Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 06-11/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Chiều ngày 07/8, liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được điều chỉnh như sau: Xăng E5 RON92 và Xăng RON95-III giữ ổn định giá; Dầu diesel 0.05S tăng 296 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 205 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 257 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92 là 19.611 đồng/lít; Xăng RON95-III là 21.177 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S là 17.538 đồng/lít; Dầu hỏa là 16.379 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S 15.013 đồng/kg.

Thời gian thực hiện thực hiện các quyết định trên áp dụng từ 15h ngày 07/8/2018.

(Theo Bộ Công Thương ngày 07/8)

Tăng trưởng

Trong năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 6,83%, vượt mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó tăng trưởng quý III/2018 đạt 6,72% và quý IV đạt 6,56%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu sức ép từ: Việc tăng giá của đồng USD; chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế. (Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCIF ngày 08/8)

Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% trong năm 2018; giảm 0,09% trong năm 2019 và 0,12% trong năm 2020 - 2021. Với tốc độ tăng 6,8% trong năm 2018, quy mô kinh tế năm 2018 đạt khoảng 235 tỷ USD.

Giả sử tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 6,5% mỗi năm trong 5 năm tới, quy mô kinh tế các năm trong giai đoạn 2020 - 2022 lần lượt là 250,2 tỷ USD, 284 tỷ USD và 302 tỷ USD.

Với kịch bản Hoa Kỳ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bình quân cả giai đoạn 2018 - 2022, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. (Theo NCIF ngày 09/8)

ANZ Research dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 6,8% và 7%, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI và mở rộng cơ sở sản xuất.

Các yếu tố đóng góp cho triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn gồm: Quy mô nhân khẩu học thuận lợi, lực lượng lao động có trình độ, các cải cách kinh tế đang diễn ra và lợi ích từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Việt Nam - EU FTA. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 09/8)

Doanh nghiệp

Tổng cục Thuế vừa công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2017, trong đó Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất.

Tổng số thuế TNDN của các đơn vị trong bảng xếp hạng đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% tổng số thuế TNDN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với mức 101.457 tỷ đồng của năm 2016.

Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp được xây dựng dựa trên mức độ đóng góp thực tế của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, thông qua đó, gián tiếp phản ánh hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm. (Theo Báo Nhân dân ngày 06/8)

Sau 6 năm thử nghiệm và 2 năm hoạt động chính thức, tính đến ngày 31/7/2018:

- Có hơn 72 nghìn nhà thầu đã nắm bắt những cơ hội kinh doanh qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

- Số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng là 7.800 gói - gần bằng số lượng của cả năm 2017, trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất lên tới 194 tỷ đồng. Dự kiến số lượng gói thầu qua mạng trong năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/8)

Trong tuần từ ngày 30/7 - 03/8, Ngân hàng Nhà nước - NHNN không có hoạt động bơm vốn mới qua kênh OMO, trong khi lượng vốn đáo hạn là 16,999 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng 16.999 tỷ đồng qua kênh này.

Bên cạnh đó, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 13.705 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi không có lượng vốn đáo hạn trong tuần. Như vậy, tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng 13.705 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã hút ròng 30.704 tỷ đồng từ thị trường, cho thấy thanh khoản hệ thống ở trạng thái dư thừa hơn so tuần trước đó. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 08/8)

Trong năm 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã lên tới 10,2 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2009. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị các thương vụ M&A đạt trên 3,55 tỷ USD.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê về FDI tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, trong số 22,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, có tới 4,79 tỷ USD được thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/8)

Thị trường M&A Việt Nam trong một thập kỷ qua đã ghi nhận hơn 4.000 giao dịch, giá trị lên tới 48,8 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD trong năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, tăng 39% so với kỳ năm 2017.

Dự báo năm 2018, giá trị M&A đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD. Trong trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD. (Theo KPMG ngày 09/8)

Kết quả Cuộc bình chọn doanh nghiệp có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất 2018 do Vietstock phối hợp với Tài chính và Cuộc sống điện tử - FiLi.vn thực hiện cho thấy, có 266 doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra trong tổng số 686 doanh nghiệp niêm yết thuộc danh sách khảo sát, chiếm 38,78%, tăng vọt so với con số 16,96% của năm 2017.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp niêm yết đã có sự thích ứng tốt với những quy định công bố thông tin của Thông tư số 155/2015/TT-BTC so với Thông tư số 52/2012/TT-BTC (có hiệu lực kể từ năm 2016).

