Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 14-19/8//2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Nhật Bản: Trong quý II/2017, GDP tăng trưởng 1% so với quý trước và 4% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất trong hơn 2 năm qua, do chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Đây cũng là quý tăng trưởng thứ 6 liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng liên tục dài nhất trong 10 năm qua, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang duy trì được đà tăng trưởng. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 14/8)

- Đức: Trong quý II/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,6%, nhờ nhu cầu trong nước gia tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình ngoại thương có ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng của kinh tế Đức do kim ngạch nhập khẩu hằng quý tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 15/8)

- Nga: Trong quý II/2017, GDP tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2013. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng 3,8%, cao gấp đôi dự báo của các nhà phân tích. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày 15/8)

- Indonesia: Dự báo trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,4%, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng 5,2% của năm 2017; tỷ lệ lạm phát ở mức 3,5%, thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát mục tiêu 4,3% của năm 2017. (Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 16/7)

Lạm phát

- Eurozone: Trong tháng 7/2017, CPI tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 6/2017 và dự báo của thị trường. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, do giá thực phẩm chưa qua chế biến tăng chậm (0,6%). Lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm chưa qua chế biến và thuốc lá) tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 1,1% của tháng 6/2017. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 17/8)

- Hoa Kỳ: Trong tháng 7/2017, CPI tại Hoa Kỳ tăng 0,1% so với tháng trước và 1,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn các mức tương ứng 0% và 1,6% của tháng 6/2017, tuy nhiên thấp hơn mức tăng tương ứng là 0,2% và 1,8% (dự báo của các chuyên gia kinh tế). (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 11/8)

- Anh: Trong tháng 7/2017, lạm phát tại Anh tăng 2,6%, bằng mức tăng của tháng 6/2017 do giá nhiên liệu giảm. Các chuyên gia kinh tế dự báo, do lạm phát thấp hơn dự kiến nên Ngân hàng Trung ương Anh sẽ chưa tăng lãi suất trong thời gian tới. (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 15/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do các nhà đầu tư hoài nghi về tính khả thi của các chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tính chung cả tuần (14/8 - 18/8/2017), chỉ số Dow Jones S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,84%; 0,65% và 0,64% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (11/8/2017). Trong ngày giao dịch 18/8/2017 so với hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 5,39 điểm (-0,09%) xuống 6.216,53 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 giảm 4,46 điểm (-0,18%) xuống 2.425,55 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 76,22 điểm (-0,35%) xuống 21.674,51 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,82 điểm (0,51%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (18/8/2017) so với hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,29 điểm (0,01%) lên 3.268,72 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,3 điểm (-0,14%) xuống 2.358,37 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 296,65 điểm (-1,08%) xuống 27.047,57 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 32,1 điểm (-0,56%) xuống 5.747,1 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 232,22 điểm (-1,18%) xuống 19.470,41 điểm.

Dầu mỏ

Lượng dầu dự trữ của Hoa Kỳ trong tuần (07 - 11/8) giảm 8,95 triệu thùng xuống còn 466,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 01/2016 và là tuần sụt giảm thứ 7 liên tiếp.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Hoa Kỳ trong tuần tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày, cao hơn so với 9,4 triệu thùng/ngày của tuần trước đó. Sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng gần 12% kể từ giữa năm 2016.(Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 16/8)

Tuần từ 14/8 - 18/8/2017, giá dầu WTI giảm 0,63% và Brent tăng 1,19%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (18/8/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,2 USD (0,38%) lên 48,51 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,69 USD (3,21%) lên 52,72 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

Trong tháng 6/2017, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 26,6 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 28,9 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 187,2 tỷ EUR, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch nhập khẩu đạt 160,6 tỷ EUR, tăng 6,2%. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thặng dư thương mại đạt 107,7 tỷ EUR, thấp hơn mức thặng dư 129,3 tỷ EUR cùng kỳ năm 2016. (Theo Eurostat ngày 17/8)

Anh

- Trong tháng 7/2017, chi tiêu tiêu dùng của Anh giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2016, tháng giảm thứ ba liên tiếp và là giai đoạn suy giảm dài nhất trong 4 năm qua, cho thấy kinh tế nước Anh đã không lấy lại được động lực tăng trưởng sau khi giảm tốc từ đầu năm 2017. (Theo ONS ngày 15/8)

