Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 10-15/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Châu Á - Thái Bình Dương: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2018 đạt 6% và năm 2019 là 5,8%, bằng mức dự báo đưa ra hồi tháng 9/2018, do nhu cầu trong nước mạnh và sức ép lạm phát nới lỏng, mặc dù phải đối mặt với những rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. (Theo báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 12/12)

- Eurozone: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (13/12) điều chỉnh mức dự báo kinh tế Eurozone trong năm 2018 và 2019 lần lượt ở mức 1,9% và 1,7%, thấp hơn so với các mức dự báo được đưa ra trước đó là 2% và 1,8%, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều bất ổn bắt nguồn từ những nhân tố bên trong lẫn bên ngoài. ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa, chỉ đạt 1,5% vào năm 2021.

- Nga: Trong quý III/2018, GDP của nước này tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với 1,3% theo ước tính lần 1, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với 1,9% của quý II/2018. Trong 9 tháng đầu năm 2018, GDP của Nga tăng trưởng 1,6%, thấp hơn so với mức tăng 1,8% của cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày 12/12)

- Pháp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Pháp trong quý IV/2018 đạt 0,2%, thấp hơn so với mức tăng 0,4% của quý III/2018 và dự báo đưa ra trước đó, do làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ tại nước này đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hằng tháng của Ngân hàng Trung ương Pháp, BCI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 101 điểm (tháng 11/2018) từ mức 102 điểm (tháng 10/2018) và là mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây, chủ yếu do các cuộc biểu tình tác động tới những doanh nghiệp sản xuất ô tô và các công ty công nghệ thực phẩm. (Theo Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 10/12)

- Hàn Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2018 đạt 2,7%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,9%, do tăng trưởng đầu tư kém và nhu cầu trong nước thấp. Dự báo năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,6% trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân đều kém khởi sắc. (Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 10/12)

Tài chính

Ấn Độ đã dẫn đầu thế giới về lượng kiều hối trong năm 2018 với 80 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc (67 tỷ USD), Mexico và Philippines (34 tỷ USD mỗi nước) và Ai Cập (26 tỷ USD).

Lượng kiều hối đổ về các nước phát triển trong năm 2018 đạt 528 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2017, cao hơn so với mức tăng 7,8% của năm 2017 so với năm 2016. Trong khi đó, lượng kiều hối toàn cầu tăng khoảng 10% lên 689 tỷ USD. (Theo Báo cáo tóm tắt về phát triển và di cư của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 08/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 10/12 - 14/12/2018, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 1,18%; 1,26% và 0,84% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (07/12/2018). Trong ngày giao dịch 14/12/2018:

+ Dow Jones giảm 496,87 điểm (-2,02%), xuống 24.100,51 điểm.

+ S&P 500 giảm 50,59 điểm (-1,91%), xuống 2.599,95 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 159,67 điểm (-2,26%), xuống 6.910,66 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,02 điểm (-1,31%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (14/12/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 40,31 điểm (-1,53%), xuống 2.593,74 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 441,36 điểm (-2,02%), xuống 21.374,83 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 429,56 điểm (-1,62%), xuống 26.094,79 điểm.

Dầu mỏ

Ngày 07/12/2018, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu lớn ngoài OPEC đã đồng ý cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ năm 2019, trong đó OPEC sẽ cắt giảm 800 nghìn thùng, Nga cắt giảm 228 nghìn thùng (cao hơn so với mức dự tính ban đầu của nước này là không quá 150 nghìn thùng). Các nhà sản xuất sẽ nhóm họp vào tháng 4/2019 để đánh giá kết quả của lần cắt giảm sản lượng này.

Trong tháng 11/2018, sản lượng dầu mỏ của OPEC giảm 11 nghìn thùng/ngày, xuống 32,97 triệu thùng/ngày. Dự báo trong năm 2019, nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 1,29 triệu thùng/ngày lên bình quân 100,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 7/2018. (Theo OPEC ngày 12/12)

Tuần từ ngày 10/12 - 14/12/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 0,53% và 2,67%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (14/12/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2019:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,38 USD (-2,70%), xuống 51,20 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,17 USD (-1,94%), xuống 60,28 USD/thùng.

