Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 24-29/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng -Lạm phát

Tăng trưởng

Singapore: Trong tháng 8/2018, lạm phát của Singapore tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với 0,6% của tháng 7/2018 và trùng với nhận định của các nhà kinh tế, chủ yếu do giá lương thực và bán lẻ tăng.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí về nhà ở và giao thông cá nhân) tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Dự báo trong năm 2018, tỷ lệ lạm phát của Singapore tăng nhẹ do tác động của giá dầu mỏ và giá thực phẩm toàn cầu.

Theo các chuyên gia, chỉ số lạm phát tăng sẽ làm cho Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) tiếp tục duy trì việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào đầu tháng 10/2018.

(Theo MAS và Bộ Công Thương Singapore - MTI ngày 24/9)

Toàn cầu: Khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu tăng 3,9% trong năm 2018 và 3,7% vào năm 2019, giảm so với mức tăng tương ứng 4,4% và 4% (dự báo tháng 4/2018), do những tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc;việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ ở các nước phát triển làm cho giá trị đồng tiền ở các nước nghèo hơn suy yếu, vì vậy những nước này có ít tiền để chi trả cho hàng hóa nhập khẩu hơn.

Các nhà phân tích cho biết, tiến trình tăng lãi suất của Hoa Kỳ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng gần đây của một loạt các đồng nội tệ thuộc các thị trường mới nổi.(Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO ngày 27/9)

Châu Á: Trong năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%, bằng mức dự báo đưa ra vào tháng 7/2018; năm 2019 đạt 5,8%, thấp hơn so với 5,9% (dự báo tháng 7/2018) và là mức thấp nhất kể từ năm 2001 (4,9%).

ADB giữ nguyên dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2018 ở mức 2,8% và nâng dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm 2019 lên 2,8% từ 2,7% (dự báo tháng 7/2018).

+ Trung Quốc: Kinh tế tăng trưởng 6,4% trong năm 2018 và 6,3% trong năm 2019, thấp hơn so với 6,4% (dự báo tháng 7/2018).

+ Nam Á: Kinh tế tăng trưởng 7% trong năm 2018 và 7,2% năm 2019, bằng mức dự báo tháng 7/2018.

+ Đông Nam Á: Kinh tế tăng trưởng 5,1% trong năm 2018, thấp hơn so với 5,2% (dự báo tháng 7/2018).

(Theo dự báo của ADB ngày 26/9)

Đức: Tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2018 và năm 2019 lần lượt là 1,7% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó) và 1,9%, nguyên nhân là do lo ngại về những tác động từ căng thẳng thương mại trên toàn cầu và tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề. (Theo dự báo của các chuyên gia và nhà tư vấn kinh tế hàng đầu của Đức ngày 27/9)

Lạm phát

Canada: Trong tháng 8/2018, tỷ lệ lạm phát của Canada là 2,8%, thấp hơn so với 3% của tháng 7/2018 và phù hợp với dự báo của thị trường, trong bối cảnh giá xăng, đồ tiện ích và chỗ ở tăng.

Lạm phát cơ bản tăng 1,7%, cao hơn so với 1,6% của tháng 7/2018 và 1,3% theo dự báo của thị trường. (Theo dự báo của Văn phòng Thống kê Canada ngày 21/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 24 - 29/9/2018 tăng/giảm trái chiều.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 giảm lần lượt là 1,07%; 0,54% và Nasdaq tăng 0,74% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (21/9/2018). Trong ngày giao dịch 28/9/2018:

+ Dow Jones tăng 18,38 điểm (0,07%), lên 26.458,31 điểm.

+ Nasdaq tăng 4,38 điểm (0,06%), lên 8.046,35 điểm.

+ S&P 500 giảm 0,02 điểm (-0,00%), xuống 2.913,98 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,86 điểm (-0,52%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (28/9/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 323,30 điểm (1,36%), lên 24.120,04 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 72,85 điểm (0,26%), lên 27.788,52 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 29,58 điểm (1,06%), lên 2.821,35 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 24 - 29/9/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 3,49% và 4,97%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (28/9/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,13 USD (1,54%) lên 73,25 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1 USD (1,21%) lên 82,72 USD/thùng.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục 104,4 triệu thùng/ngày vào năm 2035, so với mức dưới 100 triệu thùng/ngày hiện nay. Sự cải thiện về hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đổi về công nghệ với mức đóng góp của năng lượng tái tạo nhiều hơn làm cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chậm lại trong những năm tới trước khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2035.

