Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 21-26/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng  -Lạm phát

Tăng trưởng

Thế giới: Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 3,7% (dự báo tháng 10/2018). Năm 2020, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,6%. Một số nền kinh tế lớn dự báo cũng giảm tốc độ tăng trưởng như Đức, Italy và Mexico, trong khi kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng lần lượt ở mức 2,5% và 6,2% (năm 2019), 1,5% và 6,2% (năm 2020). (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) 

Mỹ La-tinh: Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ là 2%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,8% (dự báo tháng 4/2018), do nguồn vốn ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực thấp.

(Theo IMF ngày 21/01) 

Trung Quốc: Trong năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6%, cao hơn mục tiêu đề ra là khoảng 6,5%, song  giảm so với tốc độ 6,8% của năm 2017 và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 28 năm qua, trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm sút và áp lực thuế quan của Hoa Kỳ gia tăng. Trong quý IV/2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4%, giảm 0,1% so với quý III/2018. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 21/01) 

Philippines: Trong quý IV/2018, kinh tế Philippines tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với 6% của quý III/2018 và 6,2% theo dự báo của thị trường. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Philippines chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng tư nhân, trong khi chi tiêu và đầu tư của Chính phủ tiếp tục tăng. (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Philippines ngày 24/01)

Lạm phát

Singapore: Trong tháng 12/2018, lạm phát của Singapore tăng 0,5%, cao hơn so với mức lạm phát 0,3% của tháng 11/2018 và 0,4% theo dự báo của thị trường, chủ yếu do chi phí nhà ở và tiêu dùng tăng cao hơn. Lạm phát cơ bản tăng 1,9%, cao hơn so với 1,7% của tháng 11/2018 và dự báo của thị trường. (Theo Cơ quan Thống  kê Singapore ngày 23/01) 

Malaysia: Trong tháng 12/2018, CPI của Malaysia tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017, bằng mức của tháng 11/2018 nhưng thấp hơn so với 0,4% theo dự báo của thị trường. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 8/2018, do chi phí thực phẩm tăng chậm. CPI cơ bản tăng 0,4%, thấp hơn so với mức tăng 0,5% của tháng 11/2018. (Theo Cơ quan Thống kê Malaysia ngày 24/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 21/01 - 25/01/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 tăng lần lượt là 0,12%; 0,11% và Nasdaq Composite giảm 2,87% và so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (18/01/2019). Trong ngày giao dịch ngày 25/01/2019:

+ Dow Jones tăng 183,96 điểm (0,75%), lên 24.737,2 điểm.

+ S&P 500 tăng 22,43 điểm (0,85%), lên 2.664,76 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 91,4 điểm (1,29%), lên 7.164,86 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,79 điểm (0,52%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (25/01/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 10,03 điểm (0,39%), lên 2.601,72 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 335,18 điểm (1,25%), lên 27.090,81 điểm.

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 448,21 điểm (1,65%), lên 27.569,19 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 21/01 - 25/01/2019, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,41% và 1,5%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (25/01/2019), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2019:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ tăng 0,56 USD (1,04%), lên 53,69 USD/thùng.

- Dầu Brent tăng 0,55 USD (0,89%), lên 61,64 USD/thùng.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol (22/01) đánh giá, Saudi Arabia vẫn là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong những năm tới, cho dù ngành dầu mỏ của Hoa Kỳ đang tăng trưởng mạnh. Theo số liệu chính thức được Saudi Arabia công bố ngày 21/01, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11/2018 tăng lên 8,235 triệu thùng/ngày so với mức 7,7 triệu thùng/ngày của tháng 10/2018. (Theo TTXVN ngày 23/01)

Trong tuần từ ngày 14 - 18/01, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng 8 triệu thùng lên 445 triệu thùng, vượt 9% so với mức trung bình của cùng kỳ 5 năm, làm hạn chế động lực đi lên của thị trường dầu mỏ. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 24/01)

Nợ công

Tại thời điểm cuối năm 2018, nợ công toàn cầu ở mức 66 nghìn tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2007 (thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra) và tương đương 80% GDP toàn cầu. Trong đó, nợ tại các quốc gia phát triển giữ ở mức tương đối ổn định, khoảng 50 nghìn tỷ USD kể từ năm 2012. Tuy nhiên, tổng nợ công của Hoa Kỳ đã tăng từ 15,2 nghìn tỷ USD lên 21,9 nghìn tỷ USD (tăng 44%). Nợ công của các nền kinh tế mới nổi tăng 50% kể từ 2012, từ 10 nghìn tỷ USD lên 15 nghìn tỷ USD. (Theo Tổ chức Đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings ngày 23/01)

