Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 08-13/10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu: Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế thế giới.

Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và 2019, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đây. Kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt 2,9% và 6,6% trong năm 2018 nhưng sẽ tăng chậm hơn dự kiến, lần lượt là 2,5% và 6,2% vào năm 2019.

IMF cũng dự báo tổng lưu lượng hàng hoá và dịch vụ tăng 4,2% trong năm 2018 và 4% trong năm 2019, thấp hơn 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. (Theo IMF ngày 09/10 )

- Đông Á - Thái Bình Dương: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) đạt 6,3%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,6% của năm 2017 do các bất ổn gia tăng.

+ Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 6,9% của năm 2017.

+ Các quốc gia đang phát triển khu vực EAP, ngoại trừ Trung Quốc (Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia): Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình 5,3%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng.

+ Các nền kinh tế nhỏ trong EAP (Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar): Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020.

(Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 04/10)

- Anh: Kinh tế Anh tăng trưởng 0,7% trong 3 tháng (tháng 6 - 8/2018), cao hơn so với mức tăng trưởng 0,6% theo dự báo của Reuters.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 8/2018, nền kinh tế Anh không thay đổi so với tháng 7/2018 (thấp hơn so với mức tăng trưởng 0,1% theo dự báo) và tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,7% của tháng 7/2018).

Nền kinh tế Anh đã tăng trưởng chậm lại kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU (tháng 6/2016). (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 10/10)

Lạm phát

- Hoa Kỳ: Tháng 9/2018, chỉ số lạm phát năm của Hoa Kỳ là 2,3%, thấp hơn so với 2,7% của tháng 8/2018 và 2,4% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 02/2018, chủ yếu do giá khí đốt giảm mạnh, chi phí nhiên liệu và nhà ở tăng chậm.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng) là 2,2%, bằng mức lạm phát của tháng 8/2018, nhưng thấp hơn so với dự báo 2,3% của thị trường. (Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ ngày 11/10)

- Venezuela: Lạm phát của Venezuela năm 2018 được dự báo là 1,37 triệu phần trăm, cao hơn so với dự báo 1 triệu phần trăm hồi tháng 7 và gấp hàng trăm lần ước tính hồi tháng 1. Năm 2019, lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này có thể còn hơn 10 triệu phần trăm.

Các số liệu kinh tế dự báo khác của Venezuela được giữ nguyên, với GDP giảm 18% trong năm nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp GDP nước này giảm 2 chữ số, do sản lượng dầu đi xuống và bất ổn chính trị tăng. (Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố ngày 09/10)

Tài chính

Tại hội nghị thường niên diễn ra ở Bali (Indonesia), IMF và WB đã công bố Chương trình Bali Fintech Agenda nhằm giúp các nước thành viên khai thác được các lợi ích và cơ hội từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) hiện nay, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đồng thời giúp quản lý được các rủi ro liên quan.

Chương trình nghị sự này đề xuất một khuôn khổ các vấn đề trọng yếu nhất mà các quốc gia nên xem xét trong các cuộc thảo luận chính sách trong nước về vấn đề Fintech. (Theo Thời báo Ngân hàng ngày 12/10)

Sản xuất

Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu đã giảm từ 53 điểm vào cuối quý II/2018 xuống còn 52,7 điểm trong tháng 7/2018, tiếp tục giảm xuống còn 52,6 điểm trong tháng 8/2018 và 52,2 điểm trong tháng 9/2018, mức mở rộng chậm nhất trong vòng 22 tháng qua.

Như vậy, PMI giảm 5 tháng liên tục, chuỗi giảm dài nhất kể từ thời điểm chỉ số này đạt mức mở rộng trên 50 điểm vào tháng 3/2016, do chịu tác động mạnh mẽ từ những diễn biến chậm lại của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Diễn biến kém tích cực của chỉ số PMI cho thấy kinh tế toàn cầu có chiều hướng giảm tốc trong những tháng cuối năm 2018.

