Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 25-30/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Eurozone:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone ở mức 1,5% (năm 2016); 1,4% (năm 1017); 1,6% (năm 2018), giảm so với các mức dự báo tương ứng là 1,5%; 1,6% và 1,7% trong tháng 4/2016 do tác động của Brexit.

+ CPI các năm 2016, 2017 và 2018 tăng tương ứng 0,3%, 1,2% và 1,5%.

(Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 22/7)

- Mỹ La tinh và Caribe: Kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng -0,8% trong năm 2016, thấp hơn mức -0,5% của năm 2015. Trong đó, GDP của khu vực Nam Mỹ tăng trưởng -2,1% do ảnh hưởng của sự suy giảm giao thương và nhu cầu tiêu dùng; khu vực Trung Mỹ tăng trưởng 3,8%. Để thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực và hoàn thành mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, các nước trong khu vực cần phải đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đầu tư (cả đầu tư công và tư) và tăng năng suất lao động - chìa khóa hướng tới sự tăng trưởng năng động và ổn định. (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ La tinh và Caribe của Liên hợp quốc - CEPAL ngày 26/7)

- Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo đạt 6,5% trong năm 2016 (trong mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,5 - 7%) và 6,3% trong năm 2017, không đổi so với dự báo tháng 4/2016. (Theo kết quả khảo sát của Reuters ngày 21/7)

- Anh: Trong quý 2/2016, tốc độ tăng trưởng GDP theo quý đạt 0,6%, cao hơn so với mức 0,4% đạt được trong quý 1, do sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhất kể từ năm 1999 (2,1%). So với cùng kỳ năm 2015,kinh tế Anhtăng trưởng 2,2% - cao nhất trong một năm. Mặc dù kinh tế tăng tốc trong quý 2 nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn cần thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, bao gồm việc hạ lãi suất (lần đầu tiên kể từ năm 2009). (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 27/7)

- Hàn Quốc: GDP trong quý 2/2016 đạt 375,04 nghìn tỷ KRW (328,7 tỷ USD), tăng 0,7% so với quý 1/2016; kim ngạch xuất khẩu tăng 0,9%, nhập khẩu tăng 1,9%, tiêu dùng cá nhân tăng 0,9%, đầu tư kỹ thuật tăng 2,9% (sau khi giảm 7,4% trong quý 1), đầu tư xây dựng tăng 2,9% (sau khi tăng 6,8% trong quý 1). So với cùng kỳ năm 2015, GDP Hàn Quốc tăng trưởng 3,2%. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 26/7)

- Singapore:

+ So với cùng kỳ năm 2015, GDP tăng trưởng 0,8% trong quý 2/2016 và tăng trưởng 2,2% trong 6 tháng đầu năm 2016. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 đạt mức 1 - 3%, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi. Lạm phát lõi trong năm 2016 tăng trung bình khoảng 1% và đạt gần 2% trong năm 2017.

(Theo Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore - MAS ngày 25/7)

Tín dụng

Trong quý 1/2016, số tiền cho vay qua biên giới tại các nền kinh tế mới nổi giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 3.200 tỷ USD, do khủng hoảnggiá hàng hóa và những quan ngại về tình hình kinh tế bất ổn của Trung Quốc, Brazil và Nga.Bên cạnh đó, lượng trái phiếu chính phủ do các ngân hàng nắm giữ tăng lên 234 tỷ USD do lo ngại tình trạng giảm phát cũng như các biến động của thị trường.(Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS ngày 22/7)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua, chủ yếu do lợi nhuận của khối doanh nghiệp khả quan hơn kỳ vọng. Tính chung cả tuần (25 - 29/7/2016), chỉ số Dow Jones giảm 0,45; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,11% và 0,73%. Trong ngày giao dịch cuối tuần (29/7/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.432,24 điểm, giảm 0,1%.

+ S&P 500 đạt 2.173,60 điểm, tăng 0,2%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.162,13 điểm, tăng 0,1%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua, chủ yếu do Chính phủ Nhật Bản tung ra gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,81% lên 136,41 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 2,58% lên 16.569,77 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,4% lên 5.562,358 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,9% xuống 2.979,34 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,33% xuống 21.891,37 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,12% xuống 2,016.19 điểm.

Dầu mỏ

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27/7 dự báo:

- Giá dầu thế giới năm 2016 bình quân đạt 43 USD/thùng, tăng so với dự báo 41 USD/thùng đưa ra vào tháng 4/2016, do nguồn cung dầu có thể sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng trong quý 2/2016.

- Giá năng lượng (bao gồm giá dầu, khí đốt tự nhiên và than đá) giảm 16,4% trong năm 2016, thấp hơn mức dự báo giảm 19,3% đưa ra trước đó, do dự trữ nhiên liệu toàn cầu hiện vẫn còn khá lớn.

Giá dầu đã phục hồi và tăng 37% trong quý 2/2016 vì nguồn cung bị gián đoạn, chủ yếu do tác động từ vụ cháy rừng tại trung tâm dầu cát lớn của Canada và các vụ phá hoại cơ sở hạ tầng tại Nigeria.

