Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 09-14/07/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2018, giảm so với mức 2,3% được dự báo hồi đầu tháng 5. Tuy nhiên, trong năm 2019, kinh tế khu vực này sẽ tăng 2%, không thay đổi so với dự báo trước đó.

Đức và Pháp được dự báo sẽ mất đà tăng trưởng trong 2018 và năm 2019; trong đó tăng trưởng GDP của Đức chỉ đạt 1,9% trong cả 2 năm, lần lượt giảm 0,4% và 0,2% so với dự báo trước đó; tăng trưởng GDP của Pháp đạt 1,7% trong cả 2 năm.

Nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong khối là Italy với tốc độ tăng trưởng 1,3% trong năm 2018 và 1,1% trong năm 2019. (Theo dự báo của Ủy ban châu Âu - EC ngày 12/7)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần 09/7 - 13/7/2018 tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng và các nhà đầu tư chờ kết quả kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt là 2,3%; 1,5% và 1,79% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (13/7/2018). Trong ngày giao dịch ngày 13/7/2018:

+ Dow Jones tăng 94,52 điểm (0,38%), lên 25.019,41 điểm.

+ S&P 500 tăng 3,02 điểm (0,11%), lên 2.801,31 điểm.

+ Nasdaq tăng 2,06 điểm (0,03%), lên 7.825,98 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,7 điểm (1,05%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (13/7/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 25,84 điểm (1,13%) lên 2.310,9 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 44,61 điểm (0,2%) lên 28.525,44 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 409,39 điểm (1,9%) lên 22.597,35 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) không thay đổi, ở mức 6.268,4 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 6,48 điểm (-0,2%) xuống 2.831,18 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 09/7 - 13/7/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 3,78% và 2,31%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (13/7/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,68 USD (0,96%) lên 71,01 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,88 USD (1,17%) lên 75,33 USD/thùng.

Canada

Canada: Tranh chấp thương mại trong lĩnh vực ô tô giữa Canada và Hoa Kỳ sẽ làm tăng giá xe mới từ 5 - 9 nghìn USD và dẫn đến nguy cơ 1/5 số lao động trong lĩnh vực này ở Canada sẽ bị mất việc làm (có 25 - 30 nghìn lao động trong tổng số 156 nghìn lao động đang làm việc tại các đại lý xe mới ở Canada).

Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ dự định áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Canada có thể buộc Canada phải có biện pháp trả đũa Hoa Kỳ bằng việc áp các mức thuế tương tự. Điều này sẽ đẩy giá xe ở Hoa Kỳ và Canada tăng mạnh.(Theo Hiệp hội Kinh doanh ô tô Canada - CADA ngày 10/7)

Australia

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia trong năm 2017 tăng 14,8% lên 386 tỷ AUD (tương đương 287,1 tỷ USD). Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều tăng 16% lên 183,4 tỷ AUD (136,4 tỷ USD).

Nhật Bản đã vượt Hoa Kỳ thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 71,9 tỷ AUD (53,4 tỷ USD), trong khi thương mại hai chiều giữa Australia và Hoa Kỳ chỉ đạt 68,4 tỷ AUD (50,8 tỷ USD). (Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia - DFAT ngày 06/7)

Châu Á

Singapore: Trung bình hằng năm, ngành khai thác và quản lý nguồn nước của Singapore đóng góp 2,5 tỷ SGD/năm (1,84 tỷ USD/năm) cho nền kinh tế và tạo 14.400 việc làm.

Ngành công nghiệp nước của Singapore đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tạo lập được một hệ sinh thái nước mạnh và đưa quốc gia này trở thành một trung tâm nước hàng đầu trên thế giới. Dự kiến từ nay đến năm 2020, ngành công nghiệp nước của Singapore sẽ tạo ra khoảng 15 nghìn việc làm và đóng góp 2,85 tỷ SGD (2,1 tỷ USD) vào nền kinh tế mỗi năm.

(Theo Cơ quan Nước quốc gia - PUB, Cơ quan Phát triển kinh tế - EDB và Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp Singapore ngày 10/7)

Châu Mỹ

Argentina: Chính phủ nước này sẽ ban hành sắc lệnh cắt giảm chi tiêu công, ngừng tuyển dụng nhân sự cho các cơ quan nhà nước nhằm tiết kiệm hơn 860 triệu USD ngân sách, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, tăng trưởng giảm và đồng nội tệ ARS mất giá mạnh.