Theo đó, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2018 đạt khoảng 3 - 3,9%, thấp hơn so với mức dự báo đưa ra hồi đầu năm khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm.

(Theo JP Morgan ngày 05/10)

Dịch vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng du khách quốc tế tăng khoảng 641 triệu lượt người (tương đương 6%), nhiều hơn 37 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2017, trong đó châu Âu và Đông Nam Á là những khu vực có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.

Việc công bố số liệu về lượng du khách quốc tế trên cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng liên tục của ngành du lịch.(Theo Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc - UNWTO ngày 10/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 08 - 12/10/2018 giảm điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 4,19%; 4,1% và 3,74% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (05/10/2018). Trong ngày giao dịch ngày 12/10/2018:

+ Dow Jones tăng 287,16 điểm (1,15%), lên 25.339,99 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 167,86 điểm (2,29%), lên 7.496,89 điểm.

+ S&P 500 tăng 38,76 điểm (1,42%), lên 2.767,13 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 7,76 điểm (-5,8%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (12/10/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 103,8 điểm (0,46%), lên 23.694,66 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 535,12 điểm (2,12%), lên 25.801,49 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 23,46 điểm (0,91%), lên 2.606,91 điểm.

Dầu mỏ

Trung Quốc đã ngừng mua dầu thô từ Hoa Kỳ trong tháng 8, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2016. Trước đó, trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu gần 12 triệu thùng dầu từ Hoa Kỳ.

Mối quan tâm của Trung Quốc với dầu thô của Hoa Kỳ đã suy giảm mạnh từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước bùng nổ và không ngừng leo thang.

Theo Bloomberg, tương lai về việc xuất khẩu dầu thô của Hoa Kỳ sang Trung Quốc vẫn còn mờ mịt và không có gì đảm bảo chắc chắn Bắc Kinh không đe dọa áp thuế lên dầu của Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu dịu bớt. (Theo Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Cục Thống kê Hoa Kỳ ngày 5/10)

Dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần (01 - 05/10) tăng 6 triệu thùng, cao hơn so với dự báo 2,6 triệu thùng của giới phân tích.

Sản lượng dầu mỏ trung bình của Hoa Kỳ trong năm 2018 tăng 1,39 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 10,74 triệu thùng/ngày, cao hơn so với dự báo tháng 9/2018 là 10,66 triệu thùng/ngày . Sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng mạnh trong thời gian qua nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến của nước này. (Theo EIA ngày 11/10)

Tuần từ ngày 08 - 12/10/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 4,04% và 4,43%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (12/10/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,37 USD (0,52%), lên 71,34 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,17 USD (0,21%), lên 80,43 USD/thùng.

Châu Á

- Hàn Quốc: Trong 7 tháng năm 2018, xuất khẩu ô tô của nước này đã giảm 6,8%, trong đó lượng tiêu thụ đã giảm tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, ngoại trừ châu Âu.

Xuất khẩu ô tô sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 18,3%.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Tthương mại quốc tế Hàn Quốc (IIT), hoạt động xuất khẩu ô tô đã giảm tốc kể từ năm 2011 và từ năm 2016 trở đi, hoạt động này không thể bắt kịp với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của Hàn Quốc.

Theo IIT, để khắc phục tình trạng xuất khẩu ô tô sụt giảm, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cần cho ra mắt nhiều sản phẩm mới và có một chiến lược đáp ứng tốt hơn những thay đổi về nhu cầu ở nước ngoài. (Theo IIT ngày 07/10)

- Malaysia: Chính phủ Malaysia có thể áp dụng một số loại thuế mới và bán tài sản như đất để trả bớt nợ công. Hiện nay, tổng nghĩa vụ nợ của Chính phủ Malaysiakhoảng 1 nghìn tỷ RM, tương đương gần 241 tỷ USD.

