Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 25-30/6/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Hoa Kỳ: Trong quý I/2018, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đạt 2%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó và giảm mạnh so với mức tăng trưởng kỷ lục 2,9% của 3 tháng cuối năm 2017.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng trong quý II/2018 tăng lên khoảng 4% nhờ xuất khẩu tăng, có thêm nhiều đơn đặt hàng nhà máy và nhu cầu chi tiêu tăng. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/6)

Dầu mỏ

Tồn kho dầu thô của Hoa Kỳ giảm 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/6, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay và giảm sâu hơn mức dự báo 2,3 triệu thùng của các chuyên gia đưa ra trước đó.

Mức giảm tồn kho trên do xuất khẩu dầu thô tăng ở mức kỷ lục khi nhu cầu về dầu trong nước và quốc tế tăng mạnh. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA và Công ty ClipperData ngày 27/6)

Châu Âu

EU

- Các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trị giá 15 tỷ EUR trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ EUR dành cho Hy Lạp, chấm dứt chương trình cứu trợ cho nước này vào ngày 20/8/2018, khép lại 8 năm Hy Lạp phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Ngoài ra, các chủ nợ cũng nhất trí gia hạn 10 năm đối với các khoản nợ chính trong tổng số nợ bắt buộc của Hy Lạp, hiện chiếm 180% GDP, bằng gần gấp đôi sản lượng kinh tế hằng năm của Hy Lạp. (Theo Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici ngày 22/6)

- Theo nghiên cứu “Đầu tư cho tương lai châu Âu” của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính (EY) ngày 25/6, từ nay đến năm 2025, châu Âu cần huy động khoảng 275 tỷ EUR (khoảng 300 tỷ USD)đầu tư để đảm bảo tăng trưởng.

Nghiên cứu của EY dựa trên các số liệu cơ bản về 5 lĩnh vực tăng trưởng (nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo; số hóa; cơ sở hạ tầng; giáo dục và y tế) đối với tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ. (Theo EY ngày 25/6)

- Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường năng lực quản lý và giám sát để đối phó với làn sóng các công ty tài chính chuyển hướng hoạt động từ London sang các địa điểm khác ở châu Âu sau khi Vương quốc Anh rời khỏi khối này.

Do vậy, bà Christine Lagarde cho rằng, EU cần phải đảm bảo được năng lực quản lý và giám sát để chuẩn bị cho “làn sóng” các công ty tài chính “chảy” vào châu Âu và Ireland như là một phần kết quả của quá trình Brexit. (Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF bà Christine Lagarde ngày 25/6)

Hy Lạp

Ngày 25/6, Cơ quan Xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P đã nâng thêm 1 bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp lên mức B+ do khả năng thanh toán nợ công của nước này đã được cải thiện. Cuộc khủng hoảng kéo dài 8 năm đã làm kinh tế Hy Lạp suy giảm 25%, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên mức 20%.

Việc Eurozone gia hạn nợ và nguồn tài chính dự trữ lớn có thể giúp Hy Lạp thanh toán nợ tới năm 2021 và hoàn trả một phần nợ đáo hạn vào năm 2022. Tuy nhiên, nợ công của Hy Lạp trên GDP vẫn cao thứ hai trên thế giới, sau Nhật Bản.

Bên cạnh đó, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài còn yếu nên Hy Lạp cần tiếp tục các biện pháp cải cách để khôi phục nền kinh tế và niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng. (Theo S&P ngày 25/6)

Anh

Đầu tư vào ngành ô tô của Anh đã giảm xuống còn 347 triệu GBP (tương đương 461 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức 647 triệu GBP (gần 800 triệu USD) của cùng kỳ năm 2017.

Hiệp hội các nhà chế tạo và buôn bán ô tô (SMMT) cảnh báo các dự án đầu tư mới của ngành đang bị cản trở, do những diễn biến liên quan đến cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU về tiến trình Brexit. (Theo SMMT)

Đức

Ủy ban ngân sách của Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch cân đối ngân sách trị giá 343,6 tỷ EUR (khoảng 397,4 tỷ USD) cho năm tài khóa 2018, tăng gần 4% so với năm tài khóa 2017 nhằm tăng chi tiêu mà không phát sinh thêm khoản nợ mới nào.

Ông Eckhardt Rehberg - Ủy ban ngân sách của Quốc hội Đức cho biết, ngoài việc tránh phát sinh các khoản nợ mới, kế hoạch ngân sách vừa được thông qua sẽ thúc đẩy đầu tư thêm 2,8 tỷ EUR, lên mức 39,8 tỷ EUR, so với 37 tỷ EUR trong ngân sách được Bộ trưởng Tài chính Olaf Schloz công bố hồi tháng 5/2018.

Ngoài ra, khoản ngân sách này sẽ tạo thêm 3.075 việc làm trong ngành an ninh Đức và 525 việc làm mới cho Cơ quan hình sự liên bang. Dự kiến, bản kế hoạch ngân sách mới sẽ được trình bày trước Quốc hội Liên bang Đức để tiến hành bỏ phiếu vào tuần tới. (Theo phóng viên TTXVN tại Berlin ngày 28/6)

Châu Á

Hàn Quốc

- Chính phủ Hàn Quốc đã ấn định khoản ngân sách cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2019 là 3.500 tỷ KRW (3,16 tỷ USD), tăng 14,5% so với mức 3 nghìn tỷ KRW trong năm 2018.

Trong đó, khoảng 2.260 tỷ KRW (65%) sẽ được dành cho các dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nhằm tạo nền tảng cho các nước đang phát triển tự lực; 154,4 tỷ KRW được chi cho lương thực và các dự án chống khủng hoảng nhân đạo khác.

Khoản ngân sách này sẽ được phân bổ cho 1.472 dự án, tăng so với con số 1.312 dự án trong năm 2018.Khoảng 60% ngân sách này sẽ được chi cho các dự án của các quốc gia châu Á và châu Phi trong các lĩnh vực như vận tải, y tế và giáo dục. (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/6)

- Hàn Quốc đã chia sẻ chính sách phát triển du lịch với các nước đang phát triển (Cambodia, Indonesia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Sri Lanka, Uzbekistan, Peru và Việt Nam) nhằm giúp các nước này đào tạo các chuyên gia về du lịch.

Với kinh nghiệm phát triển du lịch, Hàn Quốc đã thu hút lượng khách du lịch từ khoảng 10 nghìn lượt khách năm 1960 lên 13 triệu lượt khách năm 2017. (Theo Ông Keum Gi-hyung, Cục trưởng Cục Chính sách phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 25/6)

Ai Cập

Ai Cập có kế hoạch chấm dứt hoàn toàn chính sách trợ giá nhiên liệu vào năm 2019 - đây là một phần trong kế hoạch cải cách kinh tế của chính phủ nước này để cắt giảm thâm hụt ngân sách ngày một gia tăng.

Theo đó, Ai Cập đã tăng giá xăng A92 tăng từ 5 EGP/lít lên 6,75 EGP/lít; xăng A95 tăng từ 6,6 EGP/lít lên 7,75 EGP/lít. Bên cạnh đó, giá khí đốt sinh hoạt tăng từ 30 EGP/bình lên 50 EGP/bình, trong khi giá khí đốt phục vụ mục đích thương mại tăng từ 60 EGP/bình lên 100 EGP/bình.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, quyết định tăng giá nhiên liệu sẽ giúp Ai Cập đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức ước tương đương 9,8% GDP trong tài khóa 2017 - 2018 xuống còn 8,4% GDP tài khóa 2018 - 2019. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập, ông Tariq al-Mulla ngày 25/6)

Hoa Kỳ

Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này trong tuần kết thúc ngày 16/6 đã giảm 3 nghìn đơn, xuống 218.000 đơn, đánh dấu tuần giảm thứ 21 liên tiếp lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp nằm dưới ngưỡng 250.000 đơn.

Kết quả trên, cùng với tỷ lệ cắt giảm nhân sự thấp, cho thấy nhiều khả năng tháng Sáu này tiếp tục là một tháng khởi sắc của thị trường lao động Hoa Kỳ. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 21/6)

Nợ công của Chính phủ liên bang sẽ ở mức 78% GDP trong năm tài chính (2018 - 2019), là mức cao nhất trong gần 70 năm qua, trước khi lên tới 152% vào năm 2028.

Dự báo nợ công tiếp tục tăng trong 2 năm tới và kéo dài đến năm 2026 trong bối cảnh mức thuế thu nhập cá nhân được sẽ tăng; chi tiêu ngân sách liên bang được dự báo tăng từ 19% GDP hiện nay lên 23% trong 30 năm tới và các khoản chi trả cho an ninh xã hội, chăm sóc sức khỏe và tiền lãi nợ công cũng sẽ tăng.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) dự báo, tiền lãi nợ công sẽ tăng từ 1,6% lên 3,1% GDP trong năm 2018 và sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Đến năm 2048, tiền lãi nợ công sẽ tăng lên 6,3%. (Theo CBO ngày 27/6)

Trong quý I/2018:

- Lợi nhuận sau thuế của các công ty tăng 8,7% - mức tăng cao nhất trong gần 4 năm trở lại đây nhờ quyết định cắt giảm thuế hồi tháng 12/2017 của Tổng thống Donald Trump.