(Theo Vietstock ngày 09/8)

Tổng cầu


Ngân sách nhà nước

Trong tháng 7/2018, Bộ Tài chính đã ký kết 7 hiệp định vay với tổng trị giá 651 triệu USD; lũy kế 7 tháng đã ký kết 11 hiệp định vay với tổng trị giá 844,2 triệu USD.

Ước tính giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 7/2018 là 12,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đầu năm là 117.096 tỷ đồng (trả nợ trong nước là 89.673 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 27.423 tỷ đồng).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đến ngày 25/7/2018 đã thực hiện phát hành 105 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 38,1% kế hoạch phát hành, gồm: 90.001 tỷ đồng phát hành trên thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành theo phương thức riêng lẻ cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đáp ứng đủ nguồn để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán.

(Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính ngày 06/8)

Trong 7 tháng đầu năm 2018, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 41,09% kế hoạch (gồm vốn trong nước đạt 45,35%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 17,53%, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 26,31%), vốn nước ngoài đạt 24,7% kế hoạch.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, tuy nhiên sau 7 tháng vẫn còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có số giải ngân thấp.

31/56 bộ, ngành trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 35% kế hoạch năm. Thậm chí, một số bộ, ngành gần như chưa giải ngân. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/7)

Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã có 319 hiệp định vay vốn ODA được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của giai đoạn 2006 - 2010.

Trong đó vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96%; viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA.

Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của NSNN khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm 65% tổng trị giá ký kết; cho vay lại khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 35% giá trị ký kết.

Bình quân giai đoạn 2011 - 2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN. (Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ngày 09/8)

Xuất - nhập khẩu

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 11,5 tỷ USD trong năm 2015 lên 15,3 tỷ USD trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15,5%/năm.

6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo thống kê của Thái Lan, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này trong ASEAN, sau Malaysia. Hai nước phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong năm 2020. (Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 03/8)

Trong tháng 7/2018:

- Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 663 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

- Giá trị nhập khẩu thủy đạt 123 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 7 tháng đạt 984 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 04/8)

Trong tháng 7/2018, Việt Nam xuất khẩu 200 nghìn tấn xăng dầu các loại, tương ứng 136 triệu USD. Tính chung 7 tháng, lượng xăng dầu xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, trị giá trên 1,14 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 35% tổng lượng nhóm hàng. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, tiếp đến là Lào, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan… (Theo Bộ Công Thương ngày 03/8)

Trong 6 tháng đầu năm 2018:

- Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Australia tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,63 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia tăng 22,5%, đạt 1,98 tỷ USD.

Nhập khẩu từ Australia đạt 1,64 tỷ USD, tăng 17,1%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Australia 338,6 triệu USD, tăng 57,9%. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia gồm điện thoại và linh kiện; dầu thô; máy vi tính và linh kiện; máy móc thiết bị…

- Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 3,12 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam là 2,73 tỷ USD, tăng 14% và nhập khẩu là 389,76 triệu USD, tăng 14,7%. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường này đạt 2,34 tỷ USD.

Với trị giá xuất khẩu 3,12 tỷ USD, thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh chiếm tỷ trọng khoảng 1,2% trong tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước (hơn 252 tỷ USD).

(Theo Báo Hải quan ngày 05/8 và Tổng cục Hải quan ngày 08/8)

Trong nửa cuối tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,807 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 700 triệu USD so với tháng 6.

Đây cũng là tháng thứ 3 kể từ đầu năm 2018 đến nay, kim ngạch xuất khẩu đạt con số từ 20 tỷ USD/tháng trở lên. Tính hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 134,51 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2017. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp đến 70% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,657 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam tính đến hết tháng 7/2018 vẫn được duy trì ở mức 2,835 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 09/8)

Tính đến hết ngày 31/7/2018, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 1.935 chiếc. Giá bán lại tăng hàng chục triệu đồng/chiếc.

