Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 10-14/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Anh: Trong 3 tháng (5 - 7/2018), GDP của Anh tăng trưởng 0,6%, mức tăng nhanh nhất trong gần một năm và cao hơn mức tăng 0,4% của 3 tháng trước đó, chủ yếu nhờ lĩnh vực dịch vụ tăng cao.

Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo giảm 0,2% trong tháng 7/2018, chủ yếu do sản lượng dược phẩm giảm mạnh. Các công ty dược phẩm Anh đang chịu sức ép ngày càng gia tăng trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu (EU). (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 10/9)

- Pháp: Trong năm 2018, Pháp hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 1,7% từ mức 2% (dự báo tháng 4/2018), do những bất ổn trong nền kinh tế như giá dầu tăng, sự phụ thuộc vào nhập khẩu và các cuộc đình công của người lao động.

Thâm hụt ngân sách năm 2018 sẽ tương đương khoảng 2,6% GDP, cao hơn so với mục tiêu 2,3% GDP của Chính phủ đề ra. Mức thâm hụt năm 2019 sẽ vẫn dưới 3% GDP. (Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 10/9)

Lạm phát

- Hoa Kỳ: Trong tháng 8/2018, lạm phát giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng 2,7%, thấp hơn so với 2,9% của tháng 7/2018 và 2,8% theo dự báo của thị trường.

Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 4 tháng do chi phí nhiên liệu, xăng dầu và nhà ở giảm, qua đó làm giảm áp lực nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).(Theo Văn phòng Thống kê Hoa Kỳ ngày 13/9)

- Trung Quốc: Trong tháng 8/2018, CPI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức dự báo tăng 2,2% của các nhà kinh tế.

Việc mặt bằng giá có dấu hiệu gia tăng là một trở ngại lớn đối với những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy kinh tế đang có xu hướng chậm lại.(Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 10/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 03 - 07/9/2018 tăng điểm.Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt là 0,9%; 1,2% và 1,4% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (31/8/2018).Trong ngày giao dịch ngày 07/9/2018:

+ Dow Jones tăng 0,03% lên 26.154,67 điểm.

+ S&P 500 tăng 0,03% lên 2.904,97 điểm.

+ Nasdaq giảm 0,05% xuống 8.010,04 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,9 điểm (0,93%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (07/9/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 273,35 điểm (1,2%) lên 23.094,67 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 360,8 điểm (1,1%) lên 27.321,29 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 4,94 điểm (-0,2%) xuống 2.681,64 điểm.

Dầu mỏ

Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ tăng trong tháng 8/2018, đạt gần 11 triệu thùng/ngày và đưa Hoa Kỳ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, vượt qua Nga và Saudi Arabia, lần đầu tiên kể từ năm 1973.

Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cao hơn Nga và Saudi Arabia đến năm 2019.

“Kỳ tích” này cho thấy sự bùng nổ của dầu đá phiến Hoa Kỳ đã định hình lại bức tranh ngành năng lượng thế giới. Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. (Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ngày 12/9)

Tuần từ ngày 03 - 07/9/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,8% và 1,6%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (31/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,4 USD (0,6%) lên 68,99 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,9 USD (-0,1%) xuống 78,09 USD/thùng.

Châu Âu

- Eurozone: Trong tháng 7/2018, sản lượng sản xuất công nghiệp của Eurozone giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2017, trái ngược với mức tăng 2,3% của tháng 6/2018 và mức tăng 1% theo dự báo của thị trường.

Đây là lần đầu tiên sản lượng công nghiệp của Eurozone giảm kể từ tháng 01/2017, do sản lượng hàng tiêu dùng lâu bền và năng lượng giảm. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 12/9)

- Nga: Trong tháng 7/2018, thặng dư thương mại của Nga đạt 13,4 tỷ USD, cao hơn so với thặng dư 3,83 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức dự báo 14,4 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 34,43 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 0,9% lên 21,03 tỷ USD.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Nga đạt 104,04 tỷ USD, cao hơn so với 63,51 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 11/9)

Châu Á

- Châu Á - Thái Bình Dương: Trong năm 2017, tỷ lệ đóng góp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào GDP toàn cầu đạt 42,6%, cao hơn so với mức 30,1% của năm 2000.

