Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 04-08/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Ngày 06/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tiếp tục giữ nguyên mức trích lập và tăng chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tăng giá xăng thêm 300 đồng/ lít và tăng giá các loại dầu từ 173 đồng/kg đến 383 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92 là 19.911 đồng/lít; xăng RON95-III là 21.477 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 18.069 đồng/lít; dầu hỏa là 16.559 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 14.916 đồng/kg.

Thời gian thực hiện các quyết định trên từ 15h ngày 06/9/2018.

(Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 06/9)

Tính đến thời điểm 15h ngày 06/9, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn 2.100 tỷ đồng. Như vậy, so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 22/8), quỹ BOG của doanh nghiệp này giảm 200 tỷ đồng. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày 06/9)

Tăng trưởng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua phân tích 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 có thể đạt và vượt.

GDP có thể đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3 - 5%; nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017… (Theo Chính phủ ngày 30/8)

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển (từ năm 2007), kinh tế biển và ven biển Việt Nam đã trở thành động lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương có biển.

GDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển tăng bình quân 7,5%/năm (cả nước tăng 6%/năm). Riêng năm 2017, GDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 65 triệu đồng (cả nước đạt 53,3 triệu đồng).

Tuy nhiên, chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển chia cho chiều dài bờ biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng 3,6 triệu USD/km (tương đương hơn 80 tỷ đồng/km) so với mức bình quân của thế giới đạt khoảng 4 triệu USD/km bờ biển. (Theo Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 05/9)

Doanh nghiệp

Kết quả khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp (AGER 2018) do Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM, Đức), Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) tiến hành và công bố ngày 06/9 cho thấy, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ đầu về thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân.

Chỉ số của Việt Nam ở vị trí đứng đầu bảng khảo sát với 88% người được hỏi sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp, trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%.

Bên cạnh đó, có 89% người được hỏi tin rằng có thể triển khai thực hiện và phát triển ý tưởng kinh doanh của riêng mình (chỉ số trung bình của thế giới là 52%); 78% biết cách gây quỹ cho ý tưởng kinh doanh của mình (chỉ số trung bình của thế giới là 38%).

Đây là lần thứ 8 báo cáo này được thực hiện và là năm thứ 3 Việt Nam xuất hiện trong báo cáo.

(Theo TTXVN ngày 06/9)

PMI

Theo Báo cáo của Nikkei, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 53,7 điểm trong tháng 8. Mặc dù các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhưng chỉ số tháng 8 lại giảm so với tháng 7 (54,9 điểm).

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN trong tháng 8, bảo toàn thứ hạng của 3 tháng trước đó. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 04/9)

Tổng cầu


Xuất - nhập khẩu

Trong 7 tháng năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Nga đạt 1,2 tỷ USD, tăng tới 55%. Việt Nam xuất siêu 265 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga nhanh hơn tốc độ tăng xuất khẩu sang Nga. Trong 7 tháng năm 2018, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 19 của Việt Nam. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/9)

Trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 972 nghìn tấn khí đốt hóa lỏng các loại, tương ứng giá trị 563 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng năm 2017.

Trong 7 tháng, Việt Nam nhập nhiều khí đốt hóa lỏng từ thị trường Trung Quốc, chiếm 36,1% tổng lượng nhóm hàng khí đốt hóa lỏng, đạt 315 nghìn tấn, trị giá 184,3 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 3,44% về lượng nhưng tăng 11,75% về giá.

Tiếp đến là các nước Đông Nam Á, chiếm 17,9% lượng khí nhập khẩu, đạt 156,1 nghìn tấn, trị giá 92,6 triệu USD, tăng gấp 2,66 lần về lượng (tức tăng 166,82%) và gấp 3,07 lần về trị giá (tức tăng 207,1%).

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu khí từ các nước khác như UAE, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… (Theo Bộ Công Thương ngày 31/8)

Đầu tư

Tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, xếp thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 2,4 tỷ USD (tính đến cuối tháng 3/2018).

Các dự án này thuộc các lĩnh vực dầu khí, giao thông vận tải, nông nghiệp, điện lực, xây dựng, công nghiệp và công nghệ cao. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 05/9)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 08/9 so với ngày 07/9, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,57 - 36,74 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,62 - 36,72 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng giá, 4 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 08/9, tỷ giá trung tâm là 22.686 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 07/9; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 07/9 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.260 - 23.340 VND/USD, giảm 10 đồng.

- Viettinbank: 23.227 - 23.327 VND/USD, giảm 22 đồng.

Tín dụng

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức cho cả năm 2018 là 17%, các ngân hàng cần tăng dư nợ thêm khoảng 573.000 tỷ đồng so với mức dư nợ bổ sung cần thiết vào thời điểm này của năm 2017 là 446.000 tỷ đồng. HSC tính toán tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm là 8,47%.

Công ty cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh - HSC đưa ra hai kịch bản:

(i) Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16 - 17%: Tại kịch bản này, tăng trưởng GDP quý III giảm tốc so với quý II, trong khi lạm phát dao động ở mức 4%. Ngân hàng Nhà nước buộc phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong quý IV.

