Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 23/4-05/5/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Dịch vụ

Trong quý I/2018, lượng khách quốc tế du lịch đến Việt Nam tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng với 4.205.401 lượt khách, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Khách nội địa đạt 23,5 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 11,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 161.600 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/4)

Tăng trưởng

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 theo 3 kịch bản: Kịch bản 1, tăng trưởng GDP đạt 6,71%/năm; kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.

Chính sách kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đồng thời chưa áp dụng tăng thuế đối với doanh nghiệp. (Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4)

Doanh nghiệp

Trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2017. Tính riêng tháng 4/2018:

- Cả nước có 14.510 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 133,5 nghìn tỷ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký so tháng 3; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 8,3%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là gần 106,7 nghìn người, tăng 54,7%.

- Cả nước có 3.281 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 82,2% so tháng 3; có 6.138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,3%; có 1.378 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 74%.

(Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngày 01/5)

Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam - Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần quý I/2018 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 45.430 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp này thu về gần 493 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu với 45.137 tỷ đồng, tăng 30%, theo sau là doanh thu từ cung cấp dịch vụ gần 304 tỷ đồng.

Khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết mang về cho Petrolimex gần 184 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt hơn 1.003,6 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 03/5)

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2018 tăng khoảng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 14%, đóng góp 10,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung… (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/4)

Ngành thép đang tăng trưởng tốt nhờ nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành.

Sản lượng thép sản xuất tháng 4/2018 đạt 850 nghìn tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017; đưa lượng thép sản xuất trong 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8%. Lượng thép tiêu thụ tháng 4 đạt 830 nghìn tấn; lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9%.

Dự báo năm 2018, toàn ngành thép sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20 - 22% so với năm 2017. Trong đó, thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng 154%, thép lá cuộc cán nguội 5%, thép ống hàn 15%, tôn mạ vàng và sơn phủ màu 12%. (Theo Bộ Công Thương ngày 03/5)

PMI

PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng từ 51,6 điểm của tháng 3 lên 52,7 điểm trong tháng 4, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong suốt 29 tháng qua. Nhân tố chính góp phần làm cải thiện các điều kiện hoạt động sản xuất là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng mạnh hơn. (Theo Nikkei ngày 02/5)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Số dư Quỹ bình ổn (BOG) tính đến trước 15h ngày 23/4 còn khoảng 2.692 tỷ đồng, giảm 48 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 07/4.

Trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15h ngày 23/4. Theo đó, mặt hàng xăng E5 RON 92 và RON 95 giữ nguyên, trong khi giá dầu diesel 0,05S tăng 380 đồng/lít, dầu hỏa tăng 500 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 407 đồng/kg.

Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho xăng E5 RON 92 là 958 đồng/lít, xăng RON 95 là 451 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa là 200 đồng/lít. Sau khi áp dụng quỹ bình ổn, mức trần của xăng E5 RON 92 là 18.932 đồng/lít, xăng RON 95-III là 20.500 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 16.734 đồng/lít, dầu hỏa là 15.581 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 13.360 đồng/kg.

(Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 23/4)

Tổng cầu

Xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam quý I/2018 đạt khoảng 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,5%; vải đạt 335 triệu USD, tăng 20,5%; xơ sợi và vải không dệt đạt 906 triệu USD và 129 triệu USD tăng lần lượt 16,5% và 10,26%; nguyên phụ liệu đạt 272 triệu USD, tăng 16,7%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 22,82%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,7%.

Trong năm 2018, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 34 - 34,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là các đối tác nhập khẩu dẫn dầu đà tăng trưởng, đạt lần lượt là 15,2%, 16,1% và 12%. (Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam ngày 23/4)

Trong tháng 4/2018, cả nước nhập khẩu khoảng 2.500 ô tô nguyên chiếc, với kim ngạch 80 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và 6% về kim ngạch với tháng 3. Phần lớn ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan.

Tính trong tuần từ ngày 20 - 26/4, trong số 556 xe nguyên chiếc được nhập khẩu về nước vẫn chưa có chiếc xe nào mang xuất xứ từ Indonesia, trong khi ô tô nhập khẩu từ nước này thường chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô những năm gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ của ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam là do thủ tục Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA) do Chính phủ nước này cung cấp được chấp nhận sau Thái Lan.

Hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN đều có xuất xứ Thái Lan, trong khi xe có xuất xứ Indonesia phần lớn là của hãng Toyota với mẫu xe Fortuner và tới đây là Avanza và Wigo. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 03/5)

Trong giai đoạn 2011 - 2017, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ ô tô nguyên chiếc các loại của Việt Nam tăng cao và đạt đỉnh điểm trong các năm 2015 - 2016, với bình quân gần 120.000 chiếc/năm.

Năm 2017, số xe nhập khẩu của cả nước đạt hơn 97.000 chiếc, giảm 13,6% so với một năm trước đó. Cả giai đoạn 2011 - 2017, Việt Nam đã nhập 528.200 chiếc ô tô nguyên chiếc, với tổng số ngoại tệ đã chi ra để nhập số lượng xe này là hơn 11,698 tỷ USD (tương đương khoảng 256.500 tỷ đồng).

Ô tô được nhập khẩu chủ yếu là xe dưới 9 chỗ ngồi và ô tô tải. Tính bình quân giai đoạn 2011 - 2017, tỷ trọng nhập khẩu hai loại xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chiếm 86% trong tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại; còn lại là ô tô chuyên dụng và ô tô trên 9 chỗ ngồi.

Giai đoạn 2011 - 2015, đơn giá bình quân khai báo nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi dao động khoảng hơn 11.000 USD/chiếc; năm 2016 đạt 14.000 USD/chiếc. Năm 2017 nhập khẩu hơn 18 nghìn chiếc.

Đơn giá bình quân nhập khẩu xe ô tô tải vào Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2017 dao động quanh khoảng 25.000 USD/chiếc. Tuy nhiên, năm 2016 và năm 2017 giá thấp nhất trong cả giai đoạn, chỉ hơn 20.000 USD/chiếc.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 26/4)

Trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô và lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm đã bằng 2,21 lần, với tốc độ tăng bình quân đạt 12%/năm.

Năm 2017 có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với 61% của năm 2011.

Tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).

(Theo Bộ Công Thương ngày 23/4)

Trong 4 tháng đầu năm, thặng dư thương mại đạt 3,39 tỷ USD, tính riêng tháng 4/2018, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư 700 triệu USD, cụ thể:

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2018 của Việt Nam đạt khoảng 18,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.

- Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2018 đạt khoảng 17,5 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/4)

Trong tháng 4/2018:

- Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 2,57 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 9,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 7,38 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thủy sản chính đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,9%.

- Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 107 triệu USD, đưa tổng giá trị rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 451 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, mặt hàng rau đạt khoảng 107 triệu USD, tăng 45,6% và mặt hàng quả đạt 328 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan và Trung Quốc.

- Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 650 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá trị nhập khẩu thủy sản đạt 130 triệu USD trong tháng 4/2018, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 536 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 01/5)

Ngân sách Nhà nước

Từ ngày 01/4 - 25/4, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 19.096 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới ngày 25/4, số thu đạt khoảng 87.665 tỷ đồng, bằng 31% dự toán.

Trên cơ sở số thu trên và tình hình kinh tế, kim ngạch xuất - nhập khẩu, số thu 4 tháng ước đạt 90.069 tỷ đồng, giảm 1,74% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 thu đạt 91.664 tỷ đồng).

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/4)

Từ đầu năm đến ngày 15/4, thặng dư ngân sách đạt 11,3 nghìn tỷ đồng:

- Tổng thu NSNN đạt khoảng 364,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 52,4 nghìn tỷ đồng.

- Tổng chi NSNN đạt khoảng 353,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm. Trong đó chi thường xuyên đạt 260,1 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 37,6 nghìn tỷ đồng.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/5)

Đầu tư

Trong 4 tháng đầu năm:

- Số vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2018 được giải ngân đạt khoảng 59.295,7 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch. Theo đó, nguồn vốn Chính phủ giao giải ngân đạt khoảng 58.981,4 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch; nguồn thu để lại đã giải ngân là 314,3 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch.

- Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi 252.943 tỷ đồng, đạt 25,9% dự toán chi thường xuyên (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Các đơn vị KBNN đã phát hiện khoảng 2.730 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 3,7 tỷ đồng.

