Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 30/7-04/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng -Lạm phát

- Châu Âu: GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng 0,3% trong quý II/2018, thấp hơn mức 0,4% của quý I/2018. So với cùng kỳ năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 2,1%, thấp hơn so với mức 2,5% của quý I/2018, song vẫn cao hơn mức 1,8% của năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã chững lại trong quý II/2018 trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại từ phía Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể kìm hãm kinh tế Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, lạm phát trong khu vực Eurozone tăng trong tháng 7/2018 (ở mức 2,1%), do giá nhiên liệu tăng cao. (Theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat ngày 31/7)

- Hoa Kỳ: Kinh tế Hoa Kỳ đang tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng GDP trên 3%/năm. Tăng trưởng GDP quý II đạt 4,1%, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu và thu nhập được cải thiện. Chi tiêu tiêu dùng đóng góp 70% cho tăng trưởng GDP.

Xuất khẩu trong quý II cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế. Với diễn biến này, mục tiêu tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đang dần được hiện thực hóa. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 30/7)

- Nga: Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) nâng dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2018 lên 1,8 - 2,2%, tăng mạnh so với dự báo tăng 1 - 1,4% đưa ra trước đó.

Nguyên nhân chính là do việc tổ chức World Cup 2018 tại Nga đã làm gia tăng nhu cầu về dịch vụ khách sạn, nhà hàng và giao thông. BoR dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng khoảng 1,5 - 2% trong cả hai quý III và 4/2018. (Theo BoR ngày 30/7)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 30/7 - 03/8/2018 tăng/giảm trái chiều. Trong ngày giao dịch ngày 03/8/2018:

+ Dow Jones tăng 136,36 điểm (0,54%), lên 25.462,58 điểm.

+ S&P 500 tăng 13,21 điểm (0,46%), lên 2.840,35 điểm.

+ Nasdaq tăng 9,16 điểm (0,12%), lên 7.812,02 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,9 điểm (-2,1%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (03/8/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 12,65 điểm (0,1%) lên 22.525,18 điểm.

+ S&P/ASX 200 giảm 6,24 điểm (-0,1%) xuống 6.234,66 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 49,13 điểm (-0,2%) xuống 27.665,43 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 27,58 điểm (-1%) xuống 2.740,44 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 30/7 - 03/8/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,3% và 2,1%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (03/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,47 USD (-0,7%) xuống 68,49 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,24 USD (-0,3%) xuống 73,21 USD/thùng.

Tổng sản lượng dầu trong tháng 7/2018 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong tháng 7/2018, OPEC đã tăng sản lượng thêm 70 nghìn thùng/ngày lên 32,64 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu mỏ của Nga năm 2018 sẽ đạt 11,02 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất trong vòng 30 năm. Các nhà phân tích cho biết những thông tin mới nhất từ Nga và OPEC báo hiệu thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ không thiếu nguồn cung vào cuối năm 2018. (Theo Hãng tin Reuters ngày 31/7)

Châu Âu

- Canada: Thặng dư ngân sách của Canada trong tháng 4 và tháng 5/2018 đạt 3,2 tỷ CAD, cải thiện hơn rất nhiều so với con số thặng dư 68 triệu CAD của cùng kỳ tài khóa 2017.

Tháng 02/2018, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đã ước tính ngân sách của Canada thâm hụt 18,1 tỷ CAD trong tài khóa 2018, bắt đầu từ ngày 01/4. (Theo Bộ Tài chính Canada ngày 31/7)

- Anh: Ủy ban Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh đã đề xuất một dự luật nhằm thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa hai giới. Dự luật quy định các công ty có quy mô 50 người trở lên phải công khai mức lương trung bình trả cho nhân viên nam và nữ.

Các công ty sẽ phải công bố các kế hoạch hành động nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa hai giới. Chủ tịch Rachel Reeves cho biết, Anh là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng giới về thu nhập cao nhất ở châu Âu, với mức chênh lệch từ 30 - 40%.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất bình đẳng giới trong thu nhập ở Anh là do phụ nữ chủ yếu làm các công việc bán thời gian, trong khi số lượng nhân viên nữ nắm các chức vụ cao cũng ít hơn so với nam giới.

