Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 11-16/02/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

IMF đã dùng thuật ngữ “4 đám mây đen lớn” để mô tả các yếu tố chính làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo có thể xuất hiện một cơn bão kinh tế.

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Eurozone: Ngày 07/02, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng trong năm 2019 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm sâu do kinh tế Đức suy giảm ngoài dự đoán và các cuộc biểu tình tại Pháp đã tác động đến nền kinh tế ở châu Âu.

+ Tốc độ tăng trưởng GDP của Eurozone đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 1,9% đưa ra hồi tháng 11/2018.

+ GDP của Italy chỉ tăng trưởng 0,2%, giảm mạnh so với mức 1% đạt được trong năm 2018, cũng như thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,2% được EC đưa ra hồi tháng 11/2018. Năm 2020, nền kinh tế Italy có thể tăng trưởng 0,8%, thấp hơn so với dự báo 1,3% đưa ra trước đó.

- Indonesia: Tính riêng trong quý IV/2018, nền kinh tế Indonesia tăng 5,18%, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm 2018 đạt 5,17%. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua, chủ yếu nhờ vào tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư và chi tiêu của chính phủ, trong đó tiêu dùng hộ gia đình đóng góp 2,74% (tăng 5,05%); đầu tư 2,17% (tăng 6,67%) và chi tiêu chính phủ 0,38% (tăng 4,3%). (Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia ngày 08/02)

Sản xuất công nghiệp

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết, tổng sản lượng thép thô trên toàn thế giới đạt 1,88 tỷ tấn trong năm 2018, tăng 4,6% so với năm 2017. Trong đó Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu, đạt 928,3 triệu tấn (tăng 6,6%) và chiếm tỷ trọng 51,3% tổng sản lượng thép toàn cầu, tăng nhẹ so với con số 50,3% của năm 2017.

Xếp sau Trung Quốc lần lượt là Ấn Độ (106,5 triệu tấn), Nhật Bản (104,23 triệu tấn), Hoa Kỳ (86,7 triệu tấn), Hàn Quốc (72,5 triệu tấn). Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp thép thế giới luôn trong tình trạng dư thừa nguồn cung do năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo giai đoạn 2018 - 2020, công suất thép toàn cầu sẽ tăng thêm 52 triệu tấn do sẽ có nhiều quốc gia mở rộng năng lực sản xuất. (Theo Hãng Thông tấn Yonhap ngày 04/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 11 - 16/02/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500  và Nasdaq Composite tăng lần lượt 3,09%; 2,50% và 2,51% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (08/01/2019). Trong ngày giao dịch 15/02/2019:

+ Dow Jones tăng 339,98 điểm (+1,33%) lên 25.883,25 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 tăng 29,87 điểm (+1,09%) lên 2.775,60 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 45,46 điểm (+0,61%) lên 7.472,41 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,72 điểm (0,47%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (15/02/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 239,08 điểm (-1,13%) xuống 20.900,63 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) giảm 37,31 điểm (-1,37%) xuống 2.682,38 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) giảm 531,21 điểm (-1,87%) xuống 26.900,84 điểm.

Dầu mỏ

Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 01/2019 đã giảm xuống còn 11,38 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức 11,45 triệu thùng/ngày của tháng 12/2018 - mức cao kỷ lục tính theo tháng. Con số này giảm khoảng 35.000 thùng mỗi ngày so với mức của tháng 10/2018 (mốc tính theo thỏa thuận toàn cầu).

Như vậy, mức cắt giảm này không đạt được mục tiêu mà thỏa thuận của các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt đã đặt ra. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu qua hệ thống đường ống dẫn dầu của Nga giảm xuống 4,313 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2019, so với mức 4,496 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018. (Theo Bộ Năng lượng Nga ngày 03/02)

 

Tuần từ ngày 11 - 15/02/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 5,44% và 6,68%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (25/01/2019), giá dầu thô kỳ hạn:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ tăng 1,18 USD (+2,12%) lên 55,59 USD/thùng.

- Dầu Brent tăng 1,68 USD (+2,54%) lên 66,25 USD/thùng.

Châu Âu

- Hà Lan: Trong năm 2018, có 42 công ty đã chuyển hoặc cho biết sẽ chuyển các hoạt động của mình từ nước Anh sang Hà Lan do những bất ổn liên quan đến Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc dịch chuyển gần 2.000 việc làm và 291 triệu EUR (330 triệu USD) vốn đầu tư. Phần lớn các công ty này là của nước Anh, nhưng cũng có một số công ty đến từ châu Á và Hoa Kỳ.