Tuần từ 25 - 29/7/2016, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 6% và 7,3%, chủ yếu do tâm lý lo ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (29/7/2016):

- Giá dầu WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giao tháng 9/2016 tăng 46 cent (1,1%) lên 41,60 USD/thùng.

- Giá dầu Brent trên sàn ICE Futures Europe giao tháng 9/2016 giảm 24 cent (0,6%) xuống 42,46 USD/thùng, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2015; giao tháng 10/2016 tăng 30 cent lên 43,53 USD/thùng.

Châu Á

Châu Á

Nguy cơkhủng hoảng nợ có khả năng lan ra toàn châu Á trong ba năm tới do các tập đoàn phi tài chính trong khu vực phải thanh toán các khoản nợ trái phiếu phát hành ở nước ngoài bằng đồng USD hoặc EUR có giá trị lên tới 219,7 tỷ USD, đáo hạn từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2019, trong khi các đồng tiền châu Á suy giảm mạnh và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. (Theo Bloomberg ngày 25/7)

ASEAN

ASEAN và Trung Quốc đề ra mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 1.000 tỷ USD và đầu tư 150 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 7,96 tỷ USD trong năm 1991 (khi 2 bên thiết lập quan hệ) lên 472,16 tỷ USD trong năm 2015, bình quân giai đoạn 1991 - 2015 tăng 18,5%/năm.(Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 25/7)

Thái Lan

Trong tháng 6/2016, sản lượng công nghiệp của Thái Lan tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng tăng thứ tư liên tiếp, chủ yếu do sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, thép, dệt may và thực phẩm. Tuy nhiên, sự phục hồi của công nghiệp Thái Lan vẫn yếu do nhu cầu tiêu dùng chưa cao. (Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan ngày 28/7)

Châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ hủy bỏ trừng phạt đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi hai nước này không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách vượt mức quy định (3%), do quan ngại nếu áp đặt lệnh trừng phạt sẽ khiến làn sóng chống EU ngày càng gia tăng sau sự kiện Brexit ngày 24/6. Trong năm 2015, Bồ Đào Nha thâm hụt ngân sách 4,4% GDP, Tây Ban Nha thâm hụt 5,1% GDP.(Theo Ủy ban châu Âu - EC ngày 27/7)

Brazil

Thị trường lao động Brazil đã mất 91.000 việc làm trong tháng 6/2016 - tháng sụt giảm liên tiếp thứ 15 và mất hơn 530.000 việc làm trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Brazil. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 28/7 dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm 2016 là -3,3%, năm 2017 là 0,7% và 2018 là 2%. (Theo Cơ quan đăng ký lao động Brazil ngày 28/7)

Australia

Đóng góp của ngành du lịch vào GDP nước này tăng 17,8% lên 47,5 tỷ AUD (35,6 tỷ USD) trong vòng bốn năm qua và trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Tính đến tháng 6/2015, ngành du lịch Australia có thêm 273.500 doanh nghiệp mới, chiếm hơn 13% trong tổng số 2,1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Theo Chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2020, ngành du lịch Australia có thể đạt doanh thu 140 tỷ USD/năm. (Theo Cơ quan nghiên cứu du lịch Australia - TRA ngày 25/7)

Trong quý 2/2016, CPI của nước này chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp nhất kể từ quý 4/1999, trong khi lạm phát lõi ở mức thấp kỷ lục, chỉ tăng 1,5%, cách xa mục tiêu lạm phát 2 - 3%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu CPI trên cho thấy, Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Australia có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong phiên họp vào ngày 02/8, sau khi đã giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục 1,75% trong tháng 5/2016. (Theo Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Australia - RBA ngày 27/7)

Hoa Kỳ

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) ngày 27/7 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục như hiện tại là 0,25 - 0,5% và sẽ tiếp tục xem xét vấn đề nâng lãi suất vào tháng 9/2016. Mặc dù thị trường lao động đã tăng trưởng mạnh trở lại, các nguy cơ ngắn hạn đối với triển vọng kinh tế được loại bỏ, chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, song chi tiêu doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện,lạm phátvẫn thấp và chưa có dấu hiệu tăng trong ngắn hạn.

- Doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ (chiếm khoảng 9,6% thị trường nhà ở nước này) trong tháng 6/2016 tăng 3,5% so với tháng 5/2016 lên 592.000 căn - mức cao nhất kể từ tháng 02/2008 - và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

- Chỉ số giá nhà ở S&P CoreLogic Case-Shiller tại 20 thành phố lớn nhất Hoa Kỳ trong tháng 5/2016 giảm 0,1% so với tháng 4/2016 và chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015. Giá nhà giảm tốc sẽ góp phần tăng chi tiêu tiêu dùng.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/7)

Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại thị trường nước ngoài ước đạt 131,1 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức kỷ lục 112,5 tỷ USD của cả năm 2015. Trong đó: Lĩnh vực công nghiệp và hóa chất có tổng giá trị M&A cao nhất, đạt 58,5 tỷ USD; công nghệ, truyền thông, viễn thông có tổng giá trị 56,6 tỷ USD; các lĩnh vực khác đạt 16 tỷ USD.