(Theo Ủy ban Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp ngày 02/8)

Châu Á

- Châu Á: Đến năm 2050, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có trị giá 58 nghìn tỷ USD, Ấn Độ sẽ có trị giá 44 nghìn tỷ USD, Hoa Kỳ là 34 nghìn tỷ USD. 10 nước thành viên của ASEAN với lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới được dự báo là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Bên cạnh đó, với sự chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ, các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á đang nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu với mức tăng trưởng dự báo vào khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018 - 2019 và tiếp tục đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng toàn cầu hằng năm. (Theo Công ty kiểm toán PwC ngày 02/8)

- Malaysia: Malaysia có thể hạn chế ô tô nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ. Malaysia đã mở cửa thị trường ô tô trong một thập niên qua, cho phép nhập khẩu các ô tô sản xuất tại nước ngoài có giá rẻ hơn, trong khi các nhà sản xuất ô tô nội địa phải vật lộn để tồn tại trước áp lực cạnh tranh gia tăng.

Điển hình nhà sản xuất ô tô nội địa Protonđã bị sụt giảm thị phần từ 74% trong thập niên 1990 xuống còn 14% trog năm 2017.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ô tô Malaysia, Honda (Nhật Bản) là thương hiệu xe hơi bán chạy nhất tại Malaysia, với khoảng 21% thị phần trong năm 2017. (Theo Thủ tướng Mahathir Mohamad ngày 30/7)

- Myanmar: Myanmar đã xây dựng một luật doanh nghiệp mới sau khi sửa đổi Đạo luật doanh nghiệp năm 1914, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài của nước này.

Luật Doanh nghiệp mới đã nới lỏng quy định đối với các doanh nghiệp nhỏ, cho phép thành lập doanh nghiệp với một cổ đông và một giám đốc duy nhất, đồng thời cho phép những doanh nghiệp nhỏ này không cần phải nộp báo cáo tài chính.

Cũng theo luật này, người nước ngoài được phép tham gia vào lĩnh vực xuất - nhập khẩu, bảo hiểm và thị trường chứng khoán vì hệ thống đăng ký trực tuyến (MyCO) có khả năng quản lý doanh nghiệp tốt hơn.(Theo Chính phủ Myanmar ngày 01/8)

- Qatar: Qatar tiếp tục đầu tư gần 3 tỷ USD vào thị trường Anh. Trong đó, Qatarđầu tư 1,7 tỷ GBP vào bất động sản và 1,1 tỷ GBP vào các dự án cơ sở hạ tầng trong 16 tháng qua.

Số tiền đầu tư này nằm trong gói cam kết đầu tư hồi tháng 3/2017 trị giá 5 tỷ GBP trong vòng 3 năm. Như vậy, Qatar đã thực hiện giải ngân vào nước Anh nhanh hơn kế hoạch đặt ra và khẳng định trong vài tháng tới sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án mới tại nước Anh. (Theo Bộ trưởng Tài chính Qatar ngày 01/8)

- Hàn Quốc: Trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 51,88 tỷ USD (mức cao thứ hai trong lịch sử sau khi đạt 55,12 tỷ USD trong tháng 9/2017). So với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 tăng 6,2%.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 349,1 tỷ USD, cao hơn 6,4% so với mức cao kỷ lục trước đó là 331,4 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu bình quân theo ngày đạt 2,22 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục.

Trong tháng 7, kim ngạch nhập khẩu Hàn Quốc tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017 lên 44,88 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đạt 7,01 tỷ USD, ghi nhận thặng dư thương mại 78 tháng liên tiếp. (Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc ngày 01/8)

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực.

Ngoài khoản tiền 25 triệu USD để mở rộng xuất khẩu công nghệ của Hoa Kỳ sang khu vực này, Hoa Kỳ còn bổ sung gần 50 triệu USD trong năm 2018 để hỗ trợ các nước sản xuất và lưu trữ các nguồn năng lượng, cũng như thiết lập một mạng lưới hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. (Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày 30/7)

Chính quyền liên bang có kế hoạch vay mượn thêm 329 tỷ USD từ tháng 7 - 9. Đây là số tiền lớn nhất mà Chính phủ phải đi vay cho quý III trong vòng 8 năm qua trong bối cảnh Hoa Kỳ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, khoản vay dự kiến này cao hơn 74% so với khoản vay 189 tỷ USD của quý III năm 2017 và là khoản vay lớn nhất trong quý III của nước này kể từ năm 2010. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 30/7)

Trong tháng 5/2018, chi tiêu tiêu dùng của nước này tăng 0,4%, sau khi tăng 0,5%. Hiện chi tiêu tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 hoạt động của kinh tế của nước này.