Châu Âu

Pháp: Chính phủ Pháp đã công các khoản chi tiêu công hơn 1.000 tỷ EUR của nước này, trong đó 575 tỷ EUR được dành cho bảo trợ xã hội, trong đó phần lớn nhất là lương hưu; số tiền còn lại dành cho chi tiêu theo ngành (chi chodoanh nghiệp, đường, bảo tàng... 143 tỷ EUR ), giáo dục (96 tỷ EUR), cơ quan công quyền (60 tỷ EUR cho quốc phòng, an ninh, tư pháp), các cơ quan hành chính nhà nước (66 tỷ EUR);  trả lãi nợ công 37 tỷ EUR. . (Theo TTXVN ngày 21/01) 

Nga: Ngày 22/01, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Nga và Nhật Bản cần tăng kim ngạch thương mại song phương 1,5 lần, lên 30 tỷ USD. Hai nước có thể mở rộng hợp tác kinh tế trong những lĩnh vực chủ chốt từ thương mại đến đầu tư và hợp tác công nghệ. (Theo TTXVN ngày 23/01) 

Anh: Trong 3 tháng (9 - 11/2018), số người lao động có việc làm tại Anh tăng 141 nghìn người lên mức cao kỷ lục 32,54 triệu người, cao hơn so với mức tăng 85 nghìn người theo dự báo của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4%, thấp hơn so với 4,1% theo dự báo của thị trường và là mức thấp nhất kể từ năm 1970. (Theo Trading economics ngày 22/01)

Châu Á

Hàn Quốc: Trong năm 2018, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,7%, thấp hơn so với mức tăng 3,1% của năm 2017 và là mức thấp nhất trong 6 năm, trong bối cảnh đầu tư của doanh nghiệp sụt giảm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31.000 USD, cao hơn so với 29.745 USD của năm 2017. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK nhận định, chi tiêu tiêu dùng tư nhân, chi tiêu chính phủ và xuất khẩu là những lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng, trong khi xây dựng và đầu tư vẫn thấp.

Cụ thể, trong năm 2018, chi tiêu tiêu dùng tăng 2,8%, mức cao nhất trong 7 năm; chi tiêu ngân sách trong tài khóa tăng 5,6%, mức cao nhất trong 11 năm; xuất khẩu, một trong những lực đẩy lớn nhất của kinh tế Hàn Quốc, tăng trưởng 4% nhờ doanh thu từ hoạt động bán chip nhớ và các sản phẩm hóa dầu. (Theo BoK ngày 22/01) 

Iraq:  Quốc hội Iraq ngày 24/01 đã thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2019 trị giá 112 tỷ USD, tăng gần 45% so với năm 2018. Đây là một trong những dự thảo ngân sách lớn của nước này,  sẽ giúp tạo ra tổng thu nhập khoảng 89 tỷ USD dựa trên mức giá dầu mỏ trung bình tại Iraq là 56 USD/thùng dầu và mức xuất khẩu dầu thô 3,88 triệu thùng dầu/ngày. (Theo TTXVN, ngày 25/01)

Trung Quốc

Kể từ ngày 23/01/2019, Trung Quốc sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với chất ortho dichlorobenzene (ODCB) nhập khẩu từ Nhật Bản và Ấn Độ ở mức 31,9 - 70,4% trong 5 năm, do ngành công nghiệp nước này đã chịu thiệt hại đáng kể do việc bán phá giá các sản phẩm hóa chất.

ODCB có thể được dùng để sản xuất các sản phẩm hóa học được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm và dược phẩm. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 22/01)

Trong năm 2019, Trung Quốc sẽ gia tăng chi tiêu ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với việc tập trung cắt giảm thuế và phí cho doanh nghiệp nhỏ. Áp lực đang tăng lên đối với nền kinh tế Trung Quốc khi tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức thấp nhất 18 năm. Trong năm 2018, chi tiêu ngân sách của Trung Quốc tăng 8,7% lên 22.100 tỷ NDT (3.300 tỷ USD), trong lúc nguồn thu tăng 6,2% lên 18.300 tỷ NDT. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 23/01)

Công ty Nghiên cứu eMarketer ngày 24/01 dự báo, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc năm 2019 tăng 7,5% lên 5,636 nghìn tỷ USD, cao hơn của Hoa Kỳ (tăng 3,3% lên 5,529 nghìn tỷ USD). Sự bùng nổ doanh số là do thu nhập của người dân nước này tăng lên cùng với thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh (chiếm gần 1/5 tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2018).