Lực lượng lao động tại khu vực đang dần chuyển hướng từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong khi các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong giai đoạn 2002 - 2013, khoảng 780 triệu người tại khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Ngoài ra, châu Á - Thái Bình Dương đã có những hành động hướng đến bình đẳng giới trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm giáo dục và việc làm, cùng với việc cải thiện sức khỏe phụ nữ. (Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 10/9)

- Hàn Quốc: Trong tháng 8/2018, tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc là 4,2%, cao hơn so với tỷ lệ 3,8% trong tháng 7/2018 và là mức cao nhất trong 8 năm, khi mức lương tối thiểu bắt buộc tăng.

Số lượng người thất nghiệp tăng thêm 134 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017.Tổng số người được tuyển dụng trong tháng 8/2018 chỉ đạt 3.000 người, mức thấp nhất từ năm 2010. (Theo Nikkei ngày 12/9)

- Philippines: Trong tháng 7/2018, thâm hụt thương mại của Philippines là 3,55 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 1,31 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2017 lên 5,85 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 31,6% lên 9,4 tỷ USD.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại của Philippines là 22,49 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 13,06 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 11/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 8/2018, chỉ số phi chế tạo của Hoa Kỳ đạt 58,5 điểm, tăng 2,8% so với tháng 7/2018. 16 trong số 17 khu vực dịch vụ báo cáo tăng trưởng, dẫn đầu là xây dựng, vận tải, thương mại bán lẻ và dịch vụ giáo dục. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng liên tục trong hơn 8 năm qua. (Theo Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 06/9)

Trong tháng 8/2018, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tuyển thêm 201.000 lao động, gần bằng số lao động được tuyển dụng trung bình theo tháng trong năm 2017 là 196.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đang duy trì ở mức thấp 3,9%.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ này có thể còn giảm nữa nếu tốc độ tuyển dụng vẫn cao. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ có thể đạt 3,5% hoặc thấp hơn trong năm 2019 và đây sẽ là mức thấp nhất trong khoảng 50 năm.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 07/9)

Trong tháng 8/2018, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đạt 211 tỷ USD. Nếu loại trừ những thay đổi do điều chỉnh thời gian, giá trị thâm hụt ngân sách tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2017, do lãi ròng nợ công tăng 25%, chi tiêu quốc phòng tăng 10%, chi tiêu cho an sinh xã hội tăng 5% và trợ cấp y tế tăng 7%.

Trong khi đó, thu ngân sách giảm 3%, với thuế doanh nghiệp giảm 5 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ đang gia tăng liên tiếp. Trong 11 tháng đầu của năm tài khóa (01/10/2017 - 30/9/2018), tổng mức thâm hụt ngân sách là 895 tỷ USD, cao hơn 222 tỷ USD so với năm 2017. Chi tiêu ngân sách tăng 7%, trong khi thu ngân sách tăng 1%. (Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ - CBO ngày 10/9)

Trong tháng 8/2018, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ giảm 0,1% so với tháng 7/2017, trái ngược với dự báo tăng 0,2% của Reuters và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 02/2017, do giá thực phẩm và dịch vụ thương mại giảm. So với cùng kỳ năm 2017, PPI của Hoa Kỳ tăng 2,8%, thấp hơn so với mức tăng 3,3% của tháng 7/2017 và 3,2% theo dự báo của Reuters. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/9)

Trong năm 2017 có gần 77 triệu lượt du khách quốc tế đến nước này và chi 251,4 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trong đó du lịch liên quan đến giáo dục chiếm gần 2/3 lượng khách du lịch đến Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Hoạt động chi tiêu của khách du lịch đã hỗ trợ 1,2 triệu việc làm ở nước này. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 12/9)

Trung Quốc

Trong tháng 8/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đạt 31 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với thặng dư 28,08 tỷ USD của tháng 7/2018 và cao hơn mức kỷ lục 28,97 tỷ USD hồi tháng 6/2018.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 13,4% lên 44,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 11,1% lên 13,3 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đạt hơn 192 tỷ USD, cao hơn so với 168 tỷ USD cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân chính làm cho thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng chủ yếu do các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đẩy mạnh các đơn đặt hàng nhằm tránh các mức thuế mới được áp dụng. (Theo Cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/9)

Nếu Hoa Kỳ áp dụng thuế suất 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc đối phó bằng cách giảm giá đồng CNY 5%, cộng thêm áp thuế bổ sung lên hàng hóa Hoa Kỳ, thì Trung Quốc sẽ bị mất 700.000 việc làm.

