Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 24-28/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Hoa Kỳ: Tăng trưởng GDP của đã được điều chỉnh từ mức 3,5% xuống còn 3,4% trong quý III/2018, do hoạt động xuất khẩu giảm 4,9% - mức giảm lớn nhất kể từ quý I/2015.

Các số liệu mới nhất khác cũng cho thấy, tăng trưởng trong quý IV của Hoa Kỳ đang trên đà giảm. Trong đó, số đơn mua hàng hóa lâu bền - các mặt hàng lớn như thiết bị, phương tiện và máy móc tăng 0,8% trong tháng 11, sau khi ghi nhận mức sụt giảm lớn hồi tháng 10.

Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV/2018 đạt khoảng 2,7%. Đà suy yếu dự kiến kéo dài sang năm 2019 khi những tác động từ các gói kích thích tài chính mất dần, căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và đồng USD mạnh ảnh hưởng tới hoạt động chế tạo.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 22/12) 

Đông Nam Á: Trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm tốc trong khi lạm phát tăng do chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tác động xấu đến xuất khẩu của khu vực, lãi suất tăng cao. Quá trình tăng trưởng tại Đông Nam Á sẽ chững lại, tuy nhiên một số nền kinh tế như Philippines và Việt Nam sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Các ngân hàng trung ương tại châu Á sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ theo lộ trình điều chỉnh lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nhằm bảo vệ đồng nội tệ và giữ cân bằng tài khoản vãng lai. (Theo Bloomberg ngày 26/12) 

Trung Quốc: Kết quả thăm dò ý kiến của 32 chuyên gia kinh tế do Nikkei thực hiện cho thấy, năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,2%, thấp nhất trong 29 năm do tác động từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Mặc dù xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể tạm lắng xuống trong một thời gian, nhưng sẽ tiếp tục kéo dài và làm gia tăng mức biến động trên thị trường.

Việc nâng thuế quan từ 10% lên 25% có khả năng xảy ra trong năm 2019. Trong khi đó, các gói kích thích tài khóa của Trung Quốc và các biện pháp khác có khả năng bắt đầu có tác dụng vào nửa sau năm 2019. (Theo Nikkei Asian Review ngày 26/12)

Dầu mỏ

Tehran có kế hoạch bán 3 triệu thùng dầu thô cho các công ty tư nhân trong đợt bán hàng thứ ba nhằm tránh những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ. Hiện tại giấy phép cần thiết cho hoạt động này đã có và 3 triệu thùng dầu sẽ được bán trên thị trường chứng khoán năng lượng của Iran với 100% bằng đồng rial của Iran. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh ngày 26/12)

Châu Âu

Nga: Kinh tế Nga sẽ có một sự khởi đầu khó khăn trong năm 2019 và chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,3% do  phải đối mặt với một loạt thách thức ở cả trong và ngoài nước, cụ thể:

- Trong nước: Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 18% lên 20% trong năm 2019 sẽ làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, chính sách giảm bớt rủi ro từ sức ép lạm phát gia tăng của Ngân hàng Trung ương Nga cũng ảnh hưởng hạn chế tới các động lực kinh tế và tăng trưởng tín dụng vào đầu năm 2019.

- Ngoài nước: Tình hình thế giới kém thuận lợi, sự biến động trên các thị trường hàng hóa và nhu cầu giảm đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga chủ yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. 

(Theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin ngày 24/12) 

Đức: Trong vòng 10 năm tới, khoảng 3 triệu việc làm ở Đức sẽ không có ai đảm nhiệm. Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 19/12 đã thông qua một dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU) để bổ sung cho lực lượng lao động đang bị già hóa. Dự thảo cũng đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài. (Theo kênh DW ngày 27/12) 

EU: Ông Gunther Oettinger - người phụ trách vấn đề tài chính của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nếu như Anh không trả tiền cho việc nước này rời EU thì các nước trong khối sẽ gánh phần thiếu hụt ngân sách này.

Theo đó tất cả 27 nước thành viên của EU sẽ phải tăng đáng kể phần đóng góp cho ngân sách chung nếu như Anh rời EU mà không đóng 39 tỷ GBP “đền bù” như đã hứa, trong đó Đức là nước sẽ phải đóng góp thêm nhiều nhất, số tiền lên tới nhiều trăm triệu EUR.

Bên cạnh đó, ông Gunther Oettinger kêu gọi các nghị sĩ hãy ủng hộ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May và cho rằng, đa số đều không muốn xảy ra kịch bản nước Anh rời EU trong một tình trạng “lộn xộn”, hay xảy ra kịch bản tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới. (Theo TTXVN ngày 27/12) 

Séc:

- Trong tháng 12/2018, chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 1.069,9 điểm vào tháng 11/2018 lên 109,2 điểm, do  lo ngại tình hình tài chính trong năm 2019 không được lạc quan. Niềm tin tiêu dùng tại Cộng hòa Séc đạt trung bình 92,15 điểm trong giai đoạn 1998 - 2018.

