Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 7-12/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 3% và 2,9%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 3,1% cho năm 2018 theo dự báo đưa ra hồi tháng 6/2018, do một loạt các yếu tố tiêu cực, từ căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính, cho đến những thách thức về tiền tệ ở nhiều thị trường đang nổi.

Các trung tâm kinh tế được xem là đầu tàu của kinh tế toàn cầu đều mất đà tăng trưởng, kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc, Eurozone sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ năm 2018 đạt 2,9%, sau đó giảm xuống 2,5% trong năm 2019 và 1,7% vào năm 2020; với Trung Quốc là 6,5% trong năm 2018, sau đó giảm xuống 6,2% trong 2 năm tiếp theo; Eurozone là 1,9% trong năm 2018 và giảm xuống 1,7% vào năm 2019. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 08/01)

- Trung Quốc: Trong tháng 12/2018, CPI tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 2,2% của tháng 11/2018 và 2,1% theo dự báo của thị trường. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất trong 6 tháng qua, do chi phí hàng hóa phi thực phẩm giảm tốc. (Theo Cơ quan Thống kê Trung Quốc ngày 10/01)

Thương mại

Ngày 09/01, các quan chức Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đi đầu trong việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các Bộ trưởng đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong việc tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như tăng cường môi trường kinh doanh thông qua việc thúc đẩy bảo mật dữ liệu.

Đây cũng là những vấn đề  sẽ được đưa ra tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về thương mại và kinh tế kỹ thuật số, dự kiến diễn ra từ ngày 08 - 09/6/2019 tại Nhật Bản. (Theo TTXVN ngày 09/01)

M&A

Trong năm 2018, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trên thế giới tiếp tục gia tăng. Tính trên toàn cầu, giá trị của các thương vụ M&A tăng 11,5% so với năm 2017 lên 3,53 nghìn tỷ USD. Như vậy hoạt động M&A đạt giá trị cao thứ ba tính từ năm 2011.

Giá trị của một vụ M&A thông thường đạt 384,4 triệu USD, thấp hơn không nhiều so với mức đỉnh 400,3 triệu USD vào năm 2015. Trong năm 2018 có 36 thương vụ quy mô cực lớn (giá trị từ 10 tỷ USD trở lên), cao hơn 6 thương vụ so với năm 2017. (Thời báo Ngân hàng ngày 09/01 dẫn số liệu của Công ty Mergermarket)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 07/01 - 11/01/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 2,4%; 2,54% và 3,45% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (04/01/2019). Trong ngày giao dịch ngày 11/01/2019:

+ Dow Jones giảm 5,97 điểm (-0,02%), xuống 23.995,95 điểm.

+ S&P 500 giảm 0,38 điểm (-0,02%), xuống 2.596,26 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 14,59 điểm (-0,21%), xuống 6.971,48 điểm. 

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 5,91 điểm (4%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (11/01/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 50,51 điểm (2,05%), lên 2.514,87 điểm. 

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 145,84 điểm (0,55%), lên 26.667,27 điểm.

- Kospi Hàn Quốc tăng 12,29 điểm (0,6%), lên 2.075,57 điểm.

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 195,90 điểm (0,97%), lên 20.359,70 điểm.

Dầu mỏ

Khối lượng dự trữ dầu thô thương mại của Hoa Kỳ trong tuần (31/12/2018 - 04/01/2019) đã giảm 1,7 triệu thùng xuống 439,7 triệu thùng, hỗ trợ tăng giá dầu. Dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng khoảng 8% so với mức trung bình 5 năm qua. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 09/01)

 

Tuần từ ngày 07/01 - 11/01/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 7,57% và 5,99%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (11/01/2019), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2019:

- Dầu WTI của Hoa Kỳ giảm 1 USD (-1,94%), xuống 51,59 USD/thùng.

- Dầu Brent giảm 1,2 USD (-1,98%), xuống 60,48 USD/thùng.

Châu Âu

- EU: Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3 sẽ để lại “lỗ hổng” ngân sách của EU trị giá khoảng vài tỷ EUR trong năm 2019 và sẽ tăng lên trong năm 2020. Số liệu thống kê của EU cho biết, trong năm 2017, khoản đóng góp của Anh trong ngân sách EU là 5,3 tỷ EUR. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của EU phải chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp đối với này. (Theo Ủy viên phụ trách vấn đề ngân sách của EU Gunther Oettinger ngày 08/01)

- Anh: 

+ Số tài sản trị giá gần 800 tỷ GBP (1.000 tỷ USD) trong số tài sản trị giá 8.000 tỷ GBP của lĩnh vực ngân hàng tại Anh đang được chuyển từ Anh sang các trung tâm tài chính mới ở EU trước khi Brexit. 

