng từ các đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc, như Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như doanh số bán ô tô và màn hình giảm. (Theo Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO ngày 20/5)

Châu Mỹ

- Argentina: Ngân hàng Trung ương Argentina (BCA) đã buộc phải can thiệp vào thị trường hối đoái bằng cách bán ra 1 tỷ USD, nhằm ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ (peso) .

Đầu tháng 5/2018, BCA đã phải bán ra hơn 6 tỷ USD để ngăn chặn sự hỗn loạn của thị trường hối đoái. Đồng peso của Argentina đã mất giá 13% mặc dù BCA đã áp dụng một biện pháp can thiệp khác là tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%. (Theo BCA ngày 11/5)

- Brazil: Nước này đã thoát khỏi tình trạng nợ và vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế trong 2 năm qua, với tỷ lệ lạm phát giảm xuống gần 3%, từ trên 10% trước đó.

Kinh tế Brazil đã rơi vào suy thoái từ giữa năm 2014, sau đó bắt đầu phục hồi và chính thức thoát khỏi suy thoái vào năm 2017 với mức tăng trưởng GDP 1%. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế công bố hồi tháng 4/2018, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế của Brazil có thể đạt 2,3% trong năm 2018, cao hơn các mức dự báo đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Brazil vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay, tăng lên hơn 13% trong quý 1/2018 và cao hơn 1,3% so với quý trước đó. (Theo Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 16/5)

Hoa Kỳ

Theo công cụ theo dõi theo công cụ theo dõi FedWatch của CME, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) có khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 2 vào tháng 6/2018, lần thứ ba vào tháng 9/2018, mặc dù áp lực lạm phát của Hoa Kỳ là khá lớn.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) của Hoa Kỳ là 1,9% và chỉ số đo lường lạm phát của FED là 1,8%, đều thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của FED. (Theo Sàn giao dịch hoàng hóa Chicago - CME ngày 15/5)

Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin xác nhận Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nhất trí đình chỉ việc áp thuế lẫn nhau và giữ nguyên các mức thuế hiện hành.

Bộ trưởng Mnuchin dự báo xuất khẩu nông nghiệp của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong khoảng 35- 40% và mua bán năng lượng sẽ tăng gấp 2 lần trong vòng 3 - 5 năm tới. Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Hoa Kỳ với kim ngạch trên 370 tỷ USD.

Liên minh châu Âu ngày 18/5 đã thông báo với WTO một danh sách các sản phẩm xuất khẩu chính của Hoa Kỳ sang châu Âu có thể phải chịu mức thuế cao hơn trong tương lai, trong đó có xe máy và rượu mạnh. Trước đó, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ áp mức thuế 25% đối với một loạt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ ngày 20/6 sau đó tăng lên mức 50% từ ngày 23/3/2021.

Trung Quốc

Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 1999 và tốc độ tăng doanh số bán lẻ ở mức thấp trong 4 tháng đầu năm 2018 cho thấy, nhiều khả năng nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Đầu tư tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 8,9%), thấp hơn mức tăng 7,5% trong 3 tháng đầu năm 2018.

Trong đó, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân giảm xuống 8,4% (đầu tư tư nhân chiếm khoảng 60% tổng đầu tư tại Trung Quốc). Tăng trưởng tài sản cố định trong chi tiêu cho hạ tầng giảm xuống 12,4%. (Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 16/5)

Lượng trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 3/2018, đạt 1,188 nghìn tỷ USD, cao nhất từ tháng 10/2017. Trong khi lượng phiếu kho bạc Hoa Kỳ do Nhật Bản nắm giữ giảm còn 1,044 nghìn tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2011.

Giới phân tích cho rằng việc đồng USD giảm giá trong tháng 3, xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng JPY, đã làm cho giới đầu tư Nhật Bản kém mặn mà với những tài sản định giá bằng đồng USD. (Theo Hãng tin Reuters ngày 15/5)

Thị trường taxi của Trung Quốc đã đạt trị giá khoảng 30 tỷ USD, bằng quy mô của ngành này tại tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Bain&Company cũng dự báo quy mô của ngành taxi công nghệ Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong thời gian từ nay đến năm 2020. Hoa Kỳ hiện là thị trường taxi công nghệ lớn thứ nhì thế giới, với quy mô 12 tỷ USD. (Hãng tin CNN dẫn một báo cáo của Công ty tư vấn Bain & Company ngày 17/5)

Đàm phán - Ký kết

EAEU và Iran

Ngày 17/5, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu đã ký một thỏa thuận thương mại tạm thời với Iran, theo đó giảm mức thuế đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu giữa hai bên, đồng thời đặt ra mục tiêu xúc tiến các cuộc đàm phán trong vòng 3 năm để thành lập khu vực thương mại tự do.

Bộ Kinh tế Kazakhstan cho biết, theo thỏa thuận thương mại tạm thời này, Iran sẽ giảm thuế cho 246 mặt hàng, từ thực phẩm đến sản phẩm công nghiệp của EAEU, trong khi EAEU cũng có hoạt động tương tự đối với 175 hàng hóa nhập khẩu từ Tehran.

Liên minh châu Âu và Cuba

Ngày 15/5, tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu và Cuba vừa ký kết một dự án hợp tác năng lượng tái tạo trị giá 18 triệu EUR do EU tài trợ cho Cuba. EU hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Cuba, chủ yếu trong các lĩnh vực như du lịch và xây dựng.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Cuba sang EU ước đạt 471 triệu EUR, trong khi kim ngạch nhập khẩu của Cuba từ EU đạt hơn 2 tỷ EUR. Đây là kết quả của quá trình thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của Cuba với các nước trên thế giới.

Nhận định
chuyên gia

Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát do Thời báo Phố Wall thực hiện (14/5):

Xu hướng mở rộng của nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay sẽ dừng lại vào năm 2020 và đợt suy thoái tiếp theo có khả năng diễn ra vào năm 2021 do các nguyên nhân: (i) Tiến trình nâng lãi suất của FED sẽ làm nguội đà tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế; (ii) Khủng hoảng tài chính, sự đổ vỡ bong bóng tài sản; (iii) Khủng hoảng tài khóa hoặc tình trạng trì trệ của hoạt động thương mại quốc tế.

Đà tăng trưởng kinh tế không thể kéo dài mãi. Giai đoạn tăng trưởng hiện nay của kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu từ giữa năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và là giai đoạn tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử của Hoa Kỳ.

Theo ông Bert Hofman, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB):

Những bài học lớn mà các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi có thể học hỏi từ thành công của Trung Quốc gồm:

(i) Thực hiện một loạt biện pháp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhanh; mở cửa cho hoạt động đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ lệ tiết kiệm ở mức khá cao để thúc đẩy hoạt động đầu tư; (ii) Đi theo lối tư duy về phát triển kinh tế dài hạn; (iii) Sử dụng đòn bẩy từ bên ngoài để thực hiện cải cách trong nước.

Trong 40 năm qua, tỷ trọng GDP của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã tăng từ 2% lên khoảng 15% . GDP bình quân đầu người đã tăng từ gần 400 CNY lên 59.660 CNY. Số doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500) đã tăng từ 0 lên 115 doanh nghiệp.