Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 13-18/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Nga: GDP tăng 1,8% trong quý II/2018, trong khi quý I chỉ tăng 1,3%. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dự báo, các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Nga có thể tác động đến hàng trăm triệu USD kim ngạch xuất khẩu của Nga, giáng một đòn nặng nề lên GDP của nước này.

Các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện thành 2 đợt, bao gồm việc cấm cấp phép xuất khẩu các mặt hàng an ninh quốc gia nhạy cảm (công nghệ khí đốt, dầu mỏ, một số mặt hàng điện tử và cảm biến) sang Nga. (Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Nga ngày 13/8)

- Hoa Kỳ: Kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2018, cao hơn mức tăng 2,2% của năm 2017, do chương trình giảm thuế, chi tiêu công và đầu tư tư nhân gia tăng.

Những chương trình này đã thúc đẩy chi tiêu của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như chi tiêu chính phủ, cùng với hoạt động xuất khẩu đậu tương gia tăng góp phần đưa tăng trưởng nền kinh tế lên 4,1% trong quý II/2018, so với mức 2,2% trong quý I/2018.

Dự kiến, tăng trưởng trong quý III/2018 sẽ cao nhất trong gần 4 năm.(Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ - CBO ngày 16/8)

Chứng khoán

Trên thế giới có khá nhiều nước và vùng lãnh thổ đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ trong tháng 6/2018, nhằm hỗ trợ đồng nội tệ của nước mình khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ nâng lãi suất trong năm 2018.

Lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Nga nắm giữ ở mức 14,9 tỷ USD, giảm hơn 80% so với tháng 3; Nhật Bản nắm giữ 1.030 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2011; Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ 28,8 tỷ USD, giảm hơn 3 tỷ USD so với tháng 5 và là tháng giảm thứ tám liên tiếp. (Theo Chiến lược gia cấp cao Gennadiy Goldberg thuộc TD Securities tại New York ngày 15/8)

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 13 - 17/8/2018 tăng/giảm trái chiều.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt là 1,41%; 0,59% và Nasdaq giảm 0,29% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (10/8/2018). Trong ngày giao dịch ngày 17/8/2018:

+ Dow Jones tăng 110,59 điểm (0,43%), lên 25.669,32 điểm.

+ S&P 500 tăng 9,44 điểm (0,33%), lên 2.850,13 điểm.

+ Nasdaq tăng 9,81 điểm (0,13%), lên 7.816,33 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,36 điểm (2,65%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (17/8/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 78,34 điểm (0,35%) lên 22.270,38 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,4% lên 27.211,02 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,34% xuống 2.668,97 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 13 - 17/8/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 2,54% và 1,35%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (17/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,45 USD (0,68%) lên 65,91 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,4 USD (0,56%) lên 71,83 USD/thùng.

Châu Âu

- Hy Lạp: Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Fitch quyết định nâng xếp hạng nợ của Chính phủ Hy Lạp một bậc từ “B” lên “BB”, nhờ thỏa thuận của châu Âu hỗ trợ Hy Lạp trong việc giảm nợ.

Fitch hy vọng tình hình tài chính của Hy Lạp sẽ ổn định trong giai đoạn hậu chương trình hỗ trợ, đạt thặng dư ngân sách tương đương 0,8% GDP vào năm 2018, tăng so với mức 0,6% của năm 2017. (Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch - Hoa Kỳ ngày 11/8)

- Anh: Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2018 là 4%, mức thấp nhất kể từ tháng 02/1975. Tỷ lệ thất nghiệp giảm là một phần nguyên nhân để Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định tăng lãi suất trong tháng này.

