Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 17-22/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Toàn cầu:

+ Trong danh sách 27 nước giàu tham gia cuộc khảo sát về cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), Thụy Điển đã vượt qua Đan Mạch để đứng đầu, Pháp bị tụt 3 bậc xuống vị trí thứ 7, Hoa Kỳ vẫn xếp ở vị trí thứ 23.

CGD thực hiện danh sách này dựa trên sự tham gia, đóng góp của các quốc gia trong một số lĩnh vực như viện trợ, tài chính, công nghệ, thương mại và di cư. (Theo báo cáo của CGD ngày 18/9)

+ Trong 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu đạt khoảng 3,75%; năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,7%, giảm lần lượt 0,1 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2018, một phần do hoạt động thương mại tăng trưởng chậm lại, giảm từ 5% trong năm 2017 xuống khoảng 3% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Báo cáo của OECD cũng cảnh báo, căng thẳng thương mại tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi. (Theo báo cáo “Bất ổn gia tăng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu” của OECD ngày 20/9)

- Anh: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh đạt 1,1%, thấp hơn mức tăng 1,3% dự báo đưa ra trước đó, do những bất ổn phát sinh từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), dự kiến diễn ra vào tháng 3/2019, cũng như chính sách bảo hộ lan rộng đe dọa hoạt động giao thương trên toàn cầu.

Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của Anh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. (Theo Phòng Thương mại nước Anh - BCC ngày 17/9)

- Nga: Trong tháng 8/2018, GDP của Nga tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 1,8% của tháng 7/2018 và 1,6% theo dự báo của thị trường, chủ yếu do lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng giảm mạnh. Lũy kế 8 tháng đầu năm, GDP của Nga tăng 1,6%. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 19/9)

- Thổ Nhĩ Kỳ:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong 2 năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 3,8% và 2,3%, thấp hơn so với mức dự báo 7,4% và 5,5% đưa ra trước đó.

Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018 là 20,8% và năm 2019 là 15,9%, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho đồng tiền nội địa của nước này (lira) giảm 40% giá trị kể từ đầu năm.

+ Trong năm 2020 và 2021, kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng nhanh hơn, lần lượt là 3,5% và 5%; trong khi lạm phát giảm tương ứng 9,8% và 6%.

(Theo Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak ngày 20/9)

- Ấn Độ: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kỳ vọng quy mô nền kinh tế nước này đến năm 2022 sẽ tăng gấp 2 lần, lên 5.000 tỷ USD, trong đó lĩnh vực chế tạo và nông nghiệp sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD/lĩnh vực.(Theo Hãng thông tấn PTI ngày 20/9)

Lạm phát

- Nhật Bản: Trong tháng 8/2018, CPI của Nhật Bản tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức tăng 0,9% của tháng 7/2018 và 1,1% theo dự báo của thị trường.

Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 02/2018, do giá thực phẩm và giao thông tăng mạnh. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 21/9)

- Malaysia: Trong tháng 8/2018, CPI của Malaysia tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với 0,9% của tháng 7/2018 và 0,4% theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2015 do giá thực phẩm và vận tải đều tăng chậm. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 19/9)

- Anh: Trong tháng 8/2018, CPI của Anh tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức tăng 2,5% trong tháng 7/2018 và là mức cao nhất trong 6 tháng do giá nhóm hàng may mặc cao hơn, chi phí vận chuyển và giải trí tăng.

Các nhà kinh tế cảnh báo lạm phát có thể tiếp tục tăng đột biến nếu việc Brexit làm suy yếu thêm đồng GBP. (Theo Văn phòng Thống kê Anh ngày 19/9)

Lao động

Báo cáo Tương lai việc làm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính đến năm 2025, khoảng 52% khối lượng việc làm sẽ do người máy (robot) đảm nhiệm, tăng gần gấp 2 lần so với hiện tại.

Những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của máy móc, các thuật toán và chương trình máy tính có thể tạo ra 133 triệu vị trí mới, thay thế 75 triệu nhân công từ nay đến năm 2022. Những lĩnh vực robot sẽ thay thế con người bao gồm kế toán, quản trị khách hàng, công nghiệp, ngành bưu chính và thư ký giúp việc.

