Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 11-16/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Thế giới: Trong năm 2017, kinh tế thế giới tăng trưởng 3%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong các năm 2018, 2019, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhanh của một số nước phát triển, các quốc gia như Argentina, Brazil, Nigeria và Nga thoát khỏi suy thoái.

Sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới đã tạo cơ hội cho các quốc gia tập trung giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và những trở ngại về thể chế đối với phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng căng thẳng địa - chính trị. (Theo báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của Liên hợp quốc ngày 11/12)

- Châu Á: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á đạt 6% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng 5,9% (dự báo tháng 9/2017), do tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao. Dự báo năm 2018 tăng trưởng đạt khoảng 5,8%.

+ Đông Á: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,2%, cao hơn so với mức dự báo tăng 6% (tháng 9/2017) và đạt 5,8% trong năm 2018 . Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong năm 2017 và 6,8% trong năm 2018 , do mức chi tiêu tiêu dùng tại nước này tăng trưởng vững.

+ Nam Á: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,5%, năm 2018 đạt 7%, là tiểu vùng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng - đạt 6,7% trong năm 2017 và 7,3% vào năm 2018.

+ Đông Nam Á: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 và 2018 đạt 5,2%, cao hơn so với các mức tăng tương ứng là 5% và 5,1% (dự báo tháng 9/2017), do các hoạt động đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh. ADB nhận định, nhu cầu nội địa cao, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và đầu tư, sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tiểu vùng này.

+ Trung Á: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,6% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng 3,3% (dự báo tháng 9/2017), do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng này; tốc độ tăng trưởng của năm 2018 giữ nguyên ở mức 3,9%.

(Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 13/12)

- Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đạt 1,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,6% (dự báo tháng 6/2017), do lạm phát tăng sẽ kiềm chế sức mua của các hộ gia đình và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trong năm 2018 và 2019, kinh tế Anh tăng trưởng lần lượt 1,1% và 1,3%, thấp hơn so với mức tăng tương ứng là 1,2% và 1,4% (dự báo tháng 6/2017).

Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân năm 2017 đạt 1,6%, giảm xuống 1% trong năm 2018 và tăng lên 1,3% vào năm 2019. Tăng trưởng đầu tư doanh nghiệp năm 2017 đạt 2,1% và sẽ giảm xuống 0,8% trong giai đoạn 2018 - 2019, do những bất ổn xung quanh tác động của Brexit. (Theo Phòng Thương mại Anh - BBC ngày 11/12)

Lạm phát

- Châu Á: CPI trong năm 2017 tăng 2,4%, năm 2018 tăng 2,9%, giữ nguyên so với dự báo tháng 9/2017. Mặc dù giá hàng hóa đang gia tăng, song mức lạm phát giá tiêu dùng vẫn được kiềm chế và ổn định. (Theo ADB ngày 13/12)

- Hoa Kỳ: Trong tháng 11/2017, CPI tăng 0,4% (so theo tháng) và 2,2% (so theo năm), cao hơn so với các mức tăng tương ứng là 0,1% và 2% của tháng 10/2017, do giá dầu tăng.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 13/12)

- Anh: Trong tháng 11/2017, CPI của Anh tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 3% của tháng 10/2017 và 3% dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/2012, chủ yếu do chi phí giao thông, giải trí, nhà ở, thực phẩm tăng cao.

Lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 10/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2011. (Theo Văn phòng Thống kê Anh ngày 12/12)

Thị trường
tài chính

Ngày 11/12, các ngân hàng trung ương của Malaysia (BNM), Indonesia (BI) và Thái Lan (BOT) đã thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (có hiệu lực từ ngày 02/01/2018) nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước.

Cơ chế này đã được thực thi giữa BNM và BI; giữa BOT và BI. Việc thiết lập cơ chế này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác tài chính khu vực giữa BI, BNM và BOT. (Theo TTXVN ngày 11/12)

Tín dụng

Ngân hàng Thế giới - WB (12/12) tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt kể từ năm 2019, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển theo hướng sử dụng năng lượng sạch.

Trong những trường hợp ngoại lệ, WB sẽ cân nhắc cấp vốn cho các dự án khai thác khí đốt tại các quốc gia nghèo nhất thế giới, nhằm đảm bảo người nghèo cũng được tiếp cận năng lượng, với điều kiện những dự án này đáp ứng được các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu của WB là đến năm 2020, khoảng 28% các khoản cho vay của ngân hàng được chi cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, hàng tiêu dùng và chăm sóc y tế tăng điểm. Tính chung cả tuần (11/12 - 16/12/2017), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,3%; 0,9% và 1,4% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (01/12/2017). Trong ngày giao dịch ngày 15/12/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 80,06 điểm (1,2%) lên 6.936,58 điểm.

+ S&P 500 tăng 23,8 điểm (0,9%) lên 2.675,81 điểm.

