Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 12-17/11/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Trung Đông và Bắc Phi (MENA): Giá năng lượng phục hồi từ mức thấp kỷ lục (giai đoạn 2015 - 2016) giúp thúc đẩy 6 nền kinh tế của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - GCC (gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) tăng trưởng 2,4% trong năm 2018 và 3% trong năm 2019, sau khi suy giảm 0,4% trong năm 2017.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn phụ thuộc nhiều vào những diễn biến của thị trường dầu mỏ.

Các nước xuất khẩu dầu không thuộc GCC (bao gồm Iran, Iraq, Algeria và Libya) tăng trưởng chậm ở mức 0,3% trong năm 2018, giảm tốc so với 3% của năm 2017, sau đó tăng lên 0,9% trong năm 2019.

Đối với các nước nhập khẩu dầu, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức ổn định 4,5% trong năm 2018, trước khi giảm xuống 4% vào năm 2019. Mức tăng trưởng này không đủ bền vững để tạo thêm việc làm cho khu vực nhiều bất ổn này.

(Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 13/11)

- Anh: Nối tiếp đà tăng trưởng (0,4%) trong quý II/2018, , GDP của Anh tăng 0,6% trong quý III/2018,nhờ xuất khẩu và chi tiêu hộ gia đình tăng, giúp bù đắp đầu tư của doanh nghiệp bị sụt giảm.

Trong quý III/2018, xuất khẩu của Anh tăng 2,7%, chi tiêu hộ gia đình tăng 0,5%, còn đầu tư của các doanh nghiệp giảm 1,2%.

Giới phân tích dự báo nền kinh tế Anh sẽ “hạ nhiệt” từ quý IV/2018, trước khi Brexit diễn ra vào cuối tháng 3/2019. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 09/11)

- Nhật Bản: Trong quý III/2018, GDP của Nhật Bản giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017, trái ngược so với mức tăng 3% của quý II/2018 và là mức giảm lớn nhất từ quý IV/2015, do các thảm họa thiên nhiên đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng cũng như xuất khẩu của nước này. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 14/11)

- Nga: Trong quý III/2018, GDP của Nga tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 1,9% của quý II/2018, do doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp tăng chậm, trong khi sản lượng nông nghiệp và xây dựng sụt giảm. (Theo Bộ Phát triển kinh tế Nga ngày 13/11)

Lạm phát

- Hoa Kỳ: Trong tháng 10/2018, CPI của Hoa Kỳ tăng 0,3% so với tháng 9/2018, phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích và đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2018.

Giá xăng tăng 3% trong khi giá điện tăng 1,7%, bù cho giá thực phẩm và dịch vụ khí tự nhiên giảm. So với cùng kỳ năm 2017, CPI tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,3% của tháng 9/2018.

Nếu không tính các mặt hàng thực phẩm và năng lượng có nhiều biến động, CPI cơ bản chỉ tăng 0,2% trong tháng 10/2018. (Theo báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 14/11)

Thương mại

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang xử lý số vụ tranh chấp thương mại nhiều nhất trong 16 năm qua (35 vụ ), do chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và căng thẳng thương mại toàn cầu.

Tuyên bố trên được Tổng Giám đốc WTO đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đã đệ đơn kiện lên tổ chức này liên quan đến vấn đề thương mại. Cũng trong ngày 13/11, Nhật Bản đã đệ đơn lên WTO kiện Hàn Quốc trợ giá trái phép cho các công ty đóng tàu nội địa.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị WTO phân xử tính hợp pháp của việc Hoa Kỳ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu, mặc dù Hoa Kỳ tuyên bố động thái này là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và vượt ngoài thẩm quyền của WTO. (Theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo ngày 13/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 12/11 - 16/11/2018,chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 2,22%; 1,61% và 2,15% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (09/11/2018).Trong ngày giao dịch 16/11/2018:

+ Dow Jones tăng 123,95 điểm (0,49%), lên 25.413,22 điểm.

