Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 06-11/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng -Lạm phát

Hoa Kỳ: Trong quý II/2018, kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,1%, mức tăng mạnh nhất trong gần 4 năm qua. Thâm hụt thương mại trong tháng 6/2018 tăng 7,3%, tương đương 3,2 tỷ USD, cao hơn dự đoán của giới phân tích và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.

Xuất khẩu ô tô sụt giảm và giá dầu tăng trong tháng 6/2018 đã làm tăng chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trong tháng 7/2018, có thêm 157 nghìn việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,9%. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 07/8)

Nhật Bản: Trong quý II/2018, GDP của Nhật Bản tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 0,5% so với quý I/2018, cao hơn 0,5 - 0,7% so với các mức dự báo trước đó của giới phân tích. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng do tiêu dùng tư nhân (chiếm gần 60% GDP của Nhật Bản) tăng 0,7%.

Ngoài ra, chi tiêu đầu tư tăng 1,3% với các khoản đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm lao động như dây chuyền sản xuất, máy móc hạng nặng và phần mềm. Xuất khẩu tăng 0,2%, nhập khẩu tăng 1% so cùng kỳ. Đà tăng trưởng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 8/2019. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 10/8)

Pháp: Tăng trưởng kinh tế Pháp sẽ đạt 0,4% trong quý III/2018.Đây là kết quả khả quan sau khi nền kinh tế Pháp chỉ đạt mức tăng trưởng 0,2% trong quý I và quý II. Bộ trưởng Tài chính Gérald Darmanin dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 là 1,8%, thấp hơn dự báo 2% được đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cho dù tăng trưởng quý III có thể đạt 0,4%, tăng trưởng quý IV phải đạt 1,3% thì tăng trưởng cả năm mới đạt 1,8%. (Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 08/8)

Ấn Độ: Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong tài khóa 2018 - 2019 ở mức 7,3%, sau đó tăng lên 7,5% trong tài khóa tiếp theo.

Triển vọng kinh tế của Ấn Độ khả quan do đầu tư và tiêu dùng tăng mạnh. Trong quý I/2018, kinh tế tăng trưởng 7,7%, mức cao nhất trong 7 quý qua. (Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF ngày 08/8)

Thái Lan: Trong quý II/2018, tăng trưởng kinh tế của nước này đạt khoảng 4,8%, cao hơn quý I/2018 và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Xuất khẩu trong tháng 6/2018 đạt 21,755 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, đưa xuất khẩu cả quý II đạt 63 tỷ USD, tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số PMI tăng 14 tháng liên tiếp và ở mức 4,7% trong tháng 6/2018. Trước đó, các ngân hàng lớn của Thái Lan như Kasikorn và GSB đã đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2018 đạt 4,5 - 4,9%. (Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan - BoT ngày 08/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 06 - 10/8/2018 giảm điểm do căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 0,59%; 0,25% và 0,35% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (03/8/2018). Trong ngày giao dịch 10/8/2018:

+ Dow Jones giảm 196,09 điểm (-0,77%), xuống 25.313,14 điểm.

+ S&P 500 giảm 20,30 điểm (-0,71%), xuống 2.833,28 điểm.

+ Nasdaq giảm 52,67 điểm (-0,67%), xuống 7.839,11 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,6 điểm (-0,12%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (10/8/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 300,31 điểm (-1,3%) xuống 22.298,08 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 240,68 điểm (-0,84%) xuống 28.366,62 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,93 điểm (0,01%) lên 2.795,31 điểm.

+ S&P/ASX 200 giảm 19,26 điểm (-0,31%) xuống 6.243,44 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 20,92 điểm (-0,91%) xuống 2.247,24 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 06 - 10/8/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 1,26% và 0,55%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (10/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,8 USD (1,21%) lên 67,63 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,74 USD (1,02%) lên 72,81 USD/thùng.

Châu Âu

Châu Âu: Chính sách bảo hộ thương mại cũng như việc Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu cao đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo ECB, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tăng trưởng mạnh và vững chắc.

ECB đã quyết định thực hiện đúng kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 2.600 tỷ EUR (3.010 tỷ USD) vào cuối năm 2018 và nâng lãi suất vào 8/2019 - lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 09/8)

Nga: Nga áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 25 - 40% từ ngày 05/8 nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu của Nga từ ngày 23/3. Các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ bị Nga áp thuế gồm: Phương tiện vận tải, máy xây dựng đường bộ, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép và khoan đá, sợi quang.

