Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 29/10-3/11/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng -Lạm phát

Tăng trưởng

- Hoa Kỳ: Trong quý III/2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đạt 3,5%, thấp hơn so với mức tăng 4,2% của quý II/2018.

Tuy nhiên đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của Hoa Kỳ tăng với tốc độ cao nhất kể từ giữa năm 2014.Chi tiêu tiêu dùng (chiếm 70% hoạt động kinh tế Hoa Kỳ) tăng 4%, cao hơn so với mức tăng 3,8% của quý II/2018 và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 3,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, trong khi nhập khẩu tăng 9,1%, mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 2017, chủ yếu do sức mua ô tô và hàng tiêu dùng tăng mạnh.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế lo ngại rằng thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ suy giảm trong thời gian vừa qua có thể là một dấu hiệu cảnh báo về khả năng kinh tế Hoa Kỳ giảm tốc trong những tháng tới. Dự báo năm 2018, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 3%, mức tăng cao nhất trong 13 năm qua.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm xuống 2,4% trong năm 2019 và 2% vào năm 2020, do tác động từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/10)

- Eurozone: Trong quý III/2018, nền kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,2%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 0,4% của quý II/2018 và dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ quý II/2014, khi nền kinh tế Eurozone cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0,2%.

Số liệu kém tích cực này có thể làm tăng những quan ngại về tình trạng xung đột thương mại trên thế giới đã tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 30/10)

- Pháp: Trong quý III/2018, kinh tế Pháp tăng trưởng 0,4%, cao hơn so với mức tăng 0,2% của quý II/2018, nhờ chi tiêu tiêu dùng và hoạt động chế tạo gia tăng. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Pháp giảm xuống còn 8,9% vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Philippe Waechter của Ostrum Asset Management nhận định, kinh tế Pháp hiện thiếu xung lực và sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng 2,2% của năm 2017. (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Pháp - INSEE ngày 30/10)

- Đức: Trong tháng 10/2018, tỷ lệ lạm phát của Đức là 2,5%, cao hơn so với tỷ lệ 2,3% của tháng 9/2018 và 2,4% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2008, do giá dịch vụ và năng lượng tăng nhanh. (Theo Cơ quan Thống kê Đức ngày 30/10)

- Anh:

+ Trong năm 2018, kinh tế Anh tăng trưởng 1,6%, cao hơn so với 1,3% theo dự báo hồi tháng 3/2018. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh được điều chỉnh tăng lên. (Theo dự báo của Chính phủ Anh ngày 29/10)

+ Trong năm 2018, kinh tế Anh tăng trưởng 1,3% và 1,7% trong năm 2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi EU, thấp hơn so với các mức dự báo hồi tháng 8/2018 lần lượt là 1,4% và 1,8%.

Những dự báo trên được đưa ra dựa trên giả định giai đoạn chuyển tiếp của Brexit diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, ngày càng xuất nhiều mối quan ngại trên thị trường về một kịch bản "Brexit không thỏa thuận" trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU và Anh vẫn bế tắc.

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s - S&P (31/10) dự báo, nếu không có thỏa thuận nào được ký kết giữa Anh và EU, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái trong hai năm 2019 - 2020, với mức giảm lần lượt là 1,2% và 2,5%.

Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục hiện nay là 4% lên 7,4% vào năm 2020.Lạm phát sẽ tăng lên mức đỉnh 4,7% vào giữa năm 2019 trong khi tiêu dùng giảm 1,8% vào năm 2019 và 2,7% vào năm 2020.

Giá nhà đất sụt giảm trung bình khoảng 10% trong hai năm 2019 - 2020. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2021 với mức 1,2%. Tuy nhiên, S&P vẫn lạc quan ưu tiên kịch bản theo đó Anh và EU sẽ ký được một thỏa thuận, tạo điều kiện để tăng trưởng GDP của Anh duy trì ở mức 1,3% trong hai năm 2019 - 2020.

(Theo dự báo củaNgân hàng Trung ương Anh - BoE ngày 01/11)

- Nhật Bản: Trong tài khóa 2018 (kết thúc ngày 31/3/2019), tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 1,4%, thấp hơn so với mức tăng 1,5% đưa ra hồi tháng 7/2018; tỷ lệ lạm phát là 0,9%, thấp hơn so với tỷ lệ 1,1% đưa ra hồi tháng 7/2018.

