Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 10-15/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định.

Dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam vẫn đạt 6,8%, cao hơn mức 6,3% của các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chủ yếu nhờ sức cầu trong nước tăng mạnh, kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.

Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu khi giảm dần xuống 6,6% và 6,5% trong các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% bởi chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, cải thiện hiệu suất đầu tư công. (Theo Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB công bố ngày 11/12)

Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2018 đang trên đà hồi phục; chất lượng tăng trưởng chưa được cải tiện như mục tiêu đề ra; nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn; năng suất lao động được cải thiện song vẫn ở mức thấp; công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài; hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; tín dụng được điều hành hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định… NCIF đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 - 2020.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,84 - 7,02% (kịch bản cơ sở/kịch bản cao) trong năm 2019 và 7 - 7,2% vào năm 2020. Sự khác nhau giữa hai kịch bản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tỷ lệ chi đầu tư phát triển. (Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCIF ngày 12/12)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến tháng 12 năm 2018, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới với công suất lắp đặt là 1.484 triệu tấn mỗi năm, tiếp theo là Ấn Độ và Việt Nam lần lượt 437 và 148 triệu tấn mỗi năm. Việt Nam có tổng cộng 74 nhà máy sản xuất xi măng, hầu hết đều do Nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát hoặc sở hữu.

Thực tế các nhà máy không hoạt động hết công suất lắp đặt, nhưng sản lượng sản xuất xi măng ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao và tình trạng dư thừa nguồn cung đã xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây.

Xét về tổng sản lượng thực tế, Việt Nam sản xuất được 78 triệu tấn trong năm 2017, tăng lên 83 triệu tấn vào năm 2018 và dự kiến tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy năm 2019 đạt gần 90 triệu tấn. (Theo Global Cement ngày 11/12)

Doanh nghiệp

Trong 11 tháng, đơn vị này đăng công khai trên trang website 1.752 doanh nghiệp nợ tiền thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền trên 6.460 tỷ đồng. Sau công khai đã có 824 đơn vị nộp tiền nợ thuế đạt trên 825 tỷ đồng.

Ngoài số đơn vị trên, trong thông báo ngày 11/12, cơ quan thuế tiếp tục công khai 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với số nợ hơn 138 tỷ đồng. Trong đó có 2 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất với tổng giá trị nợ hơn 4,3 tỷ đồng; 110 doanh nghiệp còn lại nợ thuế, phí gần 134 tỷ đồng. (Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội ngày 11/12)

Tính đến ngày 30/11/2018, đã có 99,92% số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; tổng số tờ khai đã tiếp nhận vào hệ thống là hơn 56,4 triệu. Có 98,41% số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia nộp thuế điện tử với tổng số tiền thuế đã nộp trong năm 2018 là 551.621 tỷ đồng.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 20/11/2018, cơ quan thuế đã tiếp nhận 19.153 hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử, đạt tỷ lệ 93,14%. Trong đó, đã giải quyết 14.509 hồ sơ với tổng số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn là 81.269 tỷ đồng.

Có 253 doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế với 7.259.022 hóa đơn đã được xác thực, tổng doanh thu xác thực hơn 82.590 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Thuế ngày 12/12)

Trong tháng 11/2018, doanh số bán xe của các Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 30.540 xe, tăng 6% so với tháng 10/2018. Trong đó có 21.718 xe du lịch, tăng 2%; 8.386 xe thương mại, giảm 18% và 436 xe chuyên dụng, giảm 15% so với tháng 10.

Xét theo nguồn gốc xe, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 19.028 xe, tăng 8% so và doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.512 xe, tăng 2% so với tháng 10.

Tính chung 11 tháng năm 2018, các thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng 253.956 xe các loại, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xe du lịch tăng 24%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 47%.

