Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 27/8-1/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Trong năm 2017, các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018 đã tạo ra doanh thu 2.865 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 147 tỷ đồng, nộp ngân sách 91 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.100 lao động.

Trong đó, top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018 đã tạo ra doanh thu 1.231 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75 tỷ đồng, nộp ngân sách 55 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.637 lao động. (Theo Báo Chính phủ ngày 27/8)

Trong 8 tháng đầu năm 2018:

- Cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn hơn 878 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu tính cả 1,6 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2018 là hơn 2,5 triệu tỷ đồng.

- Có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm nay lên hơn 108 nghìn doanh nghiệp.

- Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng qua là hơn 734 nghìn người, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

- Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng qua là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.357 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% và tăng 16,9%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/8)

Hiện việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm, đặc biệt 2 năm 2016 - 2017, danh mục là 62 doanh nghiệp bàn giao nhưng thực tế chỉ bàn giao được 37 doanh nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, mới có 4 doanh nghiệp được bàn giao. Nguyên nhân là do 3 vấn đề lớn còn tồn tại: Thể chế, thị trường và nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp. (Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính ngày 30/8)

Tổng cầu


Ngân sách Nhà nước

Trong 8 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư từ nguồn NSNN chảy vào nền kinh tế đạt trên 30.300 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 5.600 tỷ đồng và vốn địa phương là 24.700 tỷ đồng.

Số vốn ngân sách thực hiện đạt 183.6000 tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch của năm và tăng 11,3% (so với cùng kỳ năm 2017 bằng 53,6% kế hoạch năm và tăng 6,4%); trong đó vốn trung ương quản lý giải ngân đạt 33.800 tỷ đồng, bằng 51,3% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương thực hiện đạt 149.800 tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/8)

Tính đến ngày 29/8, số thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 198.715 tỷ đồng, bằng 70,2% dự toán thu cả năm và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2017.

Về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, theo đại diện cơ quan hải quan, từ ngày 16/7 - 15/8/2018, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng cộng 1.155 vụ việc vi phạm.

Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 152 tỷ đồng, với số thu ngân sách đạt hơn 18 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 30/8)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 8/2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,13 tỷ USD; trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt khoảng 1,52 tỷ USD, xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 734 triệu USD, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 46 triệu USD, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 739 triệu USD.

Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 đạt 25,7 tỷ USD, tăng 7,3% (so với cùng kỳ năm 2017).

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 2,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt khoảng 0,36 tỷ USD, tăng 3,1%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 13,3%.

Xuất khẩu các mặt hàng khác đạt khoảng 724 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần.

Các thị trường xuất khẩu lớn nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá như: ASEAN, giá trị đạt 2,53 tỷ USD, tăng 43,6%; Hàn Quốc đạt 1,53 tỷ USD, tăng 29%; Trung Quốc đạt 5,25 tỷ USD, tăng 7%... (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/8)


Trong tháng 8/2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 346 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 8 đạt 224 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 1,15 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/8)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 308,07 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 152,657 tỷ USD, tăng 11,6%.

Như vậy, sau 8 tháng, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu với kim ngạch ước đạt 2,75 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm đã có 8 mặt hàng xuất khẩu vượt 5 tỷ USD, trong đó chủ yếu thuộc nhóm công nghiệp chế biến.

Dẫn đầu là điện thoại các loại và linh kiện với giá trị xuất khẩu đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp đến là hàng dệt và may mặc đạt khoảng 19,42 tỷ USD, tăng 13,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đóng góp 18,44 tỷ USD, tăng 14,2%. (Theo Bộ Công Thương ngày 30/8)

Đầu tư

Tính chung 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/8/2018, các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 20/8/2018, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỷ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Cả nước cũng có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017.

Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn nhất trong số 17 lĩnh vực, với 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/8)

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Lào đang ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại Việt - Lào trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 522,2 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (455,8 triệu USD).

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Lào bao gồm: Sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải, xi-măng, sản phẩm từ chất dẻo, dây và cáp điện, rau củ quả...

Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Lào chủ yếu là phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản.

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Lào là địa bàn dẫn đầu với 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài.

(Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 28/8)

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch đầu tư phát triển hàng loạt dự án hạ tầng hàng không giai đoạn 2018 - 2021 và định hướng đến năm 2025.

Dự kiến tổng mức đầu tư 16 cảng hàng không trọng điểm (chưa tính Cảng hàng không quốc tế Long Thành) đạt hơn 56.700 tỷ đồng bằng vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh của ACV. Ngoài ra cần hơn 20.700 tỷ đồng đầu tư cho các dự án trong khu bay bằng nguồn vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh khu bay.

Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV cho biết, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 đến năm 2025 (các hạng mục do ACV đầu tư) khoảng hơn 92.100 tỷ đồng, bao gồm nhà ga hành khách, khu bay, nhà ga hàng hóa.

Theo ACV, dự báo đến năm 2021, sản lượng hành khách thông qua các cảng sẽ đạt khoảng 137 triệu lượt khách, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 10% mỗi năm.

Dự báo đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua cảng sẽ đạt khoảng 185 triệu lượt khách với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2022 - 2025 đạt 7% mỗi năm.

(Theo ACV ngày 30/8)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 8/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 370.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng 7 và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 277.200 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 45.100 tỷ đồng, giảm 1,9%. Tính chung 8 tháng, tổng mức tiêu dùng đạt 2,86 triệu tỷ đồng và tăng 11,2%.

Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 2,15 triệu tỷ đồng (lương thực, thực phẩm tăng 12,8%, may mặc tăng 12,3%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,6%...); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 352.000 tỷ đồng (chiếm 12,3%) và doanh thu du lịch lữ hành 26.800 tỷ đồng (chiếm 0,9%) và doanh thu các dịch vụ khác đạt 332.100 tỷ đồng (chiếm 11,6%).