Người đứng đầu bộ phận tài chính của EY tại Anh, ông Omar Ali nhận định càng tới gần thời điểm Brexit mà EU và Anh không đạt được thỏa thuận thì sẽ càng có thêm nhiều tài sản, lao động bị chuyển đi trong khi số nhân công sở tại có thể tăng lên. (Theo Công ty tư vấn Ernst & Young (EY) ngày 07/01)

+ Trong tháng 11/2018, cho vay tiêu dùng tại Anh tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với 7,4% của tháng 10/2018 và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015, do người tiêu dùng tại nước này đang hạn chế chi tiêu. Số khoản vay thế chấp mua nhà được cấp cũng giảm xuống 63.728 khoản trong tháng 11/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018.

Ngân hàng cho vay thế chấp Nationwide cho biết, giá nhà giảm 0,7% trong tháng 11/2018, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012. (Theo Ngân hàng Trung ương Anh - BoE ngày 04/01)

- Italy: Nắng nóng kỷ lục và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2018 đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Italy khoảng 1,5 tỷ EUR. Thách thức mới đối với các trang trại của Italy hiện nay là phải thích ứng với những biến động thời tiết tác động lên chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, quản lý nguồn nước và an toàn đất đai. (Theo Báo cáo của Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti ngày 10/01)

- Nga: Tính đến cuối tháng 6/2018, Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đã giảm tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối xuống còn 24,4%, trong khi đồng EUR và NDT tăng lần lượt lên 32% và 14,7%. Trong quý II/2018, tài sản dự trữ bằng ngoại tệ và vàng của RCB cũng giảm từ 460 tỷ USD xuống 458,1 tỷ USD.

Đầu tư vào NDT quy đổi ra USD đã tăng hơn 44 tỷ USD (gần gấp 3 lần), đầu tư vào EUR tăng 44 tỷ USD (tương đương 45%), trong khi đầu tư vào USD giảm 100 tỷ USD (50%). Việc RCB hạ tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối được xem là biện pháp để Nga giảm phụ thuộc vào đồng tiền này, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống tài chính của Nga đang được Hoa Kỳ triển khai. (TTXVN ngày 10/01 dẫn tin từ báo cáo của RCB)

- Đức: Trong tháng 11/2018, kim ngạch thương mại của Đức đạt thặng dư 20,5 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 23,8 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 95,7 tỷ EUR, kim ngạch xuất khẩu giữ nguyên ở mức 116,2 tỷ EUR. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018, Đức đạt thặng dư thương mại 214,2 tỷ EUR, thấp hơn so với 229,5 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 09/01)

Châu Á

- Hàn Quốc: Cán cân vãng lai trong tháng 11/2018 đạt thặng dư 5,06 tỷ USD, tiếp tục đà thặng dư kéo dài 81 tháng - dài nhất trong lịch sử, bắt đầu từ tháng 3/2012. Tuy nhiên, quy mô thặng dư trong tháng 11 giảm so với mức thặng dư 7,43 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018, do tăng trưởng xuất khẩu chững lại. Cán cân hàng hóa, vốn đóng vai trò kéo thặng dư tăng cao, đạt thặng dư 7,97 tỷ USD. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 08/01)

- Philippnes: Trong tháng 11/2018, cán cân thương mại của Philippines thâm hụt 3,9 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt 3,28 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 5,57 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 6,8% lên 9,47 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại ở mức 37,69 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (23,41 tỷ USD). (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Philippnes ngày 10/01)

Trung Quốc

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018, đầu tư trong lĩnh vực môi trường tại Trung Quốc tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017. Lĩnh vực kinh tế xanh của Trung Quốc ngày càng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ nước này nỗ lực để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. (Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 06/01)

Theo Tổng giám đốc Zhang Xiaolun của Công ty Công nghiệp máy móc quốc gia Trung Quốc Sinomach, ngành sản xuất xanh sẽ nhanh chóng chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, cải thiện năng lực cốt lõi, tạo thuận lợi cho việc phát triển bền vững của ngành công nghiệp.

 

Dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ người vào năm 2029 và bắt đầu thời kỳ giảm liên tục vào năm 2030, xuống 1,36 tỷ người vào năm 2050, đồng nghĩa với việc lực lượng lao động sẽ giảm 200 triệu người. Nếu tỷ lệ sinh nở không thay đổi, dân số nước này sẽ giảm xuống 1,17 tỷ người vào năm 2065.

