Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 20-25/11/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng:

- Hoa Kỳ: Năm 2018, kinh tế Hoa Kỳ dự báo tăng trưởng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,4% (dự báo tháng 7/2017); tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% (cuối năm 2018) và 3,5% (cuối năm 2019), từ mức 4,1% (tháng 10/2017); Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ nâng lãi suất 4 lần trong cả năm 2018. (Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs 19/11)

- Đức: Trong quý III/2017, GDP của Đức tăng trưởng 0,8% (mức tăng theo quý), cao hơn so với mức tăng 0,6% của quý I và quý II. Nềnkinh tế Đứcgiữ được đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi và đầu tư vào những lĩnh vực như chế tạo máy, xe ô tô, công cụ tăng cao.

Dự báo kinh tế Đức tăng trưởng 2% trong năm 2017 và là năm thứ 8 liên tiếp kinh tế Đức tăng trưởng. Năm 2018, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 2,2%. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức ngày 23/11)

- Thái Lan: Trong quý III/2017, GDP của Thái Lan tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức 3,8% của quý II/2017 và 3,8% theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2013, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng của cá nhân, của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu tăng cao.

NESDB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2017 lên 3,5 - 4%, so với mức tăng 3,3 - 3,8% đưa ra trước đó. Năm 2016, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 3,2%.(Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan - NESDB ngày 20/11)

- Malaysia: Trong quý III/2017, kinh tế Malaysia tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 5,8% của quý II/2017 và 5,4% theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/2014, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng của cá nhân, của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu tăng cao. (Theo Ngân hàng Negara Malaysia ngày 17/11)

- Singapore: Trong quý III/2017, GDP của Singapore tăng trưởng 8,8% (mức tăng theo quý) và 5,2% (mức tăng theo năm), cao hơn so với các mức tăng tương ứng 6,3% và 4,6% (ước tính lần 1 ngày 13/10), do lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh.

Dự báo kinh tế Singapore tăng trưởng 3 - 3,5% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng 2 - 3% (dự báo đưa ra trước đó) và tăng 1,5 - 3,5% vào năm 2018. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 23/11)

Lạm phát:

- Hoa Kỳ: Trong năm 2018, lạm phát lõi sẽ tăng tốc, tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm và đạt 1,8% vào giữa năm 2018. (Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs 19/11)

- Canada: Trong tháng 10/2017, CPI tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,6% của tháng 9/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường, do giá xăng dầu sụt giảm. Lạm phát lõi của Canada tăng 0,9%, cao hơn mức tăng 0,8% của tháng 9/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 17/11)

- Singapore: Trong tháng 10/2017, CPI của Singapore tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 9/2017, nhưng thấp hơn so với 0,5% theo dự báo của thị trường. CPI lõi (không bao gồm chi phí sinh hoạt và vận tải tư nhân) tăng 1,5%, bằng mức tăng của tháng 9/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 23/11)

- Malaysia: Trong tháng 10/2017, CPI của Malaysia tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 4,3% của tháng 9/2017 và 4% theo dự báo của thị trường. CPI lõi tăng 2,3%, thấp hơn mức tăng 2,4% của tháng 9/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 24/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu bán lẻ và cổ phiếu công nghệ tăng. Tính chung cả tuần (20 - 24/11/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,86%; 0,91%; 1,57% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (17/11/2017). Trong ngày giao dịch ngày 24/11/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 21,8 điểm (0,32%) lên 6.889,16 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 5,34 điểm (0,21%) lên 2.602,42 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 31,81 điểm (0,14%) lên 23.557,99 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,68 điểm (1,57%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/11/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,9 điểm (0,06%) lên 3.353,82 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 158,38 điểm (0,53%) lên 29.866,32 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 27,7 điểm (0,12%) lên 22.550,85 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 13,38 điểm (-0,53%) xuống 2.523,77 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 3,6 điểm (-0,1%) xuống 5.982,6 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 20 - 24/11/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 4,24%; 1,82%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (24/11/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,93 USD (1,58%) lên 58,95 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,54 USD (0,85%) lên 63,86 USD/thùng.