+ S&P 500 tăng 6,07 điểm (0,22%), lên 2.736,27 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 11,16 điểm (-0,15%), xuống 7.247,87 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,39 điểm (0,25%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (16/11/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 80,19 điểm (0,31%), lên 26.183,52 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 10,94 điểm (0,41%), lên 2.679,11 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 123,28 điểm (-0,57%), xuống 21.680,34 điểm.

Dầu mỏ

Trong năm 2019, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tăng khoảng 1,29 triệu thùng/ngày, ít hơn 70 nghìn thùng/ngày so với dự báo của tháng 10/2018; trong khi đó sản lượng dầu mỏ tăng khoảng 127 nghìn thùng/ngày lên 32,9 triệu thùng/ngày, tác động làm giảm giá dầu.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih (12/11) cho biết, OPEC đã thống nhất về việc cần phải cắt giảm nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2019 so với mức của tháng 10/2018 để giảm tình trạng dư cung.(Theo báo cáo hằng tháng của OPEC ngày 13/11)

Lượng dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần (05 - 09/11) tăng thêm 10,3 triệu thùng, cao hơn so với 3,2 triệu thùng theo dự báo của Reuters và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 02/2017.

Tuy nhiên, lượng dự trữ xăng lại giảm 1,4 triệu thùng.(Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 15/11)

Tuần từ ngày 12/11 - 16/11/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 6,2% và 4,87%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (16/11/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange không thay đổi và giữ mức 56,46 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,14 USD (0,21%), lên 76,76 USD/thùng.

Châu Âu

- Nga: Kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc trong năm 2018 dự kiến đạt 110 tỷ USD, vượt mục tiêu 100 tỷ USD đề ra trước đó và phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

Nga và Trung Quốc đang thảo luận về nội dung để tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do quy mô lớn.

Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ rộng mở cho các nước khác tham gia, nhằm mục đích gỡ bỏ nhiều rào cản thương mại hơn. (Theo Bộ trưởng Phát triển kinh tế Liên bang Nga Maxim Oreshkin ngày 09/11)

- Anh:

+ Trong quý III/2018, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh là 4,1%, cao hơn so với tỷ lệ 4% theo dự báo của thị trường; số người thất nghiệp tăng 21 nghìn người, trong khi số việc làm tăng 23 nghìn việc làm và số lượng vị trí tuyển dụng đạt mức cao kỷ lục.

Thu nhập trung bình hằng tuần (bao gồm cả tiền thưởng) tăng 3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III/2015; tiền lương (không bao gồm tiền thưởng) tăng 3,2%, mức tăng cao nhất kể từ quý IV/2008. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 13/11)

+ Ngày 14/11, Chính phủ Anh đã nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU (thỏa thuận Brexit). Thủ tướng Anh Theresa May nhận định đây là một "bước đi quyết định" trong tiến trình đàm phán Brexit, qua đó sẽ đưa thỏa thuận Brexit tiến đến việc chính thức được thông qua. (Theo TTXVN ngày 14/11)

- Đức: Trong tháng 10/2018, CPI của Đức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,2% so với tháng 9/2018, chủ yếu do các chi phí năng lượng tăng (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017).

Giá dầu sưởi ấm tăng 39,9% trong khi giá nhiên liệu tăng 14,8%. Không tính các mặt hàng năng lượng, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 10/2018 tăng 1,7%.

Số lượng người Đức được tuyển dụng trong quý III/2018 là 45,05 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 1990 khi nước Đức thống nhất, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017.(Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức - FSO ngày 13/11)

Châu Á

- Châu Á: Các nước châu Á dự kiến đóng góp 55% sản lượng kinh tế toàn cầu từ nay đến năm 2050; các thị trường chứng khoán và trái phiếu của châu Á chiếm gần 30% tổng sản lượng toàn cầu từ nay đến năm 2030.

Trong 30 năm qua, châu Á (trừ Nhật Bản) đã đóng góp 19.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu (về mặt danh nghĩa). Đóng góp của châu Á vào tổng sản lượng kinh tế toàn cầu đã tăng từ 14% (năm 1988) lên hơn 36% hiện nay.

