Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 10-15/7/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính Việt Nam

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Ngày 13/7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện “sức dẻo dai” nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của đất nước.

Đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,7%, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát cơ bản duy trì dưới 2%.

Trong năm 2017, GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt 6,3%, nhờ sức cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018 - 2019, cùng với ổn định chung về kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị nhà nước đã thoái vốn giá trị 3.466 tỷ đồng, thu về 14.842 tỷ đồng (bao gồm các các khoản thoái vốn trong năm 2016 được báo cáo trong đầu năm 2017).

Trong đó, các công ty thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm 47 tỷ đồng, thu về 46 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.024 tỷ đồng, thu về 2.557 tỷ đồng.

Về tiến trình cổ phần hóa, có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt 31,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 7.942 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 19 đơn vị là 8.820 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 4.035 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 3.073 tỷ đồng, bán cho người lao động 69 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 12 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 1.630 tỷ đồng.

(Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số ngày 11/7)

Trong quý II/2017, thị trường mua bán ô tô ghi nhận nhiều biến động về số lượng và giá bán. Thông tin thuế nhập khẩu đối với xe ô tô từ ASEAN về Việt Nam có thể giảm về mức 0% từ ngày 01/01/2018 theo cam kết WTO, tạo đà làm thị trường sôi động.

Giá bán các dòng xe phổ thông có xu hướng giảm khoảng 25 - 30% so với cùng thời điểm năm 2016, đặc biệt đối với các mẫu được nhập khẩu nguyên chiếc.

Đối với một số loại xe đã qua sử dụng năm 2014 - 2017, giá bán rẻ hơn 35% so với việc mua xe mới. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong nửa đầu năm 2017 lại giảm 1% so với năm 2016, đạt 134.268 xe.

Trong đó, ô tô du lịch tăng 7%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 18%. Xét về xuất xứ, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 6%, trong khi xe nhập khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 10/7 và Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 12/7)

Doanh số bán hàng toàn thị trường xe máy trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1.527.288 xe, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016 (doanh số 6 tháng đầu năm 2016 là 1.444.182 xe).

Đây là tổng lượng xe bán ra của 5 hãng lớn gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM, không phải là số sản xuất và không bao gồm số lượng xuất khẩu.

Trung bình mỗi tháng, 5 hãng xe máy lớn nhất Việt Nam bán được hơn 250.000 sản phẩm. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM ngày 11/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu ngành viễn thông ước đạt 213.355 tỷ đồng, bằng 47,41% so với kế hoạch năm 2017; số thuê bao 2G khoảng 68,8 triệu, 3G khoảng 54,2 triệu và 7,3 triệu thuê bao cố định; số lượng thuê bao internet băng rộng có dây tiếp tục tăng với hơn 10,11 triệu thuê bao. (Theo Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 14/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 792 đơn vị nợ tiền thuế, phí, tiền thuê đất với tổng số tiền 2.793 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 249 doanh nghiệp nộp 101.701 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.

Trong nửa đầu tháng 7/2017, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp tục công khai danh sách 147 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ là 63.443 triệu đồng. Trong đó có 145 doanh nghiệp nợ 58.480 triệu đồng thuế, phí và 5 đơn vị nợ 4.963 triệu đồng tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố danh sách 209 doanh nghiệp nợ thuế (tính đến cuối tháng 5/2017), với số thuế nợ đọng trên 2.118,82 tỷ đồng. (Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội ngày 13/7)

Tổng cầu


Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Báo cáo năm 2016 về tổng quan lĩnh vực tài chính, tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện cho thấy, tổng dư nợ/GDP của toàn lĩnh vực này tại Việt Nam đã tăng từ 7,3 tỷ USD (năm 2012) lên 26,55 tỷ USD (năm 2016).

Tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ (9,8% vào cuối năm 2016), song tốc độ phát triển đang tăng nhanh. Theo TS. Cấn Văn Lực, tiêu dùng tại Việt Nam chiếm 78% GDP, tương đương khoảng 3,8 triệu tỷ đồng.

Do đó, nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, giúp GDP cả năm 2017 đạt kế hoạch 6,7%. (Theo Báo đầu tư ngày 12/7)

Xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%; trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc là 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính, số liệu này phản ánh xu hướng phụ thuộc của Việt Nam vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR ngày 10/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2017:

- Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 97,72 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (năm 2016 chỉ tăng 5,7%, năm 2015 tăng 9,3%, hai năm 2014 và 2013 tăng trưởng lần lượt là 15,3% và 15,1%).

- Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 24,1% hay 100,5 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đạt gần 198,22 tỷ USD, tăng 21,5% (tương ứng tăng hơn 35,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016). Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 2,78 tỷ USD, bằng 2,8% kim ngạch xuất khẩu.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 11/7)

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2017 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016, nhờ tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và dẫn đầu giá trị xuất khẩu phân theo sản phẩm đạt khoảng 1,5 tỷ USD; cá tra đạt 813 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2016; bạch tuộc đạt 327 triệu USD, tăng 54%...

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xu hướng tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017 sẽ tiếp tục nhận được sự tác động tích cực từ xuất khẩu các mặt hàng hải sản trong những tháng tới. (Theo VASEP ngày 09/7)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Tính đến hết tháng 6/2017, lao động có bằng cấp/chứng chỉ của Việt Nam chỉ chiếm 20,9% lực lượng lao động cả nước, tăng 3,5% so với năm 2006. Tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ ở thành thị cao hơn rất nhiều so với ở nông thôn (37,4% so với 13,1%).

