Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 25/02-01/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Châu Âu

Anh:

- Sản lượng xe mới trong tháng 01/2019 tại nước Anh đạt 120.649 chiếc, giảm 18,2% - tháng giảm thứ 8 liên tiếp, do sự thay đổi các mẫu xe và nhu cầu yếu tại Anh cũng như các thị trường xuất khẩu lớn (lượng xe xuất khẩu giảm 21,4%). Ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với nhiều thách thức từ sự sụt giảm nhu cầu tại các thị trường chủ chốt, tình trạng leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, cho đến yêu cầu phải đi đầu trong phát triển công nghệ tương lai.

Trong đó nguy cơ kịch bản Brexit không đạt được thỏa thuận có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành sản xuất ô tô châu Âu. Dự báo doanh số bán ô tô tại Anh sẽ giảm 2% trong năm 2019 do niềm tin của người tiêu dùng thấp và các tác động bất lợi từ sự kiện Brexit. (Theo Hiệp hội các nhà chế tạo và buôn bán ô tô Anh  - SMMT  ngày 28/02)

- Anh đã đạt được thỏa thuận tiếp tục ở lại trong Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Anh là một thành viên ký GPA và có quyền tiếp cận thị trường mua sắm công trị giá 1.700 tỷ USD.

Được ký kết vào năm 1994, GPA - bao gồm các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản - hướng tới mở cửa nhiều nhất có thể các thị trường mua sắm công và cho phép cạnh tranh nước ngoài trong các dự án chính phủ, đảm bảo mua sắm trở nên minh bạch. (Theo Chính phủ Anh ngày 27/02)

- Niềm tin tiêu dùng ở Anh tháng 02/2019 đã tăng từ -14 điểm trong tháng 01/2019 lên -13 điểm và cao hơn mức kỳ vọng của thị trường là -15 điểm, nhờ sự hỗ trợ của niềm tin đối với việc làm và tiền lương. (Theo Công ty GfK NOP ngày 28/02)

Châu Á

Thái Lan:

- Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) đã phê duyệt 5 dự án đầu tư với tổng trị giá 40,462 tỷ THB (gần 1,3 tỷ USD), được triển khai trong khu vực Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC). Đề án đầu tư lớn nhất đến từ nhà đầu tư Trung Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến 10,061 tỷ THB (322 triệu USD) để triển khai dự án sản xuất lốp ô tô ở tỉnh Chon Buri; tiếp đến là dự án của hãng sản xuất lốp ô tô General Rubber, với tổng giá trị 9,721 tỷ THB (hơn 310 triệu USD); dự án xây dựng trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu máy bay ở tỉnh Rayong của liên doanh Thai Airways với một công ty nước ngoài trị giá 6,468 tỷ THB (206 triệu USD); dự án của hãng hàng không giá rẻ Thai Lion trị giá 6,968 tỷ THB (223 triệu USD); dự án của công ty sản xuất phụ tùng ô tô AW Thailand ở tỉnh Chon Buri, trị giá 7,244 tỷ THB (232 triệu USD). (Theo truyền thông Thái Lan ngày 26/02)

- Tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan trong tháng 01/2019 đã giảm 0,3% xuống còn 1% so với cùng kỳ năm 2018. Số người thất nghiệp giảm 85 nghìn so với năm 2018 xuống còn 390 nghìn người, trong khi số người có việc làm tăng 430 nghìn người lên 37,50 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan trung bình đạt 1,43% trong giai đoạn 2001 - 2018, mức cao nhất lịch sử là 5,73% vào tháng 01/2001 và mức thấp kỷ lục là 0,39% vào tháng 11/2012. (Theo Ngân hàng Thái Lan ngày 26/02)

- Chỉ số PMI sản xuất Thái Lan tháng 02/2019 đã giảm xuống 49,9 điểm từ 50,2 điểm trong tháng 01/2019, ghi nhận mức yếu nhất trong 3 tháng qua, do việc làm tiếp tục giảm tháng thứ năm liên tiếp; các nhà sản xuất trở nên thận trọng hơn về mức tồn kho, cắt giảm mua hàng đầu. Dự báo trong thời gian tới, chỉ số PMI được cải thiện nhờ gia tăng doanh số, chiến lược tiếp thị mới phát huy hiệu quả và việc cung cấp sản phẩm được mở rộng hơn.

