Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 2-5/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Singapore: Trong quý IV/2018, kinh tế Singapore tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của quý III/2018 (2,3%) và dự báo của thị trường (2,7%).

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý III/2016, do lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm. Tính cả năm 2018, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,3%, thấp hơn so với 3,6% của năm 2017, tuy nhiên vẫn trong mục tiêu tăng trưởng 3 - 3,5% của Chính phủ. (Theo Cơ quan Thống kê Singapore ngày 02/01) 

Lạm phát

- Eurozone: Trong tháng 12/2018, lạm phát của Eurozone tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 1,9% của tháng 11/2018 và 1,8% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 4/2018, do giá năng lượng và thực phẩm tăng chậm. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 04/01)

- Indonesia: Trong tháng 12/2018, CPI của Indonesia tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tháng 11/2018 (3,23%)nhưng cao hơn dự báo của thị trường (2,98%). Chi phí thực phẩm, nhà ở và đồ dùng tiện ích tăng chậm, trong khi chi phí cho giao thông, dịch vụ tăng nhanh hơn. (Theo Văn phòng Thống kê Indonesia ngày 02/01)

- Thái Lan: Trong tháng 12/2018, CPI của Thái Lan tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 0,94% của tháng 11/2018 và 1% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, do chi phí giao thông giảm. Tính cả năm 2018, tỷ lệ lạm phát tại Thái Lan là 1,07%. (Theo Văn phòng Thống kê Thái Lan ngày 02/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 01/01 - 04/01/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 0,5%; 1% và 1,6% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (28/12/2018). Trong ngày giao dịch 05/01/2019:

+ Dow Jones tăng 764,94 điểm (3,29%), lên 23.433,16 điểm.

+ S&P 500 tăng 84,05 điểm (3,43%), lên 2.531,94 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 275,35 điểm (4,26%), lên 6.738,86 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,09 điểm (-0,92%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (04/01/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 50,51 điểm (2,05%), lên 2.514,87 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 326,1 điểm (1,3%), lên 25.390,46 điểm.

- Kospi Hàn Quốc giảm 16,3 điểm (-0,81%), xuống 1.993,7 điểm.

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 452,81 điểm (-2,26%), xuống 19.561,96 điểm.

- S&P/ASX 200 giảm 14 điểm (-0,25%), xuống 5.619,40 điểm.

Dầu mỏ

Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ trong tháng 10/2018 tăng 79.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục trên 11,5 triệu thùng/ngày đã đưa Hoa Kỳ vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, sản lượng khí tự nhiên ở 48 bang của Hoa Kỳ cũng tăng cao kỷ lục là 96,7 tỷ feet khối/ngày trong tháng 10/2018. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 31/12)

Trong năm 2018, sản lượng dầu thô của Nga đã tăng mức cao kỷ lục là 11,16 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2018 đạt 555,838 triệu tấn, cao hơn so với mức sản lượng 547 triệu tấn của năm 2017.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, sản lượng khai thác dầu mỏ của nước này có thể giảm còn 552 triệu tấn trong năm 2019, khi các nhà sản xuất thực thi thỏa thuận hạn chế sản lượng từ đầu năm 2019. Giá dầu mỏ sẽ ổn định hơn trong nửa đầu năm 2019. (Theo Bộ Năng lượng Nga ngày 02/01)

Tuần từ ngày 01/01 - 04/01/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 5,8% và 9,3%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (04/01/2019), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2019:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ tăng 0,87 USD (1,85%), lên 47,96 USD/thùng.

- Dầu Brent tăng 1,11 USD (1,98%), lên 57,06 USD/thùng.

Châu Âu

- EC: Ngày 04/01, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về quyết định áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu vượt quá hạn ngạch vào EU kể từ ngày 02/02/2019.

Cụ thể, lượng thép nhập khẩu vượt hạn ngạch nhưng không quá 105% mức trần cho phép trong giai đoạn 2015 - 2017 sẽ được miễn thuế đến năm 2021, nếu thép nhập khẩu vượt quá mức trên sẽ bị áp thuế 25%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thép của Hàn Quốc sẽ được cấp thêm hạn ngạch ngoài sản lượng xuất khẩu trung bình sang EU trong giai đoạn 2019 - 2021.

