Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 10-14/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong nỗ lực cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng dài hạn.

WEF đánh giá Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Đặc biệt, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát ít biến động và tương đối thấp, tỷ lệ tiết kiệm cao đi kèm tỷ lệ đầu tư mạnh mẽ. Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam tương đối tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra là: Năng lực sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam khá thấp, chất lượng lao động chưa cao và cơ cấu của lực lượng lao động chưa thực sự phù hợp… (Theo VOV ngày 11/9)

Viện Toàn cầu McKinsey (Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey) ngày 12/9 đã công bố Báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn”.

Trong số 71 nền kinh tế được phân tích từ Báo cáo trên, 18 nền kinh tế được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn”, trong đó có 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm (1965 - 2016) và 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt 5% mỗi năm trong 20 năm (1996 - 2016) gồm: Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp

Trong nửa đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3; trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng 40,18%, tăng khoảng 31,18% so với năm 2017.

Điều này cho thấy từ khi triển khai kinh doanh đại trà trên toàn quốc ở giai đoạn đầu năm 2018 đến nay, sức tiêu thụ xăng E5 RON92 có tín hiệu khả quan . (Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương ngày 13/9)

Doanh nghiệp

Trong 8 tháng đầu năm có 10 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 9 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp.

Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.524 tỷ đồng, bao gồm 15.271 tỷ đồng giá trị vốn nhà nước. Trong tháng 8 chỉ có thêm 1 tổ chức được phê duyệt phương án cổ phần hóa, cũng là đơn vị sự nghiệp đầu tiên được duyệt phương án kể từ đầu năm.

Trong 8 tháng đầu năm, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được 3.772 tỷ đồng vốn, thu về 9.140 tỷ đồng. Tính riêng tháng 8 đã có thêm 1.240 tỷ đồng thu thêm từ hoạt động thoái vốn nhà nước. (Theo Bộ Tài chính ngày 10/9)

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) lên kế hoạch phát hành tối đa 32.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu trong năm 2018.

Đồng thời, theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt thì trong năm 2018, VAMC sẽ chi 3.500 tỷ đồng để mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Trong giai đoạn 2017 - 2018 và hướng tới năm 2022, VAMC sẽ xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (theo dư nợ gốc) và riêng năm 2018 là hơn 34.504 tỷ đồng.

Lũy kế từ tháng 10/2013 - 31/12/2017, VAMC đã mua 26.221 khoản nợ với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Về công tác thu hồi nợ, trong năm 2017, VAMC cùng các tổ chức tín dụng đã thu hồi được 30.641 tỷ đồng nợ xấu.

Lũy kế từ năm 2013 - 31/12/2017 thu hồi được 81.656 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2017, VAMC đã bán 865 khoản nợ của 731 khách hàng với giá bán nợ là 6.472 tỷ đồng; bán tài sản bảo đảm với giá bán 4.865 tỷ đồng.

(Theo VAMC ngày 10/9)

Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước năm 2015 tăng gấp đôi so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển; tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đạt 490 USD/người so với mức trung bình 690 USD/người của các nước ASEAN - nằm trong nhóm thấp nhất ở ASEAN.

Trong thời gian tới, khu vực kinh tế tư nhân phát triển, nguồn tài chính tư nhân được mở rộng sẽ là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

(Theo Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 11/9)

Tính đến ngày 31/8/2018, số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử trên cả nước là 5.918 trên tổng số 6.668 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 88,75%. Số hồ sơ tiếp nhận là 14.355 hồ sơ trên tổng số 15.449 hồ sơ đạt tỷ lệ 92,91%.

Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn thuế là 10.881 với tổng số tiền hơn 57.201 tỷ đồng. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Tính đến ngày 31/8/2018 có hơn 682.242 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,93% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 54,2 triệu hồ sơ. (Theo Tổng cục Thuế ngày 14/9)

Tổng cầu


Niềm tin tiêu dùng

Báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen cho biết, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2018 vẫn ổn định với 120 điểm, giảm 4 điểm so với quý I/2018.

Tuy nhiên, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cao ngang bằng chỉ số của quý II/2017, cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn ngưỡng trung lập. Việt Nam vẫn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng 10 quốc gia lạc quan nhất thế giới trong 2 năm qua.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn trong các quý gần đây kết hợp với sự cải thiện liên tục trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự tăng trưởng ở một vài ngành như du lịch, hoạt động giải trí và các sản phẩm công nghệ thông tin. (Theo báo Chính phủ ngày 11/9)

Ngân sách
nhà nước

Giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 8 là 4.277 tỷ đồng, tính lũy kế 8 tháng đầu năm là 152.719 tỷ đồng, bao gồm trả nợ trong nước 122.807 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 29.912 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký 1 hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá 150 triệu USD, lũy kế 8 tháng có 10 hiệp định vay vốn được ký kết với tổng trị giá 1,13 tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính ngày 10/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế thực hiện đạt khoảng 724.553 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt khoảng 40.876 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 683.677 tỷ đồng, tăng 14,7%.

Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết đạt khoảng 546.146 tỷ đồng, tăng 15,7%. So với dự toán, có 11/17 khoản thu đạt trên 66%, trong đó một số khoản thu lớn như thuế thu nhập cá nhân đạt khoảng 69,4%; tiền sử dụng đất 93,2%; thu tiền thuê đất 88,4%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước 105%; thu cổ tức và lợi nhuận còn lại 67,2%...

So với cùng kỳ năm 2017, có 15/17 khoản thu đạt tốc độ tăng trưởng khá là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,6%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 20,2%; thuế thu nhập cá nhân tăng 21,5%; lệ phí trước bạ tăng 9,7%; tiền thuê đất tăng 27,7%; tiền sử dụng đất tăng 17,6%...

(Theo Tổng cục Thuế ngày 06/9)

Tính đến hết tháng 8/2018, tổng số tiền thuế nợ của cơ quan thuế là hơn 82.800 tỷ đồng, tăng 1.340 tỷ đồng so với ngày 31/7/2018.

Trong đó, tổng số tiền thuế nợ từ 90 ngày trở lên là hơn 48.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% tổng số tiền thuế nợ, bao gồm: Các khoản thuế, phí là 22.859 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 27,6% tổng số tiền thuế nợ); các khoản nợ liên quan về đất là 8.856 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 10,7% tổng số tiền thuế nợ); các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 16.308 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 19,7% tổng số tiền thuế nợ). (Theo Tổng cục Thuế ngày 12/9)

Trong 8 tháng, cơ quan thuế đã thực hiện 50.178 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 56,25% kế hoạch với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 8.998,97 tỷ đồng, giảm khấu trừ 814,92 tỷ đồng; giảm lỗ 13.685,55 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách là 4.599,38 tỷ đồng, đạt 51,11% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. (Theo Tổng cục Thuế ngày 06/9)

Xuất - nhập khẩu

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã không ngừng được mở rộng và với tiềm năng của mình, châu Phi tiếp tục là một thị trường tiềm năng đối với Việt Nam.

Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết 55 nước châu Phi. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi đã tăng từ 5,2 tỷ USD trong năm 2015 lên 6,7 tỷ USD vào năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 723,7 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 212,7 triệu USD, giảm 67%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2018, đã có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi đầu tư vào Việt Nam với tổng số 247 dự án, giá trị 1,562 tỷ USD.

Theo chiều ngược lại, tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã đầu tư 33 dự án sang 12 nước châu Phi với tổng vốn 2,597 tỷ USD.

(Theo TTXVN ngày 10/9)

Việc tăng 10% tính minh bạch theo yêu cầu của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của WTO (TFA) sẽ mang lại kim ngạch nhập khẩu hằng năm tăng thêm 8,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, việc giảm một ngày trong thời gian xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ làm tăng tối thiểu 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm, tương đương 2,13 tỷ USD. Đối với một số mặt hàng quan trọng trong nông nghiệp và các hàng hóa nhạy cảm với thời gian, mức tăng có thể lên đến 6%.

Giảm 5 ngày sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,65 tỷ USD. (Theo chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu - GATF ngày 10/9)

Kể từ quý II/2018 đến nay, xuất khẩu tôm vẫn trong xu hướng sụt giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 và thể hiện rõ trong quý III năm nay. Xuất khẩu tôm tháng 7/2018 giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017, do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh; tháng 8/2018 giảm 17%...

Nguồn cung tôm thế giới tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam. Do vậy, xuất khẩu tôm trong năm 2018 chỉ đạt khoảng 3,7 - 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017, thay vì trên 4 tỷ USD như dự báo hồi đầu năm. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 13/9)

Tháng 8/2018, xuất khẩu hàng thủy sản (sau khi tăng trưởng chậm trong tháng 6 và tháng 7/2018) đã tăng mạnh trở lại, đạt 861,5 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng 8/2017.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,59 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tháng 8/2018, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ tăng trưởng vượt bậc, tăng 46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 188,7 triệu USD.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 982,9 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong các tháng tới, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là mặt hàng tôm. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 14/9)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2017 có hơn 240.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm 18,8% số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Lao động Việt Nam là cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc có 373.000 người, chiếm 29,1%.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng lao động nhanh nhất trong cộng đồng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về trình độ, năng lực. (Theo TTXVN ngày 12/9)

Theo Dự thảo Nghị định quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thay thế cho Nghị định số 141/2017/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lên 2,92 - 4,14 triệu đồng/tháng. Mức tăng nhiều nhất là 5,8%, áp dụng cho Vùng IV và thấp nhất là 5% áp dụng cho vùng I.