Nhiều công ty cũng đang xem xét chuyển hoạt động sang các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp và Ireland. Bên cạnh các công ty và tập đoàn, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cũng cho biết sẽ chuyển từ Anh sang Hà Lan vì theo luật, cơ quan này không thể hoạt động ở một nước không phải là thành viên của EU. (Theo Cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài của Hà Lan ngày 09/02)

- Anh: Nền kinh tế nước này trong năm 2018 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua khi GDP chỉ đạt 1,4%, giảm so với mức 1,8% trong năm 2017, trong khi tăng trưởng GDP trong quý IV/2018 chỉ đạt 0,2%. Tốc độ tăng GDP đã chậm lại rõ rệt trong 3 tháng cuối năm 2018, trong đó riêng tháng 12 giảm 0,4%.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2012, tăng trưởng trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và dịch vụ giảm trong tháng cuối cùng của năm. Báo cáo của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) được công bố trong bối cảnh tiến trình Brexit vẫn chưa rõ ràng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn. (Theo ONS ngày 11/02) 

- Đức: Brexit không đạt được thỏa thuận có thể làm cho 600.000 người trên thế giới mất việc làm, trong đó Đức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong trường hợp nhập khẩu của Anh từ các nước còn lại trong EU giảm 25% sau Brexit, khoảng 180.000 việc làm tại các công ty ở 27 nước EU xuất khẩu trực tiếp sang Anh có nguy cơ bị đe dọa.

Trong khi đó, 433.000 việc làm ở các công ty tại EU và trên thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng do sản phẩm của các công ty này được bán cho các công ty xuất khẩu trực tiếp sang Anh. (Theo Viện nghiên cứu IWH hàng đầu của Đức ngày 11/02)

- Nga: Nga đã tuyên bố kế hoạch chi trên 25.700 tỷ ruble (tương đương 391 tỷ USD) cho các dự án thuộc nhiều lĩnh vực phát triển chiến lược trong giai đoạn 2019 - 2024, nhằm đảm bảo sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, nâng cao điều kiện sống của người dân, tạo ra các cơ hội và điều kiện cho sự phát triển tài năng và thể hiện khả năng của mỗi cá nhân.

Trong khoản chi trên, khoảng 13.200 tỷ ruble sẽ được trích ra từ ngân sách liên bang, 4.900 tỷ ruble lấy từ ngân sách địa phương, 7.500 tỷ ruble từ các nguồn vốn ngoài ngân sách bổ sung. Chính phủ Nga dự định sử dụng 10.100 tỷ ruble (153,8 tỷ USD) trong 25.700 tỷ ruble trên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án khác nhau, cũng như một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện.

Ngoài ra, 9.900 tỷ ruble sẽ được dùng để tạo ra một môi trường sống tiện lợi cho người dân, bao gồm hệ thống đường sá, nhà ở và môi trường đô thị an toàn và chất lượng cao, cùng với các dự án sinh thái và sẽ dành khoảng 5.700 tỷ ruble để đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. (Theo Chính phủ Nga ngày 11/02)

Châu Á

- Ai Cập:

+ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhất trí giải ngân khoản vay thứ 5 trị giá 2 tỷ USD cho Ai Cập trong thời gian tới. Chương trình cho vay đối với Ai Cập được hai bên ký kết vào tháng 11/2016. Với khoản cho vay tiếp theo này, Ai Cập sẽ nhận tổng cộng 10 tỷ USD trong khoản cho vay cam kết 12 tỷ USD từ IMF. (Theo Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait ngày 04/02)

+ Ngân hàng Trung ương (CBE) của Ai Cập dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất và lưu hành đồng bảng Ai Cập bằng chất liệu polymer vào năm 2020. Theo kế hoạch, CBE sẽ từng bước đưa vào lưu thông một số loại tiền bằng chất liệu polymer, với mệnh giá ban đầu 10 bảng Ai Cập nhằm thử nghiệm mức độ chấp nhận trên thị trường tiền tệ trong dài hạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng việc Ai Cập chuyển đổi sang sử dụng đồng nội tệ bằng chất liệu polymer sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế nước này. Hiện có hơn 30 quốc gia trên thế giới sử dụng tiền polymer. (Theo Truyền thông Ai Cập ngày 08/02)

- Philippines: Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi-măng nhập khẩu vào quốc gia này, trong bối cảnh lượng nhập khẩu xi-măng gia tăng đột biến là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra. DTI áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40 PHP/túi 40kg, tương đương 210 PHP/tấn (khoảng 4 USD/tấn).