BOE hy vọng tỷ lệ thất nghiệp của Anh sẽ giảm xuống 3,9% trong năm 2018. Thống đốc BOE Mark Carney cho rằng, việc tiếp tục tăng lãi suất là cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh ngày 14/8)

- Thổ Nhĩ Kỳ:

+ Ngày 15/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành sắc lệnh tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, theo đó tăng thuế với ô tô khách nhập khẩu thêm 120%, các sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng thuế đối với một số mặt hàng khác như gạo và than đá nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Ngày 14/8, Tổng thống Erdogan thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay các sản phẩm điện tử của Hoa Kỳ, sau khi Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt và tăng thuế hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

+ Ngày 16/8, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak tuyên bố nước này không “tìm kiếm” sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà sẽ tập trung thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài để vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ, cùng với sự hỗ trợ của các quốc gia như Đức, Nga và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống một con số trong thời gian sớm nhất có thể và sẽ đạt được các mục tiêu tài chính thông qua thắt chặt chi tiêu.

Châu Á

Châu Á

Châu Á là điểm đến đầu tư bất động sản được yêu thích nhất thế giới. 6 tháng đầu năm 2018, lượng giao dịch bất động sản châu Á - Thái Bình Dương đạt 81 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong quý II, lượng giao dịch đạt 42 tỷ USD, cao hơn 27% so với năm 2017, tăng ấn tượng so với mức tăng 9% trong nửa đầu năm 2018 ở cả châu Âu và châu Mỹ.

Đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng ấn tượng này là sự phục hồi liên tục tại các thị trường phát triển như Úc, Nhật Bản và các thị trường đang phát triển. (Theo ông Pranav Sethuraman, Bộ phận Nghiên cứu vốn toàn cầu của JLL ngày 17/8)

Hàn Quốc

+ Kim ngạch xuất khẩu ô tô trong tháng 7 giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 3,15 tỷ USD, với 190.812 chiếc được bán ra.

Doanh số bán xe ra nước ngoài của Hàn Quốc có xu hướng chậm lại trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Đông, Mỹ La-tinh đều có dấu hiệu giảm.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của Hàn Quốc lại tăng 7,1% lên 2,02 tỷ USD, nhờ doanh số bán gia tăng tại Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tại thị trường trong nước, doanh số bán xe tháng 7 tăng 3,8% lên 154.872 chiếc, nhờ sự thay đổi thuế tiêu dùng và việc Hyundai Motor Co. và Kia tung ra các mẫu xe mới. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 14/8)

+ Tính từ đầu năm đến ngày 07/8/2018, lượng trái phiếu do Hàn Quốc phát hành trong năm 2018 lên tới 1.000.200 tỷ KRW (885,52 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000.000 tỷ KRW, trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 671.640 tỷ KRW (tăng hơn 56% so với cuối năm 2017 và tăng hơn 45.000 tỷ KRW so với cùng kỳ năm 2017).

Tổng giá trị lượng trái phiếu phát hành lần này lớn hơn hai lần so với 427.000 tỷ KRW trái phiếu phát hành trong năm 2008. Lượng trái phiếu phát hành của Hàn Quốc tăng theo các năm 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 879.000 tỷ KRW, 918.000 tỷ KRW và 953.000 tỷ KRW.

Các chuyên gia bày tỏ sự quan tâm đối với việc sử dụng tỷ lệ bao nhiêu trong tổng lượng tiền thu được từ phát hành trái phiếu để chi cho các chính sách kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc, như tăng phúc lợi, tạo việc làm. (Theo Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc - KOFIA ngày 13/8)

+ Trong nửa đầu năm 2018, 30 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 45.695 tỷ won (40,46 tỷ USD), tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Tập đoàn Samsung có mức đầu tư lớn nhất, đạt 15.427,2 tỷ KRW (13,65 tỷ USD). Tiếp đó là Tập đoàn SK 10.205,9 đạt tỷ KRW (hơn 9 tỷ USD), Tập đoàn LG đạt 7.429,1 tỷ won (6,57 tỷ USD).