Chính phủ Argentina sẽ không cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các trường đại học quốc gia, trung tâm giáo dục tư nhân và của các tỉnh kể từ ngày 01/01/2019. Bên cạnh đó, quyết định mới cũng cắt bỏ việc cấp tiền thưởng, phần thưởng, các khoản ưu đãi và bổ sung ngân sách cho những tổ chức, cá nhân từ nay đến hết năm tới. (Theo Chính phủ Argentina ngày 10/7)

Venezuela:

- Giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 46.305% trong vòng 12 tháng (kết thúc vào tháng 6/2018). Riêng tháng 6/2018, lạm phát tăng 128,4%, mức tăng nhanh nhất trong 6 tháng đầu năm 2018, so với mức 110,1% của tháng 5/2018, do giá thực phẩm tăng khoảng 183%. (Theo Quốc hội Venezuela ngày 10/7)

- Trong tháng 6/2018, sản lượng dầu của Venezuela đã giảm còn 1,5 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong 30 năm qua.Dầu mỏ đóng góp tới 96% vào nguồn thu ngân sách. Việc thiếu hụt ngoại tệ đã dẫn tới tình trạng kinh tế bị “tê liệt”, đẩy nước này lâm vào tình cảnh thiếu hụt thực phẩm và dược phẩm nghiêm trọng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, kinh tế Venezuela đã sụt giảm 45% kể từ năm 2013 và dự báo sẽ suy giảm 15% trong năm 2018, với tỷ lệ lạm phát lên tới 13.800%.(Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 11/7)

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ sẽ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, nếu vẫn duy trì được đà tăng sản lượng như hiện nay.

Sản lượng dầu của Hoa Kỳ luôn đạt trên 10 triệu thùng/ngày kể từ tháng 2/2018 và dự báo đạt mức bình quân 10,8 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng so với 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Sản lượng sẽ còn tiếp tục tăng lên 11,8 triệu thùng/ngày vào năm 2019. (Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 12/7)

Trong tháng 6/2018, thị trường lao động của Hoa Kỳ đã tạo thêm 213 nghìn việc làm, vượt dự báo của các nhà phân tích. Mức thu nhập trung bình mỗi giờ làm việc của lao động trong tháng 6 tăng 0,2% lên 26,98 USD/giờ.

Đây được xem là một tin tốt lành và củng cố thêm niềm tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 10/7)

Giá đậu tương trên thị trường thế giới đã giảm còn 8,55 USD/giạ trong phiên giao dịch ngày 11/7 - mức thấp nhất 10 năm. Mặt hàng này đã giảm giá 13% so với thời điểm đầu năm và giảm 16% trong vòng 2 tháng trở lại đây, do xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Đậu tương là là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Khoảng 1/3 sản lượng đậu tương của Hoa Kỳ được bán sang Trung Quốc, trị giá 14 tỷ USD. (Theo tin từ CNN ngày 13/7)

Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/7, việc giá thực phẩm, xăng, chi phí chăm sóc sức khỏe và y tế tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 6/2018 lên mức cao trong 6 năm qua, tăng 0,1% so với tháng 5/2018, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2012. Xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn trong các tháng tới.

Trung Quốc

Ngày 10/7, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc đã cam kết cung cấp gói vay 20 tỷ USD cho nhiều nước ở Trung Đông nhằm hỗ trợ kế hoạch “tái thiết kinh tế” và “khôi phục ngành công nghiệp”, trong đó có sự hợp tác về dầu khí, hạt nhân và năng lượng.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cam kết cung cấp gói viện trợ 106 triệu USD cho nhiều nước ở khu vực này. (Theo TTXVN ngày 11/7)

Trong vòng 5 năm 2012 - 2017, 80% doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Trung Quốc với số vốn lên tới trên 1 tỷ USD, tập trung nhiều nhất ở Bắc Kinh và Thượng Hải (lần lượt là 29 và 17 doanh nghiệp). Phần lớn các startup hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử.

Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ trợ khởi nghiệp trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị không người lái, bảo mật dữ liệu.... Startup của Trung Quốc dẫn đầu về lượng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu vào lĩnh vực AI với tỷ trọng 48%, trong khi Hoa Kỳ chiếm 38%. (Theo CB Insights ngày 12/7)

 

Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ giữ nguyên đánh giá tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định đối với tất cả 9 khu vực kinh tế của Nhật Bản. Sự phục hồi hoặc mở rộng của các khu vực kinh tế này do xuất khẩu tăng và chi tiêu tư nhân được cải thiện.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhận định, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng và BoJ sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát đạt mức mục tiêu 2%. (Theo BoJ ngày 10/7)

Chính sách thương mại theo hướng bảo hộ của Hoa Kỳ đã gây ra thách thức đối với thương mại tự do dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, việc các quốc gia khu vực Bắc Mỹ gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico đàm phán sửa đối hiệp định thương mại tự do NAFTA cũng có thể ảnh hưởng tới Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ô tô. (Theo Sách Trắng thường niên về thương mại Nhật Bản ngày 10/7)

Dân số Nhật bản tiếp tục suy giảm trong 9 năm liên tiếp, ở mức 125,2 triệu người tại thời điểm tháng 01/2018, giảm 374 nghìn người so với năm 2017 – mức giảm nhiều nhất kể từ năm 1968. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản trong năm 2017 thấp nhất kể từ năm 1979, với 948 nghìn ca.

Chỉ có 6 trên tổng số 47 tỉnh thành của nước này có sự tăng trưởng dân số, trong đó có thủ đô Tokyo. Tokyo có thêm 70 nghìn cư dân, đảm bảo dân số trên 13 triệu dân và duy trì đà tăng 22 năm liên tiếp. (Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 12/7)

Ký kết - Hợp tác

Ấn Độ và Hàn Quốc:

Theo hãng ANI News, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Suresh Prabhu và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun Chong ngày 09/7 đã ký các thỏa thuận về thương mại và mậu dịch.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, Hàn Quốc và Ấn Độ có mối quan hệ song phương vững mạnh và sẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bước khởi đầu là nhà máy Samsung ở thành phố Noida, Ấn Độ sẽ sản xuất gần 10 triệu điện thoại di động trong những năm tới.

Thương mại thế giới

Trong quý I/2018, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ tiền tệ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm và là quý giảm thứ 5 liên tiếp, trong khi tỷ trọng đồng EUR, CNY và GBP tăng.

Cụ thể, các khoản dự trữ bằng USD đã tăng lên 6,499 nghìn tỷ USD trong quý I/2018, từ 6,282 nghìn tỷ USD của quý trước đó, tuy nhiên tỷ trọng lại giảm từ 62,72% xuống 62,48% .

Tỷ trọng dự trữ bằng đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất là 61,24% trong quý IV/2013, do: Đồng USD suy yếu trong 3 tháng đầu năm 2018; kỳ vọng các nền kinh tế bên ngoài Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh hơn; các ngân hàng trung ương lớn sẽ xem xét giảm kích cầu.

(Theo IMF ngày 10/7)

Ngày 04/7/2018, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 39 biện pháp hạn chế thương mại mới bao gồm: Tăng thuế quan, thắt chặt thủ tục hải quan, áp thuế xuất khẩu. Các nền kinh tế G20 đã áp dụng gần 6 biện pháp hạn chế thương mại/tháng.

Đồng thời, G20 cũng triển khai 47 biện pháp nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại, bao gồm giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu; trung bình có 7 biện pháp tạo thuận lợi được áp dụng mỗi tháng. (Theo Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO ngày 10/7)

Nhận định chuyên gia

Hãng đầu tư quốc doanh Singapore Temasek Holdings (11/7):

Khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ trong 2 - 3 năm tới đã tăng lên đáng kể, ngay cả khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc tiếp tục leo thang hay không.

Kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh dù đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng, khi thị trường lao động bị thắt chặt và chi phí doanh nghiệp tăng cao. Do vậy, Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ phải tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và đây là một động thái cân bằng khó khăn.

Dư nợ toàn cầu

Trong quý I/2018, tổng nợ toàn cầu ở mức 247 nghìn tỷ USD, tăng hơn 29 nghìn tỷ USD so với năm 2016. Lần đầu tiên kể từ quý III/2016, tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên, tuy nhiên vẫn thấp hơn 4 phần trăm so với mức kỷ lục trước đây.

Tốc độ gia tăng của các khoản nợ là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh chất lượng của các khoản cho vay đang sụt giảm, nhất là ở các thị trường mới nổi.

Tổng dư nợ tài chính của các thị trường mới nổi đã tăng 2,8 nghìn tỷ USD, lên 58,5 nghìn tỷ USD trong quý I/2018. (Theo Viện Tài chính Quốc tế - IFF ngày 11/7)