Lượng thuế tự vệ này được xác định trên cơ sở cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo lượng cung duy trì ổn định và giá bán không tăng. Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu với sản phẩm bị điều tra là xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000; thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại trong giai đoạn 2013 - 2017. (Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines ngày 06/02)

- Indonesia: Thâm hụt ngân sách năm 2018 của Indonesia đạt khoảng 1,72% GDP, thấp hơn mức dự tính ban đầu của chính phủ nước này là 2,19% GDP. Đây cũng là mức thâm hụt ngân sách trên GDP thấp nhất kể từ năm 2012. Trong năm 2018, Indonesia lần đầu tiên (kể từ năm 2011) đạt thặng dư ngân sách cơ bản 4.100 tỷ rupiah (khoảng 283,25 triệu USD). (Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia ngày 08/02)

- Các quốc gia Ả-rập: Nợ công tại các quốc gia Ả-rập đã tăng nhanh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao. Nợ công ở các nước này đã tăng từ 64 - 85% GDP trong thập kỷ tính từ năm 2008. Nợ công tại các nước xuất khẩu dầu mỏ - bao gồm cả sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, tăng từ 13% lên 33% GDP, do giá dầu mỏ 5 năm trước giảm mạnh. (Theo IMF ngày 09/02)

- Hàn Quốc: 

+ Ngày 09/02, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết cho phép Hàn Quốc áp thuế trả đũa gần 85 triệu USD/năm với những mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhằm đáp trả lại các biện pháp mà nước này áp dụng với mặt hàng máy giặt nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Tranh chấp giữa hai nước bắt đầu vào năm 2012, khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá 9,29% với máy giặt của công ty điện tử Samsung và 13% với máy giặt thương hiệu LG của Hàn Quốc. Vào tháng 8/2013, Hàn Quốc khởi kiện lên WTO. Đến tháng 01/2018, Hàn Quốc đã trình WTO đề nghị phê chuẩn áp thuế trả đũa 711 triệu USD/năm với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

+ Hàn Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thay vào đó là làm đa dạng các thị trường xuất khẩu, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sang các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đã tăng từ 10,4% trong năm 2007 lên 16,6% vào năm 2018, nhờ doanh số bán các sản phẩm bán dẫn, màn hình và hàng hóa tiêu dùng của nước này tăng mạnh. Hàn Quốc đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại với ASEAN lên trên 200 tỷ USD vào năm 2020. (Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc ngày 11/01)

Hoa Kỳ

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tháng 01/2019 đã tăng lên 4%, mức cao nhất trong 7 tháng qua, do trong 5 tuần trước đó, khi một phần Chính phủ Hoa Kỳ bị tê liệt không thể hoạt động do chưa thông qua ngân sách, làm cho 800.000 nhân viên chính phủ nghỉ việc  và khoảng 500.000 người phải làm công việc bán thời gian.

Tuy nhiên, trong tháng 1 cũng có thêm 304.000 việc làm đã được tạo ra trên thị trường lao động Hoa Kỳ, mức cao nhất trong gần 1 năm qua và tăng gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Trong đó, số việc làm trong ngành giải trí và dịch vụ tăng khoảng 74.000 việc làm, với các nhà hàng và quán bar cung cấp thêm 32.000 việc làm trong khi ngành xây dựng thêm 52.000 việc làm và các trung tâm chăm sóc y tế bổ sung thêm 41.000 việc làm mới. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn là nguồn tăng trưởng cơ bản mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo suy giảm trong năm 2019.

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 01/02)

 

Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Hoa Kỳ trong tháng 01/2019 đã được cải thiện nhờ sản lượng và số đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Chỉ số PMI tháng 01/2019 của Hoa Kỳ đạt 54,9 điểm, tăng so với 53,8 điểm ghi nhận được trong tháng 12/2018, cho thấy sự cải thiện trong thể trạng chung của lĩnh vực sản xuất. (Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ngày 01/02)

 

Trong tháng 12/2018, các khoản vay tiêu dùng tại nước này tăng 16,6 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 22,4 tỷ USD trong tháng 11/2018. Tuy nhiên, đà tăng trong tháng cuối năm vẫn giúp nâng tổng khoản vay tiêu dùng lên mức kỷ lục 4.010 tỷ USD.

Mức chi thông qua thẻ tín dụng tăng 1,7 tỷ USD, giảm so với mức tăng tương ứng 4,8 tỷ USD của tháng 11/2018, trong khi khoản vay mua xe và khoản vay của sinh viên tăng 14,8 tỷ USD. Các nhà phân tích dự báo các khoản vay tiêu dùng sẽ tăng cao hơn, nhờ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và thu nhập tăng ổn định. Hiện chi tiêu tiêu dùng đang đóng góp 70% hoạt động của kinh tế Hoa Kỳ. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ ngày 08/02)

Trung Quốc

Ngày 01/02, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm tiền vào thị trường trị giá 80 tỷ CNY (khoảng 11,94 tỷ USD) cho các thỏa thuận mua lại đảo ngược ở mức lãi suất 2,7% để duy trì tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Toàn bộ các mức lãi suất chính đều tiếp tục giảm trong ngày 01/02, với kỳ hạn dao động từ lãi suất qua đêm đến một năm. Lãi suất qua đêm của liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) giảm 13,8 điểm cơ bản xuống 2,1% so với ngày giao dịch trước đó, trong khi lãi suất 14 ngày là 2,843%, giảm 13,6 điểm cơ bản.