Châu Âu

- Eurozone: Mặc dù nền kinh tế Eurozone đang tăng trưởng chậm và ngày càng đối mặt với nhiều mối đe dọa, tuy nhiên ECB (13/12) đã chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp quy mô lớn sau khi giảm dần hoạt động thu mua tài sản trong những tháng gần đây.

Chương trình mua trái phiếu, còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng, được thiết kế nhằm kích thích tăng trưởng và kiềm chế lạm phát dưới 2%. Kể từ năm 2015 đến nay, ECB đã "bơm" hơn 2.600 tỷ EUR cho chương trình này.

- Pháp: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (10/12) công bố kế hoạch chi tiêu mới của nước này trong năm 2019. Cụ thể, kể từ đầu năm 2019, mức lương tối thiểu sẽ được tăng thêm 100 EUR (tương đương 113 USD) mỗi tháng; tiền làm thêm giờ cũng như những khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động sẽ không phải chịu thuế, phí; đối với những người về hưu có thu nhập dưới 2.000 EUR/tháng, khoản tăng thuế để chi trả cho trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo trích từ lương hưu của họ sẽ được hủy bỏ.

- Bồ Đào Nha: Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno (10/12) cho biết, Bồ Đào Nha đã hoàn trả 4,7 tỷ EUR (hơn 5,3 tỷ USD) còn lại trong khoản vay cứu trợ trị giá 26 tỷ EUR từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoàn tất việc trả nợ trước thời hạn cho tổ chức này. Năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) và IMF nhất trí gói cứu trợ trị giá 78 tỷ EUR cho Bồ Đào Nha, trong đó IMF cung cấp 1/3 với lãi suất cho vay cao hơn EU.

Sau khi triển khai hàng loạt biện pháp khắc khổ theo điều kiện của chương trình cứu trợ, kinh tế Bồ Đào Nha đã tăng trưởng trở lại vào năm 2014 (sau 3 năm suy thoái sâu) và năm 2017 đã đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000, với thâm hụt ngân sách và nợ đều giảm. Quá trình trả nợ của Bồ Đào Nha bắt đầu từ năm 2015 và giúp nước này tiết kiệm được 1,16 tỷ EUR tiền lãi vay. 

Châu Á

- Châu Á - Thái Bình Dương: Ủy ban Liên Hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ngày 12/12 công bố Báo cáo thương mại và đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 cho thấy, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục leo thang và niềm tin trên toàn cầu sẽ giảm sút vào năm 2019 làm cho GDP toàn cầu giảm 400 tỷ USD, trong khi GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 117 tỷ USD và dòng vốn FDI vào khu vực này được dự báo tiếp tục suy giảm trong năm 2019, sau khi giảm 4% trong năm 2018.

Khi có sự thay đổi về sản xuất do căng thẳng thương mại, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia làm cho hàng chục triệu người bị mất việc làm và buộc phải tìm kiếm công việc mới. Ngoài ra, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc dẫn đến sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng hiện nay..

- Hàn Quốc: Trong năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đạt 31.243 USD, cao hơn so với mức thu nhập bình quân đầu người 29.745 USD của năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2018 đạt 2,7%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 10/12)

- Campuchia: Trong 11 tháng đầu năm 2018, Campuchia đã xuất khẩu 497.240 tấn gạo, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017, do chi phí sản xuất cao cùng việc thiếu hụt ngân sách để thu mua thóc gạo dự trữ cho chế biến. Trong khi đó các nhà máy xay sát tại Campuchia thường xuyên không có đủ nguyên liệu đầu vào. (Theo báo cáo của Ban Thư ký Dịch vụ một cửa về xuất khẩu gạo của Campuchia công bố ngày 09/12)

Venezuela

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố sẽ bán toàn lượng dầu thô trong năm 2019 của quốc gia này bằng đồng tiền điện tử Petro và cho biết đây sẽ là một quá trình dần dần với lộ trình đã được vạch sẵn, nhằm giải phóng sự phụ thuộc của việc kinh doanh dầu thô vào đồng USD. 

Tổng thống Maduro cho rằng việc kinh doanh dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ khác trên thế giới cần được tiến hành qua một nhóm các đồng tiền khác nhau để đảm bảo thế đa cực trên lĩnh vực tiền tệ, năng lượng và kinh tế. (Theo TTXVN ngày 08/12) 

Hoa Kỳ

Đồng USD đã và đang được định giá quá cao so với các quốc gia khác. Ưu thế của đồng USD có thể giảm đi trong năm 2019 do đồng tiền này sẽ chịu sức ép giảm giá từ việc thay đổi chính sách lãi suất tại Hoa Kỳ và rủi ro địa chính trị trên thế giới.

