Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 16-21/1/2017

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 2017

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,2% trong năm 2016 - mức tăng chậm nhất từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009; dự báo đạt 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, giảm so với dự báo đưa ra hồi tháng 5/2016, do hoạt động đầu tư và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đều sụt giảm. (Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Liên Hợp quốc ngày 17/01)

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,4% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2016. Trong đó Eurozone đạt 1,6% trong 2 năm 2017 và 2018, cao hơn so với mức 1,5% đưa ra trước đó; Hoa Kỳ đạt 2,3% và 2,5%; Nhật Bản đạt 0,8% và 0,5%; các nền kinh tế đang phát triển lớn (Ấn Độ, Brazil và Mexico) đều đối mặt với tình trạng giảm tốc, lần lượt đạt 7,2%, 0,2% và 1,7%, thấp hơn so với dự báo tương ứng là 7,6%, 0,5% và 2,3%; Trung Quốc đạt 6,5% trong năm 2017, cao hơn mức dự báo trước đó là 6,2%; đạt 1,1% trong năm 2017. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 16/01)

- Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm 2016 - mức tăng thấp nhất trong 26 năm qua, trong bối cảnh rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế nước này ,tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ việc dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sang chi tiêu tiêu dùng.(Theo Hãng tin AFP Pháp ngày 18/01 và Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 20/01)

- Đức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 1,9% - mức tăng cao nhất trong 5 năm, do chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh ở mức 2% và chi tiêu của Chính phủ tăng 4,2%. (Theo Tổng cục Thống kê Đức - Destatis ngày 12/01)

- Ấn Độ: Tiếp tục là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng 7,7% trong tài khóa 2017 (kết thúc vào tháng 3/2018) và 7,6% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019), nhờ tiêu dùng tư nhân tăng mạnh và tác động tích cực của những cải cách, đổi mới chính sách .CPI tăng 5,7% trong năm 2017, sau đó giảm nhẹ còn 5,4% trong năm 2018. (Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc ngày 17/01)

- Argentina: GDP năm 2017 sẽ tăng trưởng 3% sau 5 năm suy thoái. Chính phủ Argentina sẽ tập trung thu hút đầu tư để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện chất lượng giáo dục công, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới.(Theo Tổng thống Argentina Mauricio Macri ngày 17/01)

- Anh: CPI tháng 12/2016 đạt 1,6% - mức cao nhất kể từ tháng 7/2014 và cao hơn mức 1,2% của tháng 11/2016, do đà tăng giá của nhiều mặt hàng và dịch vụ (giá vé máy bay, thực phẩm, nguyên liệu thô, xăng dầu) và sự giảm giá mạnh của đồng bảng Anh. Tuy nhiên, lạm phát hằng năm vẫn thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Một số nhà kinh tế dự báo, lạm phát tại Anh sẽ tăng lên khoảng 3% vào cuối năm 2017 trong bối cảnh giá trị đồng bảng Anh tiếp tục giảm và giá dầu tăng.(Theo Văn phòng Thống kê Anh - ONS ngày 17/01)

- Malaysia: CPI tháng 12/2016 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, bằng mức tăng của tháng 11 nhưng thấp hơn dự báo tăng 1,9%. Trong đó giá thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng, trong khi giá nhà ở và dịch vụ công ổn định. CPI lõi tăng 2,1%; thấp hơn mức tăng 2,2% của tháng 11. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 18/01)

Lao động

Trong năm 2017 sẽ có 201 triệu người thất nghiệp trên thế giới (chiếm tỷ lệ 5,8%), tăng 3,4 triệu người so với năm 2016 (tỷ lệ 5,7%), dokinh tế tăng trưởng chậm, đầu tư giảm sút và những bất ổn về chính trị. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa như Nga, Nam Phi và Brazil, trong khi thất nghiệp dài hạn ở châu Âu, Canada và Hoa Kỳ vẫn ở mức cao. (Theo Báo cáo Triển vọng xã hội và việc làm thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO ngày 12/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua. Dù phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm liên tiếp trước đó, cả 3 chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ đều giảm điểm trong tuần qua. Tính chung cả tuần (16 - 20/01/2017), chỉ số Dow Jones giảm 0,29%; S&P 500 giảm 0,15% và Nasdaq Composite giảm 0,34% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (13/01/2017).Trong ngày giao dịch cuối tuần (20/01/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 19.827,25 điểm, tăng 0,48%.