Mức nợ công tăng cao của Malaysia là do: Thất thoát tại Quỹ đầu tư quốc gia 1MDB - đang bị điều tra liên quan đến tham nhũng, rửa tiền tại Malaysia và một số quốc gia khác; (ii) Áp lực ngân sách tăng sau khi Chính phủ xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ. (Theo Thủ tướng Mahathir Mohamad ngày 9/10)

- Indonesia: Chính phủ Indonesia đang kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác với 21 công ty nhà nước của nước này để phát triển khoảng 80 dự án trong nước trị giá 42 tỷ USD.

Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Rini Soemarno cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông đường bộ, vận tải đường biển và vận tải hàng không.

Ngoài ra, ngành năng lượng Indonesia cũng đang hướng tới việc đạt được tỷ lệ điện khí hóa là 99,9% vào cuối năm 2019 và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hỗn hợp nhiên liệu. (Theo TTXVN ngày 10/10)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2018, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ giảm xuống 3,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969. Tiền lương theo giờ trung bình của người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017, giảm nhẹ so với mức tăng 2,9% vào tháng 8.

Số lượng việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 9 là 134.000 việc làm - thấp hơn dự báo do ảnh hưởng của bão Florence. (Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 05/10)

Ngày 09/10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo sẽ tiếp tục áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, nếu Bắc Kinh có hành động đáp trả những biện pháp mới đây của Washington trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai bên.

Tháng 9/2018, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá gần 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng ngay lập tức áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ trị giá khoảng 60 tỷ USD. (Theo TTXVN 09/10)

IMF cảnh báo, năm 2020 Hoa Kỳ có thể lâm vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, làm cho tổng giá trị tài sản công thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD, tương đương 26% GDP, kéo theo những tác động lớn lên hệ thống tài chính, thay vì tăng nợ công và thâm hụt ngân sách.

Trong trường hợp kinh tế toàn cầu trải qua một cuộc suy thoái sâu, lãi suất tăng cao, thị trường chứng khoán và bất động sản lao dốc, nợ công của Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 9%, giá trị tài sản ròng suy giảm mạnh, chủ yếu là do giá bất động sản yếu đi sẽ kéo theo giá trị của các cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu chính phủ đi xuống. (Theo IMF ngày 9/10)

Ngày 11/10, Liên minh các tập đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ phản đối các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump cho biết, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ phải chịu khoản thiệt hại trị giá 1,4 tỷ USD/tháng do các biện pháp thuế quan; trong đó, thiệt hại tại bang Michigan cao gấp 3 lần so với 1 năm trước và thiệt hại tại những bang như Texas, Illinois và Tây Virginia tăng gấp 2 lần.

Liên minh trên gồm 60 tập đoàn công nghiệp của Hoa Kỳ, trong đó có một số công ty quốc gia lớn như Viện Dầu khí Hoa Kỳ, các công ty dầu khí lớn như Exxon Mobil, Chevron và Hiệp hội các nhà bán lẽ Hoa Kỳ, được thành lập vào tháng 9/2018 nhằm phản đối các gói thuế quan trị giá hàng tỷ USD của chính quyền Tổng thống Trump. (Theo TTXVN)

Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 07/10 thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tăng tính thanh khoản cho hệ thống tài chính, trong bối cảnh lo ngại về tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế từ cuộc chiến thương mại leo thang với Hoa Kỳ.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được điều chỉnh giảm một điểm phần trăm, có hiệu lực từ ngày 15/10. Ước tính khoảng 1.200 tỷ CNY (175 tỷ USD) sẽ được giải phóng thông qua quyết định này, trong đó các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng 450 tỷ CNY (khoảng 65 tỷ USD) để thanh toán các khoản nợ trung hạn, phần còn lại có thể được đẩy vào nền kinh tế.