(Theo Kho bạc Nhà nước ngày 26/4)

Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 8,06 tỷ USD, bằng 76,1% so cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/4, các dự án FDI giải ngân được khoảng 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2017.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đạt 4,52 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 779 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đăng ký... (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/4)

Niềm tin tiêu dùng

Nghiên cứu mới nhất của Financial Times về Chỉ số tâm lý kinh tế (FTCR) cho thấy, Việt Nam được đánh giá là quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2018, với chi tiêu hộ gia đình đẩy mạnh trong bối cảnh thu nhập được cải thiện.

Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện ở mức cao nhất 3 năm. Nền kinh tế được hỗ trợ bởi nhân khẩu học, với tỷ lệ phụ thuộc - số lượng trẻ em và người cao tuổi so với tổng dân số - ở mức thấp (42,9%), đồng nghĩa với việc người Việt có thể dành thêm tiền cho việc mua sắm.

Cuối năm 2017 có 49% số người Việt Nam được hỏi cho biết dự định tăng chi tiêu trong năm 2018, nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác trong ASEAN-5. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 23/4)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 05/5 so với ngày 04/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,60 - 36,80 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,63 - 36,73 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bản tín Minh Châu: 36,44 - 36,89 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 13 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 1 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 05/5, tỷ giá trung tâm là 22.522VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 04/5; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 05/5 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 22.735 - 22.805 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 22.734 - 22.804 VND/USD, giảm 1 đồng.

Lạm phát

Trong tháng 4/2018, CPI tăng 0,08% so với tháng 3, tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2017.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Không nằm trong rổ hàng tính CPI, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,47% và chỉ số giá USD tháng 4 tăng 0,10% so với tháng trước. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/4)

Kiều hối

Trong năm 2017, số tiền của 266 triệu lao động nước ngoài gửi về các nước đang phát triển đạt con số kỷ lục là 466 tỷ USD. Lượng kiều hối toàn cầu, tính cả các nước thu nhập cao, là 613 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016.

Năm 2018, con số này được dự báo tăng lên 485 tỷ USD. Các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2017 là Ấn Độ (69 tỷ USD), Trung Quốc (64 tỷ USD) và Philippines (31 tỷ USD). Việt Nam đứng thứ 10 với 13,8 tỷ USD. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 24/4)

Tín dụng

Tính đến cuối tháng 02/2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,37% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 646.815 tỷ đồng, tăng 0,83%; đối với công nghiệp - xây dựng đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 1,98%. Dư nợ tín dụng đối với hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,44%.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn huy động của toàn hệ thống là 88,08%; trong đó khối các ngân hàng thương mại nhà nước đạt tỷ lệ 93,19%, cao hơn so với khối ngân hàng thương mại cổ phần (đạt 82,06%) và khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài (đạt 68,08%); nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính có tỷ lệ 244,54%, nhóm tổ chức tín dụng hợp tác có tỷ lệ 101,48%.

Tổng phương tiện thanh toán đến tháng 02/2018 đạt hơn 8,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,55% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là gần 2,8 triệu tỷ đồng, giảm 2,81% và tiền gửi của dân cư đạt hơn 4,128 triệu tỷ đồng, tăng 4,22%.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN ngày 29/4)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 02 - 04/5/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,34 điểm (0,03%) lên 1.026,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 183,2 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.769,98 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,06 điểm (0,05%) lên 122,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 57,89 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 772,33 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) lên 56,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 16,51 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 308,33 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 34,91 triệu đơn vị, trị giá 1.849 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng liên tiếp, với khối lượng gần 30 triệu đơn vị, trị giá 1.781 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 2 triệu đơn vị, trị giá 690 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,21 triệu đơn vị, trị giá 16 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 3,34 triệu đơn vị, trị giá 54,23 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng liên tiếp, với khối lượng 3,7 triệu đơn vị, trị giá 52 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,75 triệu đơn vị, trị giá 23,62 tỷ đồng).

Trong tháng 4/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đã tổ chức 4 phiên đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp, trong đó có 2 phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO và 2 phiên đấu giá thoái vốn.