Mức thuế bổ sung mà Nga áp dụng đối với hàng hóa Hoa Kỳ sẽ giúp Nga bù lại 87,6 triệu USD trong năm nay. Số 450 triệu USD còn lại trong tổng số 537,6 triệu USD thiệt hại do Hoa Kỳ áp thuế bổ sung đối với Nga sẽ được bù đắp trong 3 năm tiếp theo. (Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin ngày 06/8)

Eurozone: Trong quý III/2018, chỉ số kỳ vọng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống -0,1 điểm, từ 13,8 điểm của quý trước, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012. Tương tự, chỉ số môi trường kinh tế giảm đáng kể, từ 31,1 điểm của quý II/2018 xuống 19,6 điểm.

Nguyên nhân là do những tranh chấp về thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đã tác động xấu đến triển vọng xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ xấu đi của môi trường kinh tế ở 5 nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone (Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan) là khác nhau. (Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo - Đức ngày 02/8)

Hy Lạp:

- Hy Lạp đã được giải ngân khoản tiền cuối cùng trị giá 15 tỷ EUR trong chương trình cứu trợ kéo dài 8 năm nhằm cứu quốc gia này thoát khỏi bờ vực phá sản. Khoản tiền này do ESM giải ngân 2 tuần trước thời hạn chính thức kết thúc gói cứu trợ thứ 3 dành cho Hy Lạp vào ngày 20/8/2018.

Hy Lạp nhận được khoản giải ngân sau khi Bộ trưởng Tài chính Eurozone đạt được thỏa thuận hỗ trợ quốc gia này giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong nhiều năm. (Theo Giám đốc điều hành Cơ chế bình ổn châu Âu - ESM ngày 06/8)

- Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đã giảm xuống dưới 20% lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7/2018 là 19,5%, giảm so với 21,7% trong cùng kỳ năm 2017.

Tuy vậy, Hy Lạp vẫn là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất EU, trong đó tỷ lệ người trẻ tuổi (15 - 24 tuổi) không có việc làm chiếm gần 40%. Tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới cũng rất cao, cứ 4 phụ nữ có 1 người không có việc làm. (Theo Cơ quan Thống kê Hy Lạp - Elstat ngày 09/8)

Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát hành “trái phiếu gấu trúc” tại Trung Quốc để thu hút dòng vốn bằng đồng CNY thay vì USD hoặc EUR trong bối cảnh đồng TRY của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 30% giá trị và thị trường chứng khoán mất giá 40% tính theo giá trị đồng USD từ đầu năm đến nay.

Hiện thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ tương đương 6,5% GDP, cao hàng đầu trên thế giới.(Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 08/8)

Châu Á

Iran: Iran đã nới lỏng các quy định ngoại hối để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm vào việc Iran mua đồng USD, buôn bán vàng và kim loại quý, than đá, ô tô và phần mềm liên quan đến công nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Iran sẽ mở các thị trường tiền tệ, cho phép phòng giao dịch mua và bán ngoại tệ mạnh cho các mục đích ngoại thương. Dòng ngoại tệ này sẽ không bị hạn chế và sẽ không bị đánh thuế. Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 06/8. (Theo truyền thông Iran ngày 06/8)

Hàn Quốc: Tỷ lệ nguồn thu từ thuế/GDP sẽ vượt mức 20% lần đầu tiên trong năm 2018 .Cụ thể, tổng nguồn thu từ thuế dự kiến tăng 5,5% lên 365 nghìn tỷ KRW (tương đương 323,8 tỷ USD) trong năm 2018, vượt xa mức thu của năm 2017 là 345.800 tỷ KRW.

Số thu từ thuế sẽ được sử dụng để tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, qua đó nâng cao khả năng tiêu thụ của người dân và mang lại tăng trưởng kinh tế bền vững. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 06/8)

Ấn Độ: Trong những ngày đầu tháng 8, Ấn Độ đã đặt mua tổng cộng 9,94 triệu thùng dầu thô, tương đương 319 nghìn thùng/ngày, từ Hoa Kỳ.

Lượng dầu này cao gần gấp ba lần lượng dầu nhập khẩu trong tháng 7/2018 (119 nghìn thùng/ngày) và cao hơn mức 190 nghìn thùng/ngày trong tháng 11/2017 (mức cao kỷ lục trước đó tính theo tháng).Số lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 8/2018 cao hơn tổng lượng dầu đã nhập khẩu 7 tháng đầu năm (9,65 triệu thùng).

(Theo dữ liệu tổng hợp từ Thomson Reuters ngày 09/8)

Châu Mỹ

Canada: Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Canada và Hoa Kỳ liên tục tăng do thuế thép và nhôm, cũng như các vòng tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bế tắc, song thặng dư thương mại của Canada với Hoa Kỳ vẫn tăng từ 3,3 tỷ CAD (khoảng 2,57 tỷ USD) trong tháng 5/2018 lên 4,1 tỷ CAD trong tháng 6.