Cụ thể, hạn ngạch bổ sung cho thép nhập khẩu Hàn Quốc sẽ tăng lên 105% từ ngày 02/02 - 30/6/2019, 110% từ ngày 07/01/2019 - 30/6/2020 và 116% từ 01/7/2020 - 30/6/2021. (Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc 04/01)

- Italy: Hạ viện Italy ngày 30/12 đã thông qua kế hoạch ngân sách 2019 sửa đổi đối. Theo đó, Italy sẽ cắt giảm một số chi phí cơ bản nhằm hạn chế gia tăng nợ công đang ở mức 2.300 tỷ EUR, tương đương 131,7 % GDP, cao hơn nhiều so với mức trần quy định 60% của EU. Thâm hụt ngân sách năm 2019 của Italy sẽ được điều chỉnh xuống mức tương đương 2,04% GDP. (Theo TTXVN ngày 30/12)

- Đức: Ngày 04/01, Cục Giao thông Vận tải Đức (KBA) công bố số liệu cho thấy doanh số tiêu thụ ô tô tại nước này trong năm 2018 giảm 0,2% so với năm 2017 (có 3,44 triệu ô tô mới được đăng ký lưu hành), do ngành công nghiệp ô tô chịu những tác động mạnh từ các biện pháp đánh giá tiêu chuẩn khí thải được EU áp dụng từ ngày 01/9/2018.

- Nga: Trong năm 2018, nền kinh tế Nga đã đạt được những thành tựu nổi bật sau:

+ Dự trữ vàng cao kỷ lục: Ngân hàng Trung ương Nga đã mua 92,2 tấn vàng, vươn lên vị trí số 1 thế giới về khối lượng vàng mua vào. Dự trữ vàng vượt mức 2.000 tấn, trị giá khoảng 78 tỷ USD, đưa tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối đạt 18%.

+ Ngân sách thặng dư kỷ lục: Nga đạt thặng dư ngân sách ở mức 2,5% GDP, trái ngược với mức thâm hụt khoảng 1,4% GDP của năm 2017. Đây là lần đầu tiên Nga đạt thặng dư ngân sách trong vòng 7 năm qua.

+ Nợ chính phủ thấp kỷ lục: Nga là một trong những quốc gia có tổng số nợ nước ngoài thấp nhất thế giới, chỉ ở mức 525 tỷ USD. Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, Nga dẫn đầu về tốc độ cắt giảm nợ nước ngoài (bao gồm nợ nhà nước và nợ của tất cả các khu vực trong nền kinh tế).

(TTXVN ngày 05/01 dẫn tin từ Hãng tin Ria Novosti - Nga)

Hoa Kỳ

Trong tháng 12/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Hoa Kỳ đạt 53,8 điểm, thấp hơn so với 55,3 điểm của tháng 11 và là mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua, do sản lượng sản xuất và các đơn đặt hàng tăng chậm, trong khi sự lạc quan về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất 2 năm. (Theo Công ty Dữ liệu tài chính IHS Markit ngày 02/01)

Hầu hết các yếu tố của hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ, từ sản xuất, phân phối và thuê nhân công, đều sụt giảm trong tháng 12/2018. Theo đó, chỉ số sản xuất quốc gia giảm 5,2 điểm xuống còn 54,1 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008 - thời điểm nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái, do các đơn đặt hàng giảm.

Điều này cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bị tác động bởi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại tại Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn nhận định kinh tế Hoa Kỳ sẽ không xảy ra suy thoái. (Theo Khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM công bố ngày 03/01)

Ngày 03/01, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua gói ngân sách nhằm chấm dứt tình trạng Chính phủ Liên bang đóng cửa một phần. Gói ngân sách trên gồm một dự thảo cấp tiền cho Bộ An ninh nội địa theo mức hiện tại tới hết ngày 08/02/2019; 1,3 tỷ USD cho việc xây hàng rào biên giới; 300 triệu USD cho các hạng mục an ninh biên giới khác như trang bị camera và thiết bị công nghệ.