+ Dow Jones tăng 143,08 điểm (0,6%) lên 24.651,74 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,87 điểm (0,62%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (15/12/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 12,59 điểm (0,51%) lên 2.482,07 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 26,3 điểm (-0,8%) xuống 3.266,14 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 141,23 điểm (-0,62%) xuống 22.553,22 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 4,1 điểm (-0,07%) xuống 6.007,2 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 318,27 điểm (-1,09%) xuống 28.848,11 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 11/12 - 16/12/2017, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,1%; 0,3%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (15/12/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,26 USD (0,5%) lên 57,3 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,8 USD (-0,1%) xuống 63,23 USD/thùng.

Châu Âu

- Đức: Trong tháng 10/2017, thặng dư thương mại của Đức đạt 19,9 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 21,8 tỷ EUR của tháng 9/2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,4% so với tháng 9/2017, trong khi nhập khẩu tăng 1,8%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu vẫn là một động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức.(Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 08/12)

- Pháp: Tập đoàn Điện lực Pháp - EDF (12/12) thông báo kế hoạch đầu tư 25 tỷ EUR vào năng lượng mặt trời, với mục tiêu nâng tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời lên 30GW trong giai đoạn 2020 - 2035, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Theo lộ trình, EDF sẽ nâng công suất của các nhà máy điện mặt trời lên 1,5GW/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, 2GW/năm trong giai đoạn 2026 - 2030 và 2,5GW/năm trong giai đoạn 2031 - 2035. Tính đến cuối năm 2016, công suất điện mặt trời của EDF là 0,2GW. Pháp muốn giảm tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện từ 75% hiện nay xuống 50% vào khoảng năm 2035, đồng thời gia tăng mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Châu Á

- Châu Á: Nền kinh tế internet (nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số) của Đông Nam Á đạt 50 tỷ USD trong năm 2017 và đang trên lộ trình vượt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% GDP của khu vực tại cùng thời điểm, cao hơn so với 2% GDP trong năm 2017 và 1,3% GDP trong năm 2015.

 Tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế internet đều tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Trong đó, du lịch trực tuyến đạt 26,6 tỷ USD; truyền thông trực tuyến đạt 6,9 tỷ USD; thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe đều vượt mức 40%. Dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 88,1 tỷ USD trong năm 2025. (Theo Google và Temasek ngày 13/12)

- Philippines: Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings (11/12) quyết định nâng bậc tín dụng dài hạn bằng ngoại tệ của Philippines lên BBB với triển vọng ổn định, đồng thời dự báo Philippines sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 và 2019, do được hỗ trợ bởi những chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững của Chính phủ, trong đó có chương trình cải cách thuế nhằm củng cố sự ổn định về tài chính và tài khóa.

- Hàn Quốc: Trong tháng 11/2017, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 7,6 tỷ USD, tháng thặng dư thứ 70 liên tiếp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016 lên 49,6 tỷ USD, do xuất khẩu chất bán dẫn và các sản phẩm dầu tăng cao (lần lượt là 68,5% và 39,1%); kim ngạch nhập khẩu tăng 12,7% lên 42 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan Hàn Quốc ngày 15/12)

Hoa Kỳ

Trong năm 2018, doanh thu của ngành chế tạo tăng trưởng 7,8%, trong đó 70% công ty dự báo lợi nhuận tăng, 4% dự báo lợi nhuận giảm và 25% không có sự thay đổi. Doanh thu ngành dịch vụ tăng trưởng 6%, trong đó 59% công ty dự báo hoạt động kinh doanh cải thiện, 10% dự báo hoạt động kinh doanh sa sút, 30% dự báo không có sự thay đổi.

Chi tiêu vốn (đầu tư vào nhà máy và thiết bị) - một động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ - tăng khoảng 2,7% trong lĩnh vực chế tạo và 3,8% trong lĩnh vực dịch vụ. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu tăng 1,8% đối với nguyên liệu sản xuất và 2,2% đối với ngành dịch vụ. (Theo khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 11/12)

Trong tháng 11/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Hoa Kỳ tăng 0,4% (so theo tháng) và 3,1% (so theo năm), cao hơn so với mức tăng tương ứng là 0,3% và 2,9% (dự báo của các chuyên gia kinh tế). Mức tăng so theo năm là lớn nhất kể từ tháng 01/2012, do giá xăng và nhiều loại hàng hóa khác tăng cao.

PPI lõi (không bao gồm giá lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại) tăng 0,4% (so theo tháng) và 2,4% (so theo năm), là mức tăng lớn nhất kể từ khi chỉ số này được cập nhật từ tháng 8/2014. Giá sản xuất tăng mạnh có thể làm giảm quan ngại của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) về lạm phát thấp liên tục, qua đó vững tin hơn về lộ trình tăng lãi suất. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/12)

Trong tháng 11/2017, nguồn thu và chi ngân sách của Hoa Kỳ đều đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 208,3 tỷ USD và 346,9 tỷ USD, đưa thâm hụt ngân sách của nước này tăng thêm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, lên 138,6 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, sự gia tăng thâm hụt ngân sách trong tháng 11/2017 phản ánh việc Chính phủ nước này phải chi tiêu thêm khoảng 5 tỷ USD chủ yếu cho hoạt động khắc phục hậu quả của các siêu bão; 9 tỷ USD thanh toán lãi suất cho các khoản nợ.