Trong khi đó, dự báo tỷ lệ lạm phát tài khóa 2019 và 2020 đều giảm 0,1 điểm phần trăm xuống các mức tương ứng là 1,4% và 1,5%. Động thái điều chỉnh dự báo này làm cho nền kinh tếNhật Bảnkhó đạt được mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2%. (Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ ngày 31/10)

Lạm phát

- Hàn Quốc: Trong tháng 10/2018, tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc là 2%, cao hơn mức lạm phát 1,9% của 3 tháng trước đó (7 - 9/2018) và 1,7% theo dự báo của thị trường.

Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2017. Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trong năm 2018 là 1,7%. (Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 01/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 29/10 - 02/11/2018,chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 2,36%; 2,42% và 2,65% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (26/10/2018).Trong ngày giao dịch ngày 02/11/2018:

+ Dow Jones giảm 109,91 điểm (-0,43%), xuống 25.270,83 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 77,06 điểm (-1,04%), xuống 7.356,99 điểm.

+ S&P 500 giảm 17,31 điểm (-0,63%), xuống 2.723,06 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,62 điểm (1,14%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (02/11/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1.070,35 điểm (4,21%), lên 26.468,35 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 70,24 điểm (2,7%), lên 2.676,48 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 556,21 điểm (2,56%), lên 22.243,66 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 29/10 - 02/11/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 6,58% và 6,17%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (02/11/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,55 USD (-0,87%), xuống 63,14 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,06 USD (-0,08%), xuống 72,83 USD/thùng.

Châu Âu

Anh:

- Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 26/10 quyết định giữ nguyên đánh giá về nợ dài hạn của nước Anh ở mức AA (thể hiện khả năng thanh toán nghĩa vụ tài chính rất vững), đồng thời cảnh báo Anh có thể sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) vào tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận nào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Anh.Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Anh sẽ giảm từ 1,7% (năm 2017) xuống còn 1,3% (năm 2018).

(Theo TTXVN ngày 29/10)

- Chính phủ Anh đã công bố ngân sách mùa Thu 2018 - kế hoạch ngân sách cuối cùng trước khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019.

Theo đó, Chính phủ tăng mạnh chi tiêu với một loạt các gói chi bổ sung trị giá khoảng 30 tỷ GBP trong 5 năm tới ở hầu hết các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc xã hội, quốc phòng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp…; đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế cho doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ, triển khai sớm chương trình cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cho khoảng 32 triệu lao động; đầu tư mới 1,6 tỷ GBP cho chiến lược công nghiệp.

Để bảo đảm nguồn thu, Chính phủ Anh cam kết sẽ cải tổ hệ thống thu thuế, trong đó có việc áp dụng một loại thuế mới dành riêng cho các tập đoàn công nghệ đa quốc gia với số thu dự kiến khoảng 400 triệu GBP/năm (áp dụng vào đầu năm 2020).

Dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2018 - 2019 (kết thúc vào ngày 31/3/2019) giảm xuống 25,5 tỷ GBP, so với mức thâm hụt 37,1 tỷ GBP trong tuyên bố Ngân sách mùa Xuân 2018.

(Theo TTXVN ngày 29/10)

- Tờ The Time (Anh) ngày 01/11 đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với EU về mọi mặt của mối quan hệ đối tác trong tương lai liên quan tới dịch vụ và trao đổi dữ liệu tài chính.

Thỏa thuận này cho phép các công ty dịch vụ tài chính của Anh tiếp tục được tiếp cận thị trường châu Âu sau Brexit, nếu quy định tài chính của Anh vẫn "tương ứng" với những quy định tài chính của EU. Ngay sau khi có thông báo trên, giá trị của đồng GBP đã tăng 0,5% so với đồng USD. (Theo TTXVN ngày 02/11)

Nga: Nền kinh tế Nga đang trên đà tăng trưởng . Trong 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Nga đạt 3%, các ngành chế tạo đạt 3,3%; khối lượng sản xuất nông sản trong 5 năm qua đã tăng hơn 20%, xuất khẩu thực phẩm và nông sản của Nga tăng thêm 21%, vượt ngưỡng 21 tỷ USD, Nga đã trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho thị trường thế giới.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 4,5%, lạm phát trong năm 2018 không vượt quá 3,5%, thị trường tài chính vẫn duy trì sự ổn định. (Theo Tổng thống Nga Putin ngày 01/11)

Châu Á

Ấn Độ: Nền kinh tế số của Ấn Độ có thể vượt 1.000 tỷ USD vào năm tài chính 2022, trong khi lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng 5 lần vào năm 2023, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông Ấn Độ.