Tổng khối lượng cổ phần chào bán trong 4 phiên đạt hơn 19,9 triệu đơn vị, giảm 77% về số lượng so tháng 3. Kết quả, 4 phiên đấu giá đã bán 98,9% khối lượng chào bán, tương ứng hơn 19,7 triệu cổ phần đã bán hết và tương ứng tổng giá trị hơn 914 tỷ đồng (cao hơn 144 tỷ đồng so với giá trị ở mức giá khởi điểm).

(Theo HNX ngày 02/5)

Trái phiếu

Trong tháng 4/2018:

- Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 23 phiên đấu thầu tại HNX và huy động được tổng cộng 6.055 tỷ đồng trái phiếu, giảm 45% so với tháng 3. Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu chỉ đạt 30,4%.

Lãi suất huy động có xu hướng tăng: Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 2,97%/năm, 7 năm là 3,43%/năm, 10 năm khoảng 4,05 - 4,10%/năm, 15 năm trong khoảng 4,45 - 4,47%/năm, 20 năm trong khoảng 5,1 - 5,12%/năm, 30 năm là 5,42%/năm.

So với tháng 3/2018, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm đã tăng 0,03%/năm, kỳ hạn 10 năm tăng 0,1%/năm, kỳ hạn 15 năm tăng 0,07%/năm và kỳ hạn 20 năm tăng 0,02%/năm.

- Trên thị trường TPCP thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu giao dịch theo phương thức thông thường (outright) đạt hơn 1 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 116.900 tỷ đồng, giảm 4,1% về giá trị so với tháng 3.

Bên cạnh đó, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu theo phương thức mua đi bán lại (repos) đạt hơn 1,34 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 140,2 nghìn tỷ đồng, giảm 5,7% về giá trị so với tháng 3.

(Theo HNX ngày 02/5)

Ngày 02/5, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng, gồm 4 kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (1.500 tỷ đồng) và 15 năm (1.500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 64 tỷ đồng (6,4%), lãi suất trúng thầu 2,97%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/4/2018).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 600 tỷ đồng (40%), lãi suất trúng thầu 4,15%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 18/4/2018).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 600 tỷ đồng (40%), với lãi suất trúng thầu 4,5%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/4/2018).

- Kỳ hạn 7 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm đến ngày 02/5/2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 48.572 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 02/5)

Bất động sản

Trong 4 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút 455 triệu USD và chiếm 12,8% tổng vốn FDI của cả nước.

Đáng chú ý, thay vì tập trung vào đầu tư vào bất động sản phía Nam, từ năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung sự chú ý vào thị trường bất động sản Hà Nội, điển hình là thỏa thuận của Tập đoàn Sumitomo ở phía bắc sông Hồng. (Theo Jones Lang LaSalle - JLL ngày 03/5)

Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5% GDP của quốc gia và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP từ năm 2013. Tuy nhiên, với mô hình kinh tế tiếp tục dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, rủi ro tín dụng bất động sản là vấn đề quan trọng Việt Nam cần quan tâm.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 17%, thấp hơn mức 18,17% đạt được trong năm 2017. Với đà tăng trưởng hiện nay, Ngân hàng HSBC khuyến cáo Việt Nam nên thận trọng với thị trường bất động sản. (Theo Ngân hàng HSBC ngày 03/5)

Chính sách

Quyết định số 437/QĐ-TTg:

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 437/QĐ-TTg ngày 21/4/2018 về việc kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018.

Kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018 là 384.000 tỷ đồng, gồm: Vay trong nước 275.970 tỷ đồng và nước ngoài 108.030 tỷ đồng; vay cho cân đối ngân sách nhà nước 341.770 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi là 195.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng; vay về cho vay lại 42.230 tỷ đồng.

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2018 là 256.769 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 256.769 tỷ đồng; trả nợ các dự án vay lại 18.561 tỷ đồng.

Hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 24.430 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tối đa 9.670 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh vay trong nước (rút vốn ròng) của Chính phủ cho các dự án tối đa là 2.000 tỷ đồng.

Hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 700 triệu USD; các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5.000 triệu USD; dư nợ vay ngắn hạn của các doanh nghiệp cuối năm 2018 không vượt quá số dư vào thời điểm ngày 31/12/2017. Hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 21.514 tỷ đồng.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2015.