Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 23-28/10/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Anh: Trong quý III/2017, GDP so theo tháng của Anh tăng 0,4%, cao hơn mức tăng 0,3% của quý II và 0,3% theo dự báo của thị trường, trong đó lực đẩy lớn nhất là khu vực dịch vụ với mức tăng 0,4%.

Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm qua tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách tiền tệ vào ngày 02/11/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 25/10)

Nga: Trong quý III/2017, GDP của Nga tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 2,5% của quý II/2017, nhưng cao hơn 0,5% trong quý I/2017 và mức giảm 0,2% của năm 2016. Việc khôi phục tiền lương, cho vay và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Nga. (Theo Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Oreshkin ngày 20/10)

Đức: Kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2017 và 2,2% trong năm 2018; các doanh nghiệp sẽ tạo thêm 650 nghìn việc làm trong năm 2017 và 600 nghìn việc làm trong năm 2018. Có 27 nghìn doanh nghiệp tại Đức được khảo sát tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu nội địa tiếp tục tăng và cho biết sẽ tuyển dụng thêm lao động.

Tuy nhiên 35% doanh nghiệp được khảo sát vẫn tỏ ý quan ngại về môi trường chính trị có thể gây ra nguy cơ đối với hoạt động phát triển thương mại. (Theo khảo sát của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - DIHK ngày 19/10)

Hàn Quốc: Trong quý III/2017, GDP của Hàn Quốc tăng 1,4% so với quý II/2017 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2010, cao hơn các mức tương ứng là 0,9% và 3% (dự báo của Bloomberg), do xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, trong năm 2017, GDP của Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 3%. (Theo BoK ngày 26/10)

Australia: Trong quý III/2017, CPI tại Australia tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,9% của quý II/2017 và 2% theo dự báo của thị trường. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ quý IV/2016 do giá thực phẩm giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 25/10)

Nhật Bản: Trong tháng 9/2017, CPI của Nhật Bản tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 8/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường. Trong đó, giá thực phẩm tăng nhanh hơn, chi phí vận chuyển không đổi và chi phí nhà ở tiếp tục giảm.

CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 8/2017, thấp hơn mức tăng 0,8% (dự báo của thị trường), tuy nhiên đây vẫn là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015.

(Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 27/10)

Singapore: Trong tháng 9/2017, CPI tại Singapore tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2016, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017 do chi phí vận tải tăng chậm. CPI lõi (không bao gồm chi phí ăn ở và vận tải tư nhân) tăng 1,5%, cao hơn mức tăng 1,4% của tháng 8/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 23/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của GDP quý III/2017 của Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh với mức 3%. Tính chung cả tuần (23 - 27/10/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,45%; 0,23%; 1,09% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (20/10/2017). Trong ngày giao dịch ngày 27/10/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 144,49 điểm (2,2%) lên 6.701,26 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 20,67 điểm (0,81%) lên 2.581,07 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 33,33 điểm (0,14%) lên 23.434,19 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,2 điểm (0,13%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (27/10/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 236,47 điểm (0,84%) lên 28.438,85 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 268,67 điểm (1,24%) lên 22.008,45 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 9,25 điểm (0,27%) lên 3.416,81 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 14,88 điểm (0,6%) lên 2.495,51 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 11,83 điểm (-0,2%) xuống 5.904,47 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 23 - 27/10/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 4,72%; 4,66%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (27/10/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,26 USD (2,34%) lên 53,9 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,14 USD (1,89%) lên 60,44 USD/thùng.

Trong tuần từ ngày 16 - 20/10, dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng 856 nghìn thùng, trái ngược với mức giảm 2,6 triệu thùng (dự báo của thị trường), cho thấy hoạt động sản xuất dầu tại nước này đang phục hồi sau đợt thiên tai vừa qua và nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ tăng.(Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 25/10)

Châu Âu

Anh: Từ ngày 23/10, thủ đô London của Anh sẽ áp dụng loại thuế mới T-charge đối với những phương tiện cũ và gây ô nhiễm môi trường nhất nhằm cải thiện chất lượng không khí tại thành phố này.