 

Ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu của Trung Quốc đã tăng trưởng 32,1% trong năm 2018, cao hơn mức tăng trung bình 10,3% của các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt của nước này. Sản lượng của ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu Trung Quốc tăng đều đặn trong năm 2018 cho thấy sự tiến triển tương đối tốt trong việc đạt được những kết quả tích cực nhờ chi phí hoạt động tiếp tục giảm và nhu cầu ổn định của thị trường.

Tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu Trung Quốc đã đạt 839,38 tỷ CNY (khoảng 125 tỷ USD), chiếm 12,7% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt của nước này.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu Trung Quốc đạt 701,87 tỷ CNY trong năm 2018, tăng 22% so với năm 2017. Xuất khẩu các hóa chất đặc biệt, vật liệu tổng hợp và vật liệu hóa chất hữu cơ tăng lần lượt 19,7%, 17,2% và 21,6%. Trong khi đó, đầu tư của ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu Trung Quốc cũng tăng 6%.

(Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ngày 09/02)

 

Nhật Bản

Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU - Nhật Bản chính thức có hiệu lực từ đêm ngày 31/01 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản. Để tối ưu hóa lợi ích kinh tế, Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư ra nước ngoài, cũng như thúc đẩy nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

Thỏa thuận sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn và mua sắm rẻ hơn, đồng thời giúp bảo vệ các sản phẩm châu Âu chất lượng cao tại Nhật Bản và ngược lại. Chính phủ Nhật Bản ước tính thỏa thuận với EU sẽ mang lại lợi ích kinh tế vào khoảng 5.200 tỷ JPY (tương đương 48 tỷ USD) và tạo ra 290.000 việc làm. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 01/02)

Venezuela

Venezuela đang triển khai một hệ thống thanh toán theo hình thức như hàng đổi hàng với Ấn Độ nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu dầu khí vào quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang tìm các cơ chế thanh toán thay thế sau khi Chính phủ Hoa Kỳ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu thô của Caracas sang Washington.

Sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm mạnh trong suốt hai thập kỷ qua, từ hơn 3 triệu thùng/ngày vào những năm 2000 - 2001 xuống còn 1,2 - 1,4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Phần lớn dầu thô của Venezuela sản xuất hiện nay là dầu nặng hoặc siêu nặng. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Manuel Quevedo ngày 11/02)

Đàm phán - Ký kết

Bolivia và Trung Quốc

Theo Tập đoàn mỏ lithium nhà nước Bolivia YLB ngày 10/02, YLB và TBEA - Baocheng của Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận sơ bộ để đầu tư xây dựng 8 nhà máy khai thác và sản xuất lithium tại các mỏ muối ở vùng Andes của Bolivia.

Theo đó, hai bên đã nhất trí thành lập công ty liên doanh với kế hoạch dự định đầu tư gần 2,4 tỷ USD để công nghiệp hóa ngành sản xuất lithium, cùng nhiều khoáng sản khác. Dự kiến YLB và TBEA- Baocheng sẽ thực hiện nghiên cứu cần thiết để xây dựng 5 nhà máy sản xuất kali sunfat, lithium hydroxide, axit boric, bromine và natri bromide tại mỏ Coipasa, bang Oruco, với tổng mức đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Công trình này cần 4 - 5 năm để thực hiện.

Theo ước tính đến năm 2025, Trung Quốc cần 800.000 tấn lithium mỗi năm. Trong khi đó, Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với khoảng 9 triệu tấn dạng muối, chủ yếu tập trung tại Uyuni.

Nhận định chuyên gia

IMF ngày 10/02:

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn dự kiến, IMF ngày 10/02 đã cảnh báo Chính phủ các nước cần chuẩn bị đối phó với cơn bão kinh tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào. IMF đã dùng thuật ngữ “4 đám mây đen lớn” để mô tả các yếu tố chính làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo có thể xuất hiện một cơn bão kinh tế.

Những rủi ro bao gồm: Căng thẳng thương mại và vấn đề thuế quan leo thang; chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính; tính không xác định liên quan đến hậu quả của Brexit và sự mở rộng của nó;  tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Trong bản báo cáo công bố vào tháng 01/2019, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 giảm từ 3,7% xuống còn 3,5%.