Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 18-23/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Quỹ bình ổn - giá xăng dầu

Từ 15h ngày 20/12/2017, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: Xăng khoáng: 523 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 585 đồng/lít); xăng E5: 546 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 604 đồng/lít); dầu diesel: 417 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 388 đồng/lít); dầu hỏa: 460 đồng/lít (kỳ trước sử dụng 485 đồng/lít); dầu mazut: 80 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 239 đồng/kg).

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu. Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng RON 92 là 18.580 đồng/lít; xăng E5 là 18.243 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 15.169 đồng/lít; dầu hỏa là 13.617 đồng/lít; dầu mazut 180 CST 3.5S là 12.382 đồng/kg.

(Theo Bộ Công Thương ngày 20/12)

Doanh nghiệp

Số liệu từ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 được tổ chức ngày 15/12 cho thấy, số lượng doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, từ 700 doanh nghiệp (năm 2005) lên hơn 1.200 doanh nghiệp (năm 2012), tốc độ phát triển dịch vụ đạt khoảng 16 - 20%/năm.

Hiện nước ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài; khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới cho biết, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam xếp hạng thứ 64/160 quốc gia trong năm 2016, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Chi phí logistics ở Việt Nam ở mức cao, tương đương 20% GDP (trong khi các nước phát triển chỉ khoảng 9 - 14%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP.

(Theo vov.vn 15/12)

Hiện có 63% doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị gì cho hành trang hội nhập, số ít doanh nghiệp chuẩn bị rất mơ hồ và chỉ có 0,001% doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng. Vì vậy cần phải có các giải pháp cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ít chi phí hơn. Những rào cản hiện nay đang ngăn cản doanh nghiệp tận dụng cơ hội nhưng lại tạo cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. (Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương ngày 20/12)

Trong năm 2017, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đã phân phối khoảng 12,3 triệu m3/tấn xăng, dầu các loại (theo các hình thức kinh doanh, tạm nhập tái xuất, phân phối ra thị trường), tăng khoảng 7% so với năm 2016. Tổng doanh thu khoảng 152.900 tỷ đồng, cũng tăng khoảng 7% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của Petrolimex tăng khoảng 1%, đạt 4.736 tỷ đồng.

Năm 2018, Petrolimex sẽ tập trung đầu tư lớn vào hệ thống bán lẻ xăng dầu; đồng thời tăng trưởng mạnh các sản phẩm nhiên liệu sạch (xăng E5, diezel EURO5) theo nhu cầu của thị trường, từ các nhà sản xuất động cơ áp dụng tiêu chuẩn khí thải chất lượng cao. (Theo Petrolimex ngày 19/12)

Năm 2017, tổng doanh thu phát sinh công nghệ thông tin đạt khoảng 1,723 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 13,15%). Trong đó doanh thu phần cứng đạt khoảng 1,507 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 37.000 tỷ đồng (tăng khoảng 7,81% so với năm 2016). Có khoảng 27.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, 4 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động. (Theo Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 22/12)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giảm chi phí cho doanh nghiệp từ năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát hơn 70 dự án BOT đang hoạt động và quyết định giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho xe loại 4 và loại 5 (là các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án. 27 dự án có mức phí đã thấp hơn mức trung bình nên không tiến hành giảm giá, 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nên không đảm bảo phương án tài chính nếu giảm giá.

Phương án giảm giá sử dụng đường bộ được các trạm áp dụng với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng; nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng.

(Theo vov.vn ngày 17/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 18/12 đã phê duyệt khoản vay trị giá 150 triệu USD cho Việt Nam nhằm giúp cải thiện tính kết nối kinh tế và nâng cao mức sống tại 4 tỉnh đông bắc (gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn) thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản.

Sự hỗ trợ này sẽ giúp ích cho hơn 212.000 người. Tổng chi phí của dự án là 195,9 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 45,9 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý 1/2023. (Theo TTXVN ngày 18/12)

Ngân sách Nhà nước

Tính đến hết ngày 15/12/2017:

- Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.222.567 tỷ đồng. Trong đó, thu cân đối NSNN đạt 1.099.586 tỷ đồng (thu nội địa là 865.755 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu 184.650 tỷ đồng; thu dầu thô 43.555 tỷ đồng; thu viện trợ 5.625 tỷ đồng), đạt 90,71% dự toán năm.

- Toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hiện và thu giữ 158 tờ tiển giả các loại và trả lại 3.509 món tiền khách hàng nộp thừa với tổng số tiền là hơn 6,4 tỷ đồng. Về chi thường xuyên, toàn hệ thống đã kiểm soát chi đạt 746.504 tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Thông qua công tác kiểm soát chi, các đơn vị đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 15.354 khoản chi chưa đủ thủ tục. Số tiền thực từ chối thanh toán là 42,7 tỷ đồng. Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, hệ thống KBNN đã kiểm soát chi đạt trên 245.000 tỷ đồng, bằng 72,1% so với kế hoạch năm.

