Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 18-23/02/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Mexico: Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) cho biết, kinh tế nước này trong năm 2018 chỉ tăng trưởng 2,2% và lạm phát vẫn ở mức cao 4,6%, đồng thời dự báo GDP tăng 2,1% trong năm 2019 với lạm phát giảm xuống còn 3,9%. Trong năm 2018, Banxico đã liên tục tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát nhưng không đạt được mục tiêu đề ra là 3% +/- 1 điểm phần trăm. Hiện lãi suất cơ bản của Mexico đang ở mức cao kỷ lục 8,25%. (Theo TTXVN ngày 16/02)

- Đức: Kinh tế Đức đã tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối của năm 2018 khi GDP ghi nhận mức tăng trưởng 0% trong quý IV/2018. Tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2018 chỉ đạt 1,4%, thấp hơn 0,1% so với dự tính được đưa ra vào tháng 01/2019 và kém xa mức tăng 2,2% của năm 2017 (quý I, II, III và IV tăng trưởng lần lượt 0,4%; 0,5%; 0,2% và 0%).

Đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất của nền kinh tế Đức trong 5 năm qua. Nguyên nhân là do doanh số bán ô tô giảm từ tháng 9/2018, hoạt động vận tải nội địa cũng bị chậm lại; xung đột thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và lo ngại về một Brexit không thỏa thuận. Kinh tế Đức được dự báo tăng trưởng 1% trong năm 2019 và nước này đang phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt ngân sách khoảng 25 tỷ EUR vào năm 2023. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 15/02)

- Hoa Kỳ: Trong bối cảnh các nguy cơ mang tính toàn cầu gia tăng, đặc biệt các mối quan hệ thương mại quốc tế căng thẳng, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn duy trì sự ổn định; tuy nhiên, GDP trong năm 2019 sẽ sụt giảm phần nào so với mức tăng trưởng rõ rệt trong năm 2018 và Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chưa thể chắc chắn về các bước đi tiếp theo trong bối cảnh rủi ro thương mại toàn cầu đang gia tăng. (Theo FED ngày 20/02)

 Lạm phát

- Anh: Chỉ số CPI 12 tháng tính đến tháng 01/2019 chỉ đạt 1,8%, giảm so với mức 2,1% tại thời điểm tháng 12/2018, ghi dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) kể từ tháng 01/2017, làm cho mục tiêu lạm phát 2% mà BoE đặt ra càng khó đạt được trong bối cảnh giá năng lượng đang giảm. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 13/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 18 - 23/02/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500  và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,57%; 0,62% và 0,74% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (15/02/2019). Đây là tuần tăng thứ 9 liên tiếp của chỉ số Dow Jones và Nasdaq. Trong ngày giao dịch 22/02/2019:

+ Dow Jones tăng 181,18 điểm (+0,70%) lên 26.031,81 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 tăng 17,79 điểm (+0,64%) lên 2.792,67 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 67,84 điểm (+0,91%) lên 7.527,54 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,53 điểm (1,55%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/02/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 38,72 điểm (-0,18%) xuống 21.425,51 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) tăng 52,43 điểm (+1,91%) lên 2.804,23 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 186,38 điểm (+0,65%) lên 28.816,30 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 18 - 23/02/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 3% và 1,31%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/02/2019), giá dầu thô kỳ hạn:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ tăng 0,30 USD (+0,52%) lên 57,26 USD/thùng.

- Dầu Brent tăng 0,05 USD (+0,07%) lên 67,12 USD/thùng.

Châu Âu

- Châu Âu:

+ Châu Âu cần bổ sung hơn 100 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ tài chính đóng góp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện 27 nước châu Âu là thành viên của NATO không hoàn thành nghĩa vụ tài chính năm 2018 đối với NATO (tức dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng), do đó còn thiếu khoảng 102 tỷ USD. Các nước này “buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng thêm 38%” mới có thể hoàn thành mục tiêu nói trên. Tổng chi tiêu quốc phòng của 27 nước châu Âu trong năm 2018 là 250 tỷ USD. (Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - IISS ngày 15/02)

+ Nhà sản xuất xe lớn nhất châu Âu Volkswagen cho biết, doanh số bán xe trong tháng 01/2019 đã giảm khoảng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018 xuống 882.200 chiếc. Tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Volkswagen đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018; tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm khoảng 3,1%; tại thị trường Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng giảm lần lượt 5,2% và 4,9%. Tuy nhiên, tại thị trường châu Âu tăng 0,5% và tại thị trường Đức cũng tăng 0,7%. (Theo TTXVN ngày 17/02)

- Nga: Tính đến cuối năm 2018 đã có 62 quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa của Nga. Đứng đầu danh sách những nước có số lượng các biện pháp hạn chế đối với sản phẩm có xuất xứ từ Nga là Liên minh châu Âu (25), Ukraine (22), Ấn Độ (16), Belarus (13), Thổ Nhĩ Kỳ (12), Hoa Kỳ (9) và Australia.

Tổng thiệt hại Nga phải chịu khoảng 6,3 tỷ USD, trong đó các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đã gây thiệt hại lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga (hơn 2,4 tỷ USD), tiếp đến là Hoa Kỳ (hơn 1,1 tỷ USD), Ukraine (775 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ (715 triệu USD)… Công nghiệp luyện kim là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất (khoảng 4 tỷ USD) do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thiệt hại ước tính khoảng 1,1 tỷ USD, hóa chất là 641 triệu USD, ngành công nghiệp ô tô là 306 triệu USD.

Trong năm 2018, Bộ Phát triển kinh tế Nga đã loại bỏ và tự do hóa 32 hạn chế thương mại (bao gồm cả đe dọa áp đặt trừng phạt), tác động tiêu cực đến việc tiếp cận hàng hóa của Nga vào thị trường nước ngoài, mà theo ước tính của giới chuyên gia, thiệt hại vượt quá 330 triệu USD. (Theo Bộ Phát triển kinh tế Nga ngày 18/02)

- Đức: Năm 2018, Đức ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới với 294 tỷ USD nhờ xuất khẩu tăng mạnh; tiếp đến là Nhật Bản với 173 tỷ USD; trong khi Nga xếp ở vị trí thứ ba với 116 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với quy mô kinh tế, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức trong năm 2018 đã giảm năm thứ ba liên tiếp xuống 7,4% GDP so với mức 7,9% GDP của năm 2017. Kể từ năm 2011, cán cân tài khoản vãng lai của Đức liên tục vượt ngưỡng khuyến nghị 6% GDP của Ủy ban châu Âu (EC) và thặng dư tài khoản vãng lai của nước này từng ghi nhận mức kỷ lục 8,9% GDP trong năm 2015. (Theo Viện Ifo ngày 19/02)

- Anh: Fitch cảnh báo có thể hạ mức đánh giá nợ AA của Vương quốc Anh hiện nay, nếu kinh tế nước này bị tác động mạnh bởi tiến trình đàm phán Anh rời EU vẫn không đạt được thỏa thuận. Kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn tới sự đổ vỡ đối với triển vọng kinh tế, thương mại của Anh trong ngắn hạn.

Nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về thương mại, biên giới và các vấn đề khác, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, nếu tránh được kịch bản Brexit không thỏa thuận, dự báo đà tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ phục hồi lên 1,6% trong năm 2019 và 1,8% vào năm 2020. (Theo TTXVN ngày 21/02)

Châu Á

- Hàn Quốc:

+ Hàn Quốc đặt mục tiêu xuất khẩu các “thành phố thông minh” sau khi hoàn thành xây dựng hai thành phố thử nghiệm. Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 3.700 tỷ KRW (khoảng 3,3 tỷ USD) để hoàn thành xây dựng thành phố thông minh đầu tiên trước cuối năm 2021.

Các công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu và cung cấp thông tin giúp điều hành thành phố tốt hơn và cho phép giới chức cũng như cư dân sử dụng thời gian và các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Những người sống ở các thành phố thông minh sẽ tiết kiệm 124 giờ/năm trong việc đi lại, đợi làm các thủ tục hành chính hay chờ xếp hàng tại bệnh viện. (Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13/02)

+ Quy mô thương mại giữa Hàn Quốc và EU trong năm 2018 vượt ngưỡng 100 tỷ EUR. Đây là năm thứ hai liên tiếp vượt ngưỡng 100 tỷ EUR, sau khi đạt 101,8 tỷ EUR vào năm 2017. Trong năm 2018, Hàn Quốc xuất khẩu sang EU số hàng hóa trị giá 51 tỷ EUR, nhập khẩu 49,2 tỷ EUR, tổng quy mô thương mại đạt 100,2 tỷ EUR (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat).

Quy mô thương mại năm 2018 giảm 1,6% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu giảm 1,4% và nhập khẩu giảm 1,8%. Song thặng dư cán cân thương mại đã tăng từ 1,6 tỷ EUR năm 2017 lên 1,9 tỷ EUR do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn thứ 8 của EU, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Na Uy. (Theo Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 19/02)

+ Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 5 trong 6 nước đi đầu về công nghệ thông minh trên thế giới. Nếu lấy Hoa Kỳ là nước đi đầu về công nghệ làm tiêu chuẩn với 100%, trình độ công nghệ của Đức đạt 93,4% (kém 0,4 năm), Nhật Bản là 79,9% (kém 1,5 năm), EU 79,6% (1,5 năm), Hàn Quốc 72,3% (kém 2,5 năm), Trung Quốc là 66% (kém 3,1 năm).

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã tiến hành đánh giá trình độ công nghệ của sáu nước lớn ở bảy lĩnh vực với 25 công nghệ cụ thể, thông qua kết quả điều tra của các chuyên gia và phân tích về bản quyền luận văn nghiên cứu.

Hàn Quốc thuộc nhóm đi đầu công nghệ (đạt trên 80% so với tiêu chuẩn tối đa) ở hai lĩnh vực là hệ thống viễn thông và hệ thống vận hành nhà máy. Trong số 25 hạng mục cụ thể, Hàn Quốc sở hữu công nghệ cao nhất ở hạng mục viễn thông Internet. Hoa Kỳ sở hữu công nghệ cao nhất ở sáu lĩnh vực, Đức đứng đầu ở lĩnh vực hệ thống điều khiển. (Theo MOTIEngày 20/02)

- Triều Tiên: Trong tháng 12/2018, Nga xuất khẩu gần 6.983 tấn dầu tinh luyện sang Triều Tiên. Đây là lượng dầu tinh luyện xuất khẩu sang Triều Tiên hằng tháng lớn nhất kể từ năm 2017. Trung Quốc cũng đã vận chuyển 1.511 tấn dầu tinh luyện sang Triều Tiên.

Như vậy, Nga và Trung Quốc đã vận chuyển tổng cộng 48.441 tấn dầu tinh luyện sang Triều Tiên trong năm 2018. Sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2397, theo đó đặt mức trần đối với dầu tinh chế được phép xuất khẩu sang Triều Tiên là 500.000 thùng/năm, tương đương khoảng 60.000 - 65.000 tấn. (Theo Liên Hợp quốc ngày 15/02)

- Ấn Độ: Một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, ngày 16/02, Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc nhập khẩu từ Pakistan. Quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ là một phần của gói biện pháp trả đũa nhằm vào nước láng giềng, sau vụ 49 thành viên Lực lượng cảnh sát dự bị Trung ương Ấn Độ (CRPF) bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở bang Jammu và Kashmir.

Trước đó ngày 15/02, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố nước này sẽ rút quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan với hiệu lực tức thì sau vụ tấn công khủng bố trên. Ấn Độ áp dụng quy chế Tối huệ quốc với tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo Điều 1 của Hiệp ước chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994.

(Theo Hãng tin IANS 17/01)

- Thái Lan: Tính đến thời điểm nửa cuối tháng 02/2019, đồng THB của Thái Lan đã tăng giá 4% so với đồng USD và sẽ lấy lại vị trí của một trong những đồng tiền tăng giá nhanh nhất châu Á. Nguyên nhân được cho là do những thông tin về tình hình kinh tế khả quan của Thái Lan được công bố ngày 18/02. (Theo TTXVN ngày 20/02)

Hoa Kỳ

Ngành chế tạo Hoa Kỳ trong tháng 01/2019 đã giảm 0,9% so với tháng 12/2018, phần lớn do sự sụt giảm trong hoạt động lắp ráp ô tô. Số liệu trên đã kéo sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ giảm 0,6% trong tháng 01/2019, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2018. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 15/02)

Theo nhà phân tích Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics, ngành chế tạo Hoa Kỳ đang đứng trước sức ép thực sự đến từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và căng thẳng thương mại. Dự kiến sản lượng chế tạo của Hoa Kỳ sẽ suy giảm trong nửa đầu năm 2019, đẩy lĩnh vực này rơi vào tình trạng “suy thoái nhẹ”.

Thâm hụt ngân sách nước này trong tháng 12/2018 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 13,5 tỷ USD, nhưng thâm hụt trong quý IV/2018 đã tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2017 lên 318,9 tỷ USD. Tổng chi ngân sách trong tháng 12/2018 giảm 4% với cùng kỳ năm 2017, trong khi thu ngân sách giảm 6,6%. Giới phân tích cho rằng chương trình cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD cũng như chi tiêu chính phủ ngày một tăng làm cho thâm hụt ngân sách và nợ công của Hoa Kỳ tăng mạnh. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 13/02)

Nợ công của Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 22.000 tỷ USD, đạt 22.010 tỷ USD, tương đương GDP của ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức cộng lại. Con số này tăng đáng kể so với mức 19.950 tỷ USD vào thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20/01/2017.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) cũng cảnh báo quy mô nợ công của Hoa Kỳ có thể chạm mức 100% GDP vào cuối thập kỷ tới và tăng lên 152% GDP vào năm 2048, mức cao nhất trong lịch sử nước này. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 12/02)

Trung Quốc

Trung Quốc sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường vốn của nước này. Trong năm 2018, thị trường vốn của Trung Quốc đã tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục 120 tỷ USD.

Dự báo nguồn vốn nước ngoài trị giá 200 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường vốn Trung Quốc trong năm 2019. Bên cạnh đó, Báo cáo của Morgan Stanley cho biết, thị trường cổ phiếu loại A của Trung Quốc sẽ thu hút khoảng 70 - 125 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019, trong khi trái phiếu doanh nghiệp sẽ chứng kiến dòng vốn đổ vào khoảng 300 - 400 tỷ USD trong năm 2030. (Theo Tờ China Securities News ngày 18/02)

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 15,2 tỷ USD trong tháng 01/2019 lên 3.088 tỷ USD, cao hơn so với mức tăng 11 tỷ USD hồi tháng 12/2018, cũng như vượt mức dự báo 9,3 tỷ USD của giới chuyên gia.

Nguyên nhân là do đồng CNY tăng giá trước những kỳ vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với mức tăng 2,6% so với đồng USD trong tháng 01/2019. Bên cạnh đó, giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng từ 76,331 tỷ USD vào cuối tháng 12/2018 lên 79,319 tỷ USD trong tháng 01/2019. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PboC ngày 12/02)

Trung Quốc hiện vẫn là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ lớn nhất. Tính đến tháng 12/2018, số lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ là 1,123 nghìn tỷ USD.

Trong tháng trước đó, Trung Quốc sở hữu số lượng trái phiếu trị giá 1,121 nghìn tỷ USD, giảm 17,5 tỷ USD so với tháng 10/2018. Trong khi đó, số lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ mà Nhật Bản nắm giữ đã trị giá 1,042 nghìn tỷ USD trong tháng 12/2018, tăng so với mức 1,036 nghìn tỷ USD hồi tháng 11/2018. Như vậy, tổng cộng cả Nhật Bản và Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1/3 tổng số lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do nước ngoài sở hữu. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ 15/02)

Thị trường ô tô của nước này vẫn ảm đạm trong tháng 01/2019, với doanh số bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Doanh số bán ô tô tại thị trường Trung Quốc trong tháng 01/2019 chỉ đạt 2,367 triệu chiếc, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi sản lượng ô tô đạt 2,365 triệu chiếc, giảm 12,1%.

Doanh số bán xe hơi sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống trong tháng 2, chủ yếu do kinh tế chậm lại và nhu cầu suy giảm tại các thành phố nhỏ. Trước đó, Hiệp hội các nhà chế tạo ô tô Trung Quốc (CAAM) dự báo doanh số bán xe tại Trung Quốc sẽ đạt 28 triệu chiếc trong năm 2019, tương đương với con số của năm 2018, trong khi các cơ quan khác và Chính phủ Trung Quốc dự báo doanh số tăng từ 0 - 2%. (Theo CAAM ngày 18/02)

Venezuela

Venezuela đã thiệt hại trực tiếp khoảng 38 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ và khai thác dầu mỏ trong 3 năm qua, do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính của Hoa Kỳ.

Trong đó, Venezuela đã tổn thất 23 tỷ USD GDP và 15 tỷ USD liên quan tới hoạt động của chi nhánh Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PDVSA) tại Hoa Kỳ, Citgo. Nếu cộng thêm cả 20 tỷ USD thiệt hại trong vụ phá hoại ngành dầu khí xảy ra năm 2002, Venezuela đã mất gần 60 tỷ USD trong những năm qua. (Theo Phó Tổng thống Venezuela Ricardo Menendez ngày 18/02)

Đàm phán - Ký kết

Ấn Độ và Hoa Kỳ

Tập đoàn dầu khí Ấn Độ (IOC) đã ký một thỏa thuận mua 3 triệu tấn dầu thô mỗi năm từ Hoa Kỳ trị giá 1,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một công ty dầu khí Ấn Độ nhập dầu thô từ Hoa Kỳ và thỏa thuận sẽ được thực hiện từ đầu năm tài khóa 2019 - 2020 (bắt đầu vào ngày 01/4/2019).

Việc Ấn Độ tăng cường mua dầu từ các công ty dầu mỏ Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Quyết định của Hoa Kỳ làm cho Ấn Độ phải cắt giảm mua dầu từ Iran, đẩy Iran từ vị trí nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của Ấn Độ tại thời điểm Hoa Kỳ đưa ra lệnh trừng phạt xuống vị trí thứ 7 tại thời điểm tháng 01/2019. (Theo Hãng thông tấn PTI ngày 18/02)