Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 29/8-02/9/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - lạm phát

- Canada: Trong quý 2/2016, GDP của nước này giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức giảm mạnh nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - sau khi tăng 2,5% trong quý 1/2016, chủ yếu do tác động từ cháy rừng ở bang Alberta (trung tâm dầu mỏ của Canada); xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,5%, sau khi tăng 1,9% trong ba tháng đầu năm, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 7,5% với xuất khẩu dầu thô giảm 9,6%, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 19,6%. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 31/8)

- Ấn Độ: Trong quý 2/2016, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 7,1% - mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, sau khi đạt 7,9% trong quý 1/2016, chủ yếu do thu hẹp hoạt động khai thác mỏ và khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, do đó mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2016 là rất khó khăn. (Theo BBC ngày 31/8)

- Lào: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự báo giảm từ 7,5% xuống 7,3%. Kinh tế Lào tăng trưởng 6,9% trong 12 tháng qua, tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn thì Chính phủ Lào cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng. . (Theo thời báo Vientiane Times, Lào ngày 29/8)

- Eurozone: Trong tháng 8/2016, tỷ lệ lạm phát của Eurozone tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015, bằng mức của tháng 7/2016 và thấp hơn mức dự báo 0,3% trước đó, do giá thực phẩm, hàng công nghiệp và dịch vụ tăng chậm hơn. Lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,8%, thấp hơn mức dự báo 0,9% đưa ra trước đó. Trong đó tỷ lệ lạm phát của Đức tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2015, bằng mức của tháng 7/2016 và thấp hơn mức dự báo 0,5% trước đó. Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone và Đức còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% có thể thúc đẩy ECB đưa thêm các biện pháp kích thích kinh tế, sớm nhất là vào tuần tới (từ 05/9).

(Theo Cơ quan Thống kê Đức - Destatis ngày 30/8 & Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 31/8)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần qua, mặc dù mất điểm ở một số phiên giao dịch, song chứng khoán Hoa Kỳ vẫn ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc do các nhà đầu tư đạt được kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) giảm khả năng nâng lãi suất trong tháng 9 tới. Tính chung cả tuần (29 - 02/9/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,5%; 0,5%; 0,6% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (26/8/2016).Trong ngày giao dịch cuối tuần (02/9/2016) so với phiên giao dịch hôm trước:

+ Chỉ số Dow Jones đạt 18.491,96 điểm, tăng 0,4%.

+ Chỉ số S&P 500 đạt 2.179,98 điểm, tăng 0,4%,

+ Chỉ số Nasdaq Composite đạt 5.249,90 điểm, tăng 0,4%.

Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua, chứng khoán Nhật Bản chỉ dao động nhẹ gần như không đổi. Ngược với xu thế chung, thị trường chứng khoán Hồng Kông tiếp tục khởi sắc, điểm tăng lên mức cao nhất hơn 1 năm làm tăng mức kỳ vọng dòng vốn từ Trung Quốc sẽ “chảy mạnh” vào thị trường chứng khoán Hồng Kông. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,56% xuống 138,16 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,1%xuống 3.067,5 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,94% xuống 2.038,31 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 2,61% xuống 5.372,804 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,45% lên 16.925,68 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,56% lên 23.266,70 điểm.

Dầu mỏ

Các nhà thăm dò dầu mỏ trong năm 2015 đã tìm được khoảng 2,7 tỷ thùng dầu - mức thấp nhất kể từ năm 1947 và chỉ bằng 1/10 so với số lượng thực hiện trung bình hằng năm kể từ năm 1960. Dự báo trong năm 2016, trữ lượng này sẽ tiếp tục giảm thấp hơn nữa (trong 7 tháng đầu năm 2016, các nhà thăm dò mới tìm được khoảng 736 triệu thùng), gây quan ngại về việc không có đủ dầu cho nhu cầu trong tương lai. Việc giá dầu giảm hơn một nửa trong 2 năm qua khiến các nhà khai thác dầu cắt giảm chi phí thăm dò, tìm kiếm các giếng dầu mới. (Theo Công ty Wood Mackenzie ngày 29/8)

Iraq sẽ đồng thuận với quyết định giới hạn sản lượng tại phiên họp của OPEC vào tháng tới (dự kiến 26 - 28/9) tại Algeria. Iraq là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai của OPEC (sau Arab Saudi), thu từ đầu thô đóng góp 95% ngân sách của Iraq. Nền kinh tế nước này đang chịu tác động lớn khi giá dầu giảm mạnh trong 2 năm qua. (Theo Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 30/8)

Trong tháng 8/2016, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt 33,5 triệu thùng/ngày - cao nhất kể từ năm 1997 khi Reuters bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát về hoạt động khai thác dầu mỏ của các nước thành viên OPEC, làm dấy lên những hoài nghi về khả năng OPEC đạt được thỏa thuận giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp dự kiến vào cuối tháng 9 ở Angeria.(Theo Reuters ngày 31/8)

Tuần từ 29/8 - 02/9/2016, mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần sau khi chứng kiến 4 phiên đi xuống liên tiếp, song giá bình quân cả tuần vẫn giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016, dầu WTI và Brent giảm tương ứng 6,7% và 5,3%.