Bên cạnh đó, lòng tin tiêu dùng của Hoa Kỳ cũng đã tăng 0,3 điểm lên 127,4 trong tháng 7/2018. Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Hoa Kỳ khi bước sang quý III/2018. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 01/8)

Các mức thuế mới mà Hoa Kỳ áp đặt đối với gần một nửa số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất nhỏ tới thị trường châu Á. Ước tính Trung Quốc sẽ phải trả khoảng 50 tỷ USD tiền thuế/năm nếu Hoa Kỳ áp mức thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ quốc gia này.

Mức thiệt hại này chưa bằng 1% sản lượng kinh tế của Trung Quốc nên sẽ không thể gây ra biến động lớn cho Trung Quốc. (Theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross ngày 02/8)

Trung Quốc

Trong tháng 7/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc là 51,2, thấp hơn so với mức dự báo 51,3 củaReuters và thấp hơn tháng 6/2018 (51,5).

PMI lĩnh vực dịch vụ tháng 7/2018 là 54, giảm so với mức 55 của tháng 6/2018. PMI tháng 7 bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mùa vụ và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 30/7)

Trung Quốc sẽ đóng cửa khoảng 1 nghìn công ty sản xuất vào năm 2020 nhằm hạn chế khí thải và tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trung Quốc đã từ chối 19.500 đơn đăng ký kinh doanh, đóng cửa hoặc di dời 2.465 nhà máy sản xuất truyền thống, nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc hồi năm 2014, trong bối cảnh lo ngại cạnh tranh giữa ba khu vực này dẫn đến lãng phí tài nguyên, ô nhiễm và dư thừa năng suất. (Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 30/7)

Trung Quốc sẽ duy trì kinh tế theo lộ trình phát triển ổn định, lành mạnh với chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa cuối năm 2018.

Một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính, bao gồm kế hoạch giảm thuế hơn 1.100 tỷ CNY (160 tỷ USD) và phát hành lượng trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 1.350 tỷ CNY dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, cũng được triển khai. (Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - CPC ngày 31/7)

 

Nhật Bản

Theo Thống đốc BOJ Harukiko Kuroda, hiện chính sách nới lỏng tiền tệ mà Nhật Bản đang áp dụng vẫn phát huy hiệu quả, song BOJ sẽ nghiên cứu những tác động tiêu cực của chính sách này đối với thị trường. Kể từ năm 2013, BOJ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài.

Lạm phát mục tiêu của Nhật Bản vẫn được giữ nguyên ở mức 2%. Lạm phát trong 3 năm 2018 - 2020 được BOJ dự báo lần lượt là 1,1% (2018); 1,5% (2019) và 1,6% (2020). (Theo BOJ ngày 31/7)

Ký kết - Hợp tác

Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ:

Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung về hợp tác đầu tư, trong đó nhấn mạnh: Thiết lập mối quan hệ đối tác ba bên nhằm huy động vốn đầu tư cho các dự án hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra các cơ hội xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở cửa toàn diện và thịnh vượng.

Các lĩnh vực đầu tư bao gồm: Hạ tầng năng lượng, giao thông vận tải, du lịch và công nghệ. (Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 31/7)

Chính sách

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) vẫn giữ nguyên lãi suất, nhưng do chi tiêu hộ gia đình đã gia tăng mạnh mẽ, do đó FED có thể tăng lãi suất lần thứ tư vào tháng 12/2018 trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, số việc làm tăng mạnh qua từng tháng và kinh tế tăng trưởng mạnh trong quý II/2018.

Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này là kết quả đồng thuận tuyệt đối của các thành viên FED. (Theo FED ngày 01/8)

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định nâng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây với sự nhất trí của toàn bộ các thành viên thuộc Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC).

Đây là lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 trong bối cảnh kinh tế Anh có những dấu hiệu phục hồi sau khi tăng trưởng chậm lại trong thời gian vừa qua; tỷ lệ thất nghiệp thấp và sẽ tiếp tục giảm; chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh hơn mức mục tiêu 2%. (Theo BoE ngày 02/8)