Xét theo lĩnh vực, đầu tư vào công nghệ thông tin, điện, điện tử đạt 28.076,4 tỷ KRW (24,85 tỷ USD), tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2017; đầu tư vào ngành hóa dầu đạt 4.568,3 tỷ KRW (hơn 4 tỷ USD), tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước. (Theo trang web “CEO Score” của Hàn Quốc ngày 16/8)

Châu Mỹ

- Argentina:

+ Ngân hàng Trung ương Argentina ngày 13/8 thông báo tăng tỷ lệ lãi suất từ 40% lên 45% nhằm giảm thiểu nguy cơ tác động mới từ thị trường bên ngoài đến lạm phát của nước này sau khi đồng nội tệ ARS tiếp tục lao dốc trong thời gian gần đây.

Biện pháp này được đưa ra để đối phó với những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ do đồng TRY mất giá, một trong những nguyên nhân làm cho giá đồng ARS của Argentina tiếp tục giảm.

Từ tháng 4/2018 đến nay, đồng ARS đã mất giá 48%, làm cho Ngân hàng Trung ương Argentina phải thực hiện ba lần tăng tỷ lệ lãi suất để chặn đà lao dốc của đồng nội tệ và giảm tác động đến tỷ lệ lạm phát hiện ở mức 30%.

+ Ngân hàng Trung ương Argentina đã bán ra 781 triệu USD trên thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng nội tệ ARS bị mất giá mạnh do những quan ngại về tình hình lạm phát và tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư trên các thị trường mới nổi.

Đồng ARS đã giảm giá 2%, chạm mức thấp kỷ lục 30,50 ARS/USD trong bối cảnh đồng TRY Thổ Nhĩ Kỳ biến động.

Kinh tế Argentina đang đứng trước nhiều rủi ro khi lạm phát tăng mạnh, chạm mức 31,2% trong tháng 7/2018 và danh mục nợ bằng đồng USD lớn. (Theo Ngân hàng Trung ương Argentina ngày 15/8)

- Canada: Chính phủ nước này sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ đối với 7 sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước sau khi Hoa Kỳ áp thuế thép, nhôm trên phạm vi toàn cầu.

Canada cho rằng, chính sách thuế thép, nhôm của Hoa Kỳ sẽ làm cho thép giá rẻ chuyển hướng vào nước này. Nhập khẩu thép ống dùng cho lĩnh vực năng lượng của Canada tăng mạnh trong mùa xuân 2018.

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Chính phủ Canada sẽ dành 15 ngày để điều tra mức độ thiệt hại đối với hoạt động sản xuất 7 sản phẩm thép trong nước (gồm thép tấm, thép thanh, ống thép để truyền năng lượng, thép tấm cán nóng, thép trước khi sơn, dây thép không gỉ và dây thép). (Theo Bộ trưởng Tài chính Canada ngày 16/8)

- Venezuela: Chính phủ Venezuela đang phải đối mặt việc thanh toán 1,1 tỷ USD trái phiếu đến hạn và tiền lãi vào ngày 15/8, bao gồm: (i) Trái phiếu được phát hành vào năm 1998 với 752 triệu USD tiền gốc và 51,2 triệu USD tiền lãi; (ii) Trái phiếu phát hành năm 2001 với 300 triệu USD tiền gốc và 20,4 triệu USD tiền lãi. Venezuela hiện không còn nguồn tài chính nào để trả nợ quốc gia. (Theo Hãng tin Reuters 16/8)

Hoa Kỳ

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ được dự báo tăng từ 2,4% GDP (năm 2017) lên 3,6% GDP (năm 2020) và nếu tiếp tục cắt giảm thuế, con số này có thể tăng lên 4% GDP hoặc cao hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Maurice Obstfeld, tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu không phải là cách làm hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại mà ngược lại còn làm cho tình hình thâm hụt trầm trọng hơn. Việc này cũng làm cho các mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ đắt đỏ hơn, dẫn đến xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng.

Bên cạnh đó, chính sách kích thích tài khóa (như cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ) cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhập khẩu, làm cho thâm hụt thương mại tăng. (Theo IMF ngày 13/8)

Trung Quốc

Chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt của Trung Quốc sẽ được duy trì. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế, hạn chế những rủi ro tài chính và đẩy mạnh cải cách tài chính, đồng thời nghiên cứu và vận dụng các phương thức mới về quy định tài chính và duy trì chính sách ổn định và liên tục.