Nếu Hoa Kỳ áp dụng thuế suất 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ bị mất 5,5 triệu việc làm và tăng trưởng GDP bị giảm 1,3 điểm phần trăm. (Theo báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase ngày 11/9)

Đa số các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc đã bị tác động mạnh sau những căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Theo đó, hơn 60% trong 430 công ty cho biết lợi nhuận và nhu cầu của khách hàng sụt giảm; khoảng 74,3% công ty cho rằng sẽ bị ảnh hưởng nếu Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD; khoảng 67,6% công ty bi quan nếu Trung Quốc áp thuế đối với lượng hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá 60 tỷ USD; hơn 52% các công ty cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang “gây khó dễ” cho họ bằng nhiều biện pháp như thủ tục thông quan chậm, thanh tra gắt gao, thủ tục hành chính quan liêu. (Theo kết quả thăm dò của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ công bố ngày 13/9)

Brazil

Trong năm 2018, sản lượng thu hoạch cà phê của Brazil có thể đạt mức cao kỷ lục 57,4 triệu bao (loại 60kg), so với mức sản lượng khoảng 46 triệu bao trong năm 2017. Hiện Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil - IBGE ngày 12/9)

Đàm phán - Ký kết

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4

Bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 tại thành phố Vladivostok,Phó Thủ tướng kiêm đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Khu vực liên bang Viễn Đông Yuri Trutnev (13/9) cho biết, tính đến sáng ngày 13/9, đã có 175 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá 2,9 nghìn tỷ RUB (41,7 tỷ USD).

Trong số các thỏa thuận có trị giá lớn, có dự án xây dựng cơ sở công nghiệp khai khoáng tại Chukotka, thỏa thuận về đầu tư của Quỹ đầu tư châu Á Generations Fund (GenFund) vào các dự án khu vực Viễn Đông của Tập đoàn Nông nghiệp Rusagro và Nhà máy Phân khoáng Nokhodkinsky của Nga, thỏa thuận cung cấp 100 máy bay SSJ-100 cho hãng hàng không Aeroflot của Nga.

Tổng trị giá các thỏa thuận ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ nhất (2015) là 1,3 nghìn tỷ RUB, lần thứ 2 (2016) là 1,8 nghìn tỷ RUB và lần thứ 3 (2017) là 2,5 nghìn tỷ RUB.

Chính sách

- Eurozone: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (13/9) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất hiện hành và dự định nâng lãi suất vào mùa thu năm 2019. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.

ECB cũng quyết định giảm quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp (còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng) xuống còn 15 tỷ EUR (17,4 tỷ USD)/tháng từ tháng 10/2018. Hoạt động này sẽ được duy trì cho đến hết tháng 12/2018, thời điểm chương trình kích thích kinh tế sẽ kết thúc.

- Anh: Ngân hàng Trung ương Anh - BoE (13/9) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%, đồng thời không điều chỉnh chương trình nới lỏng định lượng.

Động thái này phù hợp dự báo của các thị trường tài chính, sau khi BoE tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75% tại cuộc họp tháng 8/2018. Dư báo lãi suất sẽ tiếp tục được BoE duy trì ở mức hiện nay cho đến hết năm 2018.

Nhận định
chuyên gia

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF Christine Lagarde (11/9):

Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều hệ quả xấu đối với các thị trường mới nổi đang gặp khó khăn, trong đó có các nền kinh tế châu Á sở hữu những chuỗi cung ứng hàng hóa có mối liên quan mật thiết với ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Giá trị tiền tệ của một số nền kinh tế mới nổi đã suy giảm do đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư tìm cách chuyển hướng đầu tư sang Hoa Kỳ. Vấn đề này có thể tác động tới các nhà xuất khẩu trong Eurozone. Tuy nhiên, nguy cơ cốt lõi của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Đức - BdB, Andreas Krautscheid (11/9):

Nếu Anh rời khỏi EU (Brexit) vào tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận sẽ gây “hỗn loạn” tại các thị trường tài chính châu Âu, không chỉ tại London mà cả ở Frankfurt, Paris và Amsterdam, do hầu hết các ngân hàng thành viên của BdB đều có hoạt động liên quan đến Brexit.

Hiện tại, mỗi ngày Anh và EU hoàn tất một lượng lớn các giao dịch tài chính phức tạp, hàng triệu dữ liệu có liên quan được chuyển từ London sang các nước EU khác. Toàn bộ các giao dịch trên sẽ bị trễ một hoặc nhiều ngày khi Brexit xảy ra mà không đạt được thỏa thuận.