Đây là lần thứ tư trong năm 2018 PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Song song với đó, Chính phủ Trung Quốc đã có những kế hoạch đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án hạ tầng nhằm kích cầu nền kinh tế. (Theo Reuters ngày 7/10)

Ngày 09/10, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ không làm suy yếu đồng NDT nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, khi cuộc chiến thuế quan giữa nước này với Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn.

Đồng CNY giảm gần 10% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm 2018, làm tăng quan ngại về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, giúp cho các nhà xuất khẩu nước này chống đỡ lệnh áp thuế nhập khẩu 25% của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, việc đồng CNY mất giá cũng đe dọa tới nền kinh tế Trung Quốc do thúc đẩy dòng vốn đổ ra ngoài nước này, tăng chi phí đi vay, trong thời điểm Chính phủ nước này đang cố gắng “làm nguội” đà tăng trưởng. (Theo TTXVN ngày 09/10)

Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 19,4 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 27,89 tỷ USD của tháng 8/2018.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 9,8% của tháng 8/2018, do lượng đơn đặt hàng giảm nhanh hơn khi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ gia tăng;kim ngạch nhập khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 19,9% của tháng 8/2018.

Tăng trưởng nhập khẩu chậm lại là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Trung Quốc khi nước này đang dựa vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.(Theo khảo sát của Reuters ngày 10/10)

Tính đến cuối năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đã vượt 1.800 tỷ USD, đưa nước này lên vị trí thứ hai trên thế giới về đầu tư ra nước ngoài.Trung Quốc đã đầu tư vào 189 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, chiếm 5,9% tổng ODI toàn thế giới.

Chỉ riêng trong năm 2017, ODI của Trung Quốc đạt 158,29 tỷ USD, giảm 19,3% so với năm 2016, ghi nhận mức giảm đầu tiên kể từ năm 2003. (Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia - NBS và Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc - SAFE ngày 08/10)

Trong năm 2017, hơn 76% người trưởng thành ở Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 160 tỷ giao dịch thanh toán trực tuyến nội địa với tổng giá trị đạt 3.759 tỷ CNY (543 tỷ USD), tăng 1,97% so với năm 2016.

Nhà kinh tế thuộc Trung tâm Thông tin Quốc gia Trung Quốc Phạm Kiếm Bình nhận định, 10 năm trước, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu, nhưng tới nay, tỷ lệ đó đã tăng lên khoảng 40%, vượt qua cả Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp gộp lại.(Theo PBOC ngày 11/11)

Anh

Trong tháng 8/2018, thâm hụt thương mại của Anh là 1,27 tỷ GBP, cao hơn so với mức thâm hụt 0,57 tỷ GBP của tháng 7/2018 và 1,15 tỷ GBP theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thâm hụt thương mại lớn nhất của Anh kể từ tháng 5/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,1% so với tháng 7/2018 lên 55,08 tỷ GBP, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,4% lên 56,35 tỷ GBP. (Theo ONS ngày 10/10)

Đàm phán - Ký kết

ADB và OECD

Ngày 10/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ký một bản ghi nhớ có hiệu lực trong giai đoạn 2019 - 2023về tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy các chính sách và chương trình phát triển hiệu quả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các hoạt động chung bao gồm Sáng kiến Chống tham nhũng ADB - OECD, Hội nghị bàn tròn OECD - châu Á về quản trị doanh nghiệp và Diễn đàn OECD về thuế và tội phạm.

Theo thỏa thuận, ADB và OECD sẽ tiếp tục thực hiện những sáng kiến đang phát triển và tiến hành một số nghiên cứu khác về những vấn đề như: chính sách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng trong trung hạn của châu Á, triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á và số liệu thống kê về khu vực châu Á.

ADB và OECD sẽ cùng phối hợp để thúc đẩy đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, học hỏi lẫn nhau trong các lĩnh vực chống tham nhũng, chính sách thuế và quản trị, chính sách kinh tế vĩ mô, thu thập và phân tích dữ liệu. (Theo TTXVN ngày 10/10)