Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 19-24/11/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng  

Thái Lan: Trong quý III/2018, GDP của Thái Lan tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng trưởng 4,6% của quý II/2018 và 4,2% theo dự báo của Reuters. Sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, GDP quý III không tăng trưởng so với quý II. Đây là kết quả thấp nhất kể từ quý I/2014 (giảm 0,4%).

Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm 2018 là 4,2%, tăng trưởng xuất khẩu là 7,2%, thấp hơn các mức tương ứng là 4,2 - 4,7% và 10% theo như dự báo đưa ra trước đó. Năm 2019, GDP tăng trưởng 3,5 - 4,5%.  (Theo Ủy ban Kinh tế quốc gia và Phát triển xã hội Thái Lan - NESDB ngày 19/11)

Toàn cầu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 đạt 3,7%, bằng mức dự báo đưa ra hồi tháng 9/2018; tuy nhiên tăng trưởng năm 2019 sẽ đạt 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% đưa ra trong tháng 9, do một số nguyên nhân, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Năm 2020, kinh tế tăng trưởng 3,5%.

Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các năm 2018 - 2020 lần lượt là 2,9%, 2,7% và 2,1%, không thay đổi so với dự báo của tháng 9, do chính sách cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp.

Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được điều chỉnh giảm xuống còn 6,6% trong năm 2018; 6,3% trong năm 2019 và 6% vào năm 2020 do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm.

Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 0,9% và 1%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,2% cho cả hai năm theo dự báo trước đó, trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có thể tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng. Năm 2020, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,7%.

Eurozone: Kinh tế Eurozone tăng trưởng 1,9% trong năm 2018; 1,8% vào năm 2019 và 1,6% vào năm 2020, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó.

+ Đức: Kinh tế tăng trưởng 1,6% trong năm 2018; 1,5% trong năm 2019 và 1,4% trong năm 2020

+ Italy: Kinh tế tăng trưởng 1% trong năm 2018 và 0,9% cho cả năm 2019 và 2020, do số việc làm chững lại và tỷ lệ lạm phát cao hơn.

 (Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 21/11)  

Singapore: Kinh tế Singapore tăng trưởng 2,2% trong quý III/2018 và dự báo tăng khoảng 3 - 3,5% trong năm 2018, trong đó mức tăng trưởng của các ngành chủ chốt đều sụt giảm. Ngành chế tạo tăng trưởng 3,5%, ngành dịch vụ tăng trưởng 0,5%, ngành xây dựng tăng trưởng 2,3%, thấp hơn so với các mức tăng tương ứng là 10,7%, 1,5% và 4,2% của quý II/2018.

Do tác động của môi trường kinh tế toàn cầu cùng sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới, MTI dự báo kinh tế Singapore năm 2019 sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5 - 3,5%. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - MTI ngày 22/11) 

Brazil: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,4%, giảm hơn một nửa so với mức tăng trưởng 3% được dự báo hồi đầu năm 2018. GDP danh nghĩa của Brazil năm 2018 ước đạt 1.838 tỷ USD.

Tỷ lệ lạm phát là 4,3% trong năm 2018, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào đầu năm, song vẫn nằm trong mục tiêu Hội đồng Tiền tệ quốc gia đề ra. (Theo dự báo Chính phủ Brazil ngày 22/11) 

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 16/11 - 23/11/2018, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 4,44%; 3,79% và 4,26% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (16/11/2018). Trong ngày giao dịch 23/11/2018:

+ Dow Jones giảm 178,74 điểm (-0,73%), xuống 24.285,95 điểm.

+ S&P 500 giảm 17,37 điểm (-0,66%), xuống 2.632,56 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 33,27 điểm (-0,48%), xuống 6.938,98 điểm. 

chỉ số Dow Jones giảm 178,74 điểm (-0,73%), xuống 24.285,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,37 điểm (-0,66%), xuống 2.632,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,27 điểm (-0,48%), xuống 6.938,98 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,75 điểm (-0,49%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (23/11/2018) so với hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 91,73 điểm (-0,35%), xuống 25.927,68 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 65,95 điểm (-2,49%), xuống 2.579,48 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 16/11 - 23/11/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 10,7% và 11,92%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (23/11/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 4,21 USD (-8,35%), xuống 50,42 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 4,68 USD (-7,96%), xuống 58,80 USD/thùng.

Canada

Bộ Tài chính Canada cam kết sẽ cân bằng ngân sách trong năm 2019, đồng thời công bố những biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp nước này có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, theo đó một số khoản thuế cố định sẽ được miễn, đồng thời thiết bị và máy móc cũng được giảm thuế.