- Chỉ số niềm tin kinh doanh đã giảm từ 97,8 điểm trong tháng 12/2018 xuống 96,4 điểm vào 12/2018 - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018, do kỳ vọng của các nhà sản xuất giảm dần (95,2 điểm xuống 93,4), các nhà cung cấp dịch vụ giảm từ 99,8 điểm xuống 98,1 điểm. Niềm tin kinh doanh đạt trung bình 93,16 điểm trong giai đoạn 1993 - 2018.

(Theo Cơ quan Thống kê Cộng hòa Séc ngày 27/12) 

Phần Lan: Trong tháng 12/2018, chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm xuống 16,1 điểm từ 18,3 điểm trong tháng 11/2018, do kỳ vọng của hộ gia đình về tình trạng thất nghiệp suy yếu từ 11,2 điểm xuống 6,5 điểm; về kinh tế của bản thân giảm từ 10,6 điểm xuống 9,5 điểm; về nền kinh tế Phần Lan suy giảm từ 0,3 điểm xuống -2,6 điểm.

Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Chỉ số niềm tin  tiêu dùng ở Phần Lan đạt trung bình 12,65 điểm trong giai đoạn 1995 - 2018. (Theo Cơ quan Thống kê Phần Lan ngày 27/12)

Châu Á

Châu Á:

- Trong năm 2018 có khoảng 5,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị chảy khỏi thị trường chứng khoán châu Á. Đợt sụt giảm này  vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Nhiều khả năng thị trường có thêm những phiên giao dịch với mức độ biến động cao trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do những bất ổn ở Nhà Trắng; rủi ro về vấn đề thanh khoản và khủng hoảng tài chính; cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc… (Theo Bloomberg ngày 24/12)

- Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết, các nước ASEAN trong năm 2018 đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một cộng đồng hội nhập, gắn kết, sáng tạo và tự cường thông qua việc thực thi đầy đủ những sáng kiến lớn trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) năm 2025, Sáng kiến về việc hội nhập ASEAN năm 2025...

ASEAN cũng nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết, tính hiệu quả cũng như hợp tác về chính sách thông qua ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN gồm: An ninh - Chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Bên cạnh đó, ASEAN đạt được tiến bộ lớn trong việc thực thi 5 “mũi tên” kinh tế mà nước Chủ tịch ASEAN (Singapore) đã vạch ra cho năm 2018, đó là: Đẩy mạnh sáng tạo và thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại; tăng cường dịch vụ và hội nhập đầu tư; tạo môi trường pháp lý thuận lợi; đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại khối ASEAN.

(Theo TTXVN ngày 26/12) 

Hàn Quốc: Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) và Cơ quan Giám sát tài chính (FSS) đã cấp phép thêm cho hai ngân hàng chỉ hoạt động trên Internet (ngân hàng internet là loại hình ngân hàng không có trụ sở, các chi nhánh, tất cả các dịch vụ được cung cấp trực tuyến) vào tháng 5/2019 để các ngân hàng này có thể chính thức đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2019.

Theo đó, FSC và FSS sẽ tổ chức giới thiệu về việc cấp phép ngân hàng trong tháng 01/2019, sau đó nhận hồ sơ xin cấp phép hoạt động trong tháng 3/2019 và công bố kết quả 2 tháng sau đó. (Theo TTXVN ngày 23/12) 

Thái Lan: Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Quản trị phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) tiến hành từ ngày 11 - 12/12, đối với những người có độ tuổi từ 40 trở lên có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trên toàn quốc: 62,64% mong muốn nền kinh tế đất nước được cải thiện; 10,16% mong muốn đất nước trở nên dân chủ; 8,8% mong chờ nhiều hơn về đào đạo nghề và tỷ lệ thất nghiệp giảm; 6% mong muốn có giáo dục chất lượng cao hơn; 5,68% mong muốn hình ảnh đất nước Thái Lan được cải thiện trong mắt cộng đồng quốc tế; 3,28% hy vọng chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội được cải thiện; 2,48% cần sự công bằng trong phân phối phúc lợi và dịch vụ công. (Theo TTXVN ngày 27/12) 

Hồng Kông: Trong tháng 11/2018:

- Xuất khẩu của Hồng Kông giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 364,3 tỷ HKD, chủ yếu do doanh số của các nhà sản xuất khoáng sản phi kim loại giảm 26,7%; máy móc, thiết bị và thiết bị điện, các bộ phận điện giảm 0,4%; sợi dệt, vải, các mặt hàng trang điểm và các sản phẩm liên quan giảm 10,8%.

Xuất khẩu sang châu Á giảm 3,6%; trong đó Ấn Độ giảm 29,1%, Việt Nam giảm 8,7%, Đài Loan giảm 5,3% và Trung Quốc giảm 5%... trong giai đoạn 1952 - 2018, xuất khẩu tại Hồng Kông trung bình đạt 84.192,72 triệu HKD.

- Nhập khẩu của Hồng Kông tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 409,3 tỷ HKD, nhờ gia tăng việc mua xăng dầu, các sản phẩm dầu mỏ và các vật liệu liên quan (38,1%); máy móc, thiết bị và thiết bị điện, các bộ phận điện (1,7%); máy móc và thiết bị tạo ra điện (21,4 %).

