Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 5-10/11/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Indonesia: Trong quý III/2018, kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,17% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 5,27% của quý II/2018 và 5,15% theo dự báo của thị trường.

Chính phủ nước này kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 5,4% trong năm 2018, trong khi Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,1 - 5,2%. (Theo Cơ quan Thống kê Indonesia ngày 05/11)

- Đức: GDP của Đức được dự báo giảm xuống 1,6% trong năm 2018 và 1,5% trong năm 2019, thấp hơn các mức dự báo đưa ra trước đó lần lượt là 2,3% và 1,8%, trong bối cảnh nền kinh tế Đức phải đối mặt với các “cơn gió ngược” từ các bất đồng thương mại, Brexit và tình trạng già hóa dân số. (Theo Hội đồng Các chuyên gia Kinh tế Đức ngày 07/11)

- Hàn Quốc: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đạt 2,7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,9% theo dự báo trước đó. Năm 2019, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,6%.

Hoạt động trong ngành chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, ngành xây dựng tiếp tục sa sút, tiêu thụ nội địa cũng chững lại do đầu tư đình trệ, xuất khẩu - "trụ cột" của nền kinh tế Hàn Quốc - được dự báo sẽ giảm tốc.

KDI cảnh báo, nếu Hàn Quốc không nâng cao được năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp thì sẽ khó phục hồi được tăng trưởng kinh tế. Dự báo lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc trong năm 2018 - 2019 là 1,6%.(Theo Theo Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 07/11)

- Philippines: Trong quý III/2018, kinh tế Philippines tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,2% của quý II/2018 và 6,3% theo dự báo của thị trường.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý II/2015, do tiêu dùng và đầu tư tư nhân giảm. Chính phủ Philippines đã điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2018 xuống 6,5 - 6,9% từ mức 7 - 8% đưa ra trước đó. (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Philippines ngày 08/11)

Lạm phát

- Philippines: Trong tháng 10/2018, tỷ lệ lạm phát của nước này là 6,7%, bằng mức lạm phát của tháng 9/2018 và cao hơn so với tỷ lệ 6,5% theo dự báo của thị trường.

Trong đó, chi phí nhà ở và vận tải tăng nhanh hơn, trong khi chi phí lương thực tăng chậm hơn. Ngân hàng Trung ương Philippines đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2018 - 2020 là 2 - 4%. (Theo Cơ quan Thống kê Philippines ngày 06/11)

- Nga: Trong tháng 10/2018, tỷ lệ lạm phát của Nga là 3,5%, cao hơn so với tỷ lệ 3,4% của tháng 9/2018 và cao nhất kể từ tháng 7/2017, do giá các sản phẩm lương thực, phi lương thực và dịch vụ đều tăng.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản là 3,1%, cao hơn so với tỷ lệ 2,8% của tháng 9/2018 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 7/2017. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày 06/11)

- Trung Quốc: Trong tháng 10/2018, CPI của Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017, bằng mức tăng của tháng 9, sau 4 tháng tăng liên tiếp, do giá sản phẩm phi lương thực tăng chậm.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức trần mục tiêu của Chính phủ cho năm 2018 là 3%. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 09/11)

- Mexico: Trong tháng 10/2018, tỷ lệ lạm phát của Mexico là 4,9%, thấp hơn so với tỷ lệ 5,02% của tháng 9/2018, do chi phí năng lượng và nhà ở giảm.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm biến động giá và năng lượng) là 3,73%, thấp hơn mức 3,67% của tháng 9/2018. (Theo Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico ngày 08/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 05/11 - 09/11/2018,chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 2,84%; 2,13% và 0,68% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (02/11/2018). Trong ngày giao dịch ngày 09/11/2018:

+ Dow Jones giảm 201,92 điểm (-0,77%), xuống 25.989,30 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 123,98 điểm (-1,65%), xuống 7.406,90 điểm.

+ S&P 500 giảm 25,82 điểm (-0,92%), xuống 2.781,01 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,37 điểm (-0,87%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (09/11/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 625,80 điểm (-2,39%), xuống 25.601,92 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 36,76 điểm (-1,39%), xuống 2.598,87 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 236,67 điểm (-1,05%), xuống 22.250,25 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 05/11 - 09/11/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 4,67% và 3,64%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (09/11/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,48 USD (-0,8%), xuống 60,19 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,47 USD (-0,57%), xuống 70,18 USD/thùng.