Trong tuần từ ngày 13 - 17/11, lượng dầu thô dự trữ của Hoa Kỳ giảm 1,855 triệu thùng, sau khi tăng 1,854 triệu thùng trong tuần trước đó và cao hơn so với mức giảm 1,545 triệu thùng theo dự báo của thị trường. Thông tin trên đã hỗ trợ đà tăng của giá dầu. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 22/11)

Châu Âu

Eurozone: Trong tháng 11/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 57,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, cao hơn so với 56 điểm của tháng 10/2017 và 56 điểm theo dự báo của Reuters, cho thấy kinh tế Eurozone đang tăng trưởng vững chắc, đồng thời hỗ trợ cho động thái thu hẹp gói kích thích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB từ năm 2018. (Theo Công ty IHS Markit ngày 23/11)

Anh:

- Chính phủ Anh có kế hoạch chi 4 tỷ GBP (5,28 tỷ USD) cho chiến lược nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng các khu vực tại nước này nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Brexit. Ngoài ra, Chính phủ Anh đặt mục tiêu nâng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lên 2,4% GDP vào năm 2027, tương đương mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD.(Theo Thủ tướng Anh Theresa May ngày 20/11)

- Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond công bố báo cáo ngân sách mùa thucủa Anh với một số nội dung chính sau:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2017 đạt 1,5%, thấp hơn so với mức tăng 2% (dự báo đưa ra trước đó), sau đó giảm xuống 1,4%, 1,3% và 1,5% trong 3 năm 2018 - 2020, trước khi phục hồi lên 1,6% trong năm 2021 - 2022. Lạm phát giá tiêu dùng sẽ giảm từ 3% (tháng 10/2017) xuống 2% vào cuối năm 2017.

+ Chính phủ Anh sẽ dành 3 tỷ GBP (40 tỷ USD) cho kế hoạch chuẩn bị rời EU.

+ Vay nợ ròng của Chính phủ trong năm 2017 là 49,9 tỷ GBP, thấp hơn so với 58,3 tỷ GBP (dự báo đưa ra trước đó), sau đó giảm xuống 25,6 tỷ GBP vào năm 2022 - 2023. Xét theo tỷ lệ phần trăm trên GDP, vay nợ ròng của khu vực công sẽ giảm từ 3,8% GDP (năm 2016) xuống 2,4% (năm 2017) và lần lượt là 1,9% GDP; 1,6% GDP và 1,5% GDP trong các năm 2018 - 2020.

+ Chính phủ thực hiện dỡ bỏ thuế trước bạ đối với những người mua nhà lần đầu, theo đó những người mua nhà trị giá 300.000 GBP hoặc 500.000 GBP (tại những khu vực có giá nhà cao) có thể tiết kiệm 5.000 GBP/năm. Ngoài ra, Chính phủ cam kết đầu tư 44 tỷ GBP và áp dụng các biện pháp để triển khai dự án xây dựng 300.000 nhà mới mỗi năm.

(Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 22/11)

Pháp: Hạ viện Pháp đã thông qua kế hoạch ngân sách năm 2018. Theo đó, Chính phủ Pháp đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 2,6% GDP, thấp hơn so với mức thâm hụt 2,9% GDP (mức dự báo của năm 2017) và tiết kiệm khoảng 15 tỷ EUR (17,6 tỷ USD) ngân sách; thuế doanh nghiệp giảm xuống 25% vào năm 2022, so với mức 33% hiện hành; quỹ an sinh xã hội sẽ giảm 5,5 tỷ EUR; đồng thời Chính phủ sẽ “đóng băng” các dự án hạ tầng lớn. (Theo TTXVN, ngày 21/11)

