Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 02-07/07/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Thế giới: Việc gia tăng thuế quan trên toàn thế giới sẽ gây ra những hậu quả cho hoạt động thương mại và kinh doanh. Theo đó, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm tốc, ở mức 3,1% trong năm 2018, sau đó dần còn 2,9% trong năm 2020. Kinh tế Hoa Kỳ dự báo tăng trưởng 2,7% trong năm 2018, sau đó giảm còn 2,5% vào năm 2019 và 2% vào năm 2020.

Kinh tế Eurozone dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 2,1% trong năm 2018; 1,7% trong năm 2019 và 1,5% trong năm 2020. Kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2018, 6,3% trong giai đoạn 2019 - 2020, khi xuất khẩu tăng ở mức khiêm tốn và những yếu tố bất lợi gia tăng. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB 30/6)

- Hàn Quốc: Kinh tế Hàn Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2018, do tình trạng trì trệ trong tuyển dụng nhân công, hoạt động đầu tư và tiêu dùng yếu, tình trạng thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ nợ hộ gia đình cao trong nửa cuối năm 2018.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc chỉ tạo thêm 149 nghìn việc làm/tháng, mức thấp nhất kể từ cùng kỳ năm 2009. Nợ của hộ gia đình quý I/2018 là 1,468 triệu tỷ KRW (1.340 tỷ USD), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo các chuyên gia và nhà quan sát tại Hàn Quốc ngày 01/7)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần (02/7 - 06/7/2018) tăng điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0,7%; 1,5% và 2,4% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (08/6/2018). Trong ngày giao dịch 15/6/2018:

+ Dow Jones tăng 0,4% lên 24.456,48 điểm.

+ S&P 500 tăng 0,9% lên 2.759,81 điểm.

+ Nasdaq tăng 1,3% lên 7.688,39 điểm.

Dầu mỏ

Trong tuần (02/7 - 06/7/2018), giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,47% và 2,93%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (06/7/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,86 USD (1,17%) lên 73,8 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,28 USD (-0,36%) xuống 77,11 USD/thùng.

Châu Âu

- Hy Lạp: Các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone (ngày 22/6) cho biết, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã chấm dứt khi các Bộ trưởng nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản vay cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ EUR.

Dự kiến chương trình cứu trợ Hy Lạp sẽ chấm dứt từ ngày 20/8/2018. Thỏa thuận trên là một bước ngoặt quan trọng đối với Eurozone sau gần một thập niên chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp thông qua 3 gói cứu trợ.(Theo TTXVN ngày 30/6)

- Pháp: Trong năm 2017, doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này đã giảm 50% xuống còn 6,9 tỷ EUR, sau khi đạt kỷ lục 2 năm trước đó (năm 2015 đạt 17 tỷ EUR, năm 2016 đạt 14 tỷ EUR).

Nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước sản xuất dầu - là những khách hàng lớn mua vũ khí của Pháp. (Theo Bộ Quốc phòng Pháp ngày 03/7)

- Canada: Từ ngày 01/7, Canada bắt đầu áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ trị giá 12,6 tỷ USD, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ đánh thuế mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu của Canada.

Một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ như sắt và thép bị áp thuế 25%, trong khi các mặt hàng khác như sốt cà chua, bánh pizza, nước rửa bát bị áp thuế 10%.Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hoa Kỳ về hàng hóa sau Trung Quốc. (Theo TTXVN ngày 29/6)

Châu Á

- Châu Á: Các thị trường bất động sản ở châu Á- Thái Bình Dương đã có những bứt phá nhờ tăng cường sử dụng công nghệ, cải thiện chỉ số minh bạch của thị trường. Trong năm 2017, lượng giao dịch bất động sản thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt kỷ lục 149 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách những thị trường “siêu minh bạch” là Úc, New Zealand, Hoa Kỳ và Anh. (Theo Megan Walters, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường châu Á - Thái Bình Dương của JLL ngày 02/7)

- Hàn Quốc: Những biện pháp hạn chế thương mại của Hoa Kỳ sẽ làm cho Hàn Quốc mất gần 16 nghìn việc làm trong 3 ngành sản xuất thép, máy giặt và pin năng lượng mặt trời, gây thiệt hại 2,4 tỷ USD cho Hàn Quốc trong 5 năm tới.