+ S&P 500 đạt 2.271,31 điểm, tăng 0,34%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.555,33 điểm, tăng 0,28%.

- Chứng khoán châu Á: Tuần qua chứng khoán châu Á tăng/giảm trái chiều. Dù phục hồi trở lại trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với phiên lao dốc đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Ngược lại, dù có 2 phiên điều chỉnh giảm cuối tuần, nhưng với chuỗi tăng tốt trước đó, chứng khoán Hồng Kông vẫn có tuần tăng thứ 4 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,5% xuống 139,65 điểm.

Các thị trường chính:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,34% lên 3.123,139 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 4,14% lên 22.885,91 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,77% xuống 19.137,91 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,53% xuống 2.065,61 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 1,15% xuống 5.654,50 điểm.

Dầu mỏ

Tổng sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 12/2016 giảm 221 nghìn thùng/ngày so với tháng 11/2016 xuống 33,1 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia - thành viên chính - đã cắt giảm sản lượng xuống 10,5 triệu thùng/ngày, giảm 149 nghìn thùng/ngày. Các nước Algeria, Ecuador, Gabon, Nigeria, Qatar, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Venezuela cũng đều thực hiện cắt giảm sản lượng theo cam kết. (Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPECngày 18/01)

Tuần từ 16/01 - 20/01/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 0,1% và 0,07%, trong bối cảnh giới đầu tư tỏ ra thận trọng về kết quả cuộc họp của OPEC và một số nước nằm ngoài khối tại Vienna (Áo) vào cuối tuần. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (20/01/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,05 USD (2%) lên 52,42 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,33 USD (2,40%) lên 55,49 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc: Chỉ số giá sản xuất tại nước này trong tháng 12/2016 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2012, sau khi tăng 0,7% trong tháng 11/2016, do giá dầu và các mặt hàng hóa dầu tăng mạnh. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 19/01)

- Singapore: Số vốn huy động thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Singapore trong năm 2016 đạt 1,7 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Dự báo, Singapore sẽ là quốc gia có nhiều đợt IPO nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2017, với các thương vụ bán cổ phiếu của doanh nghiệp và quỹ tín thác bất động sản, khi các đồng tiền trong khu vực biến động và niềm tin của giới đầu tư thấp sẽ hạn chế các thương vụ IPO tại những thị trường khác.(Theo Thomson Reuters ngày 16/01)

- Thái Lan: Năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu của nước này sẽ đạt khoảng 1 - 3%, cao hơn mức dự báo 0 - 2% đưa ra trước đó, nhờ những yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu là kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu và tỷ giá ngoại tệ ổn định, nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai; tăng trưởng GDP đạt 3,5 - 4%. (Theo Ủy ban Thường trực về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan - JSCCIB ngày 18/01)

Hoa Kỳ

Thâm hụt ngân sách liên bang của Hoa Kỳ trong tháng 12/2016 đạt 27,5 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với mức thâm hụt 14 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015 và là tháng tăng thứ hai liên tiếp. Thu ngân sách giảm 9%, trong đó nguồn thu từ thuế doanh nghiệp giảm 6%, khoản đóng góp hằng năm vào ngân sách của FED giảm 80%; chi tiêu chính phủ giảm 5% xuống còn 347 tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 12/01)

Trung Quốc

Trong năm 2016, doanh số bán ô tô của của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 28,03 triệu chiếc, tăng 13,7% so với năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2013, do Chính phủ Trung Quốc cắt giảm thuế cho khách hàng mua xe nhỏ (xe có động cơ 1,6 lít trở xuống) từ 10% xuống còn 5%. Tổng số xe ô tô được sản xuất trong nước đạt mức cao kỷ lục 28,12 triệu chiếc, tăng 14,5% so với năm 2015 và dự báo năm 2017 sẽ tăng thêm 5% lên 29,4 triệu chiếc. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tôTrung Quốc ngày 12/01)

Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) phi tài chính của Trung Quốc tăng 44,1% so với năm 2015 lên 170,11 tỷ USD. Các công ty của Trung Quốc đã đầu tư vào 7.961 doanh nghiệp tại 164 quốc gia và khu vực, nhằm tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển ngành công nghiệp của nước này. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/01)

Nhật Bản

Sản lượng công nghiệp Nhật Bản trong tháng 11/2016 tăng 1,5% so với tháng 10/2016 và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2014, sau khi giảm 1,4% trong tháng 10/2016. Trong đó hầu hết các mặt hàng đều tăng sản lượng như máy móc thiết bị tăng 8,5%; kim loại màu tăng 6,4%; linh kiện và thiết bị điện tử tăng 3,5%; máy móc thiết bị điện tăng 3,1%… (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 17/01)