Trong tháng 6, giá trị các lô hàng ô tô xuất khẩu cao hơn làm cho kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Hoa Kỳ tăng 2,5%, đạt mức kỷ lục 37,1 tỷ CAD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng tăng 0,3% lên 32,9 tỷ CAD. (Theo Cơ quan thống kê Canada ngày 03/8)

Mexico: Trong 6 tháng đầu năm 2018, Mexico đã đạt mức thặng dư thương mại trên 38 tỷ USD với Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Hoa Kỳ đạt 169,322 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 131,283 tỷ USD, tăng tương ứng 9,1% và 10,26% so với cùng kỳ của năm 2017.

Hàng hóa xuất khẩu của Mexico chiếm tỷ trọng 13,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Mexico sang thị trường Hoa Kỳ gồm ô tô và phụ tùng ô tô, máy móc và thiết bị điện - điện tử, nông sản, nhiên liệu hóa thạch, thiết bị quang học và dụng cụ y tế. (Theo Bộ Kinh tế Mexico ngày 06/8)

Hoa Kỳ

Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc làm cho ngành công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ đang tăng trưởng mạnh của Hoa Kỳ rơi vào tình trạng bất ổn, trong khi Trung Quốc có thể chuyển sang mua dầu của Iran. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Hoa Kỳ, sau Canada.

Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế lên dầu thô của Hoa Kỳ nhằm đáp trả các biện pháp đánh thuế của Hoa Kỳ lên hàng hóa của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc áp thuế, xuất khẩu dầu của Hoa Kỳ sẽ giảm, giá dầu nội địa sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng của ngành công nghiệp năng lượng sẽ bị chậm lại. (Theo Đài TNHK ngày 05/8)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại (cả hàng hóa và dịch vụ) của Hoa Kỳ tăng lên 291,2 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong năm 2018 sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng thâm hụt là do việc người dân Hoa Kỳ mua nhiều hàng hóa hơn, tăng trưởng kinh tế được cải thiện và việc cắt giảm thuế trong nước. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ 06/8)

Hoa Kỳ sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 23/8. Danh mục hàng hóa bị đánh thuế bổ sung bao gồm 279 mặt hàng, trong đó có các thiết bị bán dẫn từ các con chíp trong các sản phẩm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, Đài Loan hoặc Hàn Quốc. (Theo Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ ngày 07/8)

Trung Quốc

Trong tháng 7/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã bị thu hẹp, ở mức 28,1 tỷ USD, sau khi đạt mức kỷ lục 28,9 tỷ USD trong tháng 6. Đáng chú ý, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7/2018 tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017, vượt con số dự báo tăng 10% của Hãng tin Reuters.

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã tăng 13,3%, xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan thuế quan Trung Quốc ngày 08/8)

 

Nhật Bản

Trong tháng 6/2018, các đơn đặt hàng máy móc cơ bản của khu vực tư nhân ở nước này tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp, là mức giảm nhanh nhất trong 6 tháng qua.

Theo đó, giá trị các đơn hàng đặt mua máy móc cơ bản (không bao gồm tàu thuyền và các thiết bị điện tử), giảm 8,8% so với tháng 5 xuống 827,6 tỷ JPY (7,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, tính chung cả quý II/2018, giá trị các đơn đặt mua máy móc cơ bản lại tăng 2,2% so với quý I lên 2.680 tỷ JPY. Dự báo các đơn đặt mua hàng cơ bản trong quý III sẽ giảm 0,3% so với quý II. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 09/8)

Thương mại điện tử

Doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đã tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ đạt doanh thu hơn 400 tỷ USD, chiếm 10 - 12% tổng thị phần ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Có 6 yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu mua dùng hàng trực tuyến là: Tốc độ đô thị hóa; quy mô hộ gia đình bị thu nhỏ lại; giao thông ở các đô thị trở nên đông đúc; sự chuyển dịch vai trò nam và nữ trong xã hội; nhu cầu của mỗi thế hệ khác nhau và sự lan rộng của công nghệ. (Theo công bố của Công ty nghiên cứu Nielsen ngày 06/8)

Chính sách

Ngày 07/8 Ngân hàng Trung ương Australia - RBA quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% giữa bối cảnh lương tăng yếu và nợ hộ gia đình cao làm kìm hãm sức chi tiêu.

Thống đốc RBA Philip Lowe nhận định, lãi suất thấp đang hỗ trợ nền kinh tế, với mức tăng trưởng trung bình dự kiến hơn 3% trong năm 2018 và 2019.

Việc giữ nguyên chính sách tiền tệ được cho là phù hợp với đà tăng trưởng của nền kinh tế Australia và hướng đến mục tiêu lạm phát đã đặt ra. (Theo RBA ngày 07/8)