(Theo Công ty Dealogic)

Các số liệu mới công bố về lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2016:

- Lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhà nước đạt 1,13 nghìn tỷ NDT (169 tỷ USD), giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2015. (Bộ Tài chính ngày 25/7)

- Lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn đạt 3 nghìn tỷ NDT, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên giảm so với tốc độ tăng 6,4% trong 5 tháng đầu năm. (Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 27/7)

- Trong vòng 5 - 7 năm qua, nợ của Trung Quốc lớn hơn tất cả các quốc gia đang phát triển khác, trong khi tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay để tạo ra tăng trưởng kinh tế giảm 6 lần. Một trong những nguyên nhân chính là do sự yếu kém trong việc sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp nhà nước.Tổng nợ trái phiếu của Trung Quốc tăng hơn 50% trong vòng 18 tháng qua lên mức 57.000 tỷ NDT (8.500 tỷ USD), tương đương khoảng 80% GDP của nước này. (Reuters ngày 24/6 dẫn lời ông Ruchir Sharma - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Morgan Stanley)

- Nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc đang ở một tỷ lệ khá cao, gấp 1,45 lần so với GDP của nước này. Trong đó tỷ trọng nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 55% trong tổng số nợ của doanh nghiệp và tương đương 22% sản lượng kinh tế Trung Quốc. Các khoản nợ xấu và nợ “có vấn đề” đang gia tăng làm dấy lên những quan ngại về sự không vững chắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (CNBC ngày 25/7 dẫn lời ông David Lipton - Phó Giám đốc thứ nhất của IMF)

- Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đang có kế hoạch bán các khoản nợ xấu dưới hình thức chứng khoán chuyển đổi có tổng giá trị 10,7 tỷ NDT (1,6 tỷ USD) trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng. Giá bán tương đương với 29% giá trị danh nghĩa của các khoản nợ. Tỷ lệ thu hồi nợ được dự báo ở mức 41%. Đây là khoản nợ xấu có giá trị lớn nhất từ trước tới nay từng được một ngân hàng giao bán tại Trung Quốc. (Theo Bloomberg ngày 24/7)

Nhật Bản

CPI của nước này trong tháng 6/2016 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 4 liên tiếp. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) giảm 0,5% - mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3/2013, CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,4%. Tuy nhiên, các chỉ số trên còn cách rất xa mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 29/7)

Trong tháng 6/2016, sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng 1,9% so với tháng 5, phục hồi từ mức giảm 2,6% (tháng 5/2016) và vượt trên kỳ vọng của thị trường là tăng 0,5%, cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế tại nước này. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 29/7)

Việc hoãn tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản đã giúp cải thiện doanh số bán hàng của nước này trong tháng 6/2016, tuy nhiên vẫn dưới kỳ vọng của thị trường. Trong đó: (i) Doanh số bán lẻ tăng 0,2% so với tháng trước, sau khi tăng 0,1% trong tháng 5/2016, nhưng thấp hơn dự báo của thị trường (0,3%); (ii) Doanh số bán hàng theo hợp đồng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức giảm 2,1% trong tháng 5/2016, nhưng cao hơn dự báo là giảm 1,2%; (iii) Doanh số bán tại cửa hàng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức giảm trong tháng 5/2016 là 2,2%, nhưng cao hơn dự báo là giảm 0,8%. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 29/7)

Thâm hụt ngân sách sơ cấp (chưa tính số tiền phải trả lãi và nợ gốc) của nước này trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) ước tính ở mức 10.500 tỷ JPY (100,6 tỷ USD), tương đương khoảng 1,9% GDP, do nguồn thu thuế sụt giảm bắt nguồn từ quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ. Chính phủ Nhật Bản đang gặp những khó khăn ngày một tăng trong nỗ lực đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách sơ cấp xuống còn khoảng 1% GDP trong trung hạn và hướng tới thặng dư vào tài khóa 2020.(Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản)

- Theo Reuters, trong phiên giao dịch ngày 26/7, đồng yên Nhật tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác do giới đầu tư kỳ vọng Nhật Bản sẽ triển khai một gói kích thích kinh tế mới để vực dậy nền kinh tế nước này. Cụ thể, đồng yên tăng 1,3% so với đồng USD lên mức 104,42 JPY/USD; tăng 1,1% so với đồng EUR lên mức 114,96 JPY/USD - mức cao nhất hai tuần qua. - Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ JPY (266 tỷ USD), nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sự kiện Brexit. Trong đó bao gồm khoảng 13.000 tỷ JPY chi tiêu công cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; thu hút thêm du khách quốc tế… (Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/7)