Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 15-19/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng  -Lạm phát

Tăng trưởng

Trung Quốc: Trong năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,6%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Trung Quốc dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 xuống 6 - 6,5% trong bối cảnh nước này chuẩn bị đối phó với mức thuế cao hơn từ Hoa Kỳ và nhu cầu trong nước suy yếu. (Theo Hãng tin Reuters ngày 11/01) 

Đức: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức đạt 1,5%, tuy thấp hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2017 nhưng là năm thứ 9 liên tiếp nền kinh tế Đức tăng trưởng. Xét theo giá trị tuyệt đối, GDP của Đức trong năm 2018 đạt khoảng 3.400 tỷ EUR (3.900 tỷ USD), tương đương 40.900 EUR/người.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Hoa Kỳ với EU và Trung Quốc ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu, Destatis cho rằng động lực để nền kinh tế Đức tăng trưởng tích cực là nhờ hoạt động kinh tế trong nước khi tiêu dùng và vốn đầu tư đều gia tăng. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 15/01) 

Lạm phát:

Anh: Trong tháng 12/2018, tỷ lệ lạm phát của Anh là 2,1%, thấp hơn so với 2,3% của tháng 11/2018 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 01/2017, chủ yếu do chi phí xăng dầu và vé máy bay thấp hơn. Tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm chi phí năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) là 1,9%, cao hơn so với mức 1,8% của tháng 11/2018 và dự báo của thị trường. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 16/01)

Đức: Trong tháng 12/2018, tỷ lệ lạm phát của Đức là 1,7%, thấp hơn so với mức lạm phát 2,3% của tháng 11/2018 và giữ nguyên so với ước tính lần 1. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong 8 tháng qua, do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng chậm, trong khi giá dịch vụ không đổi. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Đức ngày 16/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 14/01 - 18/01/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 2,96%; 2,87% và 2,66% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (11/01/2019). Trong ngày giao dịch ngày 18/01/2019:

+ Dow Jones tăng 499,19 điểm (2,06%), lên 24.706,35 điểm.

+ S&P 500 tăng 34,75 điểm (1,32%), lên 2.670,71 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 72,76 điểm (1,03%), lên 7.157,23 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,69 điểm (1,78%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (18/01/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 36,37 điểm (1,42%), lên 2.596,01 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 335,18 điểm (1,25%), lên 27.090,81 điểm.

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 263,80 điểm (1,92%), lên 20.666,07 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 14/01 - 18/01/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 4,5% và 3,47%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (18/01/2019), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2019:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ tăng 1,55 USD (2,96%), lên 53,91 USD/thùng.

- Dầu Brent tăng 1,40 USD (2,29%), lên 62,58 USD/thùng.

Châu Âu

Anh: Ngày 14/01, các tổ chức kinh doanh gồm CBI và PwC công bố kết quả khảo sát 84 công ty trong lĩnh vực tài chính tại Anh cho thấy, trong quý IV/2018, biểu đồ tăng trưởng lợi nhuận từ ngành dịch vụ tài chính, ngành tạo ra nguồn thu ngân sách lớn nhất cho nước Anh, tiếp tục đi ngang sau 2 quý liên tiếp không có dấu hiệu tăng trưởng.

Nhu cầu dịch vụ tài chính sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2019, kéo theo lợi nhuận của ngành giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Nguyên nhân do ngành dịch vụ tài chính Anh đang chịu tác động của những bất ổn trong kinh tế vĩ mô và tình hình Brexit. (Theo TTXVN ngày 15/01) 

Eurozone:

-  Trong tháng 11/2018, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 19 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 23,4 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên vẫn cao hơn so với 13,7 tỷ EUR theo dự báo của thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017 lên 203 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 4,7%  lên 184 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 15/01)

- Trong tháng 11/2018, sản lượng công nghiệp theo tháng của Eurozone giảm 1,7%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 10/2018 và giảm 0,6% trong tháng 9/2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 02/2016, làm gia tăng quan ngại về triển vọng tăng trưởng của khối trong quý IV/2018. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu ngày 16/01)

Châu Á

Hàn Quốc:

- Nền kinh tế Hàn Quốc có xu hướng đình trệ do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu giảm sút. Cụ thể, tiêu thụ nội địa tiếp tục đình trệ do doanh thu bán lẻ tăng thấp (tháng 11/2018 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng bình quân 2,8% trong tháng 9 và tháng 10/2018), trong khi đầu tư ngày càng giảm (chỉ số tình hình đầu tư thiết bị trong tháng 11/2018 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017). Trong tháng 12/2018, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung ở các mặt hàng chủ lực như chíp bán dẫn, hóa dầu. (Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 13/01)

- Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2019 là 3.200,3 tỷ KRW (2,85 tỷ USD), tăng khoảng 5% so với năm 2018. Theo đó, 41 cơ quan nhà nước tại Hàn Quốc sẽ triển khai 1.404 dự án ODA; 81,8 tỷ KRW (72,9 triệu USD) cho các dự án cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ nhân đạo của Bộ Ngoại giao; 61,4 tỷ KRW (54,7 triệu USD) cho dự án phái cử đoàn tình nguyện chương trình "Bạn bè thế giới" của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); 46 tỷ KRW (41 triệu USD) cho dự án viện trợ lương thực cho các nước đang phát triển của Bộ Nông Lâm, Công nghiệp chăn nuôi và Lương thực… (Theo TTXVN ngày 16/01) 

Singapore: Quốc hội Singapore ngày 14/01 đã thông qua Dự luật Dịch vụ thanh toán, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2019, trong đó ban hành các quy định chi tiết liên quan đến thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt ở nước này.

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có tổng mức giao dịch trung bình hằng tháng khoảng 3 - 5 triệu SGD (tương đương 2,2 triệu - 3,7 triệu USD) tiền điện tử giao dịch thả nổi hằng ngày (trong một năm) sẽ được cấp phép là tổ chức thanh toán lớn.

Các tổ chức này phải có yêu cầu bảo lãnh từ ngân hàng ở Singapore và chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các khoản tiền của khách hàng, gửi tiền vào tài khoản ủy thác hoặc tham gia các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS). (Theo TTXVN ngày 15/01) 

Indonesia: Trong năm 2018, thâm hụt thương mại của Indonesia ở mức 8,57 tỷ USD, sau khi thặng dư 11,84 tỷ USD vào năm 2017, trong bối cảnh kinh tế phục hồi làm cho nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh (thâm hụt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt là 12,4 tỷ USD).

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 168,82 tỷ USD (năm 2017) lên 180,06 tỷ USD (năm 2018); kim ngạch nhập khẩu tăng từ 156,99 tỷ USD (năm 2017) lên 188,63 tỷ USD (năm 2018). (Theo Cục Thống kê Quốc gia Indonesia ngày 15/01)

Đông Nam Á

Theo khảo sát của Diễn đàn Tài chính châu Á 2019, Đông Nam Á đã vượt Trung Quốc trở thành khu vực có thể mang lại lợi tức đầu tư tốt nhất, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gây ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc.

Cụ thể, khoảng 39% số người được hỏi cho rằng Đông Nam Á là khu vực đem lại lợi tức đầu tư tốt nhất, trong khi 35% chọn Trung Quốc và 16% chọn Hoa Kỳ. Trong khảo sát tương tự vào năm 2018, khoảng 55% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ mang lại lợi tức đầu tư tốt nhất trong năm 2018. (Theo TTXVN ngày 15/01)

Trung Quốc

Trong năm 2018, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đạt mức cao khoảng 30.510 tỷ NDT (4.500 tỷ USD), tăng 12,6% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,1% lên 16.420 tỷ NDT (2.421 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 12,9% lên 14.090 tỷ NDT (2.078 tỷ USD), theo đó thặng dư đạt 2.330 tỷ NDT, giảm 18,3% so với năm 2017.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ trong năm 2018 tăng 17,2% so với năm 2017 lên 323,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 11,3%, trong khi nhập khẩu tăng 0,7%.

(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 14/01)

Hiệp hội các nhà chế tạo ôtô Trung Quốc (CAAM) cho biết, doanh số bán xe tại Trung Quốc ước đạt 28 triệu chiếc trong năm 2019, tương đương với doanh số của năm 2018, trong khi các cơ quan khác trong ngành và Chính phủ Trung Quốc dự đoán doanh số tăng từ 0 - 2%. 2018 là năm khó khăn của khi thị trường ôtô Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ xe. (Theo TTXVN ngày 15/01)

Tính đến hết tháng 12/2018, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt gần 3.073 tỷ USD, tăng 0,4% (hơn 11 tỷ USD) so với tháng 11, nhưng giảm 2,1% (hơn 67 tỷ USD) so với năm 2017. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng nhẹ trong 2 tháng cuối năm 2018 do chịu sự tác động giảm của tỷ giá giữa đồng USD với các đồng tiền khác, cũng như giá trái phiếu của các quốc gia chủ chốt và giá tài sản tăng.