Xét về mặt địa chính trị, mặc dù căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc làm gia tăng nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn, tuy nhiên châu Âu và Nhật Bản đang trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và có khả năng làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồng USD. (Theo Báo cáo hướng về năm 2019 của UBS Global công bố ngày 07/12)

Các doanh nghiệp tại nước này dự báo tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong năm 2019 với giá trị tài sản tăng, lợi nhuận biên cao hơn, đầu tư và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 của các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ không bằng năm 2018, do hoạt động thương mại chịu tác động bất lợi từ cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và đồng USD mạnh lên.

Các doanh nghiệp dự kiến tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh thêm 6% trong năm 2019, thấp hơn mức tăng 13,4% của năm 2018. (Theo Báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 10/12)

Trong năm 2018, sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng khoảng 1,53 triệu thùng/ngày lên 10,88 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo được đưa ra trước đó là tăng 1,55 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, với mức sản lượng cao kỷ lục 10,88 triệu thùng/ngày, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Dự báo năm 2019, sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đạt mức trung bình 12,06 triệu thùng/ngày, tăng 1,18 triệu thùng so với năm 2018. Mức tăng này được điều chỉnh lên so với dự báo trước đó là 1,16 triệu thùng/ngày. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 12/12)

Trong tháng 11/2018, lạm phát của Hoa Kỳ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tỷ lệ 2,5% của tháng 10/2018 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 02/2018, do giá xăng dầu tăng chậm.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức tăng 2,1% của tháng 10/2018 và phù hợp với dự báo của thị trường. (Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ ngày 12/12)

Trong tháng 11/2018, bội chi ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên 205 tỷ USD từ mức 139 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với 188 tỷ USD theo dự báo của thị trường. Đây là mức bội chi trong các tháng 11 lớn nhất từ trước đến nay, khi chi ngân sách tăng 18,4% lên 411 tỷ USD, trong khi doanh thu giảm 1,2% xuống còn 206 tỷ USD. (Theo Kho bạc Hoa Kỳ ngày 13/12)

Trong tháng 11/2018, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ đều giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số giá xuất khẩu giảm 0,9% so với tháng 10/2018 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/2016, chủ yếu do giá các mặt hàng nông sản giảm; trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu giảm 1,6%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2015, do giá nhiên liệu giảm. (Theo Văn phòng Thống kê lao động Hoa Kỳ ngày 13/12)

Trung Quốc

Trong 11 tháng đầu năm 2018, FDI vào nền kinh tế Trung Quốc đạt hơn 121 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tháng 11/2018, nước này thu hút được 13,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Lượng vốn đầu tư đặc biệt tăng mạnh trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dụng cụ chính xác (tăng hơn 132%), máy tính và thiết bị văn phòng (tăng gần 113%), điện tử và viễn thông (tăng trên 36%).

Các nhà đầu tư chính vào Trung Quốc trong thời gian qua là Hàn Quốc (tăng gần 39%), Nhật Bản (hơn 20%), Đức (trên 30%) và Singapore (hơn 7%). Trong khi đó, vốn đầu tư từ Anh vào Trung Quốc là tăng gần 199%. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/12)

Trong tháng 11/2018, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,9% của tháng 10/2018 và là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2016. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 14/12)

Đàm phán - Ký kết

Hàn Quốc và Hoa Kỳ

Ngày 07/12, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) sửa đổi với Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ chuẩn bị cho việc thực hiện FTA mới từ ngày 01/01/2018 thông qua các hoạt động trao đổi với Chính phủ Hoa Kỳ.

Theo FTA sửa đổi, hai bên nhất trí Hoa Kỳ sẽ kéo dài thời gian áp thuế đối với các loại xe bán tải nhập khẩu từ Hàn Quốc cho đến năm 2041 và Hàn Quốc được tăng gấp đôi mức trần nhập khẩu các xe sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Hoa Kỳ lên 50.000 xe/năm cho mỗi nhà sản xuất. (Theo TTXVN ngày 07/12)