Thụy Sĩ:Thụy Sĩ sẽ cung cấp 1,3 tỷ CHF (hơn 1,3 tỷ USD) cho Liên minh châu Âu (EU), giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa các thành viên trong liên minh. Khoản tiền trên bao gồm 1 tỷ CHF dành cho 10 nước Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004; 257 triệu CHF dành cho Bulgaria và Romania; 43 triệu CHF cho Croatia, được giải ngân trong khoảng thời gian 10 năm để hỗ trợ các dự án đào tạo nghề và di cư.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, gói hỗ trợ trên sẽ cho phép sử dụng những kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và chống lại nạn thất nghiệp trong thanh thiếu niên các quốc gia liên quan. (Theo Hội đồng Liên bang Thụy Sĩngày 23/11)

Châu Á

Thái Lan: Đồng THB của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 32,79 THB/USD - mức cao nhất trong 30 tháng qua. Ngân hàng Kasikorn củaThái Lannhận định, đồng THB mạnh lên do kinh tế nước này tăng trưởng tốt trong quý III/2017, đồng thời đồng THB tăng giá phù hợp với xu hướng đi lên của các đồng tiền trong khu vực, trong bối cảnh đồng USD đang chịu sức ép trước khả năng kế hoạch cải cách thuế của Hoa Kỳ khó được phê duyệt. (Theo TTXVN ngày 21/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 11/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ đạt 98,5 điểm, cao hơn so với 98 điểm (dự báo của Reuters). Theo Richard Curtin, chuyên gia kinh tế trưởng của khảo sát này, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ hầu như không thay đổi trong năm 2017, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng và triển vọng vững chắc về thu nhập cũng như việc làm của họ trong thời gian tới. (Theo nghiên cứu của Đại học Michigan, Hoa Kỳ ngày 22/11)

Trong tháng 10/2017, số đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền của Hoa Kỳ giảm 1,2% (mức giảm theo tháng), trái ngược với mức tăng 2,2% của tháng 9/2017 và mức tăng 0,3% theo dự báo của thị trường. Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa cơ bản (số liệu được sử dụng GDP) tăng 0,4%, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có động lực tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 22/11)

Trung Quốc

Trong tháng 10/2017, các ngân hàng Trung Quốc đã mua vào một khối lượng các loại ngoại tệ với tổng giá trị tương đương 128,9 tỷ USD và bán ra 126,1 tỷ USD, đạt mức mua ròng 2,8 tỷ USD, tháng mua ròng thứ 2 liên tiếp trong 2 năm qua (tháng 9/2017, các ngân hàng Trung Quốc mua ròng 300 triệu USD), do nhu cầu mua vào ngoại tệ của các cá nhân đã giảm xuống, trong khi nguồn ngoại tệ đổ vào Trung Quốc thông qua các hoạt động như thương mại hàng hóa, đầu tư nước ngoài và tài chính xuyên biên giới tiếp tục tăng.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, các ngân hàng Trung Quốc mua các loại ngoại tệ với tổng giá trị 1.330 tỷ USD và bán ra 1.440 tỷ USD, đạt mức bán ròng 110,1 triệu USD.

(Theo Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc - SAFE ngày 17/11)

Trong 10 tháng đầu năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực phi tài chính (ODI) của Trung Quốc đạt 86,3 tỷ USD vào 5.410 doanh nghiệp tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 40,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, do các quy định của các cơ quan chức năng ngày càng siết chặt.

Dự án ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, công nghệ thông tin. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/11)

Trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng lợi nhuận của cácdoanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 2.390 tỷ NDT (360 tỷ USD), trong khi tổng doanh thu đạt gần 42.000 tỷ NDT, tăng 15,4%. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của khối doanh nghiệp này cũng tăng 14,6% lên 40.610 tỷ NDT.