Châu Âu

- Đức: Trong tháng 9/2018, kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ thặng dư 18,4 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 24,2 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% còn 109,1 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,3% lên 90,7 tỷ EUR.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Đức đạt 174,4 tỷ EUR, thấp hơn so với 186,6 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan Thống kê Đức ngày 08/11)

- Pháp: Trong tháng 9/2018, cán cân thương mại của Pháp thâm hụt 5,66 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thâm hụt 5,7 tỷ EUR của tháng 8/2018 và 6,1 tỷ EUR theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 1,8% xuống 40,4 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,6% xuống 46,06 tỷ EUR. (Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp ngày 08/11)

Châu Á

- Hàn Quốc: Trong tháng 10/2018, cán cân thương mại của Hàn Quốc đạt thặng dư 6,5 tỷ USD, tiếp tục đà thặng dư trong 81 tháng liên tiếp.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 54,97 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2017,mức cao thứ hai trong lịch sử của Hàn Quốc, sau tháng 9/2017.

Kể từ tháng 5/2018, xuất khẩu của Hàn Quốc liên tiếp vượt 50 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 10 tháng đầu năm 2018 đạt mức cao kỷ lục 505,3 tỷ USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 48,4 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do ngành chế tạo thế giới tăng trưởng khả quan, giá dầu thế giới tăng làm cho đơn giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc tăng. (Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc ngày 01/11)

- Malaysia:

+ Chính phủ Malaysia đã đệ trình lên Quốc hội nước này bản ngân sách năm 2019 trị giá 314,5 tỷ MYR (75,5 tỷ USD) với chủ đề “Hồi sinh Malaysia, kinh tế năng động, xã hội phồn vinh”, tập trung vào 3 trọng tâm với 12 chiến lược chủ chốt.

Nội dung nổi bật nhất là việc đảm bảo phúc lợi về kinh tế - xã hội cho người dân Malaysia. Đây được coi là chỉ số để đo lường thành công của Chính phủ.

Một điểm đáng chú ý khác của bản ngân sách này là số tiền dành cho lĩnh vực giáo dục chiếm một tỷ lệ khá lớn, 60,2 tỷ MYR, tương đương hơn 19% tổng ngân sách. (Theo TTXVN ngày 03/11)

+ Trong tháng 9/2018, kim ngạch thương mại của Malaysia đạt thặng dư 15,3 tỷ MYR, cao hơn so với mức thặng dư 8,2 tỷ MYR của cùng kỳ năm 2017 và 7,3 tỷ MYR theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thặng dư cao nhất kể từ tháng 9/2008. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017 lên 83,1 tỷ MYR; kim ngạch nhập khẩu giảm 2,7% xuống 67,8 tỷ MYR.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Malaysia đạt 85,7 tỷ MYR, cao hơn so với 71,2 tỷ MYR của cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan Thống kê Malaysia ngày 05/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2018, thị trường lao động Hoa Kỳ có thêm 250 nghìn việc làm mới, nhờ đó tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%, thấp nhất trong vòng 48 năm qua.

Mức lương trung bình trong một giờ tại Hoa Kỳ trong tháng 10/2018 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao nhất trong vòng 10 năm qua. (Theo báo cáo của Bộ Lao Động Hoa Kỳ ngày 02/11)

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần (29/10 - 03/11) giảm 1 nghìn đơn, xuống còn 214 nghìn đơn, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, đồng thời cho thấy thị trường việc làm Hoa Kỳ vẫn ổn định. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 11/8)

Trong tháng 9/2018, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017 lên 54 tỷ USD, cao hơn so với dự đoán của giới phân tích và là mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng cao kỷ lục lên 266,6 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu tăng lên 212,6 tỷ USD.

Thâm hụt hàng hóa của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong tháng 9/2018 tăng 3 tỷ USD lên 37,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng 3,5 tỷ USD so với tháng 8/2018 lên mức cao kỷ lục 47,7 tỷ USD (số liệu điều chỉnh theo mùa).

(Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 02/11)

Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần (29/10 - 02/11) đã đạt mức cao kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với tuần trước đó và tăng 2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2017.

Dự báo sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ trong năm 2018 đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày và năm 2019 là 12,1 triệu thùng/ngày.

