Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 04-08/9/2018


KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Ấn Độ: Trong quý II/2018, GDP của Ấn Độ tăng 8,2%, tăng 0,5% so với quý I/2018 và tăng mạnh so với mức 5,6% của cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất mà Ấn Độ đạt được trong tám quý liên tiếp vừa qua.

Với nhịp độ tăng trưởng này, Ấn Độ hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đang từng bước vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. (Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Ấn Độ ngày 31/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 03 - 07/9/2018 giảm điểm do nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang

.Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 0,19%; 1,03% và 2,55% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (31/8/2018). Trong ngày giao dịch ngày 07/9/2018:

+ Dow Jones giảm 79,33 điểm (-0,31%), xuống 25.916,54 điểm.

+ S&P 500 giảm 6,37 điểm (-0,22%), xuống 2.871,68 điểm.

+ Nasdaq giảm 20,18 điểm (-0,25%), xuống 7.902,54 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 5,1 điểm (-3,12%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (07/9/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 10,71 điểm (+0,40%), lên 2.702,30 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 180,88 điểm (-0,80%), xuống 22.307,06 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,35 điểm (-0,00%), xuống 26.973,47 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 03 - 07/9/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 2,94% và 0,76%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (31/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 67,75 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,33 USD (+0,43%), lên 76,83 USD/thùng.

Trong tháng 8/2018, xuất khẩu dầu thô của Iraq đã đạt gần 112 triệu thùng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, thu về 7,7 tỷ USD cho nền kinh tế (cùng kỳ năm 2017, Iraq đã thu về 4,6 tỷ USD từ việc xuất khẩu 99,7 triệu thùng dầu thô).

Giá dầu thô xuất khẩu của Iraq trong tháng 8/2018 đạt trung bình 69,59 USD/thùng. Xuất khẩu dầu là nguồn thu ngoại tệ duy nhất của Iraq và đã mang về cho ngân sách nước này hơn 60 tỷ USD kể từ tháng 01/2018 đến nay.(Theo Bộ Dầu mỏ Iraq ngày 01/9)

Châu Âu

Châu Âu: Ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói viện trợ 35 triệu EUR (khoảng 41 triệu USD) giúp Venezuela giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Số tiền viện trợ này sẽ được sử dụng cho các chương trình cung cấp dinh dưỡng, nước, y tế và hỗ trợ những người nghèo, bệnh tật.

Nền kinh tế Venezuela đang thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đẫn đến giá cả tăng vọt. Đồng BOB đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây do lạm phát phi mã.

Đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát của nước này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì năm nay có thể lên tới 1.000.000%.

(Theo TTXVN ngày 31/8)

Tây Ban Nha: Trong tháng 7/2018, số lượng du khách đến Tây Ban Nha giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2017 xuống dưới 10 triệu lượt và là lần sụt giảm đầu tiên từ năm 2009, do du khách châu Âu chuyển sang các điểm du lịch rẻ hơn như Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, số du khách nước ngoài đến Tây Ban Nha chỉ tăng 0,3% lên 47 triệu lượt so với mức tăng trưởng hai con số trong năm 2016 và 2017. (Theo Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha - INE ngày 03/9)

Thổ Nhĩ Kỳ: Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (BoT) thông báo sẽ có biện pháp ổn định thị trường tài chính và ổn định về giá, sau khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm.

Trong tháng 8/2018, tỷ lệ lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 17,9% là mức cao nhất kể từ cuối năm 2003. Kể từ đầu năm tới nay, đồng lira đã mất 40% giá trị so với đồng USD, làm cho giá hàng hóa tăng cao, đồng thời gia tăng cảnh báo về tác động đối với nền kinh tế. (Theo BoT ngày 03/9)

Anh:

- Trong tháng 8/2018, số lượng xe đăng ký mới đã tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2017 do nhu cầu xe ô tô chạy bằng điện và nhiên liệu thay thế tăng gần 90%. Tổng doanh số bán ô tô mới tại Anh đạt 94.094 chiếc trong tháng 8/2018.