Phiên giao dịch cuối tuần (02/9/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,28 USD lên 44,44 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,38 (2%) lên 46,83 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

Trong quý 1/2016, lợi nhuận ròng của các ngân hàng tại Eurozone đạt 18 tỷ EUR (20,25 tỷ USD), giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015, do doanh thu của các lĩnh vực hoạt động chủ chốt như cho vay, kinh doanh và phí dịch vụ đều sụt giảm. Do vậy, các ngân hàng cần cắt giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc của nguồn doanh thu từ tiền lãi. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 25/8)

Anh

Tại Anh có 1,6 triệu hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 30.000 GBP (39.543 USD) đang phải dành tới 40% thu nhập để trả nợ; 3,2 triệu hộ gia đình phải chi hơn 25% tổng thu nhập cho việc trả các khoản nợ không bảo đảm. Một trong những nguyên nhân là do mức lương không được cải thiện trong thời gian qua (mức lương hàng tuần trung bình tại Anh hiện nay thấp hơn giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008 khoảng 40 bảng). (Theo Tổ chức Công đoàn Quốc gia Anh ngày 23/8)

Đức

- Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Đức trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 1,8 - 2%, thấp hơn mức 4,5% dự báo hồi tháng 4/2016, do tác động của Brexit. Xuất khẩu của Đức sang 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Pháp và Anh đều giảm trong 6 tháng đầu năm 2016 xuống các mức tương ứng là 53,4 tỷ EUR (giảm 4%); 52,1 tỷ EUR (giảm 2%) và 44,8 tỷ EUR. (Theo Hiệp hội Thương mại Đức - BGA ngày 29/8)

- Trong tháng 7/2016, doanh số bán lẻ của Đức tăng 1,7% so với tháng 6 - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 01/2014, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016, doanh số bán lẻ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Destatis ngày 31/8)

Hoa Kỳ

Trong tuần từ 15 - 20/8, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Hoa Kỳ giảm tuần thứ 3 liên tiếp, xuống còn 261.000 đơn, từ 262.000 đơn của tuần trước đó, đưa lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đạt dưới ngưỡng 300.000 đơn trong 77 tuần liên tiếp - giai đoạn dài nhất kể từ năm 1970, được cho là nhân tố quan trọng khiến FED có thể tăng lãi suất trong thời gian tới. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 25/8)

Lĩnh vực chi tiêu tiêu dùng, đóng góp hơn 2/3 vào hoạt động kinh tế Hoa Kỳ, tăng 0,3% trong tháng 7/2016, trong đó hoạt động mua sắm các mặt hàng lâu bền tăng 1,6%. So với cùng kỳ năm 2015, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 7 tăng 4,4% - mức tăng nhanh nhất trong gần 2 năm qua.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không tính đến biến động giá lương thực và năng lượng, trong tháng 7/2016 tăng thêm 0,1%. Đây là chỉ số quan trọng mà FED tính đến khi cân nhắc lộ trình nâng lãi suất.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 30/8)

Trung Quốc

Trong năm 2015, doanh thu của 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc chỉ đạt 59,46 nghìn tỷ CNY (8,9 nghìn tỷ USD), giảm 0,07% so với năm 2014 - lần giảm đầu tiên trong vòng 15 năm qua.Trong đó có 155 doanh nghiệp bị giảm doanh thu, tăng 61 doanh nghiệp so với năm 2014; 72 doanh nghiệp bị thua lỗ, tăng 15 doanh nghiệp so với năm 2014.(Theo Tân Hoa Xã ngày 27/8)

Trong 8 tháng đầu năm 2016, tại Trung Quốc đã có 6 doanh nghiệp do Chính phủ điều hành bị vỡ nợ với tổng giá trị hơn 16,5 tỷ NDT (2,47 tỷ USD), chiếm 66,5% tổng số nợ bị vỡ trên cả nước. Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước của Trung Quốc đang tăng cường quản lý các khoản nợ đến hạn phải trả trong 3 tháng tới nhằm làm giảm nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp. Tháng 6/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo mức nợ của khối doanh nghiệp tại Trung Quốc chiếm tới 145% GDP, gây nguy cơ làm “xói mòn” tăng trưởng kinh tế của nước này nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.(Theo Reuters ngày 29/8)

Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/8, tại thị trường Trung Quốc, đồng CNY giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng so với đồng USD ở mức 6,6850 CNY/USD, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ Janet Yellen đưa ra nhận định lạc quan về nền kinh tế Hoa Kỳ, khiến khả năng FED sẽ sớm nâng lãi suất. (Theo Tân Hoa xã)

Chính sách

Ai Cập

Lần đầu tiên Quốc hội Ai Cập đã thông qua việc áp dụng thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 13% trong tài khóa 2006 - 2007 và tăng lên 14% trong tài khóa tiếp theo. Đây là một phần trong chương trình cải tổ ngân sách của Chính phủ Ai Cập. Kể từ tháng 7/2014, Ai Cập bắt đầu tiến hành cải cách ngân sách, theo đó các chính sách trợ giá năng lượng bị bãi bỏ và một số loại thuế mới được áp dụng nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách ngày càng cao (chiếm tới 11,5% GDP trong tài khóa 2015 - 2016). (Theo Reuters ngày 29/8)

Nhận định
chuyên gia

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) Janet Yellen (26/8) nhận định:

Những diễn biến tích cực trên thị trường việc làm khiến FED có khả năng sẽ tăng lãi suất sớm, nếu kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục có những tín hiệu tốt thì lãi suất sẽ được điều chỉnh trong tháng 9/2016.

Theo Theguardian, Anh (28/8), các chuyên gia tài chính London nhận định:

Brexit sẽ ảnh hưởng lớn đến các quỹ lương hưu ở Anh và ước tính 75% số người lao động về hưu trong vòng 20 - 30 năm tới sẽ được trả lương hưu thấp hơn so với mức dự kiến ban đầu, do lãi suất thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế thời hậu Brexit chậm lại.

Ngày 28/8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nhận định:

Các cuộc thương lượng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã thất bại. Trong 14 vòng đàm phán vừa qua, cả Hoa Kỳ và EU chưa thống nhất được một trong tổng số 27 vấn đề đang được thảo luận. TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, Hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Hoa Kỳ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.