Nhập khẩu tăng chủ yếu từ Malaysia (29,4%), Singapore (19,4%), Hoa Kỳ (6,3%) và Trung Quốc (1%). Nhập khẩu của Hồng Kông trong giai đoạn 1952 - 2018 trung bình đạt 91.948,62 triệu HKD.

Trong tháng 11/2018, thâm hụt thương mại ở Hồng Kông đã tăng từ 39,7 tỷ HKD (10/2018) lên 45 tỷ HKD. Cán cân thương mại tại Hồng Kông thâm hụt trung bình 7.754,89 triệu HKD trong giai đoạn 1952 - 2018.

(Theo trang tin tradingeconomics ngày 27/12)

Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc ngày 24/12 thông báo quyết định cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu năm 2019 trong bối cảnh tranh cãi thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dẫn tới các biện pháp tăng thuế đáp trả lẫn nhau làm cho chi phí nhập khẩu tăng.

Theo đó từ ngày 01/01/2019, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với khoảng 700 mặt hàng nhập khẩu, như nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh... và từ ngày 01/7 giảm thuế cho 298 sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin.

Các biện pháp trên nhằm tăng nhập khẩu hàng hóa từ các nước ngoài Hoa Kỳ, trong bối cảnh các mức thuế bổ sung áp dụng với các sản phẩm của Hoa Kỳ trong năm 2018 đã làm giảm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào Trung Quốc.

(Theo TTXVN ngày 25/12)

Kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ bị tác động lớn  từ căng thẳng thương mại.  Hai nước sẽ trải qua những giảm sút lớn về xuất khẩu và việc làm. Khi hai nước áp đặt mức thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng xuất khẩu của nhau, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm 9,7 điểm phần trăm, trong khi xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ giảm 10,9 điểm phần trăm.

Nếu hai nước duy trì mức thuế hiện tại đối với hàng hóa của nhau, Trung Quốc sẽ mất 8,6 triệu việc làm trong khi Hoa Kỳ sẽ mất hơn 1 triệu việc làm. (Theo sách Xanh về kinh tế của Trung Quốc năm 2019 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố ngày 24/12)

Trong 11 tháng năm 2018, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc duy trì ổn định. Tính theo đồng USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đạt hơn 121 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng tháng 11, Trung Quốc thu hút được 13,6 tỷ USD FDI, giảm 27,6%. Trong 11 tháng  có 54.700 công ty, do nước ngoài được thành lập ở Trung Quốc, tăng 77,5% so với năm ngoái. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/12)

Trong 11 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đạt 6,17 nghìn tỷ CNY, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước tăng 16,1% và các doanh nghiệp tư nhân tăng 10%.

Tính riêng tháng 11/2018, lợi nhuận của các công ty công nghiệp giảm 1,8% xuống 594,8 tỷ CNY và đánh dấu mức giảm hằng năm đầu tiên kể từ tháng 12/2015. Lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Trung Quốc đạt trung bình 1.611.266,13 CNY trong giai đoạn 1996 - 2018. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 27/12)

Hoa Kỳ

Doanh thu bán lẻ dịp Giáng sinh 2018 của Hoa Kỳ đạt trên 850 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua. Do đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ thuộc S&P 500 tăng 7,4%, trong đó cổ phiếu của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com tăng 9,4%. (Theo một báo cáo của hãng thẻ tín dụng Mastercard ngày 27/12)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến ban hành một sắc lệnh ngay từ đầu tháng 01/2019 để cấm các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các tập đoàn nước ngoài, do lo ngại đe dọa đến an ninh quốc gia.  

Mua sắm thiết bị viễn thông thế hệ mới là một vấn đề mang tính thời sự tại Hoa Kỳ vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp điện thoại di động Hoa Kỳ đã tìm kiếm các đối tác để tham gia xây dựng các mạng internet không dây 5G. (Theo TTXVN ngày 27/12)

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản ngày 25/12 đã chính thức thông qua 126 biện pháp bao gồm thúc đẩy việc hòa nhập của người nước ngoài mới đến với dân bản địa và hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản để thu hút lao động nước ngoài tới làm việc  và giúp họ dễ dàng hòa nhập vào xã hội.

 Để thực hiện các biện pháp này, Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ ngân sách bổ sung 6,1 tỷ JPY (55,3 triệu USD) cho năm tài khóa 2018 và 16,3 tỷ JPY cho năm 2019. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 25/12)

Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 11 đã giảm 1,1%; chỉ số của các lô hàng công nghiệp giảm 1,4% và hàng tồn kho tăng 0,2% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất điều chỉnh theo mùa tại các nhà máy và mỏ đứng ở mức 104,7 so với cơ sở 100 của năm 2015. Vác nhà sản xuất hy vọng sản lượng sẽ tăng 2,2% trong tháng 12 và sau đó giảm 0,8% trong tháng 1. (Theo Nikkei Asian Review ngày 28/12)