Ấn Độ đã trở thành thị trường viễn thông lớn thứ 2 thế giới vào năm 2018 với hơn 1 tỷ thuê bao. (Theo dự báo của Hãng Tư vấn tài chính và Quản trị KPMG ngày 25/10)

Hàn Quốc: Trong quý III/2018, số lượng người dân nước này đang tìm kiếm việc làm trung bình là 152.000 người/tháng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017, mức cao kỷ lục kể từ năm 1999, khi nước này đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Tổng lượng người thất nghiệp ở Hàn Quốc trong quý III/2018 tăng 51.000 người so với cùng kỳ năm 2017 lên 1,11 triệu người.

Do đó, các khoản trợ cấp thất nghiệp của Chính phủ cũng tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2017 lên mức cao kỷ lục 5.000 tỷ KRW (4,37 tỷ USD).

(Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 28/10)

Châu Đại Dương

Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Australia đạt 3,02 tỷ AUD, cao hơn so với mức thặng dư 2,34 tỷ AUD của tháng 8/2018 và 1,7 tỷ AUD theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thặng dư lớn nhất kể từ tháng 02/2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1% so với tháng 8/2018 lên mức cao kỷ lục 37,5 tỷ AUD; kim ngạch nhập khẩu giảm 1% xuống 34,48 tỷ AUD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Australia đạt 15,5 tỷ AUD, cao hơn so với 10,88 tỷ AUD của cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan Thống kê Australia ngày 01/11)

Châu Mỹ

Argentina:

- Hạ viện Argentina đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2019 do Chính phủ đệ trình. Theo dự thảo mới, Argentina sẽ cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế đang phải trải qua một giai đoạn suy giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, Chính phủ Argentina dự kiến chi ngân sách trong năm 2019 khoảng 4.172 tỷ peso (110 tỷ USD), giảm khoảng 400 tỷ peso so với năm 2018 trong tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về 0.

Đây cũng là một phần trong thỏa thuận mà Chính phủ nước này đã cam kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận được khoản vay tín dụng 57,1 tỷ USD. (Theo TTXVN ngày 25/10)

- IMF ngày 26/10 đã chính thức thông qua khoản hỗ trợ tài chính cho Argentina trị giá 56,3 tỷ USD với thời hạn 3 năm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Mức hỗ trợ trên thấp hơn so với mức dự kiến 57,1 tỷ USD mà hai bên đã đưa ra hồi tháng 9/2018 khi bắt đầu đàm phán.

Theo đánh giá của IMF, mặc dù đang phải đối mặt với những điều kiện thị trường khó khăn song chính phủ Argentina vẫn kiên định với những cam kết về việc thực hiện những mục tiêu trong chính sách kinh tế, phù hợp với thỏa thuận đã ký với tổ chức tài chính này.

IMF cũng yêu cầu Argentina bảo đảm sự ổn định của các khoản nợ công, giảm lạm phát, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. (Theo TTXVN ngày 29/10)

Hoa Kỳ

Theo Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp), chủ nghĩa bảo hộ thương mại không ngừng gia tăng đang tác động đến nhiều nền kinh tế.

Cứ mỗi 1% thuế nhập khẩu mà Hoa Kỳ tăng, giá trị xuất khẩu trung bình của các đối tác thương mại bị nước này áp thuế sẽ giảm 0,5%, trong khi ngành vận tải và cơ giới bị ảnh hưởng đặc biệt, dự kiến lần lượt giảm 4,4% và 3,7%. Thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2018 và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009.

Số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại thực hiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010.

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Canada, Australia và một số ít quốc gia mới nổi lớn như Brazil, Argentina và Ấn Độ, tỷ trọng nhập khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực do các biện pháp bảo hộ thương mại cao hơn định mức nhập khẩu được hưởng lợi từ các biện pháp có lợi.

Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Campuchia), Nga và một số nước Mỹ La-tinh (Mexico, Colombia và Peru) không bị liệt vào các nước bị ảnh hưởng mức độ như trên.