Trong khi đó, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS), kinh tế nước này tăng trưởng cao so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong quý II/2018, dù có nhiều lo ngại gia tăng về sự kiện Brexit. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Vương quốc Anh - SMMT 06/9)

- Các chủ trang trại trồng rau, quả của Anh sẽ được phép thuê nhân công là người di cư từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), khi những người này được cấp thị thực tạm thời ở Anh. Đây là giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu lao động trong những thời kỳ bận rộn khi Anh rời EU.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp Anh, vốn phụ thuộc đáng kể vào nhân công từ các nước EU. (Theo Chính phủ Anh ngày 06/9)

Nga: Năm 2018 ngân sách liên bang của Nga có thể thặng dư tương đương 1% GDP thay vì thâm hụt khoảng 1,3% GDP như dự báo trước đó. Ngoài ra, Nga cũng đạt thặng dư tài khoản vãng lai ở mức tương đương trên 2% GDP và nợ nước ngoài thấp hơn.

Ước tính thặng dư ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.380 tỷ RUB (tương đương 20 tỷ USD). Trong khi đó, chi tiêu ngân sách ở mức trên 7.600 tỷ RUB, thấp hơn 5% so với dự kiến. (Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 06/9)

Châu Á

Hàn Quốc:

- Tính đến cuối tháng 6/2018, quy mô của các quỹ đầu tư và tiền gửi ở Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 1.117.300 tỷ KRW (999,8 tỷ USD) và sẽ không giảm trong ngắn hạn.

Con số trên bao gồm: 99 nghìn tỷ KRW bằng tiền mặt, 532 nghìn tỷ KRW là tài khoản tiền gửi ở thị trường tiền tệ, cùng với các quỹ thị trường tiền tệ, giấy chứng nhận tiền gửi, các tài khoản quản lý tiền mặt, hợp đồng mua lại, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty môi giới.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK cho biết, thanh khoản tăng lên chủ yếu do lãi suất thấp làm cho chi phí vay mượn giảm bớt. (TheoBoK và các công ty đầu tư tài chính trong nước ngày 01/9)

- Trong quý II/2018, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc tăng 2,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017 lên 12,96 tỷ USD, trong đó đầu tư vào Hoa Kỳ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,62 tỷ USD; đầu tư vào Trung Quốc tăng 87,3%, đạt 1,21 tỷ USD.

Tính theo lĩnh vực, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2017, đạt 5,43 tỷ USD, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở tăng 64,3% lên 1,95 tỷ USD, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng tăng 120% đạt 4,1 tỷ USD.

(Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 06/9)

Mexico

Mexico: Trong 7 tháng đầu năm 2018, Mexico đã tiếp nhận 19,111 tỷ USD kiều hối, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2018, lượng kiều hối đã lên tới 2,867 tỷ USD, tăng 10,3% so với tháng 7/2017. Tuy nhiên, số tiền này vẫn thấp hơn 2 tháng trước đó (tháng 5 đạt 3,096 tỷ USD; tháng 6 đạt 3,140 tỷ USD).

Đây lần lượt đều là những con số kỷ lục trong vòng 23 năm qua kể từ khi Ngân hàng Trung ương Mexico tiếp nhận tiền của kiều dân ở nước ngoài gửi về.Kiều hối tăng là do xu hướng gia tăng tuyển dụng lao động Mexico tại Hoa Kỳ. (Theo Ngân hàng Trung ương Mexico ngày 01/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 7/2018, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ giảm còn 3,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1969 (tỷ lệ thất nghiệp là 3,7%). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tháng 8/2018, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm về mức 3,5%, bởi đã có thêm khoảng 200 nghìn việc làm mới được tạo ra .

Nguyên nhân số việc làm mới gia tăng là do các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng vững. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 03/9)

Trong tháng 7/2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ là 50,1 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với mức thâm hụt 45,7 tỷ USD của tháng 6, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất kể từ tháng 2 năm nay, do lượng hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

Xuất khẩu giảm 1%, xuống 211,1 tỷ USD trong tháng 7, trong khi nhập khẩu tăng 0,9% lên mức cao kỷ lục 261,2 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại như vậy có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong quý III năm nay. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ 06/9)

Trung Quốc

Trong tháng 8/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực chế tạo đã tăng lên 51,3, từ mức 51,2 của tháng 7/2018, đánh dấu tháng thứ 25 tăng liên tiếp.