Cụ thể, ngành sản xuất thép có thể thiệt hại 1,24 tỷ USD và 6.500 việc làm mới, ngành sản xuất máy giặt chịu thiệt hại 760 triệu USD và 8.100 việc làm mới, ngành chế tạo pin mặt trời cũng sẽ tổn thất 470 triệu USD và 1.300 việc làm. (Theo Văn phòng ngân sách Quốc hội Hàn Quốc ngày 05/7)

- Malaysia: Nợ công của Malaysia ở mức 50,8% GDP. Con số này đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Malaysia. Nợ công của Malaysia, nếu xét về tỷ lệ trên GDP, chỉ đứng sau Singapore trong các nước Đông Nam Á.

97% nợ công của Malaysia là bằng đồng MYR, tuy tỷ lệ nước ngoài nắm giữ nợ công của Malaysia tương đối cao (khoảng 30%), nhưng nước này có hệ thống quản lý tài sản tốt và ngành bảo hiểm phát triển, nên dòng tiền bằng đồng MYR lưu động dồi dào có thể lấp đầy chỗ trống từ bất cứ quyết định rút vốn nào. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế khả quan cũng giúp cho nợ công được giữ ở phạm vi kiểm soát. (Theo Moody’s ngày 05/7)

- Ấn Độ: Lần đầu tiên xuất khẩu hải sản của nước này đạt gần 1,38 triệu tấn, giá trị 7,08 tỷ USD trong tài khóa 2017 - 2018. Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những nhà nhập khẩu hải sản lớn nhất của Ấn Độ với tỷ lệ lần lượt là 32,76% và 31,59%, sau đó là Liên minh châu Âu (15,77%), Nhật Bản (6,29%), Trung Đông (4,1%) và Trung Quốc (3,21%).

Hiện nay, Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp tôm và cá đông lạnh hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Ấn Độ sẽ đạt 10 tỷ USD. (Theo Cơ quan Phát triển xuất khẩu hải sản - MPEDA của Ấn Độ ngày 02/7)

Châu Úc

Australia: Từ ngày 01/7/2018, Australia áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) 10% đối với các sản phẩm mua trực tuyến từ nước ngoài, bao gồm: Quần áo, văn hóa phẩm, các thiết bị điện tử và dụng cụ thể thao.

Theo quy định, các công ty thương mại trực tuyến đa quốc gia, như: Ebay, Amazon, Alibaba, Macy sẽ phải thu thuế GST trên các sản phẩm bán cho khách hàng. Trước đây, Australia chỉ áp dụng thuế GST với các mặt hàng được mua trực tuyến từ nước ngoài có giá trị lớn hơn 1 nghìn AUD (740 USD).

(Theo Cơ quan Thuế Australia ngày 30/6)

Châu Mỹ

- Brazil: Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng ô tô mới tiêu thụ đạt hơn 1,69 triệu chiếc, tăng 12,37%, với gần 287.800 chiếc so với cùng kỳ năm 2017. Doanh số bán xe ô tô và xe thương mại hạng nhẹ tại Brazil tăng 13,7%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2017.

Thị trường xe tải phục hồi với mức tiêu thụ tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2017. Mức tiêu thụ ô tô mới tại Brazil tăng trở lại phản ánh sự phục hồi sau đợt suy thoái trầm trọng nhất từ trước đến nay của nền kinh tế. (Theo Liên đoàn phân phối ô tô Brazil ngày 03/7)

- Argentina: Ngân hàng Trung ương Argentina (BCA) tiếp tục can thiệp vào thị trường hối đoái thông qua việc bán 300 triệu USD nhằm chặn đà mất giá mạnh của đồng nội tệ ARS. Trước đó, BCA cũng bán 150 triệu USD với tỷ giá trung bình 29,12 ARS/USD nhằm ổn định thị trường ngoại hối.

Đồng ARS giảm giá 13,75% trong tháng 6 và giảm 35,58% trong 6 tháng đầu năm 2018, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định tình hình, đặc biệt là việc ký kết thỏa thuận tín dụng trị giá 50 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng nội tệ ARS mất giá quá nhanh trong thời gian qua do sự giảm tốc của nền kinh tế và gia tăng sự quan ngại về rủi ro toàn cầu.

(Theo TTXVN ngày 30/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2018, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,3%, tương ứng tăng 0,2% so với mức tăng của tháng 4 và tăng cao nhất kể từ tháng 3/2012.

Loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số PCE lõi trong hơn 12 tháng qua tăng 2%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012 và là lần đầu tiên đạt mục tiêu 2% của Cục Dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 29/6)

Sau 6 tháng kể từ khi ban hành Luật Cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD, nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Các doanh nghiệp quay trở lại đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư cao kỷ lục trong quý I/2018, tỷ lệ lạc quan của các nhà sản xuất và chế tạo đạt mức cao nhất trong lịch sử 20 năm qua. Dự báo thu nhập bình quân đầu người trong quý II/2018 sẽ tăng trên 4%. (Theo Văn phòng Phân tích kinh tế Hoa Kỳ - BEA ngày 03/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các nhà sản xuất ô tô lớn ở Hoa Kỳ thông báo doanh số bán xe tăng cao khi tình hình kinh tế vững mạnh và nhu cầu tiếp tục tăng, bất chấp giá xăng tăng cao. Doanh số bán ô tô tại Hoa Kỳ tăng 5,2% trong tháng 6 lên 1,6 triệu chiếc, đưa doanh số bán xe trong nửa đầu năm 2018 tăng 1,9% lên 8,6 triệu chiếc. (Theo Automotive News ngày 05/7)

Trung Quốc

Trong quý I/2018, Trung Quốc đã có tiến bộ về việc hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính, như: Hoạt động cho vay ngày càng khởi sắc khi các ngân hàng đang quay trở lại phương thức cho vay thông thường và giảm thiểu hoạt động ngân hàng ngầm.Mức tăng tài sản chậm lại và chất lượng tài sản được duy trì, phù hợp với sự phát triển bền vững của nền kinh tế vĩ mô.

Tổng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đạt 256 nghìn tỷ CNY (khoảng 38.700 tỷ USD) vào cuối quý I/2018, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng thấp hơn hơn mức tăng 14,3% của cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các tổ chức cho vay được cải thiện, trong khi tính thanh khoản vẫn được đảm bảo. (Theo Hãng tín nhiệm toàn cầu Moody’s ngày 03/7)

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) sẽ đầu tư hơn 250 triệu USD để thúc đẩy sản xuất dầu của quốc gia Nam Mỹ tại Orinoco Belt - khu vực sản xuất lớn nhất của Venezuela, sau cuộc họp với các quan chức CDB và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Sản lượng dầu của Venezuela trung bình đạt 2,9 triệu thùng/ngày vào năm 2013. Trong tháng 6/2018, con số này giảm còn khoảng 1,36 triệu thùng/ngày. (Theo Bloomberg ngày 06/7)

Giá trị vốn hóa thị trường của 100 công ty lớn nhất trên toàn cầu đã tăng 2.597 tỷ USD, tương ứng tăng 15% so với ngày 31/3/2017, cao hơn 12% trong năm 2017, tiếp tục xu hướng tăng mỗi năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp 48% vào mức tăng trên do điều kiện kinh tế vững mạnh và dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Đây là năm thứ tư liên tiếp Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa trong Top 100 (54 công ty, giảm từ 55 công ty vào năm 2017), chiếm đến 61% tổng vốn hóa thị trường, giảm 2% so với năm 2017; vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp châu Âu tăng trưởng năm thứ 2 liên tiếp, thị phần ổn định. (Theo xếp hạng Top 100 toàn cầu của PwC ngày 06/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 19,3% của cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu các sản phẩm điện tử và cơ khí tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 3,8%, giảm mạnh so với mức tăng 27,6% của cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu hàng hóa cần nhiều lao động tăng 3,5%, trong khi xuất khẩu nông sản giảm 0,9%. (Theo Tổng Cục Hải quan Trung Quốc ngày 04/7)

Trung Quốc vừa ban hành danh mục các ngành nghề đầu tư nước ngoài theo hướng hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế vào nền kinh tế trong nước.

Theo đó, số ngành nghề cho phép bị giới hạn từ 63 xuống 48 danh mục, bắt đầu thực hiện từ ngày 28/7. Danh mục ngành nghề bị cắt giảm và dỡ bỏ là: Dịch vụ; phát triển hạ tầng; vận tải hành khách bằng đường sắt; vận chuyển hàng hóa quốc tế; đầu tư, kinh doanh khí đốt; mua bán ngũ cốc.

Theo lộ trình, đến năm 2021, mọi giới hạn về dòng vốn nước ngoài trong hoạt động tài chính sẽ được Trung Quốc dỡ bỏ. (Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 03/7)

 

Nhật Bản

Trong năm tài khóa 2017, nguồn thu từ thuế của Chính phủ nước này đạt 58.790 tỷ JPY (32 tỷ USD), mức cao nhất trong 26 năm qua, tăng 6% so với tài khóa 2016, nhờ giá cổ phiếu tăng và lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc.

Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang hy vọng nguồn thu từ thuế tiếp tục tăng để tăng ngân quỹ đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội của nhóm dân số già ở nước này. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 04/7)