Trong 2 tháng đầu của tài khóa 2017 - 2018 (bắt đầu từ ngày 01/10/2017), Chính phủ Hoa Kỳ đã thu ngân sách 443,7 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi các khoản chi tăng 6,9% lên 645,5 tỷ USD; thâm hụt ngân sách tăng 10,6% lên 201,8 tỷ USD.(Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 13/12)

Trong tháng 11/2017, doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,8% (mức tăng theo tháng), cao hơn mức tăng 0,5% của tháng 10/2017 và 0,3% theo dự báo của Reuters, do tháng 11 là tháng mua sắm cho mùa nghỉ lễ tại nước này. Số liệu trên cho thấy sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Hoa Kỳ. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 14/12)

Theo văn bản đánh giá về dự luật cải cách thuế mới của Hoa Kỳ, những sửa đổi về thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt 2,9% trong 10 năm tới, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại; ngân sách chính phủ có thêm 1.800 tỷ USD, trong khi thâm hụt ngân sách sẽ được “khoanh vùng”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven T. Mnuchin đánh giá, những chính sách cải cách thuế trên nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nguồn thu lâu dài cho ngân quỹ quốc gia. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 11/12)

Trung Quốc

Trong tháng 11/2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 40,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 217,4 tỷ USD, cao hơn mức tăng 5,3% (dự báo của chuyên gia); kim ngạch nhập khẩu tăng 17,7% lên 177,2 tỷ USD, cao hơn mức tăng 13% (dự báo của chuyên gia).

Dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng tốt, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực đối phó với tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp, ô nhiễm môi trường và nợ gia tăng.(Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 08/12)

Trong tháng 11/2017, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 10 tỷ USD lên 3,119 nghìn tỷ USD, cao hơn so với mức tăng 700 triệu USD của tháng 10/2017, nhưng vẫn thấp hơn so với mức ước tính của các nhà kinh tế (tăng 11 tỷ USD lên 3,120 nghìn tỷ USD).

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 10 tháng liên tiếp, nhờ các quy định kiểm soát vốn chặt chẽ và đồng NDT mạnh lên đã hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 12/12)

Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng Trung Quốc - CBRC (13/12) cho biết sẽ thúc đẩy chính sách mở cửa ngành ngân hàng sau khi Chính phủ nước này đưa ra các biện pháp mở rộng cơ hội tiếp cận lĩnh vực tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Điểm chính của hoạt động điều chỉnh chính sách là thực thi chính sách đãi ngộ quốc gia trên phương diện quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngành ngân hàng.

Trung Quốc sẽ cho phép các ngân hàng nước ngoài được tự do hơn trong việc lựa chọn hình thức và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, khuyến khích chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh trái phiếu chính phủ, nới lỏng những hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài trong hoạt động bán lẻ sử dụng đồng NDT; đồng thời điều chỉnh yêu cầu quản lý vốn kinh doanh và phương thức kiểm tra, giám sát đối với chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài.

Theo CBRC, tính tới cuối tháng 11/2017, Trung Quốc có 210 tổ chức tài chính ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 39 ngân hàng có sự tham gia góp vốn của pháp nhân nước ngoài, 17 tổ chức tài chính nông thôn loại hình mới có vốn đầu tư nước ngoài, 31 tổ chức tài chính phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và 123 chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài.

Chính sách

- Châu Âu: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (14/12) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%, đồng thời cam kết trong trường hợp cần thiết ngân hàng này sẽ tăng thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Sự hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ này được coi là cần thiết để không ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục kinh tế châu Âu trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

- Hoa Kỳ: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED (13/12) quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 1 - 1,25% lên 1,25 - 1,5%, trong bối cảnh thị trường lao động và lạm phát tại nước này đang có những dấu hiệu cải thiện. Đây là lần thứ 3 FED tăng lãi suất trong năm 2017 và dự kiến trong năm 2018, FED sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa.

- Trung Quốc: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC (14/12) quyết định tăng chi phí đi vay ngay sau khi FED quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm . Theo đó, PBoC đã nâng lãi suất repos đảo ngược (cho vay có kỳ hạn) kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày thêm 5 điểm phần trăm, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất repos đảo ngược kỳ hạn 14 ngày.

- Indonesia: Ngân hàng Trung ương Indonesia - BI (14/12) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25%, nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính và sự phục hồi kinh tế của nước này. Trưởng Ban Kinh tế và Chính sách tiền tệ (BI) cho biết, các chỉ số kinh tế của Indonesia vẫn ổn định với mức tăng trưởng 5,06% trong quý III/2017 và dự báo tăng trưởng 5,1% trong năm 2017; lạm phát vẫn được kiểm soát theo mục tiêu 4% với biên độ 1% vào cuối năm 2017.