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/8)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá; 1 ngày giảm giá và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 01/9 so với ngày 31/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,60 - 36,79 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,64 - 36,74 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 1 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 01/9, tỷ giá trung tâm là 22.768 VND/USD giảm 10 đồng so với tỷ giá ngày 31/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 31/8 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.260 - 23.340 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 23.245 - 23.335 VND/USD, giảm 4 đồng.

Tín dụng

Tính đến ngày 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt khoảng 519.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720.430 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09% tính tới cuối tháng 6/2018 (thời điểm ngày 31/12/2016 tỷ lệ này là 2,46%).

Hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (chiếm 33,59%).

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 28/8)

Trong tháng 8/2018, tín dụng của Việt Nam đã chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt, các chính sách đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý ở mức 8,18%.

Đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây (cùng kỳ năm 2017 là 10,8%; năm 2016 là 9,64%; năm 2015 là 10,21%).

Như vậy, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2018 nhưng mức 8,18% hiện nay còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 17%. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/8)

Lạm phát

CPI tháng 8/2018 tăng 0,45% so với tháng 7. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 10 nhóm tăng chỉ số giá so với tháng 8, trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, làm cho CPI chung tăng 0,25%; nhóm lương thực tăng nhẹ 0,1%... (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/8)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 27 - 31/8/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 8,53 điểm (-0,85%) xuống 989,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 183,19 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.450,51 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm, 1 ngày giảm điểm và 1 ngày không thay đổi. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,58%) xuống 112,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 40,48 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 615,69 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,08 điểm (0,16%) lên 51,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,15 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 171,17 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.734.447 đơn vị, trị giá mua ròng 141,72 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 7,41 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 77,12 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 10,64 triệu đơn vị, trị giá 51,56 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,71 triệu đơn vị, trị giá 55,29 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,42 triệu đơn vị, trị giá 27,63 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 34.447 đơn vị, trị giá mua ròng 9,31 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,62 triệu đơn vị, trị giá 15,71 tỷ đồng).

Trái phiếu

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1065/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước là 5.600 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn; kế hoạch phát hành vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, kế hoạch tín dụng vốn nước ngoài (ODA cho vay lại) năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bảo đảm không vượt trần nợ công và nợ chính phủ đã được Quốc hội thông qua.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển được giao, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng mức vốn được giao; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch theo quy định. (Theo Báo Nhân dân ngày 25/8)

Trong tuần 20 - 24/8:

- Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch Outright đạt 11.811 tỷ đồng, tăng 5,46% so với tuần trước đó.

Trong đó, tỷ trọng loại trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 10 - 30 năm, chiếm 25,5% tổng giá trị giao dịch, tương đương 3.008,97 tỷ đồng, tỷ trọng loại trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm chiếm 20,8%; kỳ hạn còn lại 1 - 3 năm chiếm 18,9%; kỳ hạn còn lại 3 - 5 năm chiếm 21,6%; kỳ hạn còn lại 5 - 10 năm chiếm 13,3% tổng giá trị giao dịch.

Tổng giá trị giao dịch Repos giảm 22,01% so với tuần trước đó, về mức 12.867 tỷ đồng.

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm 16.564 tỷ đồng qua kênh OMO, trong đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 12.089 tỷ đồng. NHNN đã bơm ròng 4.475 tỷ đồng qua kênh này.

Bên cạnh đó, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 702 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn đạt 700 tỷ đồng. Như vậy, tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng 2 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 4.473 tỷ đồng vào thị trường. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp NHNN có động thái bơm ròng qua cả hai kênh tín phiếu và OMO.

Điều này cho thấy, NHNN muốn điều tiết lại trạng thái thanh khoản eo hẹp của toàn hệ thống sau khi NHNN đã hút ròng lượng tiền lớn (gần 60.000 tỷ đồng) trong tuần từ 30/7 - 03/8/2018.

(Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 28/8)

Nhận định

chuyên gia

PGS. TS. Hồ Anh Văn, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (27/8):

Thị trường robot công nghiệp được dự báo đạt 79 tỷ USD vào năm 2022. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cùng tham gia.

Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về robot sản xuất, lên đến 1 triệu robot. Nếu Việt Nam có thể sản xuất được những robot này, sẽ là bước tiến lớn trong cuộc cách mạng 4.0.

Chính sách

Thông tư số 57/2018/TT-BTC:

Ngày 05/7/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Theo đó, việc chuyển giao một số các tài sản thuộc sở hữu toàn dân cho các cơ quan chuyên ngành để bảo quản được thực hiện như sau:

- Bảo vật quốc gia, cổ vật và vật khác: Chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng nhà nước cấp tỉnh nơi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

- Tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý: Chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh hoặc cấp huyện;

- Giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt: Thực hiện thủ tục chuyển đổi thành tiền mặt nộp vào NSNN, nếu không đủ điều kiện chuyển đổi thành tiền thì chuyển giao cho KBNN.

- Bộ phận của động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB chuyển giao cho Cơ quan Dự trữ nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

- Tài sản là chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ và thiết bị hạt nhân chuyển giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn hướng dẫn việc chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành đối với một số tài sản khác.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.

Thông tư số 59/2018/TT-BTC:

Ngày 16/7/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước trong các trường hợp sau:

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động… để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm;

- Trường hợp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015;

- Trong thời hạn áp dụng mức vốn điều lệ điều chỉnh lại: Mức vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt điều chỉnh áp dụng tối thiểu trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.