- Tính đến cuối tháng 6/2017, số người đăng ký thất nghiệp ở Anh là 1,48 triệu người, giảm 157 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở Anh trong quý II/2017 giảm xuống 4,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1975, trong bối cảnh các cuộc đàm phán Brexit chưa rõ ràng đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng tăng thuê lao động tạm thời. (Theo ONS ngày 16/8)

- Trong tháng 7/2017, doanh số bán lẻ của Anh tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 2,8% của tháng 6/2017 và dự báo1,4% của Reuters. Doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại do người dân cắt giảm mua hàng hóa khác ngoài lương thực, làm gia tăng quan ngại về sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng . (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 17/8)

Đức

Trong quý II/2017, số lượng lao động Đức được tuyển dụng tăng lên mức kỷ lục 44,2 triệu người, tăng 1,5% (664.000 việc làm) so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết các công việc mới được tạo ra trong ngành dịch vụ. Thị trường lao động đang mạnh lên, củng cố đà phát triển kinh tế của nước này. (Theo Cục Thống kê Liên bang Đức ngày 17/8)

Châu Á

Châu Á

Trong quý II/2017, dòng vốn đầu tư liên khu vực trong lĩnh vực bất động sản của nhà đầu tư châu Á đạt 19,5 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 6,2 tỷ USD, tiếp theo là Hồng Kông (4,9 tỷ USD), Singapore (4,1 tỷ USD), Hàn Quốc (1,9 tỷ USD) và Nhật Bản (1,6 tỷ USD).

Hầu hết nguồn vốn này hướng đến ba thị trường bất động sản lớn nhất và có tính thanh khoản tốt nhất thế giới, bao gồm Hoa Kỳ (10 tỷ USD), Anh (6 tỷ USD) và Đức (2 tỷ USD). (Theo dữ liệu của Tập đoàn JLL)

Saudi Arabia

Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 72 tỷ SAR (19,2 tỷ USD), giảm 51% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu ngân sách tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016 lên 308 tỷ SAR (82,1 tỷ USD); chi ngân sách giảm 2% xuống 380,7 tỷ SAR, do nước này tiến hành các đợt cắt giảm mạnh chi tiêu và giá dầu ổn định trở lại.

Kết quả trên cho thấy việc quản lý tài chính công của Saudi Arabia được cải thiện, đồng thời nước này đã bắt đầu đẩy mạnh việc đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.Dự báo thâm hụt ngân sách trong năm 2017 ở mức 53 tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia ngày 14/8)

Hoa Kỳ

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần (07 - 12/8) giảm 12 nghìn đơn xuống 232 nghìn đơn, tỷ lệ thất nghiệp là 4,3% - mức thấp nhất 16 năm, cho thấy thị trường việc làm Hoa Kỳ ngày càng vững chắc, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi kinh tế. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 17/8)

Trong tháng 7/2017, doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,3% trong tháng 6/2017. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016, chủ yếu do doanh số bán hàng tăng cao tại các cửa hàng bán lẻ và các đại lý ô tô. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/8)

Nhà kinh tế trưởng Chris Low của FTN Financial nhận định, trong bối cảnh doanh số bán lẻ tăng mạnh hơn dự kiến, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED tăng lãi suất vào tháng 12/2017 là 38,1%.

Tổng số nhà xây dựng mới tạiHoa Kỳtrong 12 tháng tính đến tháng 7/2017 ở mức 1,155 triệu căn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do hoạt động xây nhà (căn hộ) giảm.(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 16/8)

Theo chuyên gia Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics, thị trường nhà ở trong thời gian tới sẽ chưa tạo thành lực đẩy chính đối với đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong tháng 6/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 47,7 tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, nâng lượng trái phiếu nắm giữ đến cuối tháng 6 lên 6,17 nghìn tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc tăng 44,3 tỷ USD lên 1,15 nghìn tỷ USD và trở thành quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ; Nhật Bản giảm 20,5 tỷ USD xuống 1,09 nghìn tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 15/8)

Trung Quốc

Trong 7 tháng đầu năm 2017:

- Vốn FDI vào Trung Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 485,42 tỷ NDT (72,79 tỷ USD). Tuy nhiên, vốn FDI trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao tăng trưởng 8,3% (đạt 37,39 tỷ NDT); lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 16,8% lên 70,31 tỷ NDT.

- Đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài (ODI) của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 57,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ODI của Trung Quốc tại các quốc gia nằm trên tuyến “Vành đai và Con đường” vẫn đạt 7,65 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng lượng ODI của nước này, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 15/8)

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục, tương đương 4,06 tỷ tấn dầu mỏ vào năm 2040, cao hơn mức 3,57 tỷ tấn dầu vào năm 2035 (dự báo đưa ra vào năm 2016).

Sản lượng khai thác dầu thô hằng năm của Trung Quốc duy trì ở mức 200 triệu tấn (4 triệu thùng/ngày) đến năm 2030, trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên sẽ đạt 380 tỷ m3 đến năm 2050. (Theo Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc - CNPC ngày 16/8)

 

Nhật Bản

Trong tháng 7/2017, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản đạt 418,7 tỷ JPY (3,8 tỷ USD), thấp hơn mức thặng dư 504,53 tỷ JPY của cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6,494.89 tỷ JPY do sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, kim ngạch nhập tăng 16,3% lên 6,076.19tỷ JPY. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/8)

Trong tháng 6/2017, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 2,2% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 1,6% (ước tính lần 1), sau khi giảm 3,6% trong tháng 5/2017, cho thấy công nghiệp Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 15/8)

Đàm phán - Ký kết

Anh và EU

Anh muốn tiếp tục ở lại liên minh hải quan với EU khoảng 2 - 3 năm (thời kỳ chuyển tiếp) sau khi nước này chính thức rời EU (tháng 3/2019). Chính phủ Anh cũng đưa ra 2 lựa chọn sau thời kỳ chuyển tiếp, đó là sẽ tạo ra một khuôn khổ đối tác hải quan mới với EU hoặc tạo ra một thỏa thuận hải quan mới.

Tuyên bố trên cho thấy quan điểm về một Brexit “mềm” của Chính phủ Anh, qua đó đảm bảo với các doanh nghiệp rằng hoạt động xuất khẩu của Anh trong thời gian tới sẽ không bị ảnh hưởng bởi Brexit. (Theo Chính phủ Anh ngày 14/8)

Hoa Kỳ, Canada và Mexico

Ngày 16/8 tại Washington, Hoa Kỳ, các quan chức của Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã bắt đầu vòng tái đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong bối cảnh quan ngại về tương lai của thỏa thuận này gia tăng.

Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra từ ngày 16 - 20/8, tất cả các bên đưa đề xuất của mình và thống nhất cách thức tiến hành tái đàm phán. Các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và cố gắng hoàn thành hiệp định vào đầu năm 2018. (Theo TTXVN ngày 17/8)

Chính sách

EC: Ủy ban châu Âu - EC (11/8) quyết định áp thuế chống bán phá giá mới (17,2 - 28,5%) đối với các loại thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc do mặt hàng này của Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách trợ giá không công bằng.

EC cho rằng việc áp thuế mới sẽ góp phần khôi phục ngành công nghiệp thép của EU đang gặp nhiều khó khăn do thép Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu. Chính sách này sẽ tác động tới ba tập đoàn Shougang, Shagang, Hesteel cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu thép khác của Trung Quốc.

Nhận định
chuyên gia

Nhà kinh tế trưởng Paul Sheard - S&P Global, Hoa Kỳ (11/8):

Kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tích ấn tượng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), với thành công trong việc giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể làm tăng các khoản nợ, do đó chương trình cải cách kinh tế tại Trung Quốc có vai trò rất quan trọng.

Trung Quốc cần tiếp tục tiến hành cải cách về thể chế và định hướng thị trường, tạo những chương trình ưu đãi để sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao quản lý doanh nghiệp, tái cân bằng nền kinh tế với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động đầu tư và hướng nhiều hơn vào tiêu dùng của các hộ gia đình như một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống.