Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 18-23/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Đức: Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019, 2020 xuống lần lượt ở mức 0,8% và 1,7%, do tốc độ mở rộng quy mô của nền kinh tế đang chậm lại, ngành công nghiệp ô tô và hóa chất đang gặp vấn đề về sản xuất, nhu cầu xuất khẩu yếu dần, những bất ổn xung quanh Brexit và các cuộc xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. (Theo Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức ngày 19/3)

- Pháp: Bộ Tài chính và Viện Thống kê quốc gia Pháp cho biết, Pháp đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 từ 1,7% xuống 1,4%, sau khi cuộc biểu tình của phe “Áo vàng” gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Brexit sẽ làm cho hoạt động kinh tế của Pháp giảm 0,3% trong nhiều quý. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc biểu tình “Áo vàng” tới nền kinh tế sẽ bị hạn chế trong nửa đầu năm 2019, khi chỉ số lòng tin của các hộ gia đình được cải thiện và chỉ số về môi trường kinh doanh của nước này vẫn trên mức trung bình.

Tăng trưởng kinh tế trong quý I và quý II/2019 được dự báo đạt 0,4% so với mức dự báo 0,3% đưa ra hồi cuối năm 2018. Sự tăng trưởng ổn định sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Tỷ lệ thất nghiệp dự tính giảm còn 8,7% vào giữa năm 2019 so với 8,8% cuối năm 2018. (Theo TTXVN ngày 21/3) 

Lạm phát

- Pháp: CPI của Pháp đã ổn định trong tháng 2 sau khi giảm 0,4% trong tháng 1, do giá năng lượng hồi phục; giá thực phẩm, sản phẩm sản xuất giảm. Giá năng lượng tháng 2 tăng 1,3% so với tháng 1, giá thực phẩm tươi sống và các sản phẩm sản xuất giảm lần lượt 1,3% và 0,7%. (Theo Tân Hoa Xã ngày 14/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 18 - 23/3/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1,34%; 0,77% và 0,60% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (15/3/2019). Trong ngày giao dịch 22/3/2019:

+ Dow Jones giảm 460,19 điểm (-1,77%) xuống 25.502,32 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 giảm 54,17 điểm (-1,90%) xuống 2.800,71 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 196,29 điểm (-2,50%) xuống 7.642,67 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,41 điểm (+1,51%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/3/2019) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 18,42 điểm (+0,08%) lên 21.627,34 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) tăng 2,69 điểm (+0,09%) lên 3.104,15 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 41,80 điểm (+0,14%) lên 29.113,36 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 18 - 23/3/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 0,89% và 0,19%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/3/2019), giá dầu thô kỳ hạn: 

- Dầu WTI của Hoa Kỳ giảm 0,94 USD (-1,59%) xuống 59,04 USD/thùng.

- Dầu Brent giảm 0,83 USD (-1,24%) xuống 67,03 USD/thùng.

Châu Âu

- Đức: Kế hoạch ngân sách cân bằng vào năm 2020 sẽ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu để tránh dẫn đến các khoản nợ mới, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức chững lại (đạt 1% trong năm 2019, thấp hơn so với dự báo ban đầu là 1,8%). Theo đó, chi tiêu sẽ chỉ tăng 1,7% lên 362,6 tỷ EUR (tương đương 411,3 tỷ USD) vào năm 2020.

Chi tiêu dự kiến sẽ bị cắt giảm xuống còn 625 triệu USD/năm. Tuy nhiên, chi tiêu cho quốc phòng dự báo tăng từ 1,25% GDP (năm 2018) lên 1,37% GDP vào năm 2020, sau đó sẽ giảm dần xuống 1,25% GDP vào năm 2023, thấp hơn mục tiêu 2% mà các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra cho năm 2024, cũng thấp hơn khoản đóng góp 1,5% mà Đức cam kết đạt được vào thời điểm đó. (Theo Bộ Tài chính Đức ngày 18/3)

- Anh:

+ Tỷ lệ thất nghiệp trong 3 tháng (tính từ tháng 11/2018 đến tháng 01/2019) giảm xuống còn 3,9%. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4% và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1975. Số người thất nghiệp từ tháng 02/2018 đến tháng 01/2019 cũng giảm 35.000 người xuống còn 1,34 triệu người, thấp hơn 112.000 người so với cùng kỳ trước đó.

Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng lương của Anh tiếp tục vượt lạm phát. Thu nhập trung bình của người dân (bao gồm cả tiền thưởng) tăng 3,4%. (Theo Văn phòng Thống kế Quốc gia Anh - ONS ngày 19/3)

+ Lãi suất ngân hàng được giữ nguyên 0,75% nhằm duy trì mục tiêu lạm phát 2% và thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, MPC cũng cảnh báo những rủi ro đối với nền kinh tế Anh như biến động trong tỷ giá hối đoái do các bất ổn mà Brexit mang lại, cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm. (Theo Ngân hàng Trung ương Anh - BoE và Ủy ban Chính sách tiền tệ - MPC ngày 21/3)

Châu Á

- Hàn Quốc: Mặc dù đã đạt được những chỉ số kinh tế tích cực, nhưng nền kinh tế của Hàn Quốc đang phải đối mặt với những bất ổn bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và ngành công nghiệp bán dẫn sụt giảm. Trong tháng 1, sản xuất của tất cả các ngành công nghiệp tăng 0,8% so với tháng 12/2018, doanh số bán lẻ tăng 2,2%, đầu tư cơ sở tăng 0,2%.

Trong tháng 2, số lượng người được tuyển dụng đã tăng lên 263.000 người. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc lại giảm 11,1% trong tháng 2, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Xuất khẩu chất bán dẫn giảm 24,8% do giá giảm. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 15/3)

- Thái Lan: Xuất khẩu tăng 5,91% trong tháng 02/2019 do giá dầu thô tăng, đồng THB mất giá và tình hình thị trường lao động được cải thiện. Xuất khẩu được dự báo tiếp tục tăng trong quý II/2019 và tăng 8% trong cả năm 2019. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cần chú ý đến sự biến động của đồng THB, ảnh hưởng từ Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam và các đối thủ của Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu. (Theo Bộ Thương mại Thái Lan ngày 21/3)

Châu Mỹ

Canada

Dự thảo ngân sách năm 2019 sẽ tập trung đầu tư cho tầng lớp trung lưu. Gói chi tiêu mới trị giá gần 23 tỷ CAD (hơn 17 tỷ USD) trong 5 năm tới sẽ hướng tới những người mua nhà lần đầu và các chương trình đào tạo dành cho người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc.

Đặc biệt, trong dự thảo ngân sách có chương trình hỗ trợ người mua nhà lần đầu với gói hỗ trợ trị giá 1,25 tỷ CAD (940 triệu USD) trong 3 năm, bắt đầu vào cuối năm 2019. Chỉ những người mua nhà lần đầu với thu nhập hộ gia đình dưới 120 nghìn CAD (90 nghìn USD) mới đủ điều kiện tham gia chương trình này.

Nhằm giải quyết vấn đề việc làm tại Canada, hệ thống bảo hiểm việc làm trị giá 586,5 triệu CAD/năm (440 triệu USD/năm) sẽ trả cho các chương trình đào đạo và hỗ trợ người có thu nhập thấp khi tham gia các khóa đào tạo.

Ngoài ra, ngân sách cũng mở rộng một chương trình nhằm tạo ra 40.000 việc làm cho sinh viên trong 5 năm để hỗ trợ các sinh viên phải vay tiền đóng học phí… Với kế hoạch trên, thâm hụt ngân sách của Canada trong năm tài khóa 2019 - 2020 dự kiến tăng lên gần 20 tỷ CAD (gần 15 tỷ USD), cao hơn so với mức dự báo 19,6 tỷ CAD hồi tháng 11/2018.

(Theo Bộ Tài chính Canada ngày 20/3)

Brazil

Ủy ban Chính sách tiền tệ của Brazil (Copom) ngày 20/3 đã duy trì mức lãi suất cơ bản hằng năm của Brazil lần thứ 8 liên tiếp ở mức 6,5%. Mặc dù nền kinh tế Brazil đang phục hồi, nhưng hiệu suất vẫn dưới mức mong đợi, do đó, Brazil cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế nhằm giữ tỷ lệ lạm phát thấp trong trung - dài hạn và phục hồi nền kinh tế một cách bền vững.

Nam Phi

Tổng vốn FDI vào Nam Phi trong năm 2018 đạt 70,7 tỷ ZAR (4,88 tỷ USD), tăng so với 26,8 tỷ ZAR (1,9 tỷ USD) của năm 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nam Phi đạt mức tăng trưởng FDI ấn tượng là do Chính phủ đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư như: Lập nhóm chuyên gia kinh tế và tài chính nhằm thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm tới, hay đề xuất việc thành lập Quỹ Đầu tư quốc gia (SWF).

Ngoài ra, việc hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong thời gian tới sẽ giúp Nam Phi đưa ra được những chính sách kinh tế mới mang tính đột phá, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài. (Theo Ngân hàng Trung ương Nam Phi - SARB ngày 21/3)

Năm 2018, ngành du lịch Nam Phi đã đóng góp 1,5 triệu việc làm (chiếm hơn 9% tổng số việc làm cả nước) và mang lại nguồn thu gần 30 tỷ USD, xấp xỉ 8,6% GDP, đưa Nam Phi trở thành nền kinh tế du lịch lớn nhất ở châu Phi. Năm 2019, Chính phủ Nam Phi đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng du khách quốc tế, đồng thời tăng gấp đôi số việc làm trực tiếp trong ngành du lịch và lữ hành vào năm 2030. (Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới - WTTC ngày 22/3)

Hoa Kỳ

Kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại 7,8 tỷ USD, tương đương 0,04% GDP trong năm 2018, do các cuộc chiến tranh thương mại. Giá trị nhập khẩu các mặt hàng bị áp thuế quan vào Hoa Kỳ đã giảm 31,5%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng bị đánh thuế trả đũa giảm 11%. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ gánh chịu thiệt hại 68,8 tỷ USD trong năm 2018 do giá hàng hóa nhập khẩu tăng.

Chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ nền sản xuất của Hoa Kỳ đã dẫn tới một cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, làm cho Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác thương mại lớn khác áp thuế trả đũa lên hàng hóa Hoa Kỳ. (Theo Reuters ngày 16/3)

Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ mất 1 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ bị ảnh hưởng do sự leo thang trong cuộc chiến thuế quan song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các biện pháp thuế sẽ làm cho GDP của Hoa Kỳ thiệt hại 45 - 60 tỷ USD trong năm đầu tiên, tăng lên khoảng 89 - 125 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo. Xuất khẩu các sản phẩm ICT của Hoa Kỳ sẽ giảm 14,2 - 20% trong 5 năm tới, trong khi nhập khẩu các sản phẩm cùng loại giảm 9 - 10%. 

Thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng không chỉ tác động lên các nhà chế tạo của nước cần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc, mà còn làm cho các doanh nghiệp liên quan đến ICT phải chuyển từ các chuỗi cung ứng toàn cầu sang các chuỗi cung ứng khu vực, với những lựa chọn hạn chế hơn.

(Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hãng Nghiên cứu Rhodium Group ngày 19/3)

Sản xuất điện tái tạo đã đạt kỷ lục 742 triệu MWh trong năm 2018, cao gần gấp đôi 382 triệu MWh được sản xuất trong năm 2008. Năm 2018, sản xuất điện tái tạo cung cấp 17,6% sản lượng điện ở Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn 2008 - 2018, sản xuất điện gió và mặt trời đóng góp gần 90% mức tăng của điện tái tạo của Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng gần đây trong các công nghệ tái tạo xuất phát từ chính sách của liên bang và tiểu bang, cũng như chi phí sản xuất điện tái tạo giảm. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 19/3)

Lãi suất cơ bản trong năm 2019 sẽ được giữ nguyên ở biên độ 2,25 - 2,5%, do tăng trưởng toàn cầu giảm, những bất ổn về chính trị và chính sách, căng thẳng thương mại leo thang và sức ép gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ và sự ổn định tài chính.

Lạm phát năm 2019 được dự báo giảm từ 1,9% (dự báo tháng 12/2018) xuống còn 1,8%. Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,1%, giảm nhẹ so với mức dự báo 2,3% đưa ra hồi đầu năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo đạt 3,7%, tăng nhẹ so với ước tính hồi tháng 12/2018 (3,5%). (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 20/3)

Trung Quốc

Vốn FDI vào Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 147,11 tỷ CNY, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương 21,69 tỷ USD. Riêng dòng vốn FDI trong tháng 02/2019 đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018 lên 62,94 tỷ CNY, tương đương 9,28 tỷ USD.

Dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao trong 2 tháng đầu năm 2019 tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 27,6% tổng lượng FDI. Trong đó lĩnh vực chế tạo công nghệ cao thu hút 15,91 tỷ CNY và tăng 9,3%. Dòng vốn FDI chảy vào các khu vực thương mại tự do tăng 35,1% và chiếm 12%. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc - MoC ngày 16/3)

Đà giảm tốc về kinh tế và các điều kiện tín dụng thắt chặt đã làm cho nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018. Theo Ngân hàng DBS và Ngân hàng Nhật Bản Nomura, số lượng vụ vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc được phát hành bằng cả đồng USD và đồng CNY tăng vọt trong năm 2018.

Ngân hàng DBS cho biết, trái phiếu định danh bằng đồng CNY tăng lên 119,6 tỷ CNY (tương đương 17,8 tỷ USD), cao gấp 4 lần so với năm 2017. Theo ước tính của Ngân hàng Nomura, quy mô của các vụ vỡ nợ của trái phiếu định danh bằng đồng CNY đạt 159,6 tỷ CNY (tương đương 23,8 tỷ USD), cao gấp 4 lần so với năm 2017.

Trái phiếu doanh nghiệp định danh bằng đồng USD do các công ty Trung Quốc phát hành cũng có xu hướng tương tự khi khoản nợ bằng đồng USD tăng lên 7 tỷ USD trong năm 2018. Lĩnh vực năng lượng không thể thanh toán khoản nợ 46,4 tỷ CNY trong năm 2018, chiếm gần 40% tổng quy mô của các vụ vỡ nợ bằng trái phiếu định danh bằng đồng CNY.

Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ vỡ nợ cao kỷ lục được cho là do hoạt động kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng ngầm. Điều này làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn do hệ thống ngân hàng ngầm là nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp chất lượng thấp ở Trung Quốc.

(Theo vietstock ngày 20/3)

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Pháp đạt mức cao kỷ lục trên 60 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm và quần áo xa xỉ từ Pháp tăng mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2019, khối lượng thương mại song phương đạt 10,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2017.

Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Pháp tăng 42,2%. Năm 2018, đầu tư trực tiếp từ Pháp sang Trung Quốc tăng 28%, trong khi đầu tư ngược lại tăng 12%. Đến cuối tháng 01/2019, tổng vốn đầu tư giữa hai nước đã vượt 40 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21/3)

 

Nhật Bản

Thặng dư thương mại của Nhật Bản trong tháng 02/2019 đạt 339 tỷ JPY sau 4 tháng thâm hụt. Xuất khẩu của Nhật Bản giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018 xuống 6.360 tỷ JPY, nhập khẩu cũng giảm mạnh 6,7% xuống 6.050 tỷ JPY.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng trở lại và đạt 1.113 tỷ JPY do Tết Nguyên đán năm 2019 tại Trung Quốc đến sớm hơn mọi năm nên hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc cũng quay lại sớm hơn.

Tuy nhiên, lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 6,3% do những tác động tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 15,8%. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc chỉ đạt 131,2 tỷ JPY.

Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Hoa Kỳ giảm còn 624,9 tỷ JPY. Kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 2%, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 4,9%. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với EU tăng lên 58,2 tỷ JPY khi xuất khẩu tăng 2,5% và nhập khẩu tăng nhẹ 0,5%. Với thị trường các nước châu Á, Nhật Bản thặng dư thương mại 494 tỷ JPY, trong đó xuất khẩu giảm 1,8% nhưng nhập khẩu giảm tới 10,6%.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 18/3)

Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sẽ được giữ nguyên trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp. Lãi suất chính sách ngắn hạn được giữ ngiữ ổn định ở mức -0,1% và mục tiêu lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm gần 0%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản và tăng lượng nắm giữ khoảng 80 nghìn tỷ JPY (716 tỷ USD) mỗi năm.

Kể từ cuối năm 2018, kinh tế Nhật Bản bắt đầu mất đà tăng trưởng khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,9% trong quý IV/2018, sau khi giảm 2,4% trong quý III. Trong tháng 01/2019, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của nước này giảm mạnh, gây ra lo ngại về sự giảm sút kéo dài. (Theo BoJ ngày 16/3)