Cụ thể, lương tối thiểu tại Vùng I tăng thêm 5,0% (mức mới 4.180.000 đồng/tháng), lương tối thiểu tại Vùng II tăng thêm 5,1% (mức mới 3.710.000 đồng/tháng), lương tối thiểu tại Vùng III tăng thêm 5,2% (mức mới 3.250.000 đồng/tháng), lương tối thiểu tại Vùng IV tăng thêm 5,8% (mức mới 2.920.000 đồng/tháng).

Trong 8 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 86.047 người, đạt 78,22% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 8 là 13.118 lao động.

Nhật Bản dẫn đầu trong số các thị trường tiếp nhận lao động trong tháng 8 với 6.884 người, tiếp đến là Đài Loan: 5.131 người, Hàn Quốc: 542 người. Các thị trường tiếp nhận với quy mô trong khoảng 100 lao động là Malaysia: 100 người, Algeria: 82 lao động nam, Ả rập-Xê út: 71 lao động nữ...

Đến nay, cả nước có 341 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. (Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ngày 12/9)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá, 1 ngày không thay đổi và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 08/9 so với ngày 07/9, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,52 - 36,68 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 40 nghìn đồng/lượng ở chiếu bán ra.

- Doji: 36,57 - 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 30 nghìn đồng/lượng ở chiếu bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 1 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 08/9, tỷ giá trung tâm là 22.690 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 07/9; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 07/9 như sau:

- Vietcombank: 23.210 - 23.290 VND/USD, giảm 15 đồng.

- BIDV: 23.220 - 23.300 VND/USD, giảm 40 đồng

- Viettinbank: 23.184 - 23.284 VND/USD, giảm 14 đồng.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Ngày 10/9, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN - HoSE) đã phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu lãi suất cố định được bảo lãnh thanh toán của Credit Guarantee and Investment and Facility (CGIF - Quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á đã được S&P xếp hạng AA).

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam là đại lý phát hành. Cụ thể, trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, lãi suất cố định 6,8%/năm và kỳ hạn 5 năm và không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh và không phải nợ thứ cấp của Công ty. Đây là lần phát hành trái phiếu đầu tiên của PAN.

Công ty cổ phần Tập đoàn PAN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đóng gói cao cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới.

Sau 5 năm hoạt động, doanh thu của PAN tăng trưởng bình quân gần 80%/năm và Công ty dự kiến tiếp tục mở rộng kinh doanh trong những năm tới. Kết thúc quý II/2018, PAN ghi nhận ghi nhận doanh thu hợp nhất trên 3.546 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế gấp đôi cùng kỳ năm 2017, xấp xỉ 204,7 tỷ đồng. Lãi ròng của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 113,4 tỷ đồng, tăng 66%.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 03 - 07/9/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,39 điểm (0,34%) lên 991,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 183,79 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.113,86 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,51 điểm (0,45%) lên 113,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 46,17 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 606,7 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,23 điểm (0,44%) lên 51,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 18,8 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 317,42 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11.612.684 triệu đơn vị, trị giá 887,27 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 14,23 triệu đơn vị, trị giá 870,46 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 10,64 triệu đơn vị, trị giá 51,56 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,97 triệu đơn vị, trị giá 2,01 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 1,42 triệu đơn vị, trị giá 27,63 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 352.684 đơn vị, trị giá 18,82 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 1,62 triệu đơn vị, trị giá 15,71 tỷ đồng).

Chính sách

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP

Ngày 12/9/2018, Chinh phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

- Hộ, cá nhân kinh doanh (trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp… hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ).

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính (trừ doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

Thông tư số 68/2018/TT-BTC

Ngày 06/8/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2018/TT-BTC hướng dẫn xác định nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP, theo đó:

- Các bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn theo quy định để chi trả tiền lương tăng thêm.

- Các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có nguồn lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định 72, địa phương chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương.

- Đối với các địa phương còn khó khăn, ngân sách cấp trên thực hiện tạm cấp kinh phí cho ngân sách cấp dưới chưa đủ nguồn.

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn về nguồn kinh phí để thực hiện tăng lương của các tỉnh/thành phố trực thuộc TW như sau:

- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.

- Sử dụng nguồn 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng giao.

- Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có)…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/9/2018.