Theo đó, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu là dầu diesel và xăng, được sản xuất trước năm 2006 không đáp ứng tiêu chuẩn “Euro 4” của châu Âu công bố năm 2005 về lượng khí thải ra môi trường, là đối tượng bị áp thuế T-charge với mức 10 GBP/ngày. (Theo TTXVN ngày 23/10)

Pháp: Hạ viện Pháp đã thông qua kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 24/10, theo đó cắt giảm 7 tỷ EUR (8,2 tỷ USD) tiền thuế và 16 tỷ EUR chi tiêu công trong năm 2018.

Đối tượng được hưởng lợi là các chủ doanh nghiệp, giới đầu tư bất động sản nói riêng và giới đầu tư nói chung.Chính phủ Pháp cam kết sẽ đạt mục tiêu giữ mức thâm hụt ngân sách thấp hơn 3% GDP trong năm 2017 theo quy định của Eurozone và giảm xuống 2,6% GDP trong năm 2018 (với mức tăng trưởng GDP năm 2017 là 2,9% theo dự báo của Chính phủ).

(Theo Chính phủ Pháp ngày 24/10)

Hoa Kỳ

Thượng viện Hoa Kỳ ngày 24/10 đã thông qua dự luật về gói cứu trợ 36,5 tỷ USD dành cho các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng do bão và các khu vực bị tàn phá do cháy rừng.

Trong đó, 18,7 tỷ USD sẽ được cấp cho quỹ hỗ trợ thiên tai của Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp Liên bang; 16 tỷ USD hỗ trợ chương trình bảo hiểm lũ lụt quốc gia; 576 triệu USD chi cho các nỗ lực ứng phó cháy rừng; 1,27 tỷ USD được chi cho công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm cho vùng lãnh thổ Puerto Rico. (Theo Thượng viện Hoa Kỳ ngày 24/10)

Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ đạt 750 tỷ USD vào năm tài khóa 2018; 900 tỷ USD vào năm tài khóa 2019 và 1.025 tỷ USD vào năm tài khóa 2020, so với mức thâm hụt 666 tỷ USD của năm tài khóa 2017 (kết thúc vào ngày 30/9/2017), cao hơn ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (lần lượt ở mức 563 tỷ USD, 689 tỷ USD và 775 tỷ USD), do tác động của việc chi tiêu cho thiên tai, dự kiến cắt giảm thuế và tăng mức chi tiêu của Chính phủ.

Goldman Sachs dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải tăng trần nợ vào tháng 3/2018. Nợ của nước này đã tăng 2,5% trong năm 2017 lên 20,4 nghìn tỷ USD. (Theo dự báo của Goldman Sachs ngày 24/10)

Trong tháng 9/2017, doanh số bán nhà tại Hoa Kỳ tăng 18,9% lên 667 nghìn căn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, cho thấy thị trường bất động sản Hoa Kỳ đang hồi phục sau khi gặp khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của các cơn bão tại nước này. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 25/10)

Ngày 25/10, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá dao động từ 2,8 - 147,6% đối với sản phẩm thép cuộn carbon và hợp kim nhập khẩu từ 7 nước gồm Italy, Hàn Quốc, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Anh.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ coi việc những nước trên bán phá giá các sản phẩm thép tại thị trường Hoa Kỳ là một vấn đề "rất nghiêm trọng" và muốn hỗ trợ các lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ để đảm bảo công bằng thương mại. Việc áp đặt mức thuế trên sẽ được duy trì cho tới khi có kết quả điều tra chính thức của Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế của Hoa Kỳ về vấn đề này.

(Theo TTXVN ngày 26/10)

Hạ viện Hoa Kỳ ngày 26/10 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấp ngân sách tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD, tạo điều kiện cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump sớm triển khai gói cải cách thuế lớn nhất của nước này kể từ năm 1986 đối với cá nhân và doanh nghiệp. (Theo Hạ viện Hoa Kỳ ngày 26/10)

Trung Quốc

Trong năm 2017, giá trị GDP của Trung Quốc sẽ vượt mức 80 nghìn tỷ CNY (12,1 nghìn tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bằng hoặc vượt chỉ tiêu 6,5% của Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi khó khăn kể từ năm 2012, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc (GDP, tỷ lệ lạm phát và thị trường lao động) vẫn ổn định.

Mỗi năm tại Trung Quốc có hơn 10 triệu người được đưa ra khỏi diện nghèo đói. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, cắt giảm công suất dư thừa và đẩy mạnh nâng cấp nền kinh tế. (Theo Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc Hà Lập Phong ngày 21/10)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 23/10 đã bơm 200 tỷ CNY tiền mặt (30 tỷ USD) vào thị trường thông qua các nghiệp vụ thị trường mở ngày thứ năm liên tiếp để giữ thanh khoản ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng cao do yếu tố mùa vụ như thanh toán thuế...