Anh

Dự báo giá trị các thương vụ M&A của Anh trong năm 2017 đạt khoảng 125 tỷ USD, giảm gần 70% so với 340 tỷ USD của năm 2016, trong bối cảnh sự kiện Brexit tác động tiêu cực tới lòng tin của khối doanh nghiệp. Hoạt động M&A toàn cầu cũng sẽ giảm nhẹ trong năm 2017 và phục hồi vào năm 2018. (Theo Hãng Luật Baker McKenzie của Anh ngày 16/01)

Canada

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển kinh doanh Canada - BDC ngày 17/01, có 70% doanh nghiệp ở Canada kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trong năm 2017 sẽ tăng cao so với mức 45% của năm 2016; các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư 96,6 tỷ CAD trong năm 2017, tăng 1,6% so với năm 2016.Những ngành nghề có tốc độ tăng đầu tư lớn nhất gồm công nghệ (tăng 41%), sản xuất (tăng 17%) và xuất khẩu hàng hóa.

Chính sách

- Châu Âu: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 19/01 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và không thay đổi chương trình mua trái phiếu trị giá 60 triệu EUR/tháng, nhằm khuyến khích chi tiêu và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. ECB cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone là 1,7% trong năm 2016 và 2017; 1,6% trong năm 2018 và 2019.Lạm phát không đổi so với dự báo trước đó ở mức 1,3% năm 2017, 1,5% năm 2018 và 1,7% năm 2019.

- Canada: Ngân hàng Trung ương Canada ngày 18/01 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, trong bối cảnh dự báo lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% trong những tháng tới và các chính sách tài chính, tiêu dùng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 2,1% trong cả 2 năm 2017, 2018.

- Indonesia: Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 19/01 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75% để duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Indonesia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu nhiều áp lực trước các chính sách kinh tế mới của Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và FED.

- Malaysia: Ngân hàng Trung ương Malaysia ngày 19/01 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3% để đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, đồng thời cảnh báo các rủi ro có thể phát sinh từ chủ nghĩa bảo hộ và sự biến động khó lường của giá cả hàng hóa trên thế giới.

Nhận định
chuyên gia

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ Haruhiko Kuroda (16/01):

Nền kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình phục hồi và BoJ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Trong tháng 11/2016, CPI lõi của Nhật Bản (không bao gồm giá mặt hàng thực phẩm tươi sống) giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 9 liên tiếp, cho thấy BoJ còn gặp nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu lạm phát đã đặt ra.

Ngân hàng Thế giới - WB (12/01):

Để bắt kịp với kinh tế toàn cầu, Nga cần cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa nền kinh tế vốn chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ và thúc đẩy tăng năng suất thông qua việc ban hành các quy định rõ ràng và tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong trung hạn, kinh tế Nga có thể tăng trưởng khoảng 1-2%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu (dự báo là 2,7% trong năm 2017), thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% mà Nga đã đạt được vào những năm 2000.

Chris Richardson, chuyên gia kinh tế của Hãng kiểm toán và tư vấn tài chính Deloitte (16/01):

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017 sẽ theo xu hướng đi lên do: Kinh tế toàn cầu đang phục hồi và là nền móng cho sự phục hồi vững vàng hơn trong các năm tới; thương mại thế giới đã phát triển hơn; các nền kinh tế lớn của châu Á (Ấn Độ và Trung Quốc) đang được hỗ trợ nhờ sự phát triển của chi tiêu tiêu dùng.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (18/01):

Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn, đặc biệt là sự kiện Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, nền kinh tế ASEAN nói chung và ngành du lịch nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các quốc gia thành viên cùng thúc đẩy hợp tác và tăng cường quảng bá nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến với ASEAN.Trong năm 2017, các nước ASEAN đặt mục tiêu đón 121 triệu lượt khách du lịch, tăng 10% so với năm 2016, doanh thu đạt khoảng 83 tỷ USD.

FED (18/01):

Hầu hết các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2017, do kỳ vọng vào chính sách kinh tế mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, trong đó có cam kết cắt giảm thuế đối với các công ty lớn và kích thích chi tiêu. Ngoài ra, thị trường việc làm tăng trưởng ổn định, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng cho thấy kinh tế Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2017.