(Theo Nikkei ngày 01/3)

Ấn Độ:

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 23/02 đã công bố tầm nhìn đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế quy mô 10.000 tỷ USD, lớn thứ 3 thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn nước này sẽ có vô số những công ty khởi nghiệp và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực ô tô điện.

Ấn Độ vượt qua hàng loạt khó khăn kinh tế như lạm phát vượt kiểm soát và thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,4%, cao nhất thời hậu tự do hóa, lạm phát ở mức thấp nhất dưới 4,5%. Bên cạnh đó, những cải cách về thuế hàng hóa và dịch vụ đã tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng GDP. (Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 23/02)

Hàn Quốc:

Tháng 01/2019, sản xuất công nghiệp ở Hàn Quốc đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 0,7% của tháng 12/2018 và 1% theo dự báo của thị trường. Tính theo tháng, sản lượng công nghiệp tăng 0,5%, cao hơn mức giảm 0,8% trong tháng 12/2018 và mức dự báo 0,2% của thị trường.

(Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc ngày 28/02)

Châu Úc

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Australia (RBA) vừa công bố mẫu tờ tiền 20 AUD mới với những thay đổi lớn trong thiết kế chống làm giả. Mẫu tiền này dự kiến sẽ được phát hành trên toàn quốc vào tháng 10/2019.

Tờ 20 AUD mới có một số chi tiết nổi bật để “nâng cao tính an toàn và dễ nhận diện”: Miếng polymer trong suốt có chứa các đặc tính động chẳng hạn như hình ảnh chim kookaburra chuyển động cánh và thay đổi màu sắc có thể quan sát được khi nhìn nghiêng tờ tiền; sử dụng kỹ thuật ‘microprint’ (chữ in rất nhỏ) nhằm chống làm giả; thiết kế với ba đường in nổi ở gần hai cạnh dài của tờ tiền nhằm giúp người khiếm thị dễ dàng phân biệt với những tờ tiền khác. Sau tờ 20 AUD, RBA sẽ phát hành tờ 100 AUD mới vào năm 2020. (Theo TTXVN ngày 23/02)

Hoa Kỳ

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Hoa Kỳ (NABE) đối với 281 thành viên từ ngày 30/01 - 08/02, khoảng 86% số nhà kinh tế cho rằng, việc áp thuế đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu có thể tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng lo ngại mức thuế quan hiện nay mà Hoa Kỳ đang áp dụng với các mặt hàng nhập khẩu, có có tới 36% số ý kiến được hỏi cho rằng nếu vẫn duy trì mức thuế quan hiện nay thì tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong năm 2019 sẽ giảm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), trong khi 26% dự đoán tăng trưởng GDP giảm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm). (Theo NABE ngày 25/02)

Gần một nửa các nhà kinh tế học kinh doanh tại Hoa Kỳ được khảo sát nhận định rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2020; 10% cho biết suy thoái kinh tế có thể ngay trong nửa đầu năm 2019; 11% cho rằng có thể tránh khỏi suy thoái qua năm 2021.

Kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu đà tăng trưởng từ tháng 6/2009, khi cuộc đại suy thoái chính thức chấm dứt. Đà tăng trưởng nếu kéo dài qua tháng 6/2019 thì kinh tế Hoa Kỳ sẽ lập nên một kỷ lục về khoảng thời gian tăng trưởng. Nhiều nhà kinh tế học nhận định tốc độ tăng vừa phải hơn 2% thường niên đã góp phần kéo dài đà tăng trưởng đi lên của Hoa Kỳ. (Theo NABE ngày 25/02)

Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ ngày 27/02 tuyên bố sẽ chính thức đình chỉ việc tăng thuế đối hàng hóa Trung Quốc cho tới khi có thông báo mới, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định hoãn hạn chót ngày 01/3 để đạt được thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc trong bối cảnh đàm phán giữa hai nước có nhiều tiến triển. Hiện tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao của hai nước đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. (Theo Reuters ngày 28/02)

Tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đạt 2,9%, tăng 2,2% so với năm 2017 và gần bằng mức tăng trưởng mục tiêu được Tổng thống Donald Trump đặt ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 13 năm qua. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ tháng 01/2019 dự báo Hoa Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2019, do chính sách cắt giảm thuế thực hiện vào năm 2017, cũng như việc cắt giảm dần các biện pháp kích thích tài chính. (Theo Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ngày 27/02)

