Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 03-07/1/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Eurozone: Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2016 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2013, cao hơn 0,6% của tháng 11/2016, do giá năng lượng tăng mạnh ở mức 2,5% sau khi các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Lạm phát lõi (không tính giá dầu mỏ và thực phẩm) tăng 0,9%, cao hơn mức tăng 0,8% của tháng 11. (Theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat ngày 04/01)

- Hoa Kỳ:

+ Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 1,9% và dự báo trong các năm 2017, 2018, 2019 tăng lần lượt lên 2,1%, 2% và 1,9%; trong dài hạn là 1,8%.

+ CPI tháng 12/2016 tăng 1,5% và dự báo năm 2017 tăng 1,9%; năm 2018 và 2019 tăng 2%.

(Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ ngày 04/01)

- Đức: Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2016 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2013. Cả năm 2016, lạm phát tăng 0,5%. (Theo Cục Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 03/01)

- Pháp: Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2016 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng 0,3% của tháng 11. Cả năm 2016, lạm phát tăng 0,6%. (Theo Destatis ngày 03/01)

- Indonesia: Tỷ lệ lạm phát trong năm 2016 tăng 3,02% - mức thấp nhất kể từ năm 2010, thấp hơn mức tăng 3,35% của năm 2015, do giá các loại hàng hóa được kiểm soát theo mục tiêu. (Theo Cục Thống kê Trung ương Indonesia - BPS ngày 03/01)

- Thái Lan: Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2016 tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng 0,6% của tháng 11 và là tháng thứ 9 tăng liên tiếp, do giá dầu, sức mua thực phẩm cũng như đồ uống không cồn tăng.Tỷ lệ lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm tươi sống) tăng 0,74%. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự báo, lạm phát của nước này sẽ đạt 1,5% trong năm 2017. (Theo Bộ Thương mại Thái Lan ngày 04/01)

- Singapore: Kinh tế trong quý IV/2016 tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng 1,2% của quý III. Trong đó, lĩnh vực chế tạo tăng 6,5%; dịch vụ tăng 0,6%; xây dựng giảm 2,8%. Trong cả năm 2016, tốc độ tăng trưởng của Singapore đạt 1,8% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, thấp hơn mức tăng 2% của năm 2015. Dự báo trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế Singapore đạt khoảng 1 - 3%. (Theo Bộ Công Thương Singapore ngày 03/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua do hy vọng về những tác động tích cực đối với nền kinh tế từ các chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tính chung cả tuần (02 - 06/01/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,02%; 0,7% và 2,56% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (30/12/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (06/01/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 19.963,80 điểm, tăng 0,32%.

+ S&P 500 đạt 2.276,98 điểm, giảm 0,35%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.521,06 điểm, tăng 0,6%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua. Dù giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với việc tăng mạnh trong phiên thứ Tư, giúp chứng khoán Nhật Bản lấy lại đà tăng, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng vẫn giữ nguyên được đà tăng. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,47% lên 138,41 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,78% lên 19.454,33 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,64% lên 3.154,321 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,28% lên 22.503,01 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,13% lên 2.049,12 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,59% lên 5.755,582 điểm.

Dầu mỏ

Iraq đã cắt giảm sản lượng 200 nghìn thùng dầu/ngày theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC (tháng 11/2016), từ mức trên 4,8 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 4,6 triệu thùng/ngày. Nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp tới 90% ngân sách của Iraq. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Assem Jihad ngày 05/01)

Tuần từ 02/10 - 06/01/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 0,5% và 1,73%, do các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã nhất trí trước đó.Chốt phiên giao dịch cuối tuần (06/01/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 23 cent (0,43%) lên 53,99 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 21 cent (0,37%) lên 57,10 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tháng 12/2016 đạt 54,4 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 5/2011, tăng so với mức 53,9 điểm của tháng 11, cho thấy nền kinh tế của Eurozone đang tăng trưởng ổn định. (Theo Công ty IHS Markit ngày 04/01)

Đức

Trong năm 2016, số người có việc làm ở Đức tăng 1% so với năm 2015, lên 43,4 triệu người - mức cao nhất để từ khi quốc gia này tái thống nhất vào năm 1990. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 4%, thấp hơn mức dự báo 4,3%, đưa Đức trở thành quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ hai trong các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), sau Cộng hòa Séc.(Theo Cơ quan Thống kê Đức ngày 03/01)

Anh

- Trong tháng 12/2016, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Anh tăng lên 56,2 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, cao hơn mức dự báo 54,7 điểm, nhờ lĩnh vực việc làm có tốc độ tăng trưởng mạnh. (Theo Công ty Markit của Anh ngày 05/01)

- Chính phủ Anh ngày 30/12 đã công bố chiến lược thu hút khách du lịch năm 2017 và coi đây là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của nước này trong bối cảnh dự báo đồng bảng Anh yếu đi trở thành đòn bẩy cho ngành du lịch.Theo dự báo của tổ chức VisitBritain (26/12), năm 2017, ngành du lịch Anh sẽ đạt doanh thu 24,1 tỷ GBP, tăng 8% so với năm 2016; số khách du lịch nước ngoài đến Anh đạt khoảng 38,1 triệu lượt người, tăng 4% so với năm 2016. (Theo TTXVN ngày 03/01/2016)

Nga

Bloomberg (02/01) đã đưa Nga vào danh sách 7 nền kinh tế mới nổi (bao gồm Nga, Nam Phi, Mexico, Brazil, Chile, Ấn Độ và Indonesia) là điểm đến hấp dẫn nhất cho đầu tư trong năm 2017, do đồng ruble được đánh giá có lợi suất tiềm năng cao (dự báo đạt 26% trong năm 2017).