Bên cạnh đó, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ. Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. (Theo dự báo của Tập đoàn Unipec - Trung Quốc 24/9)

Các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã họp Ủy ban Giám sát hỗn hợp lần thứ 10 và không đạt được bất cứ thỏa thuận nào về tăng sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự cuộc họp nhận định, giá dầu dao động 80 USD/thùng như hiện nay sẽ tốt hơn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.(Theo TTXVN ngày 23/9)

Châu Âu

Eurozone: Trong tháng 7/2018, số lượng việc làm tại Liên minh châu Âu (EU) là 239 triệu người, trong đó tại Eurozone là 158 triệu người. Số lượng việc làm tại châu Âu đã tăng liên tiếp trong hơn 5 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại EU và Eurozone tiếp tục giảm xuống còn 6,9% và 8,2%.

So với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ người thất nghiệp giảm ở tất cả các quốc gia thành viên. EU đang nỗ lực đầu tư vào kỹ năng của người dân để chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường việc làm tương lai. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu ngày 24/9)

Anh: Nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận nào về việc Anh rời khỏi EU (Brexit), thì ngành cung ứng và bán lẻ thực phẩm của Anh sẽ tổn thất khoảng 9,3 tỷ GBP (12,2 tỷ USD) do các loại thuế quan mới.

Cụ thể, nếu Brexit không đạt được thỏa thuận, các mặt hàng thực phẩm và đồ uống nhập từ EU vào nước Anh sẽ phải chịu mức thuế mới trung bình là 27%, cao hơn nhiều so với mức thuế 3 - 4% đối với các mặt hàng phi thực phẩm. (Theo nghiên cứu của Ngân hàng Barclays ngày 27/9)

Châu Á

Singapore: Trong tháng 8/2018, sản lượng công nghiệp của Singapore tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 6,7% của tháng 7/2018 và 4,4% theo dự báo của thị trường, do sản lượng hàng điện tử và dược phẩm giảm tốc. (Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore ngày 26/9)

Thái Lan: Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Thái Lan, quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc áp thuế 10% lên 5.745 mặt hàng trị giá khoảng 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích, mở đường cho các sản phẩm của Thái Lan thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, là cơ hội để hàng hóa nước này thay thế các sản phẩm của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Nhóm các sản phẩm tiềm năng bao gồm quả hạch và hạt điều; cao su hun khói dạng tấm và khối; gạo nhiều màu; hoa quả và thực phẩm đã chế biến như chuối, dừa, xoài, dứa; thủy sản đã qua chế biến như cá thu; các sản phẩm động vật như mật ong tự nhiên. Các nhóm hàng tiềm năng khác gồm nước chấm, gia vị, bia, đồ uống không cồn, hóa chất và hạt nhựa, linh kiện ô tô và phụ kiện.(Theo TTXVN ngày 27/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2018, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ đạt 138,4 điểm, cao hơn so với 134,7 điểm của tháng 8/2018 và là mức cao nhất trong 18 năm, khi các hộ gia đình ngày càng lạc quan hơn về thị trường lao động và sự ổn định của nền kinh tế. (Theo Tổ chức Tư vấn kinh tế Conference Board ngày 25/9)

Trong tháng 9/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI của Hoa Kỳ đạt 53,4 điểm, thấp hơn so với 54,7 điểm của tháng 8/2018 và là mức thấp nhất trong 17 tháng, do ảnh hưởng từ cơn bão Florence, tuy nhiên kinh doanh mới và việc làm tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 5/2015. (Theo IHS Markit ngày 21/9)

Quốc hội Hoa Kỳ ngày 26/9 đã thông qua gói chi tiêu trị giá 854 tỷ USD cho 2 dự luật chi tiêu lớn nhất trong năm, gồm 674,4 tỷ USD cho quốc phòng và số còn lại cho các hoạt động của Bộ Giáo dục, Dịch vụ nhân sinh, Y tế và lao động, giúp Chính phủ liên bang không bị đóng cửa vào ngày 30/9 và tiếp tục hoạt động đến ngày 07/12.

Dự luật chi tiêu trên được thông qua trong bối cảnh năm tài chính của Hoa Kỳ kết thúc vào ngày 30/9. (Theo TTXVN ngày 27/9)

Trung Quốc

Trong năm 2018, Trung Quốc sẽ xem xét cắt giảm 1/3 số giấy tờ cần thiết cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cắt giảm phí hải quan, giảm thời gian cần thiết cho việc thông quan hàng hóa, duy trì tăng trưởng xuất - nhập khẩu ổn định trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang được cải thiện theo hướng là một đất nước mở cửa cho kinh doanh. (Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 23/9)

Chính phủ Trung Quốc (ngày 27/9) thông báo cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các máy móc xây dựng và một số hàng hóa khác.

Việc cắt giảm thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11 và được áp dụng cho 1.585 loại hàng hóa, bao gồm nhiều thiết bị, máy móc công nghiệp (giảm từ 12,2% xuống 8,8%) và hàng dệt may, xây dựng (giảm từ 11,5% xuống 8,4%), sản phẩm giấy và vật liệu xây dựng (giảm từ 6,6% xuống 5,4%).