Trung Quốc cần phải có chính sách để giải quyết vấn đề lực lượng lao động giảm sút và dân số già hóa. Việc dân số sụt giảm trong dài hạn, cộng thêm tình trạng dân số già hóa sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn đối với kinh tế và xã hội. (Theo “Sách Xanh về dân số và lao động” được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố ngày 04/01)

 

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động khoảng 8,5 tỷ USD từ các thỏa thuận tài chính xuyên biên giới thông qua chương trình này trong ba năm qua, liên quan đến nhiều kênh tài chính khác nhau, như các khoản vay thương mại quốc tế, đầu tư ủy thác bất động sản và nợ nước ngoài.

Chương trình đã giúp giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp tại các khu vực phía Tây của Trung Quốc. (Theo Giám đốc Văn phòng quản trị của Chương trình liên chính phủ giữa Trung Quốc và Singapore ngày 08/01)

 

Vào cuối tháng 12/2018, tổng giá trị trái phiếu chính phủ của Trung Quốc do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đạt 1.097 tỷ NDT (160,27 tỷ USD), tăng 81% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 36,5 tỷ NDT so với tháng 11/2018, đây cũng là mức cao kỷ lục, khi đồng NDT ổn định nhờ thỏa thuận “đình chiến” trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng NDT tăng giá 1,25% so với đồng USD trong tháng 12/2018. (Theo China Central Depositoty and Clearing Co - CCDC ngày 07/01)

 

Nhật Bản

Ngày 07/01, Nhật Bản bắt đầu thực hiện thu “thuế du lịch quốc tế”, theo đó người Nhật Bản và người nước ngoài ở Nhật Bản khi rời khỏi nước này sẽ phải nộp thuế 1.000 JPY (khoảng 9 USD)/người. Thuế du lịch quốc tế sẽ được tính vào giá vé máy bay hoặc tàu thủy đi nước ngoài.

Tuy nhiên, trẻ em dưới 2 tuổi và những người chỉ nhập cảnh vào Nhật Bản trong 24 giờ đồng hồ được miễn khoản thuế này. Đây là lần đầu tiên sau 27 năm Nhật Bản đưa vào một loại thuế mới trong hệ thống thuế của nước này. Dự kiến tổng số tiền thu được là 50 tỷ JPY/năm (khoảng 10.500 tỷ đồng), được chi cho các biện pháp nhằm thu hút thêm khách du lịch quốc tế tới Nhật Bản. (Theo TTXVN ngày 07/01)

 

Kinh tế Nhật Bản đang phục hồi sau một loạt thảm họa thiên nhiên trong mùa hè năm 2018, song Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cảnh báo rằng ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đà suy giảm nhu cầu trên toàn cầu, do những bất ổn liên quan đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải giữa bối cảnh tiền lương tăng lên sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. BoJ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp hiện nay cho đến khi lạm phát tăng lên mức mục tiêu 2%. (Theo BoJ ngày 10/01)

Đàm phán - Ký kết

Trung Quốc và Hoa Kỳ

Trong các cuộc đàm phán của Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức hai nước đã tiến hành các cuộc trao đổi tích cực, sâu rộng và chi tiết về các vấn đề thương mại và cơ cấu mà hai bên cùng quan tâm, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Điều này đặt nền tảng giúp giải quyết những mối quan ngại chung của hai nước. Tuy nhiên, hai bên cho biết không thỏa thuận nào được đưa ra và cũng không có lịch hẹn nào cho buổi gặp mặt tiếp theo trong vòng 90 ngày diễn ra đình chiến thương mại (được ký kết vào ngày 01/12). 

Cuộc đàm phán kéo dài ba ngày tại Bắc Kinh (từ 07 - 09/01) là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra đầu tháng 12/2018 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/01)

Nhật Bản và Anh

Ngày 10/01, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế mới, trong bối cảnh Anh có kế hoạch rời khỏi EU vào tháng 3/2019.

Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định sẽ hợp tác với nhau trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng để đảm bảo "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, đồng thời thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế song phương kiểu mới. (Theo Kyodo ngày 10/01)

Chính sách

Canada: Ngân hàng Trung ương Canada (09/01) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,75%, phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 12/2008.

Các nhà hoạch định chính sách nước này cho biết, lãi suất cần được tăng lên để giữ lạm phát khoảng 2% và tốc độ tăng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như biến động của thị trường dầu mỏ, thị trường nhà ở Canada và thương mại toàn cầu.