PBoC ngày càng dựa vào các nghiệp vụ thị trường mở để quản lý thanh khoản, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.Trung Quốc đã quyết định theo đuổi chính sách tiền tệ “thận trọng và trung lập” trong năm 2017, đồng thời áp dụng một loạt công cụ chính sách để duy trì sự ổn định cơ bản trong thanh khoản và giữ lãi suất ở mức hợp lý.(Theo PBoC ngày 23/10)

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý IV/2017 so với cùng kỳ năm 2016; tăng 6,8% trong cả năm 2017, lần tăng tốc đầu tiên trong 7 năm qua, sau đó sẽ giảm xuống 6,4% trong năm 2018, trong bối cảnh Chính phủ nước này phải kiềm chế rủi ro về nợ và bất động sản mà không gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. (Theo dự báo của hơn 65 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters ngày 26/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc tăng trưởng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 21,6% của 8 tháng đầu năm. Trong tháng 9/2017, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 24% của tháng 8/2017. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 27/10)

Hàn Quốc

Trong tháng 9/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Hàn Quốc tăng 0,5% so với tháng 8/2017 lên 102,81 điểm, tháng tăng thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, do giá các sản phẩm hóa dầu và kim loại tăng cao. (Theo BoK ngày 23/10)

Saudi Arabia

Ngày 24/10, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp và thương mại khổng lồ trị giá 500 tỷ USD trên diện tích 26.500 km2, chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng, nước sạch, công nghệ sinh học, thực phẩm, chế tạo tiên tiến và giải trí. Đây được coi là nỗ lực lớn nhất của Saudi Arabia nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. (Theo TTXVN ngày 25/10)

Đàm phán - Ký kết

Canada - Liên minh Thái Bình Dương:

Ngày 23/10, Canada đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên về tự do hóa thương mại với Liên minh Thái Bình Dương. Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada cho biết, thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Thái Bình Dương sẽ giúp Canada hiện đại hóa và tối đa hóa các thỏa thuận thương mại song phương đã có với 4 nước thành viên, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hợp tác chủ chốt và đưa thêm vào các yếu tố thương mại tiến bộ về giới, lao động, môi trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Theo TTXVN ngày 24/10)

Chính sách

Eurozone: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 26/10 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, theo đó lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất cho vay 0,25% và lãi suất tiền gửi -0,4%. Ngoài ra, ECB sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp xuống còn 30 tỷ EUR (35 tỷ USD)/tháng từ tháng 01/2018, so với mức 60 tỷ EUR/tháng hiện nay.

 Đây là bước đi đầu tiên của ngân hàng này trong việc rút dần lượng tiền bơm vào hệ thống tài chính của Eurozone để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, người phát ngôn của ECB cho biết, ngân hàng sẵn sàng gia tăng mua trái phiếu nếu nền kinh tế khu vực suy giảm. (Theo ECB ngày 26/10)

Canada: Ngân hàng Trung ương Canada ngày 25/10 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1%, sau khi tăng lãi suất 2 lần vào tháng 7 và tháng 9/2017. Các nhà hoạch định chính sách cho biết, lạm phát tại nước này sẽ đạt mức mục tiêu trung bình là 2% vào 6 tháng cuối năm 2018 và tiếp tục giữ mức tăng trưởng này trong hai năm (2019 - 2020).

Dự báo GDP của Canada tăng trưởng 3,1% trong năm 2017; 2,1% vào năm 2018 và 1,5% vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu và đầu tư kinh doanh tiếp tục là động lực đóng góp chính vào tăng trưởng GDP. (Theo Ngân hàng Trung ương Canada ngày 25/10)

Brazil: Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 25/10 quyết định giảm lãi suất cơ bản 75 điểm phần trăm xuống còn 7,5%, sau khi cắt giảm 100 điểm phần trăm vào ngày 06/9/2017, đưa chi phí vay vốn tại nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2013, trong bối cảnh lạm phát phục hồi chậm. Các nhà phân tích dự báo, lãi suất cơ bản tại Brazil sẽ giảm xuống 7% vào cuối năm 2017. (Theo Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 25/10)