(Theo TTXVN ngày 02/11)

Trong tháng 8/2018, sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ tăng 416.000 thùng/ngày lên 11,346 triệu thùng/ngày. Refinitiv Eikon (30/10) cho biết, sản lượng dầu từ Nga, Hoa Kỳ và Saudi Arabia lần đầu tiên đạt 33 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018.

Như vậy, chỉ ba nhà sản xuất trên cũng đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu. Trong tháng 10/2018, sản lượng dầu của Nga đạt 11,41 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục kể từ năm 1991.

Theo các chuyên gia, những dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung trên toàn cầu đã gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 31/10)

Trung Quốc

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng đầu tư tài sản cố định của nước này vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đạt 2.280 tỷ NDT (327,77 tỷ USD), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Giá trị của các dự án đầu tư tài sản cố định được phê duyệt tại Trung Quốc trong quý III/2018 đạt 437,4 tỷ NDT, cao hơn 4 lần so với quý II/2018 (theo tính toán của Reuters).

(Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ngày 26/10)

Các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc cho rằng, họ gặp nhiều khó khăn hơn từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc so với các công ty từ những nước khác. Do đó, hơn 70% số công ty được khảo sát đang cân nhắc trì hoãn việc mở rộng đầu tư và chuyển một phần hoặc toàn bộ sản xuất sang các nước khác.

Cuộc khảo sát cho thấy, chiến tranh thương mại đang chuyển dịch cả chuỗi cung ứng và các cụm công nghiệp, chủ yếu sang khu vực Đông Nam Á.(Theo khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ - AmCham tại miền Nam Trung Quốc công bố ngày 29/10)

Trung Quốc đã vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh thuận lợi, cao hơn so với vị trí 78 của năm 2017, nhờ thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế lớn tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Mặc dù đạt được những tiến bộ nhất định về môi trường kinh doanh, song theo báo cáo, Trung Quốc vẫn còn lỗ hổng trong việc cải thiện về tiến trình cấp phép xây dựng (xếp ở vị trí 121 trên toàn cầu).

(Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo về môi trường kinh doanh hằng năm công bố ngày 31/10)

Nông nghiệp

Sản lượng ngũ cốc năm 2018 của thế giới đạt 2,601 tỷ tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 10/2018, song giảm 57 triệu tấn (2,1%) so với sản lượng năm 2017.

Sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm 2018 được dự báo là 728 triệu tấn, giảm 4,3% so với năm 2017. Trong tháng 10/2018, giá lương thực thế giới giảm 0,9% so với tháng 9/2018, do giá các mặt hàng thịt, sữa và dầu mỏ giảm. (Theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc - FAO ngày 01/11)

Đàm phán - Ký kết

Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP):

- Canada: Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada, Jim Carr (29/10) thông báo, Canada chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Là quốc gia thứ 5 phê chuẩn CPTPP (sau Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand), Canada sẽ nằm trong 6 quốc gia thành viên đầu tiên được hưởng những lợi ích của CPTPP khi thỏa thuận được thực thi.

Theo các chuyên gia phân tích, các ngành công nghiệp của Canada sẽ có lợi thế lớn khi CPTPP được thực thi, với 99% kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Canada sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được miễn thuế.

- Australia: Ngày 31/10, Australia chính thức thông báo đã phê chuẩn CPTPP, trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn hiệp định này. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, CPTPP là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất trong lịch sử gần đây của Australia.

Thỏa thuận này sẽ giúp các doanh nghiệp Australia đóng góp tới 15,6 tỷ AUD/năm (11,1 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030.

Như vậy, CPTPP đã được 6 nước tham gia phê chuẩn, đủ để hiệp định có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018 (sau 60 ngày theo quy định).

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ (31/10) quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% như hiện nay cũng như tiếp tục duy trì chương trình thu mua tài sản trên quy mô lớn trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải đối mặt với việc tăng thuế tiêu dùng trên toàn Nhật Bản từ tháng 10/2019.

Bên cạnh đó, lãi suất lợi tức trái phiếu chính phủ cũng được duy trì ở mức 0% và giữ nguyên cam kết đối với việc tăng lượng trái phiếu chính phủ mà BoJ nắm giữ hằng năm lên mức 80.000 tỷ JPY (hơn 711 tỷ USD).

(Theo TTXVN ngày 01/11)