PBoC sẽ đưa ra các chính sách “dài hơi”, linh hoạt và hiệu quả hơn để duy trì sự kiểm soát hợp lý đối với các “van” cung tiền tệ, đảm bảo tính thanh khoản ở mức hợp lý và dồi dào.

Ngoài ra, PBoC sẽ tối ưu hóa cơ cấu tín dụng và tài chính, cải thiện cơ chế chính sách tín dụng và tiền tệ, kêu gọi các tổ chức tài chính sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thực để tạo ra một môi trường tài chính ổn định phục vụ cho cải cách cơ cấu về nguồn cung và phát triển chất lượng cao.

(Theo PboC ngày 11/8)

Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” giữa bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị áp đặt các mức thuế thương mại, siết chặt hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm, đầu tư của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, phản ánh nhu cầu nội địa yếu và niềm tin kinh doanh sụt giảm.

Doanh số bán lẻ trong tháng 7/2018 chỉ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức dự báo tăng 9,1% và giảm so với mức 9% trong tháng 6/2018. Sản lượng công nghiệp tháng 7 chỉ đạt 6%, thấp hơn dự báo 6,3% của các nhà phân tích.

Đ điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Trung Quốc trong 7 tháng năm 2018 là đầu tư tư nhân vào các tài sản cố định tăng 8,8%, cao hơn mức 8,4% trong 6 tháng đầu năm. Đầu tư tư nhân chiếm khoảng 60% tổng đầu tư tại Trung Quốc.

(Theo dữ liệu của Reuters Eikon ngày 14/8)

Giá nhà tại khắp các thành phố của Trung Quốc tăng lên mặc dù Chính phủ đang áp dụng các biện pháp kiềm chế giá cả để ngăn bong bóng bất động sản. Giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 7/2018 tăng tại 65/70 thành phố.

Lần gần nhất tình trạng giá nhà tăng trên diện rộng là tháng 4/2016. Tuy nhiên, tại Bắc Kinh và Thượng Hải - nơi chính sách hạn chế cư trú vẫn còn vô cùng ngặt nghèo - giá bất động sản giảm nhẹ. (Theo báo Nikkei ngày 17/8)

Đến năm 2020, Macau (Trung Quốc) sẽ đứng đầu danh sách 10 nền kinh tế giàu nhất thế giới, tiếp đến là Qatar và Luxembourg. GDP bình quân tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) của Macau sẽ đạt hơn 143 nghìn USD năm 2020, vượt Qatar để trở thành nền kinh tế giàu nhất thế giới.

GDP của Macau có thể đạt 172.681 USD vào năm 2023. Macau nổi tiếng với ngành kinh doanh casino và là nơi duy nhất tại Trung Quốc các sòng bài được hợp pháp hóa. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại Macau tăng gấp 3 lần kể từ năm 2011 (34.500 USD). (Theo IMF ngày 13/8)

Australia

Mức tăng trưởng tiền lương tại Australia trong quý II/2018 chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức thấp kỷ lục từng ghi nhận là 1,9% và không theo kịp tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Tăng trưởng tiền lương tại khu vực tư nhân chỉ đạt 2% so với cùng kỳ năm 2017. Tiền lương trong lĩnh vực khai khoáng chỉ tăng 1,3%, thấp hơn 5 lần so với mức “đỉnh” vào cuối những năm 2000. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Australia - ABS ngày 16/8)

Chính sách

Indonesia: Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Indonesia quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 5,5% từ mức 5,25%.

Động thái này nhằm ứng phó với việc đồng nội việc của Indonesia giảm giá do tác động của cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, đồng nội tệ của Indonesia đã giảm giá 7% so với đồng USD.

Theo giới đầu tư, kinh tế Indonesia hiện vẫn còn yếu, thâm hụt tài khoản vãng lai cao. Từ giữa tháng 5/2018 đến nay, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã nâng lãi suất chủ chốt 125 điểm cơ bản.