Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 4-9/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

Toàn cầu

Ngày 06/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% (tháng 11/2018), do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Tương tự so sánh thời điểm dự báo, tăng trưởng khu vực và một số nước như sau:

 - Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tác động nghiêm trọng nhất, tăng trưởng dự báo giảm từ 1,8%  xuống 1% trong năm 2019; từ 1,6% xuống 1,2% vào năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2019 dự báo giảm từ 1,4% xuống 0,7%; Italy giảm từ 0,9% xuống âm 0,2%; Pháp giảm từ 1,5% xuống 1,3%.

- Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm từ 1,4% xuống 0,8% dựa trên giả thuyết Brexit diễn ra suôn sẻ. Trường hợp ngược lại thì mức dự báo này sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, đồng thời cảnh báo một Brexit hỗn loạn sẽ làm tăng đáng kể phí tổn cho các nền kinh tế châu Âu.

- Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm từ 6,3%  xuống 6,2% trong năm 2019 và ổn định ở mức 6% vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm mạnh sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và triển vọng thương mại toàn cầu.

(Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 06/3)

Châu Âu

Ngày 07/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu  - ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2019 và năm 2020 do những bất ổn từ địa chính trị, xung đột thương mại của nền kinh tế khu vực. Kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2019, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó; năm 2020 là 1,6% thay vì 1,7%; năm 2021 giữ nguyên là 1,5%. ECB cũng hạ dự báo về tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2019 – 2021; theo đó, tỷ lệ lạm phát năm 2019 đạt 1,2%, giảm 0,4% so với mức dự báo trước đó; năm 2020 và 2021 giảm lần lượt từ 1,7% và 1,8% xuống 1,5% và 1,6%. (Theo ECB ngày 07/3)

 Hàn Quốc: Hãng Xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody's Investors Service ngày 04/3 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2019 và 2020 do sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và các thị trường thương mại khác. Theo đó, GDP của Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2019 (thấp hơn nhiều so với mức 2,7% của năm 2018) và 2,2% trong năm 2020. Các mức dự báo này đều giảm so với dự báo được Moody's đưa ra vào tháng 11/2018, lần lượt là 2,3% và 2,5%. (Theo Hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody's Investors Service ngày 04/3)

Australia: Tăng trưởng kinh tế Australia trong quý IV/2018 đạt 0,2%, giảm so với mức 0,3% của quý III, phản ánh sự suy giảm trong tiêu dùng gia đình và đầu tư bất động sản. Ngay sau khi số liệu chính thức được công bố, đồng AUD giảm 30% giá trị so với đồng USD. Trước thực tế này, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% được duy trì từ tháng 8/2016.

(Theo Cục Thống kê Australia ngày 06/3)

Lạm phát

Philippines: Tỷ lệ lạm phát của Philippines đã giảm xuống 3,8% trong tháng 02/2019 từ 4,4% trong tháng 1 và thấp hơn mức kỳ vọng 4% của thị trường. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2018. Tháng 02/2019, giá tiêu dùng ở Philipines tăng 0,1%, ghi nhận tháng thứ hai tăng liên tiếp. (Theo PSA ngày 04/3)

Mexcio: Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở Mexico đã giảm xuống 3,94% trong tháng 02/2019, từ 4,37% của tháng 1. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 12/2016 do giá năng lượng và hàng nông sản tăng ít hơn. Tỷ lệ lạm phát ở Mexico trong giai đoạn 1974 - 2019 ước đạt mức trung bình 24,63% . (Theo INEGI ngày 07/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 04 - 08/3/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,21%; 2,16% và 2,46% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (01/3/2019). Trong ngày giao dịch 08/3/2019:

+ Dow Jones giảm 22,99 điểm (-0,09%) xuống 25.450,24 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 giảm 5,86 điểm (-0,21%) xuống 2.743,07 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 13,32 điểm (-0,18%) xuống 7.408,14 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,83 điểm (-1,78%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (08/3/2019) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 430,45 điểm (-2,01%) xuống 21.025,56 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) giảm 136,56 điểm (-4,40%) xuống 2.969,86 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) giảm 551,03 điểm (-1,91%) xuống 28.228,42 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 04 - 08/3/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 0,48% và 1,03%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (08/3/2019), giá dầu thô kỳ hạn:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ giảm 0,59 USD (-1,05%) xuống 56,07 USD/thùng.

- Dầu Brent giảm 0,56 USD (-0,85%) xuống 65,74 USD/thùng.