Tính đến cuối tháng 12/2018, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng 320.000 ounce so với tháng 11/2018 lên gần 60 triệu ounce. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2016.

Các chuyên gia phân tích thị trường của Trung Quốc cho rằng, những động thái trên cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không sử dụng dự trữ ngoại tệ để can dự vào tỷ giá đồng NDT, áp lực mất giá của đồng tiền này đang giảm.

(Theo Cục Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc ngày 13/01)         

Trong năm 2019, sản lượng khai thác dầu thô của Trung Quốc dự kiến ở mức 190 triệu tấn, ngang bằng với năm 2018, trong lúc nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên tăng 11%.

Các công ty dầu mỏ lớn của Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc gia tăng khai thác cũng như tăng mức dự trữ dầu khí trong nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế trong năm 2019 tăng khoảng 19% so với năm 2018 lên 48,6 triệu tấn. (Theo dự báo của Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc - CNPC ngày 18/01)

Hoa Kỳ

Trong năm 2018, sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt bình quân 10,9 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ từ năm 1970 (thời điểm dữ liệu về dầu bắt đầu được ghi lại). EIA dự báo sản lượng dầu của Hoa Kỳ sẽ đạt bình quân 12,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Sản lượng dầu tăng mạnh giúp Hoa Kỳ ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu nước ngoài.

Năm 2018, nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm hóa dầu vào Hoa Kỳ giảm còn 2,4 triệu thùng/ngày, từ 3,8 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Dự báo nhập khẩu ròng xăng dầu của Hoa Kỳ sẽ giảm còn 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 100.000 thùng/ngày vào năm 2020. EIA cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng xăng dầu, với mức xuất ròng khoảng 900.000 thùng/ngày trong quý IV/2020. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ngày 15/01)

12 khu vực kinh tế của Hoa Kỳ có nhịp độ tăng trưởng kinh tế từ "khiêm tốn đến vừa phải" trong tháng 12/2018 đến tháng 01/2019 . Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED đánh giá tổng thể nền kinh tế ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở nhiều khu vực kém lạc quan hơn trước những biến động trên các thị trường tài chính, lãi suất ngắn hạn tăng, giá năng lượng sụt giảm, trong khi bất ổn chính trị và thương mại leo thang. (Theo báo cáo kinh tế định kỳ Beige Book của FED ngày 16/01)

Nhật Bản

Trong năm 2018, chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Nhật Bản đạt 4.510 tỷ JPY (41,5 tỷ USD), với mức bình quân 153.000 JPY/người. Du khách Trung Quốc chi tiêu nhiều nhất với 1.540 tỷ JPY, tiếp đến là du khách Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với mức chi tiêu lần lượt đạt 584,2 tỷ JPY và 583,9 tỷ JPY. Trong khi đó, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản trong năm 2018 cũng đạt mức cao kỷ lục 31,19 triệu lượt, tăng 8,7% so với năm 2017.

Hồi tháng 7/2018, Chính phủ Nhật Bản đã miễn trừ thuế tiêu dùng cho khách du lịch nước ngoài nhằm thúc đẩy chi tiêu của du khách lên 8.000 tỷ JPY vào năm 2020.

(Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản công bố ngày 16/01)

Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2019 sau khi bổ sung 650 tỷ JPY (6 triệu USD) phát sinh kinh phí do Bộ Lao động công bố sai số liệu việc làm. Dự toán ngân sách (101,46 nghìn tỷ JPY) đã được Nội các thông qua từ tháng 12/2018 và đã sẵn sàng để trình lên phiên họp sắp tới của Quốc hội. (Theo Kyodo ngày 18/01)

Thị trường

Trong năm 2019, chi tiêu cho ứng dụng trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng sẽ tăng gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vượt 120 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong các cửa hàng ứng dụng trực tuyến. Tuy nhiên, đà tăng này sẽ giảm nhẹ khi nước này quyết định ngừng cấp phép cho các trò chơi điện tử mới.

Năm 2018, khoảng 194 tỷ ứng dụng trên các thiết bị di động đã được tải về trên toàn cầu, với tổng chi tiêu cho các ứng dụng này lên tới 101 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 50% tổng số lượt tải các ứng dụng dành cho các thiết bị di động Apple hoặc Android.

(Theo Hãng nghiên cứu thị trường App Annie ngày 16/01)