Ô tô đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt từ Thái Lan là 1.469 chiếc, chiếm 76% tổng lượng xe nhập khẩu, từ Indonesia là 306 chiếc, Hàn Quốc 81 chiếc, Ấn Độ 54 chiếc, Thổ Nhĩ Kỳ 10 chiếc, Trung Quốc 9 chiếc… (Theo Tổng cục Hải quan ngày 08/8)

Tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2017. Riêng năm 2017, xuất khẩu trên 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam sẽ nâng thị phần thương mại đồ gỗ trên thế giới từ 6% hiện nay lên trên 10% vào năm 2025 (15 tỷ USD). Trong đó, năm 2018 đạt tối thiểu 9 tỷ USD, năm 2020 đạt 11 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% thị phần thương mại gỗ thế giới.

(Theo Báo Tiền phong ngày 08/8)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong quý II/2018, doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đo lường toàn quốc tại kênh thương mại truyền thống và kênh thương mại hiện đại (chỉ đo ở khu vực thành thị) tăng nhẹ 0,7%. Tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh hơn tốc độ tăng trưởng khối lượng.

Tăng trưởng giá trị tăng 1,3% trong khi tăng trưởng sản lượng giảm xuống -0,6%. Điều này cho thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn chưa phản ánh được những diễn biến tích cực của điều kiện kinh tế, trong bối cảnh GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 7,1%. (Theo Công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu Nielsen ngày 08/8)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 11/8 so với ngày 10/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,63 - 36,81 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra.

- Doji: 36,70 - 36,78 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm không thay đổi so với tuần trước với 1 ngày tăng giá, 2 ngày giảm và 3 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch 11/8, tỷ giá trung tâm là 22.676 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 10/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng/giảm trái chiều so với ngày 10/8 như sau:

- Vietcombank: 23.260 - 23.340 VND/USD, giảm 25 đồng.

- BIDV: 23.250 - 23.330 VND/USD, tăng 10 đồng.

- Viettinbank: 23.227 - 23.337 VND/USD, tăng 3 đồng.

Lãi suất

Trong tuần từ ngày 30/7 - 03/8, lãi suất liên ngân hàng trung bình có xu hướng giảm mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm 1,71 - 2,18%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 2,18% về 1,98%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 1,85% về 2,2%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 1,71% về 2,5%/năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có phần dồi dào hơn sau khi NHNN ngừng bán ngoại tệ, nhờ đó lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 08/8)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 06 - 10/8/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 4,97 điểm (0,52%) lên 968,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 179,96 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.393,8 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,61 điểm (0,57%) lên 108,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 37,94 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 566,02 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,1 điểm (0,2%) lên 51,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 18,34 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 290,8 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,2 triệu đơn vị, trị giá 660,85 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng, với khối lượng 12,95 triệu đơn vị, trị giá 764,39 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 12,35 triệu đơn vị, trị giá 904 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng hơn 2 triệu đơn vị, trị giá 18,99 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 100.000 đơn vị, trị giá 16 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng, với khối lượng 1,75 triệu đơn vị, trị giá 84,55 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 2,5 triệu đơn vị, trị giá 0,16 tỷ đồng).

Trái phiếu

Trong tuần từ ngày 30/7 - 03/8, tổng giá trị giao dịch Outright đạt 14.116 tỷ đồng, giảm 2,65% so với tuần trước đó.

Trong đó, loại trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 1 - 3 năm chiếm tỷ trọng 39,8% tổng giá trị giao dịch, tương đương 5.616,73 tỷ đồng; trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm chiếm 5,6%; trái phiếu kỳ hạn còn lại 3 - 5 năm chiếm 21,4%; trái phiếu kỳ hạn còn lại 5 - 10 năm chiếm 13% và trái phiếu kỳ hạn còn lại 10 - 30 năm chiếm 20,2% tổng giá trị giao dịch.

Tổng giá trị giao dịch Repos tuần qua giảm 15,96% so với tuần trước đó, về mức 17.596 tỷ đồng. (Theo BVSC ngày 08/8)