Trung Quốc

Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 02/2019 giảm từ 49,5 điểm (tháng 01/2019) xuống 48,2 điểm, báo hiệu sự sụt giảm của hoạt động sản xuất, do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với nhu cầu trong nước suy giảm. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm và là lần đầu tiên hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm kể từ tháng 01/2009, thời điểm toàn cầu chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 28/02)

 

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã tán thành kế hoạch ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sửa đổi với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm cả việc tự do hóa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. FTA giữa các thành viên ASEAN, đối tác thương mại lớn của Nhật Bản ở châu Á sau Trung Quốc, sẽ có hiệu lực tại các nước đã hoàn tất các thủ tục nội bộ.

Nhật Bản sẽ ký hiệp định này vào ngày 27/02 và trình lên Quốc hội thông qua trong mùa Thu này. Trong khi đó, các nước ASEAN dự kiến bắt đầu ký kết từ ngày 02/3 tới. Nhật Bản cũng đã ký các FTA song phương với 7 nước ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nhưng chưa ký với Myanmar, Lào và Campuchia. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày ngày 26/02)

Sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản tháng 01/2019 đã giảm 3,7% so với tháng 12/2018, cao hơn mức giảm 0,1% so theo tháng của tháng 12/2018 và 2,5% của thị trường. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/2018, chủ yếu do xe cơ giới giảm 8,6%; máy móc chạy bằng điện, thiết bị điện tử thông tin và truyền thông giảm 9,9%; máy móc sản xuất giảm 9,8%. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 28/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 25/02 - 01/3/2019, chỉ số Dow Jones giảm 0,02%; S&P 500  và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,39% và 0,9%, so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (22/02/2019). Trong ngày giao dịch 01/3/2019:

+ Dow Jones tăng 110,32 điểm (+0,43%) lên 26.026,32 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 tăng 19,20 điểm (+0,69%) lên 2.803,69 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 62,82 điểm (+0,83%) lên 7.595,35 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,48 điểm (-0,31%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (01/3/2019) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 217,53 điểm (+1,02%) lên 21.602,69 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) tăng 53,05 điểm (+1,80%) lên 2.994,00 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 178,99 điểm (+0,63%) lên 28.812,17 điểm.

Dầu mỏ

Khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được giao dịch trên toàn cầu sẽ tăng 11% lên 354 triệu tấn trong năm 2019, khi các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động sẽ tăng nguồn cung cho châu Âu và châu Á. Châu Á tiếp tục là khu vực chiếm lĩnh thị trường, Nhật Bản tiếp tục là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiện hóa lỏng hàng đầu thế giới và Trung Quốc đứng thứ hai. (Theo Tập đoàn Royal Dutch Shell ngày 26/02)

Trong tuần kết thúc vào ngày 22/02, các kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm 8,647 triệu thùng, từ mức tăng 3,672 triệu trong tuần trước đó. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 06/7/2018. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm 1,906 triệu thùng, sau khi giảm 1,454 triệu trong tuần trước đó.

(Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA  ngày 28/02)

Xuất khẩu dầu thô của Venezuela đã giảm 40% trong tháng 01/2019, từ 1,66 triệu thùng/ngày xuống còn 920.000 thùng/ngày, do tác động của các biện pháp trừng phạt mới mà Hoa Kỳ đưa ra hồi đầu năm 2019 nhằm gây sức ép đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Khoảng 70% số lượng dầu thô xuất khẩu của Venezuela hiện nay được chuyển cho các khách hàng ở châu Á, trong đó đối tác lớn nhất là Ấn Độ, tiếp đến là Singapore và Trung Quốc; ngoài ra là cac thị trường tại châu Âu, Hoa Kỳ, khu vực Caribe…

(Theo Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA ngày 28/02)

Tuần từ ngày 25/02 - 01/3/2019, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt 2,55% và 1,65%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (01/3/2019), giá dầu thô kỳ hạn:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ giảm 1,42 USD (-2,54%) xuống 55,80 USD/thùng.

- Dầu Brent giảm 0,02 USD (-0,03%) xuống 66,01 USD/thùng.