Để hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa thương mại, Chính phủ cũng cam kết xây thêm cảng biển và đường sắt nhằm nhận thêm hàng hóa từ các cảng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như liên kết với các thị trường nước ngoài mới. Bên cạnh đó, Chính phủ Canada cũng cung cấp tín dụng và các ưu đãi về thuế cho các hãng truyền thông mở rộng hoạt động, cũng như cho người dân Canada mua dài hạn các sản phẩm báo chí kỹ thuật số. (Theo TTXVN ngày 21/11)

Châu Á

Ấn Độ: 

- Trong tháng 10/2018, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 21,02 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, do nhiều nhà máy lọc dầu tiếp tục mua hàng sau khi kết thúc hoạt động bảo trì. Trong khi đó, nhập khẩu các sản phẩm dầu giảm gần 20% và xuất khẩu giảm hơn 4%. 

Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nhập khẩu dầu thường tăng từ tháng 10 do nhu cầu nhiên liệu cao hơn trong mùa lễ hội và hoạt động công nghiệp gia tăng sau mùa mưa. (Theo báo cáo của Cục Kế hoạch và Phân tích dầu khí, PPAC thuộc Bộ Dầu mỏ Ấn Độ ngày 21/12) 

Sri Lanka: Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đã hoãn cho Sri Lanka vay do khủng hoảng chính trị tại nước này. Khoản vay trên đã được IMF phê duyệt vào giữa năm 2016. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka, IMF cho biết nước này cần ngân sách lớn trong năm 2019 để đảm bảo cho các khoản nợ, cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về việc trả nợ đúng hạn. (Trang mạng Lanka Business ngày 21/11) 

Thái Lan: Trong tháng 10/2018, cán cân thương mại của Thái Lan thâm hụt 0,28 tỷ USD, trái ngược với mức thặng dư 0,2 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 và cao hơn mức thâm hụt 0,19 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,23% so với cùng kỳ năm 2017 lên 22,04 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7% lên 21,76 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, Thái Lan đạt thặng dư thương mại 2,55 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 13,42 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017. (Theo Chính phủ Thái Lan ngày 21/11) 

Singapore:  Trong quý III/2018, kim ngạch xuất khẩu phi dầu mỏ (NODX) của Singapore tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 9,3% của quý II/2018. Tăng trưởng NODX cả năm 2018 của Singapore được điều chỉnh giảm từ 5,5 - 6% xuống 2,5 - 3,5%. (Theo Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế Singapore - IE ngày 22/11) 

Indonesia: Trong tháng 10/2018, cán cân thương mại của Indonesia thâm hụt 1,82 tỷ USD, nâng thâm hụt thương mại trong 10 tháng đầu năm lên 5,51 tỷ USD. Thâm hụt thương mại phi dầu khí là 0,39 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu phi dầu mỏ và khí đốt tăng 2,39 tỷ USD so với tháng 9/2018.

10 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại phi dầu khí của Indonesia là 5,22 tỷ USD. Thâm hụt thương mại dầu khí là 1,43 tỷ USD, cao hơn so với 1 tỷ USD của tháng 9/2018. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại dầu khí ở mức 10,74 tỷ USD. (Theo TTXVN ngày 22/11)

- Đông Nam Á: Tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD trong năm 2018, tăng 37% so với năm 2017 và sẽ vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa của khối thương mại điện tử trong khu vực đạt trên 23 tỷ USD trong năm 2018 và sẽ vượt mức 100 tỷ USD vào năm 2025.

Dự báo trên đã vượt nhiều lần so với các dự báo được đưa ra trước đây, trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng ở khu vực sử dụng điện thoại thông minh để lên mạng và thực hiện các giao dịch trực tuyến. (Theo nghiên cứu chung của Google và Temasek Holdings ngày 19/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2018, doanh thu bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,8%, cao hơn so với 0,5% theo dự báo của thị trường, do người dân Hoa Kỳ mua vật tư xây dựng để gia cố lại nhà ở sau siêu bão Michael và mua hàng thanh lý tại các chuỗi cửa hàng của tập đoàn bán lẻ Sears sau khi hãng này tuyên bố phá sản. Doanh thu bán lẻ "lõi" (loại bỏ các yếu tố khách quan bất thường như thiên tai, doanh nghiệp phá sản...) chỉ tăng 0,3%. (Theo báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/11)

 

Trong tháng 9/2018, lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ đạt 1.151 tỷ USD, giảm 13,7 tỷ USD so với tháng 8/2018 và là mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Trong khi đó, lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Nhật Bản nắm cũng giảm từ 1.030 tỷ USD (tháng 8/2018) xuống 1.028 tỷ USD, mức thấp nhất trong một năm qua. 