Kết quả này đã vượt dự kiến của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng, PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ đi xuống tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018, xuống 51.

Tuy nhiên, những tranh chấp thương mại quốc tế đang gây bất lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018 cho thấy, một loạt biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ thông qua việc đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu phát huy tác dụng.

(Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 31/8)

Chut tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc có kế hoạch xóa những khoản vay lãi suất thấp đáo hạn trước cuối năm 2018 cho một số nước châu Phi. Những nước được xóa nợ là những nước nghèo và nợ nhiều nhất châu lục.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ cho châu Phi vay thêm 50 tỷ USD, trong 20 tỷ USD hạn ngạch tín dụng, 15 tỷ USD vốn vay không tính lãi, 10 tỷ USD cho một quỹ đặc biệt và 5 tỷ USD để hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ châu Phi vào Trung Quốc. (Theo Hãng tin Bloomberg ngày 03/9)

Trong tháng 8/2018, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017, mặc dù Hoa Kỳ áp thuế bổ sung lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

Tuy giảm nhẹ so với mức tăng 12,2 % trong tháng 7/2018, nhưng tốc độ tăng trưởng 10,1% đánh dấu mức tăng trưởng xuất khẩu liên tục của Trung Quốc trong 5 tháng qua, kể từ khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2018 tăng khoảng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017,nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 27,3% của tháng 7/2018. Ước tính thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng từ 28,05 tỷ USD trong tháng 7/2018 lên 31,79 tỷ USD trong tháng 8/2018.

(Theo Reuters 05/9)

 

Nhật Bản

Trong năm tài khóa 2019, dự kiến ngân sách của Nhật Bản có thể lên tới con số kỷ lục khoảng 102 nghìn tỷ JPY (tương đương 918 tỷ USD).

Nguyên nhân là do nhu cầu gia tăng ngân sách để nâng cao mức sống người dân và đề nghị bổ sung thêm kinh phí từ Bộ Quốc phòng ở mức cao kỷ lục từ trước tới nay đã làm cho dự toán ngân sách tài khóa tới vượt dự tính. (Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 04/9)

Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất ở Đông Nam Á với vốn đầu tư chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới trong 7 năm qua, tăng 6% so với 7 năm trước đó.

Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào ASEAN chiếm tỷ trọng 14%. Thái Lan thu hút nhiều vốn FDI Nhật Bản nhất, chiếm tỷ trọng 50%. (Theo Thời báo Tài chính Anh 06/9)

Chính sách

Hàn Quốc: Ngày 31/8 BoK quyết định không thay đổi chính sách lãi suất, giữ nguyên ở mức 1,5% do những số liệu kinh tế ảm đạm và lạm phát thấp; việc tăng lãi suất có thể tạo gánh nặng đối với những người đi vay.

Theo một số chuyên gia, số liệu kinh tế của Hàn Quốc “yếu hơn” dự kiến đã làm cho BoK có bước đi cẩn trọng hơn trong điều hành lãi suất. Thống kê cho thấy, trong tháng 7/2018, chỉ số hàng đầu về chu kỳ kinh tế đã giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 99,8.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2016, chỉ số này giảm xuống dưới mức 100, làm gia tăng lo ngại đến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á bước vào chu kỳ suy giảm. (Theo BoK ngày 31/8)

Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 04/9 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt với tình trạng lạm phát thấp, lương tăng chậm và nợ hộ gia đình ở mức cao.

Các nhà kinh tế dự báo, RBA không tăng lãi suất cho đến năm 2020, khi nợ hộ gia đình ở mức cao và lương tăng chậm lại tiếp tục tác động tới chi tiêu tiêu dùng. (Theo RBA ngày 04/9)