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu, sau khi Chính phủ nước này đã thực hiện chính sách tương tự cho mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng vào tháng 11/2017.

(Theo TTXVN ngày 28/9)

Argentina

Ngày 26/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đã đồng ý tăng khoản vay tín dụng cho Argentina thêm 14% lên 57,1 tỷ USD nhằm khôi phục lòng tin tại nền kinh tế này, giúp Argentina giải quyết các thách thức mà nước này đang phải đối mặt và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. (Theo TTXVN ngày 27/9)

Đàm phán - Ký kết

Hoa Kỳ và Hàn Quốc:

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký văn bản sửa đổi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) Hoa Kỳ - Hàn Quốc, theo đó Hoa Kỳ sẽ gia hạn mức thuế 25% đối với xe tải nhỏ nhập khẩu của Hàn Quốc thêm 20 năm đến năm 2041, còn Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi số lượng ô tô Hoa Kỳ không phải phụ thuộc vào các quy định của ngành công nghiệp nước này lên 50.000 chiếc.

Tổng thống Trump cho rằng, thỏa thuận mới này sẽ tạo ra những cải thiện đáng kể nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và tạo cơ hội mới để xuất khẩu các sản phẩm của Hoa Kỳ sang Hàn Quốc. (Theo TTXVN ngày 24/5)

Hoa Kỳ và Nhật Bản:

Ngày 26/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại song phương về hàng hóa cũng như các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm cả dịch vụ, sau khi hai bên hoàn thành những thủ tục cần thiết ở mỗi nước; đồng thời tái khẳng định quyết tâm tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, thúc đẩy phát triển nền kinh tế toàn cầu một cách tự do, công bằng và cởi mở.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đưa ra thông báo trên trong bối cảnh ngày càng gia tăng những dự đoán cho rằng Nhật Bản có thể là mục tiêu áp thuế tiếp theo của Hoa Kỳ sau khi Hoa Kỳ áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

(Theo TTXVN ngày 27/9)

Nhận định chuyên gia

Các chuyên gia của Ngân hàng JPMorgan Chase, Hoa Kỳ nhận định (25/9):

Năm 2020, thế giới sẽ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế, còn gọi là “siêu khủng hoảng” trên quy mô lớn, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Mô hình dự báo của JPMorgan Chase dựa trên các yếu tố gồm quãng thời gian tăng trưởng kinh tế, độ dài dự báo của cuộc suy thoái tiếp theo, mức độ vay nợ, định giá tài sản và mức độ nới lỏng các quy chế giám sát và mức độ sáng tạo tài chính.

Các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB nhận định (26/9):

Hoa Kỳ sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu nước này "kích hoạt" một cuộc chiến thương mại trên diện rộng.

Cụ thể, nếu Hoa Kỳ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu và các đối tác thương mại của nước này có động thái đáp trả tương tự, thì hoạt động thương mại của Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh, trong khi người tiêu dùng phải hứng chịu thiệt hại và niềm tin của các nhà đầu tư bị suy giảm. Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm đầu tiên sau khi cuộc chiến thương mại xảy ra có thể giảm 2%.

Chính sách

Hoa Kỳ: Ngày 26/9, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,25 điểm phần trăm lên 2 - 2,25%.

Đây là lần thứ 8 FED nâng lãi suất kể từ năm 2015, sau khi giữ tỷ lệ này ở mức thấp kỷ lục trong 7 năm (từ năm 2008), thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định, quan hệ thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là yếu tố tác động tới quá trình hoạch định chính sách của FED. (Theo TTXVN ngày 27/9)

Indonesia: Ngày 27/9, Ngân hàng trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã nâng lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 5,75% - lần thứ năm Bank Indonesia tăng lãi suất chuẩn kể từ giữa tháng 5/2018.

Việc tăng lãi suất đã kéo dài giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ được áp dụng bởi Bank Indonesia, với tổng mức tăng lãi suất là 150 điểm cơ bản (1,5 điểm phần trăm) kể từ ngày 17/5 tới nay.

Hong Kong: Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) ngày 27/9 đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 2,25% theo sau quyết định nâng lãi suất lần ba trong năm 2018 lên 2 - 2,25% của FED.

Philippines: Ngày 27/9, Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ tư trong năm nay, với mục tiêu kiềm chế lạm phát vốn đã “nhảy vọt” lên mức cao nhất trong 9 năm, cũng như tạo đà đi lên cho đồng nội tệ.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Philippines đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5% và lo ngại rằng nền kinh tế trong nước đang phát triển quá nóng.

(Theo TTXVN ngày 28/9)