Châu Âu

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone trong tháng 02/2019 tiếp tục duy trì ổn định ở ngưỡng thấp nhất trong gần 11 năm qua (đạt 7,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát tháng 02/2019 của khu vực này lại tăng 0,1% lên 1,5% so với tháng 01/2019, chủ yếu do chi tiêu cho năng lượng tăng mạnh lên 3,5% so với mức 2,7% trong tháng 01/2019. Tỷ lệ lạm phát này vẫn còn cách xa mục tiêu dưới 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. (Theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat ngày 01/3)

Châu Á

Hàn Quốc

- Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của nước này ước tính lần đầu tiên vượt mốc 30 nghìn  USD trong năm 2018. Như vậy, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới gia nhập nhóm các cường quốc kinh tế với dân số trên 50 triệu người và thu nhập bình quân đầu người vượt 30 nghìn USD. Kết quả này là bước nhảy vọt lớn so với năm 1970, thời điểm thu nhập bình quân tại Hàn Quốc chỉ ở mức 257 USD. (Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ngày 04/3)

- Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chỉ đạt 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua, do tình trạng đầu tư doanh nghiệp chững lại. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng của Hàn Quốc cũng chỉ đạt 1,6%, mức thấp nhất trong 9 năm qua; đầu tư xây dựng giảm xuống  4%, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 05/3)

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc trong tháng 01/2019 giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, xuống 46,33 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu chip nhớ đạt 7,42 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2018 (mức thấp nhất trong 19 tháng kể từ giữa năm 2017, trong bối cảnh giá cả và nhu cầu trên thị trường bán dẫn đều sụt giảm), chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước này.

(Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên; Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 04/3)

Ấn Độ

Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 75 tỷ USD đá quý và đồ trang sức vào năm 2025, tăng mạnh so với con số 42 tỷ USD/năm hiện nay. Mục tiêu trên là khả thi khi một công viên trang sức tại Navi Mumbai, Ấn Độ vừa được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 2,05 tỷ USD và dự kiến mỗi năm sẽ tạo ra 5,87 tỷ USD doanh thu.

Ngành trang sức Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 7% GDP và 14% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho 5 triệu người dân Ấn Độ.  Chính phủ Ấn Độ dự kiến xuất khẩu hàng hóa của nước này sẽ tăng 7,3% lên 325 tỷ USD trong năm tài khóa 2018 - 2019 so với mức tăng 9,8% trong tài khóa trước. Xuất khẩu của Ấn Độ đạt 303 tỷ USD trong năm tài khóa 2017 - 2018.

(Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ngày 05/3)

Châu Mỹ

 Brazil

Tháng 01/2019 có khoảng 1,32 triệu lao động đã ký được hợp đồng làm việc, với hơn 34.300 việc làm chính thức, ghi nhận chỉ số tốt nhất trong 6 năm qua; trong khi có 1,29 triệu người bị sa thải. Tính trong cả 12 tháng qua, Brazil đã tạo hơn 471.700 công việc mới, tăng 1,24% so với cùng thời gian trước đó. Dịch vụ là lĩnh vực tạo được nhiều việc làm nhất trong thời điểm này với gần 43.500 vị trí, tiếp đến là xây dựng dân dụng (14.275 việc làm), nông nghiệp - thủy sản (gần 8.330 việc làm) và khai thác mỏ (84 việc làm)…

(Theo Cục Dự báo đặc biệt và Việc làm thuộc Bộ Kinh tế Brazil ngày 03/3)

 Mexico

Trong năm 2018, vốn FDI thuần đổ vào Mexico đạt 37,79 tỷ USD; tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thoái vốn 6,18 tỷ USD. Trong tổng vốn FDI năm 2018, phần lớn (38,8%) là tái đầu tư lợi nhuận, trong khi nguồn vốn mới chiếm 36,3% và phần còn lại là giao dịch tài khoản của các công ty. Lĩnh vực chế tạo máy đứng đầu danh sách thu hút FDI với 49,1%. Hoa Kỳ tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài số một tại Mexico, chiếm 38,8% tổng vốn.