Tuy nhiên, những công việc đòi hỏi “kỹ năng con người” như bán hàng, tiếp thị sản phẩm (makerting), dịch vụ khách hàng, thương mại điện tử và mạng xã hội sẽ không giảm mà ngược lại sẽ ngày càng tăng lên. (Theo TTXVN ngày 17/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 17 - 21/9/2018 tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 tăng lần lượt là 2,25%; 0,85% và Nasdaq giảm 0,29% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (14/9/2018). Trong ngày giao dịch 21/9/2018:

+ Dow Jones tăng 86,52 điểm (0,32%), lên 26.743,50 điểm.

+ S&P 500 giảm 1,08 điểm (-0,04%), xuống 2.929,67 điểm.

+ Nasdaq giảm 41,28 điểm (-0,51%), xuống 7.986,96 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,23 điểm (2,91%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (21/9/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 195 điểm (0,82%), lên 23.869,33 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 475,91 điểm (1,73%), lên 27.953,58 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 68,24 điểm (2,50%), lên 2.797,48 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 17 - 21/9/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 2,59% và 0,91%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (21/9/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,46 USD (0,65%) lên 70,78 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,1 USD (0,13%) lên 78,8 USD/thùng.

Hoa Kỳ

Trong tháng 8/2018, doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,1% (mức tăng theo tháng), thấp hơn so với 0,4% theo dự báo của Reuters và là mức tăng thấp nhất trong sáu tháng qua, khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho xe cộ và hàng may mặc.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh đối với số liệu của tháng 7/2018 (tăng 0,7% thay vì tăng 0,5% như ước tính ban đầu) đã tiếp tục duy trì các dự báo về việc kinh tế Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh trong quý III/2018. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 14/9)

Ngày 17/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 24/9 và tăng lên 25% vào đầu năm 2019; đồng thời cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động “trả đũa” nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ thì nước này sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Quyết định trên của chính quyền Hoa Kỳ được đưa ra dựa theo kết quả của một cuộc điều tra cho thấy Trung Quốc đã có các chính sách cũng như hoạt động không công bằng liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ của Hoa Kỳ. (Theo TTXVN ngày 17/9)

Ngày 18/9, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn gói chi tiêu trị giá 855 tỷ USD cho hai dự luật chi tiêu lớn nhất trong năm, gồm 675 tỷ USD cho quốc phòng và số còn lại cho các hoạt động của Bộ Giáo dục, dịch vụ nhân sinh, y tế và lao động, cùng giải pháp chi tiêu ngắn hạn giúp Chính phủ Hoa Kỳ có đủ nguồn tài chính để hoạt động khi năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9, đồng thời giúp các nhà lập pháp nước này có thêm thời gian để đạt được sự thống nhất về ngân sách cho năm 2019. (Theo TTXVN ngày 18/9)

Trong tháng 7/2018, lượng trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ là 1,17 nghìn tỷ USD, thấp hơn so với 1,18 nghìn tỷ USD trong tháng 6/2018 và là mức thấp nhất kể từ tháng 01/2018, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại song phương giữa hai nước ngày càng “nóng”.

Trong khi đó, Nhật Bản nâng mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ lên 1,04 nghìn tỷ USD, tăng 5,1 tỷ USD so với tháng 6/2018. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 18/9)

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Hoa Kỳ trong tuần (10 - 15/9) giảm 3.000 đơn so với tuần trước đó xuống 201.000 đơn, thấp hơn so với 209.000 đơn theo dự báo của các nhà kinh tế.

Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/1969. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Hoa Kỳ đã duy trì dưới mức 300.000 đơn trong hơn 3 năm, giai đoạn dài nhất trong lịch sử.