- Chi tiêu người tiêu dùng tăng 0,9% - mức thấp nhất kể từ quý II/2013.

- Tỷ lệ thất nghiệp là 3,8% - mức thấp nhất trong 18 năm trở lại đây và tiến rất gần đến mục tiêu 3,6% vào cuối năm nay do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đặt ra.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/6)

Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 24/6 cho biết sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%) lượng tiền mặt được coi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của một số ngân hàng nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ.

Việc cắt giảm RRR của các ngân hàng sẽ giải phóng được khoảng 500 tỷ CNY (77 tỷ USD) tại 5 ngân hàng lớn của Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần quốc gia. Việc cắt giảm được áp dụng đối với các ngân hàng lớn có RRR là 16% và các ngân hàng nhỏ có RRR là 14%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05/7.

Trung Quốc sẽ miễn thuế một số mặt hàng trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ làm cho giá đậu của Hoa Kỳ tăng lên.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% đối với một số nông sản quan trọng (đậu nành, dầu đậu nành, hạt cải dầu, mỡ bò và mỡ cừu) nhập khẩu từ các nước Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Hàn Quốc và Sri Lanka, đồng thời cũng giảm thuế cho hàng chục sản phẩm khác, kể từ ngày 01/7. (Theo AFP ngày 26/6)

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ La-tinh đã tăng tới 110 tỷ USD trong giai đoạn 2013 - 2016 và sẽ tiếp tục tăng vào những năm tới. Mặc dù sự gia tăng trên mang lại cơ hội tăng trưởng cho Mỹ La-tinh, đặc biệt tại các quốc gia nhỏ, song cũng tạo thêm nhiều rủi ro.

Nguồn vốn tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và ngày càng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất nguyên liệu thô, dịch vụ cho đến tài chính.Dòng tiền đổ vào Mỹ La-tinh ngày càng tăng dưới nhiều hình thức, gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, các khoản vay, và tác động đến toàn bộ khu vực.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, Trung Quốc đã cấp tín dụng với tổng trị giá 222 tỷ USD cho Chính phủ các nước Mỹ La-tinh, trong đó một nửa nguồn vốn được đầu tư vào hạ tầng và 1/3 dành cho năng lượng. (Theo Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 26/6)

Trung Quốc sẽ điều chỉnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 01/7/2018.

Sự điều chỉnh này đối với các sản phẩm theo 8.549 mã thuế được sản xuất tại Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Hàn Quốc và Sri Lanka trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (APTA).

Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh này, mức thuế đối với 2.323 chủng loại hàng hóa như hóa chất, thiết bị quang học và camera truyền hình sẽ được giảm.(Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 27/6)

 

Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã trở thành cổ đông lớn của gần 40% các công ty niêm yết khi liên tục mua cổ phiếu theo chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng”.

BoJ đã mua khoảng 25 nghìn tỷ JPY (227 tỷ USD) vốn cổ phần thông qua việc mua chứng chỉ quỹ ETF, tương ứng bằng gần 4% tổng giá trị thị trường (khoảng 652 nghìn tỷ JPY) của các cổ phiếu được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo. (Theo BoJ ngày 27/6)

Nhận định
chuyên gia

Matthew Hornbach, chiến lược gia trưởng về lãi suất toàn cầu tại Morgan Stanley (22/6):

Lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh trong năm 2018 và đà tăng sẽ bị hạn chế bởi căng thẳng thương mại và đồng USD mạnh hơn. Các nhà đầu tư nên mua trái phiếu chính phủ 10 năm ngay lập tức với lãi suất 2,9%.

Các yếu tố có thể chặn đà tăng của lợi suất là tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường trái phiếu trong hai tuần tới, nhu cầu mua trái phiếu tăng từ các nhà đầu tư Nhật Bản trong tháng 7 và số liệu kinh tế không tốt từ Canada.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS (24/6):

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể để lại hậu quả "kép", chấm dứt thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của năm 2017 và "châm ngòi" cho cuộc suy thoái kinh tế mới.

Các biện pháp áp thuế đáp trả nhau hiện nay vẫn ở mức độ có thể kiểm soát, nhưng cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ hủy hoại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách bảo vệ cơ chế thương mại tự do và mở cửa nên cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn cầu.