Trong 10 năm qua, Mexico đã thu hút trên 1.100 dự án FDI, với số vốn hơn 133 tỷ USD. Các dự án này đã tạo ra hơn 400 nghìn việc làm cho người lao động sở tại. Theo bảng xếp hạng của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Mexico đứng thứ 12 trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút FDI trong năm 2017, với 29,695 tỷ USD. (Theo Bộ Kinh tế Mexico ngày 01/3)

 Argentina

Kinh tế Argentina đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Tăng trưởng kinh tế của Argentina trong năm 2018 đã giảm 2,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và tỷ lệ lạm phát tăng lên mức kỷ lục 47%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015 - 2017 đã có 3.198 công ty phải đóng cửa (theo Cơ quan liên bang Quản lý thu nhập công Argentina - AFIP).

Ngoài ra, nền kinh tế Argentina cũng phải đối mặt với những rủi ro về mức nợ công, từ năm 2017 đến quý II/2018, nợ công của nước này đã tăng 20 điểm phần trăm, lên 77,4% GDP. Những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Argentina ảnh hưởng lớn nhất tới lĩnh vực sản xuất trong nước, do tiêu thụ nội địa giảm mạnh, chính sách nhập khẩu mở cửa quá mức trong bối cảnh các nước ngày càng ưu tiên các biện pháp bảo hộ.

(Theo Tạp chí Forbes của Hoa Kỳ ngày 08/3)

Châu Úc

Thặng dư thương mại của Úc đã tăng lên 4,55 tỷ AUD vào tháng 01/2019 từ 3,77 tỷ AUD của tháng 12/2018, cao hơn mức dự báo 3 tỷ AUD của thị trường. Đây là mức thặng dư thương mại lớn thứ hai trong lịch sử, với kim ngạch xuất khẩu tăng 5% so với tháng trước lên 39,94 tỷ AUD, trong khi nhập khẩu tăng 3% lên 35,39 tỷ AUD. Cán cân thương mại tại Úc trung bình ước đạt -494,96 triệu AUD trong giai đoạn 1971 đến năm 2019.

(Theo Cục Thống kê Úc ngày 07/3)

Hoa Kỳ

Hoạt động chế tạo của Hoa Kỳ trong tháng 02/2019 tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn, các chỉ số về sản lượng và việc làm suy yếu. Chỉ số hoạt động chế tạo trong tháng 02/2019 giảm 2,4 điểm xuống 54,2 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016, chủ yếu do chỉ số sản lượng giảm 5,7 điểm xuống 54,8 điểm; trong khi chỉ số về đơn hàng mới và việc làm cũng suy yếu. Kết quả khảo sát trên cho thấy những quan ngại về căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và khả năng Hoa Kỳ áp mức thuế mới cao hơn. (Theo kết quả khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung - ISM ngày 02/3)

Năm 2018, thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ với thế giới đã tăng 12,5% lên 621 tỷ USD, khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng ở mức cao nhất. Đây là mức thâm hụt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, bất chấp chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc đạt kỷ lục 416,2 tỷ USD; Mexico là 81,5 tỷ USD và EU là 169,3 tỷ USD.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 06/3)

Trung Quốc

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2019; duy trì mức lạm phát khoảng 3%; tạo ra trên 11 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị; cắt giảm  tổng chi tiêu 5%, giảm chi phí cho các chuyến công du nước ngoài của quan chức, chi phí phương tiện, lễ tân; nâng mục tiêu thâm hụt tài khóa năm 2019 lên 2,8% GDP, tăng 0,2% so với năm 2018.

Thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức 2,76 nghìn tỷ CNY (khoảng 412 tỷ USD), trong đó thâm hụt của chính quyền trung ương là 1,83 nghìn tỷ CNY và  chính quyền địa phương là 930 tỷ CNY. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ hạ mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng xuống 7,5% (tương đương 1,19 nghìn tỷ CNY, khoảng 177,61 tỷ USD) trong năm 2019, giảm so với mức 8,1% của năm 2018.

(Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc ngày 05/3)

Trong tháng 02/2019, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mang lại mức lợi nhuận ấn tượng cho các nhà đầu tư. Cụ thể, Chinext - chỉ số có tỷ trọng lớn của các cổ phiếu công nghệ - đạt mức tăng kỷ lục 25% với toàn bộ 100 cổ phiếu đều đi lên. Chỉ số Shanghai Composite Index (SCI) tăng 14%.

Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc gồm ChiNext, SCI, Shenzhen Composite, CSI 300 đều lần lượt đi vào lãnh địa của thị trường đầu cơ giá lên (bull market) và khối lượng giao dịch hằng ngày của toàn thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ CNY (tương đương 150 tỷ USD) - mức cao nhất kể từ năm 2015. Nguyên nhân là do sự lạc quan về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và đồng CNY đã hỗ trợ tích cực cho chứng khoán Trung Quốc trong tháng 2.