Bộ Năng lượng Nga (07/11) cho biết, sản lượng dầu của Nga trong tháng 10/2018 tăng lên 11,41 triệu thùng/ngày so với 11,36 triệu thùng/ngày của tháng 9/2018, thiết lập mức cao kỷ lục mới kể từ thời hậu Xô viết trong bối cảnh các tập đoàn dầu lớn nhất nước là Rosneft và Lukoil tăng sản lượng.

(Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 07/11)

Trung Quốc

Trong 15 năm tới, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc sẽ lần lượt vượt ngưỡng 30 nghìn tỷ USD và 10 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc đang tiến hành những bước đi vững chắc nhằm mở rộng thị trường tài chính, tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai mỏ, công nghiệp cũng như viễn thông, giáo dục, điều trị y khoa và văn hóa.

Trung Quốc cũng sẽ từng bước kích thích nhu cầu nhập khẩu nội địa, giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, ban hành những chính sách chặt chẽ về sở hữu trí tuệ và một số biện pháp khác.

Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương để bắt kịp với những mục tiêu đề ra. Nhập khẩu hàng hóa trong năm 2017 của Trung Quốc đạt 1.840 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016. Riêng nhập khẩu của nước này từ thị trường Hoa Kỳ đạt 500 tỷ USD. (Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 05/11)

Công ty Cung cấp các công cụ phân tích danh mục và chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI dự báo, việc tăng 20% tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc trong chỉ số toàn cầu MSCI vào năm 2019 có thể thu hút hơn 80 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nước này.

Tháng 9/2018, MSCI đề xuất tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc từ 5% hiện nay lên 20% vào tháng 5/2019 và tháng 8/2019. (Theo TTXVN ngày 06/11)

Trong tháng 10/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 34,01 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 36,89 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 và 35 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 159,72 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 21,4% lên 125,71 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ trong tháng 10/2018 là 31,78 tỷ USD, thấp hơn con số kỷ lục 34,13 tỷ USD trong tháng 9/2018.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ là 258,15 tỷ USD, cao hơn so với mức 222,98 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. (Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 08/11)

Trong 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017 lên 377,16 triệu tấn (tương đương 9,06 triệu thùng/ngày).

Riêng trong tháng 10/2018, khối lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc tăng 32% lên 40,8 triệu tấn. (Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/11)

Đàm phán - Ký kết

Nhật Bản và EU

Nội các Nhật Bản ngày 06/11 đã thông qua một dự luật phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ Nhật Bản hy vọng dự luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện nay (kéo dài tới 10/12) để hoàn thiện các thủ tục trong nước trước tháng 12/2018.

Nếu EU cũng hoàn tất quá trình phê chuẩn trong năm 2018, thỏa thuận thương mại chiếm tới 1/3 nền kinh tế thế giới này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 01/02/2019. Sau hơn 5 năm đàm phán, Nhật Bản và EU đã ký thỏa thuận cắt giảm thuế quan hồi tháng 7/2018.

Theo đó, Nhật Bản sẽ loại bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU kể từ năm 2035, trong khi đó, châu Âu sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan theo từng giai đoạn đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. (Theo TTXVN ngày 06/11)

Chính sách

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia - RBA (06/11) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5%, đánh dấu tháng thứ 27 liên tiếp RBA duy trì chính sách ổn định, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát và tiền lương tăng cao.

Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết, lạm phát của Australia vẫn duy trì ở mức thấp và ổn định, thấp hơn mục tiêu 2 - 3%, đồng thời được kỳ vọng sẽ tăng trong vòng một vài năm tới với tốc độ tăng vừa phải. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm xuống 4,75% vào năm 2020.

- New Zealand: Ngân hàng Trung ương New Zealand - RBNZ (08/11) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75% (từ năm 2016) để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

RBNZ dự kiến duy trì mức lãi suất hiện hành trong suốt năm 2019 và năm 2020, đồng thời cho biết động thái điều chỉnh lãi suất kế tiếp của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế.

- Hoa Kỳ: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED (08/11) quyết định giữ nguyên lãi suất trong biên độ 2 - 2,25%, với nhận định nền kinh tế vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng trưởng việc làm tích cực, chi tiêu tiêu dùng ổn định và lạm phát gần mục tiêu 2% do FED đề ra.

Mặc dù quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với nhiều nước vẫn căng thẳng, đầu tư doanh nghiệp suy yếu và thị trường nhà đất sụt giảm, nhưng FED vẫn tin tưởng vào đà phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ. Dự kiến, đợt nâng lãi suất tiếp theo của FED sẽ được tiến hành trong tháng 12/2018.