Tỷ lệ lực lượng lao động nữ có bằng cấp/chứng chỉ thấp hơn so với nam (18,4% so với 23,3%). Bên cạnh đó, cơ cấu lao động lạc hậu và tốc độ chuyển dịch chậm, phản ánh thực trạng lạc hậu của nền kinh tế và cản trở nỗ lực gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội ngày 13/7)

Lãi suất

Ngày 07/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành kể từ tháng 3/2014.

Như vậy, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.

- Kể từ ngày 10/7, Vietcombank tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND được điều chỉnh giảm 0,5%/năm đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống 8%/năm.

Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

- Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu ngày 12/7 đã triển khai gói vay 10.000 tỷ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho cá nhân và doanh nghiệp, với mức lãi suất từ 7%, thấp hơn so với lãi suất cho vay trước đây trong 5 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên theo chủ trương giảm lãi suất cho vay ngắn hạn theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 của NHNN.

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày giảm giá, 4 phiên tăng và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 15/7), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,17 - 36,42 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra so với ngày 14/7.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,28 - 36,34 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 14/7.

- Doji: 36,27 - 36,35 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 14/7.

Tỷ giá

Tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2017 tương đối ổn định. Mặc dù NHNN liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhưng mức độ tăng qua từng phiên không quá lớn; tính chung trong 2 quý đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,2% so với thời điểm cuối năm 2016.

Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lại gần như không có thay đổi so với thời điểm đầu năm, do cán cân cung cầu ngoại tệ trên thực tế có xu hướng nghiêng về phía cung, hỗ trợ tích cực cho giá trị VND.

Với diễn biến ổn định trong các tháng qua, sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối và khả năng không có diễn biến nào quá bất thường liên quan đến các đồng tiền chủ chốt. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2 - 3% trong năm 2017. (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 09/7)

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 16 đồng với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giá không đổi.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 15/7), tỷ giá trung tâm là 22.445 NVD/USD, giảm 2 đồng so với ngày 14/7, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có nhiều biến động, một số ngân hàng không có nhiều biến động so với ngày 14/7 như sau:

- Vietcombank, BIDV: 22.700 - 22.770 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.690 - 22.780 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.690 - 22.760 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Tính đến hết ngày 06/7/2017, tổng khối lượng huy động TPCP đạt 130.944,7 tỷ đồng, hoàn thành hơn 71% kế hoạch năm.

Kỳ hạn vay trung bình là 13,97 năm, qua đó nâng kỳ hạn trung bình của cả danh mục TPCP từ 5,98 năm tại thời điểm hết năm 2016 lên 6,8 năm tại thời điểm hiện nay. Lãi suất phát hành giảm mạnh so với cuối năm 2016. (Theo Kho bạc Nhà nước ngày 07/7)

Trong tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành ngày 12/7, với tổng khối lượng gọi thầu là 4.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 30 năm, khối lượng trúng thầu 4.000 tỷ đồng (đạt 100%):

- 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,69%/năm.

- 7 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,95%/năm.

- 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,38%/năm.

- 30 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 6,65%/năm.

Kể từ đầu năm 2017 đến ngày 12/7, KBNN đã huy động thành công 134.944,6593 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 10 - 14/7/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,7 điểm (-0,99%) xuống 777,6 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 205,82 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.853,27 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,33%) xuống 100,43 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 66,92triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 659,34 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,14 điểm (0,25%) lên 56,73 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt6,79triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 65,52 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.978.050 đơn vị, trị giá 383,15 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VCI với khối lượng đạt 5,83 triệu đơn vị, trị giá 344,54 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng đạt 3,31 triệu cổ phiếu, trị giá 88,73 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 2,11 triệu đơn vị (trong khi tuần trước mua ròng 7,19 triệu đơn vị), tuy nhiên xét về giá họ vẫn mua ròng 372,2 tỷ đồng, tăng 86,6% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 5 phiên bán ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 4,67 triệu đơn vị, trị giá 16,63 tỷ đồng, tăng 12,8% về lượng và 21,54% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 801.950 đơn vị, trị giá 27,58 tỷ đồng, giảm 27% về lượng và 53,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

BIDV và KBNN

Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KBNN ngày 11/07 đã ký kết Thỏa thuận liên tịch phối hợp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Văn phòng KBNN Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở tài khoản chuyên thu tại Chi nhánh BIDV Sở Giao dịch 2 để hai bên thực hiện phối hợp thu NSNN và thanh toán điện tử song phương tập trung, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu đẩy nhanh tiến độ thông quan xuất, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường. (Theo báo Công lý ngày 13/7)

Chính sách

Quyết định số 1001/QĐ-TTg

Ngày 10/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020.

Theo đó có 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH một thành viên In và phát hành biểu mẫu thống kê; Công ty TNHH một thành viên In thống kê thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn 2017 - 2020 có 132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước. Ngoài ra có 3 doanh nghiệp xử lý theo phương thức đặc thù gồm Công ty cổ phần nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên - Huế; Công ty cổ phần dịch vụ thương mại công nghiệp; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi.

Công bố 6 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

Ngày 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.

- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp hành chính…

- Luật Đường sắt 2017 gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005.

- Luật Chuyển giao công nghệ 2017 gồm 6 chương, 60 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ…

- Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều (giảm 20 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch…

- Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi...

Nhận định
chuyên gia

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR (10/7):

Trái với năm 2016, tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng nhanh, trong khi tăng trưởng huy động giảm, làm cho chênh lệch huy động - tín dụng bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm cho lượng tiền gửi của KBNN vào hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng, giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Tính đến ngày 20/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây; trong khi tăng trưởng huy động giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016, chỉ đạt 5,89% (cùng kỳ năm 2016 là 8,23%).

Bên cạnh đó, tiền gửi của KBNN tính đến cuối tháng 4/2017 đạt 122.000 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm, phản ánh việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.