(Theo VnEconomy ngày 01/3/2019)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 2/2019 đã tăng từ  48,3 điểm của tháng 01/2019 lên 49,9 điểm, tuy nhiên vẫn dưới ngưỡng 50 phân tách xu hướng mở rộng và thu hẹp của ngành sản xuất. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm tốc tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 2 nhưng tốc độ đã chậm lại, cho thấy Trung Quốc đang dần “mất đà” và xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo gánh nặng lên xuất khẩu trong bối cảnh triển vọng về một thỏa thuận vẫn đang mờ mịt. (Theo Caixin/Markit ngày 01/3)

Ngày 07/3, Trung Quốc cam kết thực thi chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn hơn, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm ổn định, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước áp lực suy giảm tăng trưởng do tác động từ xung đột thương mại với Hoa Kỳ.

Theo đó, Trung Quốc sẽ  cắt giảm gần 2 nghìn tỷ CNY (tương đương 298,31 tỷ USD) thuế và phí cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các ngành chế tạo, vận tải và xây dựng; giảm thuế giá trị gia tăng cho lĩnh vực chế tạo từ 16% xuống 13%, trong khi các ngành vận tải và xây dựng sẽ giảm từ 10% xuống 9%. (Theo Vietnamplus.vn ngày 08/3)

 

Nhật Bản

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách ở mức kỷ lục 101.460 tỷ JPY (913 tỷ USD) cho năm tài khóa 2019, trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội và quốc phòng đều gia tăng; đồng thời đảm bảo dự toán ngân sách mới này có hiệu lực trước khi năm tài khóa 2019 bắt đầu từ ngày 01/4. Đây là lần đầu tiên chi tiêu ngân sách của Nhật Bản vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ JPY.

Trong đó, hơn 1/3 ngân sách, mức kỷ lục 34.060 tỷ JPY sẽ được chi cho các chương trình an sinh xã hội, như lương hưu và chăm sóc y tế; chi tiêu quốc phòng cũng chạm mức cao kỷ lục 5.260 tỷ JPY; 2.030 tỷ JPY cho các biện pháp tài chính nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực khi thuế tiêu dùng được nâng từ 8% như hiện nay lên 10% bắt đầu từ ngày 01/10/2019; 650 triệu JPY dành cho việc xử lý vụ bê bối về việc làm cho hơn 20 triệu người lao động tại Nhật Bản hưởng phúc lợi thấp.

(Theo Vietnamplus.vn ngày 02/3)

Đàm phán - Ký kết

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 01/3 đã quyết định cấp khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của ADB trị giá 926 triệu USD cho Ấn Độ nhằm triển khai dự án xây mạng lưới tàu điện ngầm tại thành phố Mumbai. Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử phát triển của ADB.

Hai tuyến đường có tổng chiều dài 58 km và sẽ khai trương vào cuối năm 2022. Hai tuyến đường này sẽ giúp giảm áp lực trong việc di chuyển của hàng triệu người dân mỗi ngày, đồng thời giúp Mumbai hạn chế tình trạng ách tắc và sạch sẽ hơn. Ước tính 2 triệu lượt hành khách sẽ sử dụng hai tuyến này mỗi ngày. (Theo ADB ngày 01/3)

 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo, ECB đã cùng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định kích hoạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để có thể cung ứng và đảm bảo thanh khoản. Theo đó, ECB sẽ cung ứng đồng EUR cho BoE để đổi lấy đồng bảng Anh và BoE có thể cho các ngân hàng ở Anh vay bằng đồng EUR hằng tuần.

Trong khi đó, ECB và ngân hàng trung ương của 19 nước thành viên Eurozone sẽ sẵn sàng cho các ngân hàng ở khu vực vay bằng đồng bảng Anh nếu phát sinh nhu cầu này. Do đó, các ngân hàng ở cả Eurozone và Anh đều có thêm sự đảm bảo về mặt thanh khoản trong trường hợp khẩn cấp, nếu Brexit diễn ra một cách mất trật tự. Thỏa thuận là một phần trong mạng lưới những thỏa thuận hiện hành đã được 6 ngân hàng trung ương lớn, trong đó có ECB và BoE, nhất trí hồi tháng 10/2013.

(Theo TTXVN ngày 063)