(Theo KBNN ngày 21/12)

Xuất nhập khẩu

Trong năm 2016, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 70 tỷ USD. 11 tháng năm 2017, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 30 tỷ USD (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016), giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 52 tỷ USD. Thâm hụt thương mại đang ngày càng tăng, gây ra những hệ lụy cho cán cân xuất, nhập khẩu của Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp. (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ngày 15/12)

Tính đến giữa tháng 12/2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 400 tỷ USD, gấp 2 lần về giá trị sau 6 năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên ASEAN.

Cứ sau khoảng 5 năm, giá trị xuất - nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp đôi, đi liền với đó là quy mô nền kinh tế cũng tăng theo, cụ thể: 100 tỷ USD, quy mô nền kinh tế là 77,4 tỷ USD (01/12/2007); 200 tỷ USD, quy mô nền kinh tế là 133 tỷ USD (24/12/2011), 400 tỷ USD, quy mô nền kinh tế cũng đạt trên 200 tỷ USD (12/2017). Chỉ trong 10 năm (2007 - 2017), trị giá kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước tăng thêm 4 lần. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 19/12)

Trong tháng 12/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 335,862 triệu USD. Tính chung năm 2017 xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với cùng kỳ 2016, do các cơ quan chức năng đã đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự báo tiềm năng của xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tương lai rất triển vọng, có thể đạt và vượt năm 2017. Rau quả nhập khẩu năm 2017 đạt hơn 1,555 tỷ USD, tăng 68,12 % so với cùng kỳ 2016. Trong cả năm 2017, rau quả xuất siêu đạt hơn 1,958 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam ngày 21/12)

Trong nửa đầu tháng 12 (01 - 15/12/2017):

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 9,56 tỷ USD, giảm 9,8% so với nửa cuối tháng 11. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt khoảng 204 tỷ USD, vượt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 16 tỷ USD và cao gấp 4,2 lần kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 sẽ vượt ngưỡng 210 tỷ USD.

- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 10,05 tỷ USD, tăng 3,6% so với nửa cuối tháng 11. Lũy kế từ đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt khoảng 201,28 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 2,72 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/12)

Dưới sự trợ giúp của các ngành nghề khoa học công nghệ và chất bán dẫn, thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã tăng trưởng nhanh kể từ khi Hiệp định thương mại tự do song phương có hiệu lực vào 2 năm trước. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, thương mại Việt - Hàn 11 tháng năm 2017 đạt 58,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam của hàng hóa Hàn Quốc đạt 22,3%, chỉ sau Trung Quốc.

Trong đó, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng 48,4%, đạt 43,7 tỷ USD, với các hàng hóa như chất bán dẫn, màn hình, thiết bị thông tin không dây và linh kiện điện tử; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam tăng 29,2%, đạt 14,8 tỷ USD, phần lớn là thiết bị thông tin không dây, quần áo, trang sức và các vật dụng cần thiết khác. Hai quốc gia hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020. (Theo Hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 19/12)

Số liệu của Cục Thống kê Séc cho thấy, những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc hằng năm đều tăng, năm 2015 đạt 755 triệu USD, năm 2016 đạt 912,5 triệu USD. Dự báo, năm 2017, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều sẽ đạt 1 tỷ USD.

Tính đến tháng 11/2017, Cộng hòa Séc mới có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 110 triệu USD, ngược lại Việt Nam chỉ có 4 dự án đầu tư sang Séc với tổng vốn đăng ký khoảng 5 triệu USD. Bộ Công Thương Séc đã chọn Việt Nam là một trong 12 thị trường xuất khẩu chiến lược đến năm 2020. (Theo TTXVN ngày 16/12)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 23/12, so với ngày 22/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,37 - 36,59 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,46 - 36,52 triệu đồng/lượng, tăng 90 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,46 - 36,54 triệu đồng/lượng, tăng 90 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 3 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 23/12, tỷ giá trung tâm là 22.433 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 22/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại ổn định so với ngày 22/12 như sau:

- Vietcombank: 22.675 - 22.745 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD, không thay đổi.

Dự trữ ngoại hối

Tính đến ngày 16/11, thị trường ngoại hối của Việt Nam đã được kiểm soát, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng cao nhất từ trước đến nay, khoảng 48 tỷ USD và có xu hướng tăng nhanh trong tháng 12/2017. VnEconomy tham khảo một số thành viên lớn trong hệ thống, cùng với nguồn tin cậy cho biết, lượng ngoại tệ các tổ chức bán ròng lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có quy mô lớn, đạt khoảng 1,5 tỷ USD kể từ ngày 16/11.