(ii) Tăng trưởng tín dụng đạt 14 - 16%: Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP quý III tương đương quý II, trong khi CPI tăng vượt 4%. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

(Theo HSC ngày 04/9)

Tính từ năm 2012 - 6/2018, hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu; riêng 6 tháng đầu năm 2018 xử lý đạt khoảng 58.800 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng tự xử lý với 56.740 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, 138.290 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý . Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn nhỉnh hơn 2%.

Tuy nhiên, nợ ngoại bảng (gồm nợ tại VAMC, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2020 (từ mức khoảng 6,6% nói trên).

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 06/9)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 03 - 07/9/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 10,71 điểm (1,12%) lên 968,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 178,79 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.886,57 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,29 điểm (1,17%) lên 111,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 41,89 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 638,08 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,1 điểm (0,19%) lên 51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,62 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1630,27 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4.788.817 triệu đơn vị, trị giá 84,87 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 7,46 triệu đơn vị, trị giá 173,67 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 10,64 triệu đơn vị, trị giá 51,56 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 371.183 đơn vị, trị giá 45,85 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 981.448 đơn vị, trị giá 35,71 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng, với khối lượng 2,3 triệu đơn vị, trị giá 42,95 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 34.447 đơn vị, trị giá 9,31 tỷ đồng).

Chứng khoán

Trong tháng 8/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX có thêm 1 doanh nghiệp mới niêm yết cổ phiếu là Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng và 3 doanh nghiệp hủy niêm yết là Công ty cổ phần 482, Công ty cổ phần PIV và Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ.

Tổng số chứng khoán niêm yết tính đến ngày 31/8 là 376 mã cổ phiếu với tổng khối lượng niêm yết hơn 12,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết toàn thị trường đạt gần 124.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 972 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 14.000 tỷ đồng.

Bình quân khối lượng giao dịch đạt 42,3 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 4,2% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 620 tỷ đồng/phiên (tăng xấp xỉ 13,8% so với tháng 7). So với tháng 7, chỉ số giá cổ phiếu các ngành đều tăng, trong đó ngành Tài chính tăng trưởng mạnh nhất với 5,93%, tương ứng 198,54 điểm. (Theo HNX ngày 05/9)

Thị trường chứng khoán

Ngày 05/9, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng. Trái phiếu chính phủ tại các kỳ hạn 5 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.250 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,67%/năm, tăng 0,04%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/8). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,67%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,92%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 22/8). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,92%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm và 20 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 109.711 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

(Theo HNX ngày 05/9)

Trong tháng 8/2018, HNX đã tổ chức 38 phiên đấu thầu, huy động được 17.340 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng 9,9% so với tháng 7. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 16.060 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 1.280 tỷ đồng.

Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu tháng 8 đạt 41,09%. Khối lượng đặt thầu gấp 1,4 lần khối lượng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm khoảng 4 - 5%/năm, 5 năm khoảng 3,5 - 5,1%/năm, 7 năm là 3,9%/năm, 10 năm khoảng 4,5 - 5,6%/năm, 15 năm khoảng 4,81 - 6%/năm.

So với tháng trước, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước tăng ở hầu hết các kỳ hạn: 5 năm (tăng 0,05%/năm), 10 năm (tăng 0,12%/năm), 15 năm (tăng 0,09%/năm), kỳ hạn 7 năm giữ nguyên lãi suất so với tháng 7.

(Theo HNX ngày 04/9)

Bộ phận đầu tư của Ngân hàng Thụy Sỹ Union Bank of Switzerland UBS vừa công bố Báo cáo chiến lược đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam với chủ đề “Bước tiến xa hơn của thị trường tài chính Việt Nam”, trong đó nhận định thị trường vốn Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển.

Trong 5 năm tới, thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể. Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc) phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng khi dư nợ tại khu vực này vượt tổng giá trị trái phiếu niêm yết và cổ phiếu lưu hành.

Để Việt Nam bắt kịp mức trung bình tại Đông Á vào năm 2023, tổng giá trị trái phiếu lưu hành cần tăng lên 200 tỷ USD (gấp 4 lần) và thị trường cổ phiếu đạt khoảng 173 tỷ USD (tăng 100%) vào năm 2023. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 05/9)

Trong tháng 8/2018, trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 560 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 62.570 tỷ đồng, tăng 0,27% về giá trị so với tháng 7.

Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 847 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 84.600 tỷ đồng, giảm 8,5% về giá trị so với tháng 7.

Giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 1.320 tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright đạt hơn 1.840 tỷ đồng. Giá trị giao dịch mua bán lại của nhà đầu tư nước ngoài đạt 60,4 tỷ đồng, không có giao dịch mua bán lại của nhà đầu tư nước ngoài.

(Theo HNX ngày 04/9)

Bất động sản

Cả nước hiện có 813 đô thị. Tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình hằng năm đạt 2 - 3,4%. Có 46,6% hộ dân sống trong nhà kiên cố, 43,7% sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% có nhà đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đến tháng 6.2018 là 23,7 m2/người.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư, kinh doanh bất động sản, do nhu cầu về bất động sản như nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng... còn rất lớn. (Theo Bộ Xây dựng ngày 06/9)