Các chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu cho thấy tốc độ tạo việc làm của kinh tế Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được thúc đẩy. Trong bối cảnh này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tới, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm phát tăng quá nhanh.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 20/9)

Trung Quốc

Ngày 18/9, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng mức thuế 5 - 10% đối với 5.200 sản phẩm và hàng hóa có trị giá 60 tỷ USD nhập từ Hoa Kỳ từ ngày 24/9, cùng ngày mà Hoa Kỳ áp mức thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như trật tự thương mại tự do toàn cầu. (Theo TTXVN ngày 18/9)

 

Nhật Bản

Trong tháng 8/2018, thâm hụt thương mại của Nhật Bản là 444,6 tỷ JPY (4 tỷ USD), cao gần gấp 2 lần so với mức thâm hụt 231,9 tỷ JPY của tháng 7/2018.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017 lên 7.140 tỷ JPY, do chi phí nhập khẩu dầu thô tăng 59,6% lên 897,5 tỷ JPY trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao; trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% lên 6.690 tỷ JPY, do nhu cầu của Trung Quốc về linh kiện điện tử tăng. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 19/9)

Anh

Trong tháng 8/2018, chi tiêu tiêu dùng của nước Anh tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017, đưa chi tiêu tiêu dùng trong các tháng 6 - 8/2018 tăng 0,3% so với ba tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,2% của các tháng 5 - 7/2018 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 01/2018.

Số liệu trên cho thấy nền kinh tế Anh đã lấy lại một phần đà tăng trưởng từ giữa năm 2018. (Theo Công ty thanh toán và dịch vụ tài chính Visa ngày 17/9)

Đàm phán - Ký kết

Venezuela và Trung Quốc

Venezuela đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc tăng sản lượng dầu mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc lên 1 triệu thùng/ngày, chậm nhất từ tháng 8/2019.

Chính phủ Venezuela cũng quyết định bán 9,9% cổ phần trong công ty liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Trung Quốc (CNPC) - Sinovensa, trong khuôn khổ chương trình tìm kiếm biện pháp tăng sản lượng dầu khai thác.

Với thỏa thuận này, Tập đoàn CNPC của Trung Quốc sẽ nắm giữ 49,9% trong Sinovensa.Hiện nay, Venezuela xuất khẩu khoảng 700.000 thùng dầu/ngày sang Trung Quốc. (Theo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 18/9)

Hàn Quốc và Hoa Kỳ

Ngày 18/9, Nội các Hàn Quốc đã thông qua thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sửa đổi với Hoa Kỳ trước khi văn bản này được trình lên Quốc hội để phê chuẩn.

Những điểm quan trọng được sửa đổi là Hoa Kỳ gia hạn thời gian đánh thuế 25% đối với xe bán tải nhập khẩu từ Hàn Quốc thêm 20 năm nữa (tới năm 2041) và Hàn Quốc được tăng gấp đôi mức trần nhập khẩu các xe sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Hoa Kỳ lên 50.000 xe/năm cho mỗi nhà sản xuất.

FTA Hàn Quốc - Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 2012. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng, hiệp định này là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán lại. (Theo TTXVN ngày 18/9)

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ (19/9) cho biết sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ ổn định và duy trì quan điểm lạc quan về nền kinh tế, mặc dù căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Theo đó, BoJ tiếp tục duy trì lãi suất mục tiêu ngắn hạn ở mức -0,1% và cam kết hướng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm khoảng 0%.

Trong tương lai gần, BoJ sẽ không thay đổi quan điểm điều hành đã được thông qua vào cuối tháng 7/2018 và cam kết giữ lãi suất rất thấp trong một thời gian dài nữa.

Nhận định
chuyên gia

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (17/9):

Nền kinh tế Anh sẽ suy yếu nếu nước này rời EU mà không đạt được một thỏa thuận Brexit. Ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, tài chính của Anh cũng sẽ ở trong tình trạng kém so với lựa chọn ở lại EU.

IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh đạt khoảng 1,5% trong 2 năm 2018 và 2019 nếu Anh và EU đạt được một thỏa thuận Brexit, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 1,75% nếu Anh ở lại EU.

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên đến nay, Anh và EU chưa đạt được thỏa thuận hoàn thiện.