Tuy nhiên, 11 tháng năm 2018, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt 253.956 xe, cộng với doanh số bán hàng của Hyundai Thành Công đạt 57.419 xe, toàn thị trường ô tô Việt Nam đã tiêu thụ đến 311.375 xe mới các loại. (Theo VAMA ngày 12/12)

Mặc dù thuế quan của Việt Nam đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng lên. Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% (năm 2003) xuống 6,3% (năm 2015). Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng trên 20 lần trong cùng kỳ.

Hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, dẫn đến chi phí tuân thủ cao. Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu là 16,6%, so với mức bình quân 8,3% ở các quốc gia ASEAN.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu thiết kế và triển khai không được tốt, các biện pháp phi thuế quan, có thể hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia. (Ngân hàng Nhà nước ngày 11/12)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt 100,6 triệu USD để hỗ trợ những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ y tế của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là các khu vực biên giới nghèo.

Gói hỗ trợ bao gồm: Một khoản vay chính sách trị giá 88,6 triệu USD, giúp hỗ trợ ngân sách cho Bộ Y tế trong quá trình cải cách quản lý đầu tư công, cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong mạng lưới chăm sóc y tế cơ sở; khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 12 triệu USD dùng cho thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ y tế ở 12 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều dân tộc thiểu số và an ninh y tế không đảm bảo.

 (Theo TTXVN ngày 10/12)

Ngân hàng Phát triển châu Á đã phê duyệt khoản vay trị giá 45 triệu USD cho Việt Nam giúp chuyển đổi thành phố đô thị loại hai thành các điểm đến du lịch có tính cạnh tranh và phát triển đồng đều hơn về kinh tế.

Dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) giai đoạn 2 của đơn vị này sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị thích ứng biến đổi khí hậu cần thiết để giúp gia tăng lượng du khách và hoạt động đầu tư cho các dịch vụ du lịch tại các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Dự án cũng sẽ phát triển không gian đô thị xanh và bãi biển công cộng ở các tỉnh này, nơi nó được kỳ vọng mang lại lợi ích cho khoảng 168.000 người dân và hơn 8 triệu du khách mỗi năm.

Dự án sẽ cải tạo 31 km đường nông thôn, thành thị và 13 bến thuyền phục vụ hành khách để giúp người dân và du khách tiếp cận thuận lợi các địa danh văn hóa, lịch sử ở tất cả các tỉnh tham gia dự án. (Theo TTXVN ngày 10/12)

Trong nỗ lực thu hút các công ty đến tìm địa điểm sản xuất thay thế trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước đối thủ. Xếp hạng của Natixis SA cho thấy, Việt Nam đứng số 1 trong nhóm 7 nước mới nổi châu Á về địa điểm sản xuất.

Những yếu tố giúp Việt Nam hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài: (i) Nhân công và giá nhiên liệu rẻ; (ii) Việt Nam không ngừng theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc và châu Âu cũng như kết hợp với khoảng 10 nước khác để hiện thực hóa thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương; (iii) Vị trí địa lý của Việt Nam cũng làm cho môi trường đầu tư này thêm sức hấp dẫn; (iv) Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ước tính tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2018; (v) Đồng nội tệ của Việt Nam biến động ổn định trong năm 2018 trong khi nhiều đồng tiền khác như đồng rupee và đồng rupiah giảm giá sâu. (Theo Bloomberg ngày 12/12)

Ngân sách
nhà nước

11 tháng năm 2018, toàn cơ quan thuế thu ngân sách đạt 997.397 tỷ đồng, bằng 93,2% so với dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt khoảng 57.932 tỷ đồng, bằng 161% dự toán, tăng 41% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt khoảng 939.465 tỷ đồng, bằng 90,8% so với dự toán, bằng 113% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng thu ngân sách 11 tháng đạt khá so với nhiều năm gần đây, chủ yếu do giá dầu thô tăng khá; thị trường bất động sản sôi động, các địa phương tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất và thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất từ các dự án triển khai các năm trước đây.

So với dự toán, có 09/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 91%), trong đó một số khoản thu đã hoàn thành dự toán như: Tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; thu khác ngân sách; thu từ xổ số kiến thiết...