Tuy nhiên, để hướng tới phát triển bền vững, thị trường châu Á phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có các vấn đề liên quan đến tình trạng dân số già hóa, khó khăn về tín dụng, suy thoái môi trường với những chính sách mang tính thận trọng và theo chủ nghĩa hiện thực.

(Theo nghiên cứu “hâu Á trong quá trình chuyển đổi” do Viện Nghiên cứu kinh tế Credit Suisse thuộc Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) thực hiện và công bố ngày 12/11)

- Hàn Quốc:

+ Trong năm 2018, khả năng tạo ra công ăn việc làm mới của nền kinh tế nước này giảm xuống mức thấp nhất của 9 năm.

Hệ số co giãn việc làm theo GDP là 0,11, mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm tốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm trước.

Hệ số co giãn việc làm theo GDP của Hàn Quốc đã giảm đều từ 0,72 (năm 2014) xuống 0,39 (năm 2015) và 0,3 (năm 2016), nhưng đã tăng trở lại và lên mức 0,39 trong năm 2017.(Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 11/11)

+ Kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và ASEAN trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 120 tỷ USD; lượng du khách của hai bên tăng 17% lên hơn 8 triệu lượt người.

Hàn Quốc sẽ mở rộng trao đổi thương mại với ASEAN, mục tiêu tăng thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2020 và du khách đạt 15 triệu lượt. (Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14/11)

Argentina

Ngày 13/11, Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Argentina từ B+ xuống B trong bối cảnh hồ sơ tài chính yếu kém, tăng trưởng kinh tế giảm, tỷ lệ lạm phát tăng, tính linh hoạt về tiền tệ còn hạn chế, cũng như việc thực hiện chương trình điều chỉnh kinh tế thất bại và các khoản nợ gia tăng.

S&P dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Argentina giảm 2,5% trong năm 2018 và 0,8% vào năm 2019, sau đó sẽ tăng 2,5% trong năm 2020 và 3% trong năm 2021. Tỷ lệ lạm phát của Argentina là 44% trong năm 2018 và 25% vào năm 2019. (Theo TTXVN ngày 13/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2018, tháng đầu tiên của năm tài khóa 2019, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ là 100,5 tỷ USD, tăng 59% so với 63 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017.

Tổng chi tiêu của Chính phủ tăng 18,3% so với năm 2017, trong khi tổng thu chỉ tăng 7,3%. Ba lĩnh vực có tổng chi cao nhất là an sinh xã hội (84 tỷ USD), quốc phòng (69 tỷ USD) và chăm sóc y tế (53 tỷ USD).

Tổng số tiền lãi phải trả cho nợ công trong tháng 10/2018 là 32 tỷ USD, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo thâm hụt ngân sách có thể tăng lên 1.085 tỷ USD cho cả tài khóa 2019, mức cao nhất kể từ tài khóa 2012. (Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 13/11)

Châu Phi

Nhóm các đối tác về vốn mới nổi - ECP (15/11) thông báo đợt gây Quỹ châu Phi lần thứ 4 (AFIV) đã nhận được cam kết trên 640 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ.

Nếu không tính các quỹ về hạ tầng cơ sở và bất động sản, AFIV đã thu hút được lượng tài chính lớn nhất cho châu Phi kể từ tháng 9/2016 đến nay.

Để đạt được thành công cho AFIV, ECP đã tổ chức 4 hội nghị đầu tư ở 7 nước và tạo được hiệu ứng rất tích cực. ECP tiếp tục chiến lược tập trung vào các khoản đầu tư đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản hoặc các yêu cầu kinh doanh quan trọng.

AFIV dành ưu tiên trên bốn lĩnh vực cốt lõi ở cấp độ toàn châu lục gồm dịch vụ tài chính; hàng tiêu dùng; viễn thông, công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng và hậu cần.

Đàm phán - Ký kết

Các nước ASEAN

Ngày 12/11, Bộ trưởng Thương mại các nước ASEAN đã ký thỏa thuận về thương mại điện tử, khuyến khích hoạt động kinh doanh không dùng giấy giữa các doanh nghiệp và Chính phủ trong khối nhằm thực hiện giao dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Đây là thỏa thuận đầu tiên của ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, tạo môi trường tin cậy và sự tin tưởng trong việc sử dụng thương mại điện tử cũng như tăng cường hợp tác thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế khu vực.

Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế mạng của ASEAN sẽ tăng gấp 4 lần lên 200 tỷ USD, so với 50 tỷ USD của năm 2017; kim ngạch thương mại điện tử sẽ tăng lên 88 tỷ USD. (Theo TTXVN ngày 12/11)

Trung Quốc và Singapore

Ngày 12/11, Trung Quốc và Singapore đã ký 11 bản ghi nhớ bao trùm những lĩnh vực hợp tác song phương như phát triển thương mại, công nghệ tài chính, văn hóa, môi trường, khu vực đô thị… đồng thời nâng cấp Thỏa thuận Thương mại tự do Trung Quốc - Singapore (CSFTA), giúp đưa các mặt hàng nhập khẩu của Singapore vào Trung Quốc dễ dàng hơn và tăng cường bảo vệ đầu tư.

Ngoài ra, những thay đổi cũng đề cập tới các biện pháp khắc phục thương mại, những thủ tục thuế quan, đồng thời giải quyết một số vấn đề mới như bảo vệ môi trường, thương mại điện tử và cạnh tranh. (Theo TTXVN ngày 12/11)

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Ngày 12/11, các bộ trưởng thương mại của 16 nước tham gia đàm phán về RCEP nhóm họp tại Singapore đã không đạt được đồng thuận về các điều khoản chủ chốt trong hiệp định, theo đó các bên nhất trí lùi thời hạn hoàn tất đàm phán sang năm 2019.

Hiện vấn đề mở cửa thị trường cho Trung Quốc là mối quan ngại chính đối với Ấn Độ trong việc tham gia RCEP.

Một số nước thành viên ASEAN tham gia RCEP đã đưa ra nhượng bộ đáng kể với Ấn Độ nhằm khuyến khích quốc gia này tham gia hiệp định, theo đó mức mở cửa thị trường của Ấn Độ giảm xuống khoảng 83% thay vì 92% như mức quy định ban đầu trong RCEP.

Với số lượng thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, RCEP dự kiến tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% GDP toàn cầu. (Theo TTXVN ngày 12/11)

Australia và Hong Kong (Trung Quốc)

Ngày 15/11, Australia và Hong Kong (Trung Quốc) đã ký kết hiệp định thương mại tự do mới, theo đó cho phép hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Australia vào Hong Kong hưởng mức thuế 0%.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khẳng định, thỏa thuận này là một thắng lợi cho người nông dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của Australia. (Theo TTXVN ngày 15/11)

Chính sách

Philippines: Ngân hàng Trung ương Philippines - BSP (15/11) quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm 25 điểm phần trăm lên 4,75%, phù hợp với dự báo của thị trường.

Đây là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp trong năm 2018 của BSP, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009.

Quyết định này chủ yếu là do áp lực lạm phát tăng. Dự báo lạm phát của Philippines trong năm 2018 tăng lên 5,3% từ mức 5,2%; trong khi năm 2019 giảm xuống còn 3,5% từ 4,3%; năm 2020 là 3,3%.

Nhận định
chuyên gia

Chuyên gia kinh tế Roberto Cardarelli thuộc IMF (11/11):

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây ảnh hưởng tới Argentina sẽ chạm "đáy" vào cuối năm 2018 và hồi phục mạnh mẽ vào giữa năm 2019.

Các yếu tố giúp cho nền kinh tế Argentina hồi phục là nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, sự hồi phục của nhu cầu tiêu thụ nội địa và tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn giữa đồng peso Argentina(ARS) và đồng USD.

Cuối tháng 10/2018, IMF đã chính thức thông qua khoản vay tín dụng dự phòng cho Argentina trị giá 56,3 tỷ USD trong thời hạn 3 năm, với yêu cầu nước này phải thực hiện một loạt các điều kiện, trong đó có việc thông qua một dự luật ngân sách cho năm 2019 giảm mạnh chi tiêu công, giảm thâm hụt ngân sách.