Châu Á

Hàn Quốc

Vốn FDI vào Hàn Quốc trong năm 2016 đạt mức kỷ lục 21,3 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm 2015 và là năm thứ 2 liên tiếp FDI Hàn Quốc đạt trên 20 tỷ USD. Trong đó, FDI vào lĩnh vực đầu tư mới tăng 6,5% so với năm 2015 lên 15,03 tỷ USD; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,3% lên 15,51 tỷ USD; lĩnh vực sản xuất tăng 12,4% lên 5,13 tỷ USD. Xét theo thị trường, FDI của EU vào Hàn Quốc tăng gấp 3 lần so với năm 2015, lên mức kỷ lục 7,4 tỷ USD; FDI từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, tăng 3,6% lên 2,05 tỷ USD. Trong khi đó, FDI từ Hoa Kỳ giảm từ 5,48 tỷ USD xuống còn 3,88 tỷ USD; từ Nhật Bản giảm năm thứ 4 liên tiếp xuống 1,25 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 03/01)

Thái Lan

Tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 12/2016 đạt khoảng 800 nghìn tấn; lũy kế cả đạt 9,5 triệu tấn. Dự báo trong năm 2017, nước này sẽ xuất khẩu khoảng 9,5 - 10 triệu tấn gạo. Những yếu tố ảnh hưởng xuất khẩu gạo trong năm 2017 của Thái Lan là: Nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao tại thị trường Trung Đông, sự cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu gạo, giá dầu tăng, diễn biến xấu của thời tiết...(Theo Bộ Thương mại Thái Lan ngày 03/01)

Indonesia

Trong năm 2017, nước này sẽ tập trung phát triển ba lĩnh vực chính, được xác định là điều kiện tiên quyết để Indonesia đạt được tiến bộ trong phát triển kinh tế, bao gồm: Tập trung đẩy mạnh sản xuất nhằm phát triển bền vững và đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế ở cả thị trường trong nước và toàn cầu; phát triển lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch, truyền thông, dịch vụ thông tin, tài chính và các dịch vụ khác; xây dựng các cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Các chuyên gia dự báo, kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5,1 - 5,3% trong năm 2017 và chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình vẫn là động lực tăng trưởng chính.(Theo Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia - Bappenas)

Hoa Kỳ

Trong tháng 12/2016, chỉ số hoạt động của lĩnh vực chế tạo (đóng góp 12% vào nền kinh tế Hoa Kỳ) tăng lên 54,7 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới và giá nguyên liệu thô gia tăng, các chuyên gia cho rằng, sức ép từ xu hướng tăng giá của đồng USD đối với hoạt động chế tạo đang giảm dần.(Theo Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ - IMS ngày 03/01)

Trung Quốc

Trong phiên giao dịch ngày 04/01 tại thị trường Hong Kông, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 2,3% so với đồng USD - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010; lãi suất cho vay qua đêm tăng lên mức kỷ lục 80%. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng nội tệ. (Theo Bloomberg ngày 05/01)

Trong tháng 12/2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của Trung Quốc đạt 53,5 điểm - mức cao nhất trong vòng 45 tháng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất đạt 51,9 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 01/2013, lĩnh vực dịch vụ đạt 53,4 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. (Theo Công ty Caixin ngày 05/01)

Mexico

Tính đến tháng 11/2016, nợ công của Mexico là 443,6 tỷ USD (tương đương 48,9% GDP) - mức cao nhất trong 17 năm, trong đó nợ nước ngoài là 166,06 tỷ USD. Ước tính cả năm 2016, tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên 50,5%, phù hợp với chiến lược tài chính và mức trần nợ công mà Quốc hội nước này đã thông qua.(Theo Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico ngày 03/01)

Australia

Trong tháng 11/2016, Australia bất ngờ đạt thặng dư thương mại 1,24 tỷ AUD - mức thặng dư đầu tiên sau 32 tháng (thâm hụt 1,12 tỷ AUD trong tháng 10). Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% so với tháng 10 lên 30,08 tỷ AUD, kim ngạch nhập khẩu giữ nguyên ở mức 28,84 tỷ AUD. (Văn phòng Thống kê Australia ngày 06/01)

Nhận định
chuyên gia

Chủ ngân hàng và các nhà đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương (29/12):

Sau khi rơi xuống mức thấp nhất ba năm trong năm 2016, lượng cổ phiếu được phát hành ở châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ phục hồi trong năm 2017, chủ yếu do các vụ niêm yết của các công ty tài chính tại Trung Quốc (trừ các đặc khu như Hong Koông, Đài Loan) và Ấn Độ.

Giám đốc Frederic Neumann của HSBC (03/01):

Những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc sẽ khó có cơ hội phục hồi trong năm 2017. Các nhà đầu tư nên hướng tới các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan do các nước này này hiện có mức nợ tương đối thấp, đòn bẩy tín dụng tốt và tiêu dùng nội địa chiếm tỷ trọng cao.