(Theo TTXVN, ngày 25/01)

Hoa Kỳ

Việc Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần trong thời gian dài đang trở thành một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu việc đóng cửa này vẫn tiếp diễn sẽ làm cho tăng trưởng GDP trong quý I/2019 của Hoa Kỳ giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể  bứt phá nếu tình trạng này chấm dứt. (Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED tại New York, John Williams, ngày 18/01)

Trong tuần từ ngày 14 - 19/01, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm 13.000 người xuống 199.000 người, thấp hơn so với mức dự báo của giới phân tích là trên 220.000 đơn. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/1969 (khi ghi nhận 197.000 đơn). Điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ giúp giảm bớt nỗi lo về sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 24/01)

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc cho phép các doanh nghiệp trả lương bằng tiền điện tử, tiền gửi vào thẻ trả trước và các ứng dụng cho điện thoại thông minh, nhằm hướng tới phát triển một xã hội phi tiền mặt. Chính phủ Nhật Bản dự kiến áp dụng việc thanh toán lương bằng tiền điện tử ở các đặc khu kinh tế trước và sau đó mở rộng ra cả nước. 

Biện pháp trên được xem xét khi Nhật Bản dự kiến tiếp nhận thêm lao động có trình độ từ nước ngoài vào tháng 4/2019, nhưng những lao động này có thể gặp phải khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng do không có các tài sản và lịch sử giao dịch ở nước này. 

(Theo TTXVN ngày 22/01)

Trong năm 2018, Nhật Bản bị thâm hụt thương mại 1.203 tỷ JPY (11 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thâm hụt thương mại kể từ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng 4,1%, thấp hơn so với mức tăng 11,8% của năm 2017, do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng lần lượt 6,8% và 2,3%, thấp hơn nhiều so với các mức tăng tương ứng 20,5% và 6,9% của năm 2017. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 23/01)

Đàm phán - Ký kết

Anh và New Zealand:

Anh và New Zealand đã ký thỏa thuận “công nhận lẫn nhau”, nhằm giảm thiểu tác động Brexit có thể gây ra đối với thương mại song phương. Theo thỏa thuận, những yêu cầu pháp lý đối với các nhà xuất khẩu sẽ không bị thay đổi trong thời kỳ hậu Brexit, trước khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại tự do song phương. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox cho biết, London dự kiến ký 36 thỏa thuận với các quốc gia khác nhau trước khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 3/2019. (Theo TTXVN, ngày 21/01)

Du lịch

Trong năm 2018, số lượt khách du lịch quốc tế đã tăng 6% lên 1,4 tỷ lượt nhờ kinh tế tăng vững mạnh và chi phí du lịch bằng đường hàng không có giá tốt hơn. Đà tăng trưởng của ngành du lịch trong những năm gần đây đang củng cố vị thế  như là một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO dự báo hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3 - 4% trong năm 2019. (Theo UNWTO ngày 21/01)

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (23/01) quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất chính phủ 10 năm khoảng 0%; đồng thời hạ dự báo lạm phát trong tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 3/2020) xuống mức trung bình 1,1%, thấp hơn so với 1,6% theo dự báo đưa ra trước đó, chủ yếu do giá dầu thô giảm và các quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. (Theo TTXVN ngày 24/01)

Ngày 24/01, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản mức 1,75% trước quan ngại về tốc độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc và thế giới chậm lại. Ngoài ra, BOK đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế xuống 2,6% trong năm 2019 và 2020, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 10/2018. Đây cũng là lần đầu tiên BOK công bố triển vọng tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. (Theo Hãng thông tấn Yonhap - Hàn Quốc ngày 24/01)

Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (24/01) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0% và cho biết sẽ duy trì mức lãi suất này ít nhất là đến giữa năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang phải đối mặt với các rủi ro về địa - chính trị và mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, cũng như sự biến động của thị trường tài chính. (Theo ECB ngày 24/01)