Tính đến cuối tháng 10/2017, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước đạt 150.630 tỷ NDT, trong khi tổng số nợ của các doanh nghiệp này là hơn 99.000 tỷ NDT, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 22/11)

Trung Quốc sẽ duy trì sự liên tục và ổn định của chính sách tiền tệ để thiết lập một hệ thống kinh tế hiện đại. Theo đó, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính, đồng thời cải thiện khả năng phối hợp với các chính sách liên quan khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cải cách cơ cấu nguồn cung, coi các hoạt động giám sát tài chính là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn những nguy cơ rủi ro mang tính hệ thống.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện khung pháp lý của chính sách tiền tệ và chính sách an toàn vĩ mô, tập trung vào chính sách lãi suất và cải cách thị trường ngoại hối; nỗ lực đảm bảo tính thanh khoản liên ngân hàng ổn định và thúc đẩy phổ cập tài chính. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 17/11)

Nhật Bản

Trong tháng 10/2017, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản đạt 285,36 tỷ JPY (2,5 tỷ USD). Đây là tháng thứ năm liên tiếp Nhật Bản đạt thặng dư thương mại hàng hóa.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 6.690 tỷ JPY, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do xuất khẩu xe ô tô sang Australia và xuất khẩu thiết bị, nguyên liệu thô để sản xuất nhựa sang Trung Quốc tăng; kim ngạch nhập khẩu đạt 6.410 tỷ JPY, tăng 18,9%, trong bối cảnh đồng JPY yếu đi và nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tăng lên.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhu cầu cao trên thị trường quốc tế đối với các sản phẩm như ô tô và thiết bị điện tử của Nhật Bản sẽ giúp nước này duy trì được đà phục hồi kinh tế trong quý IV/2017. (Theo Bộ Tài chínhNhật Bảnngày 20/11)

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thực phẩm đạt 1.000 tỷ JPY (8,88 tỷ USD) vào năm 2019, khi CPTPP (tên gọi mới của TPP) chính thức có hiệu lực, do CPTPP là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Nhật Bản.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Nhật Bản đạt 750,2 tỷ JPY, tăng 0,7% so với năm 2015, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 25,7% và các nền kinh tế khác trong TPP-11 chiếm 11,8%. (Theo Nhật báo Nikkei của Nhật Bản ngày 17/11)

Trong tháng 11/2017, PMI của Nhật Bản đạt 53,8 điểm, cao hơn so với 52,8 điểm của tháng 10/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 3/2014, do tổng số đơn hàng trong nước và xuất khẩu tăng cao, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. (Theo Công ty IHS Markit ngày 24/11)

Saudi Arabia

Trong quý III/2017, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia là 48,8 tỷ SAR (13 tỷ USD), giảm khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, thu ngân sách củaSaudi Arabiatăng 11% lên 142,1 tỷ SAR, trong khi chi ngân sách tăng 5% lên 190,9 tỷ SAR.

Trong 3 quý đầu năm 2017, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia là 121,5 tỷ SAR, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2016, giúp Chính phủ nước này tiến tới đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách 198 tỷ SAR trong năm 2017, so với mức thâm hụt 297 tỷ SAR của năm 2016. (Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia ngày 19/11)

Nhận định chuyên gia

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB Mario Draghi (18/11):

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang được cải thiện nhưng xu hướng lạm phát vẫn thấp, thiếu tính bền vững, chủ yếu do tăng trưởng tiền lương yếu.

Do các điều kiện tài chính thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình (động lực chính cho quá trình phục hồi kinh tế của Eurozone) vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn với lãi suất thấp mà ECB cung cấp, vì vậy cần phải có một chương trình kích thích tiền tệ lớn để gia tăng áp lực lạm phát trong trung hạn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (23/11):

Nợ tiêu dùng tăng cao đang gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Canada. Với mứcnợ tiêu dùnghiện tương đương 100% GDP, Canada là một trong những nước dẫn đầu thế giới về vay nợ hộ gia đình, cùng với Hàn Quốc và Anh.

Theo Cơ quan Thống kê Canada, trong quý II/2017, chỉ số nợ của các hộ gia đình tại nước này là gần 168% (các gia đình nợ ngân hàng trung bình 1,68 CAD trên mỗi CAD thu nhập). Nếu tính theo giá trị tuyệt đối, tổng số nợ tín dụng của các hộ gia đình, bao gồm nợ vay tiêu dùng, vay thế chấp và phi thế chấp, lên tới 2.080 tỷ CAD (1.631 tỷ USD).