Dự kiến kết thúc năm 2017, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt kỷ lục mới, khoảng 47,5 - 48 tỷ USD, củng cố thêm một nguồn lực quan trọng của quốc gia. Lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng đạt khoảng 8 - 8,5 tỷ USD kể từ đầu năm, phần lớn xuất phát từ nguồn lực ngoại tệ trong dân cư chuyển đổi sang VND để đưa vào đầu tư, tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh… (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 17/12 và NHNN ngày 21/12)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 18/12 - 22/12/2017, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,26 điểm (0,66%) lên 952,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 221,5 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.929,6 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiển giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,47) xuống 113,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 54,11triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 781,83 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,2 điểm (0,36%) lên 54,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 18,09triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 172,45 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 36,9 triệu đơn vị, trị giá 1.167,52 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 1,71 triệu đơn vị, trị giá 3.471,15 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là SAB với khối lượng 6,58 triệu cổ phiếu, trị giá 400,75 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp, với khối lượng 30,33 triệu đơn vị, trị giá 973,12 tỷ đồng, tăng 228,35% về lượng và hơn 197% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,2 triệu đơn vị, trị giá 50,93 tỷ đồng, tăng 8,69% về lượng và 61,22% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp, với khối lượng 4,37 triệu đơn vị, trị giá 143,47 tỷ đồng, tăng mạnh 160,3% về lượng và 134,58% về giá trị so với tuần trước.

Ngày 18/12/2017, tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) diễn ra buổi đấu giá chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với sự tham gia của 2 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 1 tổ chức (Công ty TNHH Vietnam Beverage) và 1 cá nhân đã đăng ký mua tổng cộng 343,68 triệu cổ phần SAB, tương đương 53,6% cổ phần lưu hành của Sabeco.

Kết quả đấu giá, nhà đầu tư cá nhân đã mua được 20.000 cổ phiếu Sabeco đã đăng ký với mức giá 320.500 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm. Theo đó, mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị Bộ Công Thương thu về hơn 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.

(Theo HOSE ngày 18/12)

Tính đến ngày 15/12:

- Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận niêm yết cho 16 doanh nghiệp với giá trị đăng ký niêm yết mới đạt 3,58 nghìn tỷ đồng. Hiện có 383 doanh nghiệp niêm yết trên HNX với giá trị vốn hóa thị trường đạt 214,6 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cuối năm 2016.

- Thị trường UPCoM cũng có số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn hóa thị trường tăng nhanh. HNX đã chấp thuận và đưa vào giao dịch 231 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM lên 681, vốn hóa thị trường đạt hơn 603 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2016. Thanh khoản thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,6 triệu cổ phiếu/phiên, trị giá 218 tỷ đồng/phiên, tăng 35% về khối lượng và 71% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động đấu giá cũng diễn ra sôi động. HNX đã tổ chức 44 phiên đấu giá cổ phần, trong đó chủ yếu là đấu giá thoái vốn nhà nước (chiếm tỷ lệ 73%). Tổng khối lượng trúng giá đạt hơn 259 triệu cổ phần, tương ứng tổng giá trị bán được đạt hơn 4.573 tỷ đồng.

(Theo HNX ngày 20/12)

Chứng khoán

Tính đến ngày 15/12, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng khoảng 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

Khối lượng OI của toàn thị trường đạt 6.796 hợp đồng, gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên. Thị trường chứng khoán phái sinh hiện có 7 công ty chứng khoán thành viên và 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở. (Theo HNX ngày 20/12)

Trái phiếu

Tính đến ngày 15/12/2017:

- Trên thị trường TPCP sơ cấp, HNX đã tổ chức 238 đợt đấu thầu, huy động được hơn 189 nghìn tỷ đồng, trong đó KBNN huy động được 158 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm.

- Trên thị trường TPCP thứ cấp, mặc dù quy mô niêm yết chỉ tăng 8,4% so với năm 2016 nhưng quy mô giao dịch tăng 33%, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 8,8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với năm 2016, trong đó có tới ¼ số phiên có giá trị giao dịch trên 10 nghìn tỷ đồng/phiên, đặc biệt giao dịch Repo tăng 74,1% so với 2016, chiếm 48,5% tổng giá trị giao dịch thị trường.

(Theo HNX ngày 20/12)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Quỹ Kuwait về Phát triển kinh tế Ả Rập (Quỹ Kuwait):

Ngày 19/12, Việt Nam và Quỹ Kuwait về Phát triển kinh tế Ả Rập (Quỹ Kuwait) đã ký Hiệp định vay vốn cho Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trị giá 2,8 triệu Dinar Kuwait, tương đương khoảng 9,326 triệu USD (khoảng trên 212 tỷ VND). Dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Tính đến tháng 12/2017, Quỹ Kuwait đã hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam để thực hiện 14 dự án với tổng trị giá 49,7 triệu Dinar Kuwait (tương đương khoảng 168,776 triệu USD). Vốn vay Quỹ Kuwait được tập trung cho các Dự án cơ sở hạ tầng nông thôn như các công trình giao thông, thủy lợi nhỏ của các tỉnh nghèo.

Chính sách

Nghị định số 146/2017/NĐ-CP:

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015. Theo đó, sản phẩm xuất khẩu liên quan đến tài nguyên, khoáng sản không phải chịu thuế giá trị gia tăng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản chưa chế biến thành sản phẩm khác;

- Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:

+ Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản mà trong quy trình chế biến đã ra sản phẩm khác, sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu.

+ Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

Quyết định số 2027/2017/QĐ-TTg:

Ngày 15/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2027/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 3).

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương và danh mục dự án, giao các bộ, cơ quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 3) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

- Thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 3) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.