Hoa Kỳ đã tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ kể từ khi nước này tiến hành chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp trong tháng 12/2017. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường trái phiếu. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 16/11)

 

Trong quý III/2018, các ngân hàng thương mại và tổ chức tiết kiệm được FDIC bảo hiểm có thu nhập ròng đạt 62 tỷ USD, cao hơn 29,3% so với cùng kỳ năm 2017; hơn 70% trong số 5.477 tổ chức được FDIC bảo hiểm thông báo tăng trưởng trong báo cáo lợi nhuận hàng quý. Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động tăng và thuế thấp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, lãi suất thấp trong thời gian dài và sự cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng vay vốn có thể dẫn đến rủi ro lãi suất và tín dụng. Các ngân hàng cần phải duy trì việc quản lý thận trọng đối với những rủi ro này để giữ vững hoạt động cho vay trong suốt chu kỳ kinh tế. (Theo Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ - FDIC ngày 20/11) 

 

Trong tháng 10/2018, số đơn đặt hàng mới đối với tư liệu sản xuất của Hoa Kỳ không thay đổi so với tháng trước; tổng giá trị số đơn mua hàng lâu bền giảm 4,4% xuống còn 248,5 tỷ USD, tháng giảm thứ ba trong 4 tháng qua và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.

Hiệp hội Các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia Hoa Kỳ - NAR (21/11) cho biết, doanh số bán nhà ở hiện có tăng 1,4% lên mức đã điều chỉnh theo mùa 5,22 triệu căn trong tháng 10/2018.

Nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của NAR nhận định, sau 6 tháng giảm doanh số bán nhà liên tiếp, người mua đã quay trở lại thị trường nhà đất Hoa Kỳ với doanh số tăng ở khu vực Đông Bắc, miền Nam và miền Tây. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 21/11) 

 

Trong tuần từ ngày 12 - 17/11, số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp của Hoa Kỳ đã tăng 3.000 đơn lên mức đã điều chỉnh theo mùa là 224.000 đơn, cao nhất kể từ cuối tháng 6/2018. Số viêc làm mới tạo ra ở Hoa Kỳ trong tháng 10/2018 đã tăng thêm 250.000 việc làm với tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp nhất trong 49 năm qua (3,7%). 

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 21/11)

Nông nghiệp

Trong năm 2018, sản lượng đường toàn cầu là 185,9 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm 2017 và thấp hơn mức dự báo 188,3 triệu tấn (đưa ra hồi tháng 5/2018), sau khi triển vọng sản lượng của Brazil, Thái Lan và EU được điều chỉnh thấp hơn. 

Tuy nhiên, sản lượng đường của Ấn Độ có thể tăng 5,2% so với năm 2017 lên mức cao kỷ lục 35,9 triệu tấn và vượt qua Brazil để trở thành nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới trong năm 2018. Tính riêng về xuất khẩu Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu, tiếp theo là Thái Lan. (Theo báo cáo về nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA ngày 20/11)

Thương mại

–Từ tháng 5 đến tháng 10/2018), các quốc gia G20 đã đưa ra 40 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới, tác động tới số lượng hàng hóa trị giá gần 500 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất mà WTO ghi nhận được kể từ năm 2012 khi tổ chức này bắt đầu theo dõi diễn biến của các biện pháp hạn chế nhập khẩu trên thế giới.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra 8 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới, trong đó có hàng rào thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, thuế suất.

 (Theo Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO ngày 22/11) 

Nhận định chuyên gia

Ông John Williams, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) chi nhánh New York, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường mở liên bang - FOMC (19/11):

Sau 3 lần tăng lãi suất trong năm 2018, lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ hiện vẫn ở mức thấp. Vì vậy, nhiều khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình để từng bước đưa chính sách tiền tệ về mức lãi suất thông thường, giúp nền kinh tế Hoa Kỳ duy trì đà tăng trưởng, trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.

Khảo sát ý kiến chuyên gia kinh tế của Washington Post (18/11):

Kinh tế Hoa Kỳ sẽ bắt đầu suy thoái vào năm 2020 do rất nhiều nguyên nhân, như chi phí vay mượn cao, đồng USD mạnh, nền kinh tế toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thuế quan leo thang và những chương trình kích thích tài chính như cắt giảm thuế không còn phát huy tác dụng thúc đẩy sự bùng nổ trong đầu tư kinh doanh; trong khi đó, thị trường nhà đất cũng kém sôi động do số lượng người mua giảm, Chính phủ tăng chi tiêu.

Hiện giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư mong muốn chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra một giải pháp dứt điểm cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và một dự luật về cơ sở hạ tầng nhằm thu hút thêm nguồn vốn để thúc đẩy nền kinh tế vào cuối năm 2018, tạo lực đẩy cho nền kinh tế trong năm 2019.

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Nam Phi - SARB (22/11) quyết định tăng lãi suất tham chiếu lên 6,75% và lãi suất cơ bản lên 10,25% nhằm giảm nguy cơ lạm phát trong năm 2018 xuống còn 4,7% so với đà tăng dự kiến là 4,8%.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, việc tăng lãi suất giúp giảm tỷ lệ lạm phát của năm 2019 xuống 5,5%, giảm 2 điểm phần trăm so với mức tăng dự kiến và giữ ổn định chỉ số này ở mức 5,4% trong năm 2020. 

Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên sau gần ba năm và được các nhà phân tích đánh giá là động thái mang tính tình thế nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn này. (Theo TTXVN ngày 23/11)