Phần thứ hai của đề xuất là cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang hiện đang không có ngân sách bao gồm các bộ Tư pháp, Thương mại và Giao thông cho tới ngày 30/9/2019. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách này không cấp khoản tiền 5 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường biên giới phía Nam với Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Theo TTXVN ngày 03/01)

Trong tháng 12/2018, kinh tế Hoa Kỳ có thêm 312 nghìn việc làm mới. Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell, các báo cáo việc làm đã làm giảm quan ngại về việc lạm phát tăng cao và FED tiếp tục xem xét nâng lãi suất trong năm 2019 và thu hẹp bảng cân đối kế toán, tùy thuộc vào các số liệu về kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 04/01)

Trung Quốc

Trong tháng 12/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc chỉ đạt 49,4 điểm, mức thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Đây là lần đầu tiên sản xuất của Trung Quốc thu hẹp (PMI dưới 50 điểm) kể từ tháng 7/2016 cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục mất đà, làm tăng rủi ro suy giảm kinh tế cho nước này và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc kéo dài. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 31/12/2018)

Trong tháng 11/2018, lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực công nghiệp tại Trung Quốc giảm 1,8% so với tháng 10/2018 xuống 594,8 tỷ NDT (86,33 tỷ USD), lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2015. Tính chung 11 tháng, lợi nhuận trong lĩnh vực công nghiệp tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017 lên 6,1 nghìn tỷ NDT, thấp hơn mức tăng của 10 tháng là 13,6%.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tăng 16,1% lên 1,8 nghìn tỷ NDT trong 11 tháng, thấp hơn so với 20,6% trong 10 tháng. Tại thời điểm cuối tháng 11, các khoản nợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở mức 64,6%. (Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 02/01)

Trong năm 2018, tổng doanh số bán nhà của 100 nhà thầu lớn nhất Trung Quốc tăng 35%. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc lo ngại thị trường bất động sản ở một số thành phố đã phát triển quá nhanh .

CIRC nhận định, lĩnh vực bất động sản sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng doanh số hằng năm của 100 nhà thầu lớn nhất giảm còn 20 - 30%. (Theo Công ty Nghiên cứu tư nhân CIRC ngày 03/01)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC (04/01) quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng lớn và nhỏ tại nước này xuống lần lượt là 14,5% và 12,5%, trong bối cảnh Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 và sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ.

Động thái trên giúp thị trường có thêm 800 tỷ NDT (116,51 tỷ USD), sau khi các ngân hàng đã sử dụng 1.500 tỷ NDT (khoảng 218,5 tỷ USD) được bơm vào hệ thống tài chính để thanh toán các khoản nợ trung hạn.

Dự kiến PBoC sẽ cắt giảm RRR ở mức 0,5% lần lượt vào các ngày 15/01 và 25/01, trước dịp Tết Nguyên Đán, cũng là thời điểm các điều kiện tiền mặt thường bị siết chặt.

Nhật Bản

Hãng tin Kyodo ngày 03/01 công bố kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 63% công ty lớn tại Nhật Bản dự đoán nền kinh tế nước này tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2019.

Tỷ lệ này thấp hơn so với khảo sát đầu năm 2018 (82% số công ty dự đoán nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh trong năm 2018), trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực chống đỡ trước khả năng nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm sau khi thuế tiêu dùng ở Nhật Bản tăng vào tháng 10/2019. 

Hàn Quốc

- Trong năm 2018, giá trị các đơn hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 605,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2017; giá trị nhập khẩu đạt 535 tỷ USD, tăng 11,8%, giúp cán cân thương mại thặng dư 70,5 tỷ USD. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Hàn Quốc duy trì thặng dư thương mại. 

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng 600 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ sáu trên thế giới. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 01/01)

- Chính phủ Hàn Quốc đề ra phương hướng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh công nghiệp nhằm đạt muc tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 600 tỷ USD trong hai năm liên tiếp.

Tuy nhiên, tình hình thị trường xuất khẩu trong năm 2019 sẽ không khả quan trước các yếu tố như sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự hồi phục kinh tế thế giới đang ngày càng chậm lại. (Theo Thời báo Kinh tế AJU của Hàn Quốc ngày 03/01)

 Australia

Trong tháng 12/2018, giá nhà ở Australia giảm 1,8% so với tháng 11, tháng giảm thứ 15 liên tiếp. Tính cả năm 2018, giá nhà ở Australia giảm gần 5%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh các điều kiện tín dụng bị thắt chặt và mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm sút. Giới chuyên gia dự báo giá nhà ở Australia có thể sẽ giảm thêm trong năm 2019. (Hãng tin Reuters ngày 01/01 dẫn dữ liệu từ Công ty Tư vấn bất động sản CoreLogic)