So với cùng kỳ, có 14/17 khoản thu, sắc thuế có tăng trưởng như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; phí, lệ phí; tiền thuê đất.

(Theo Tổng cục Thuế ngày 12/12)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 11, xuất khẩu dây điện và cáp điện của Việt Nam đạt khoảng 150 triệu USD; nâng giá trị chung sau 11 tháng lên gần 1,6 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trong 10 tháng, dây điện và dây cáp điện của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 530,79 triệu USD, tăng 39,13% so với cùng kỳ, tại thị trường Nhật Bản xuất khẩu tăng 21,46% và Hàn Quốc tăng 34,46%...

Hiện Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu dây, cáp điện, trong đó có nhiều công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này với quy mô lớn và có dây chuyền công nghệ hiện đại. (Theo Bộ Công Thương ngày 11/12)

Đến hết tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 7,411 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 223,723 tỷ USD; tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt 216,312 tỷ USD.

Với tổng quy mô kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt hơn 440 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu ở mức cao, cơ quan hải quan dự báo nhiều khả năng tổng trị giá xuất - nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt khoảng 480 tỷ USD.

Hết tháng 11, cả nước có 27 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Trong 27 nhóm hàng “tỷ USD” có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại đạt 46,203 tỷ USD, tăng 11,7%; dệt may đạt 27,697 tỷ USD, tăng 17,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 26,946 tỷ USD, tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,128 tỷ USD, tăng 28,6%; giầy dép đạt 14,647 tỷ USD, tăng 10,9%.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 12/12)

Chỉ trong 15 ngày cuối tháng tháng 11, cả nước nhập 7.973 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch đạt gần 173 triệu USD. Trong đó, 2 dòng xe có số lượng nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống và ô tô tải với các kết quả lần lượt là 5.267 xe và 2.482 xe.

Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 11, cả nước nhập 14.538 ô tô nguyên chiếc, với tổng kim ngạch 305 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, cả nước nhập 66.283 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,5 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 11, Thái Lan và Indonesia tiếp tục là 2 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với số lượng và kim ngạch lần lượt là 47.359 xe và 935 triệu USD; 12.893 xe, 212 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 12/12)

10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng Việt Nam đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt 1,1 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng cuối năm 2018. Tính đến giữa tháng 11/2018, Trung Quốc là nhà nhập khẩu xi măng lớn nhất Việt Nam, với khối lượng hơn 7,6 triệu tấn và giá trị đạt hơn 276 triệu USD.

Bangladesh đứng thứ hai với khối lượng nhập gần 6 triệu tấn. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn xi măng của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018.Giá bán trung bình của xi măng Việt Nam thay đổi theo từng quốc gia đối tác.

Các nước Đông Nam Á đang nhập khẩu xi măng với giá cao nhất. Cụ thể, Campuchia nhập khẩu xi măng từ Việt Nam với 51,6 USD/tấn và Philippines là 46,4 USD cho mỗi tấn nhập khẩu. Trung Quốc chỉ dành 36,3 USD nhập khẩu một tấn xi măng từ Việt Nam. (Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam - VNCA ngày 11/12)

Cân đối vĩ mô

 

Lao động

Trong năm 2017, lao động của Việt Nam có mức thu nhập bình quân hằng tháng đạt 8,3 triệu VND, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2016 (khoảng 6,6% theo giá so sánh), nhờ cải thiện năng suất lao động. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 10,5 USD mỗi năm theo giá hiện hành trong giai đoạn 2010 - 2017 (khoảng 4% theo giá so sánh).

Kết quả tăng trưởng tốt trong những năm qua đã hỗ trợ đẩy mạnh tạo việc làm và nâng cao thu nhập người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 2%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tương đối cao, đạt 76,6% trong quý II/2018 tính cho dân số độ tuổi từ 15 trở lên.

Mặc dù vậy, chất lượng của lực lượng lao động vẫn là một thách thức. Tính đến quý II/2018, chỉ có 21,9% lực lượng lao động được dạy nghề hoặc tham gia các hình thức giáo dục sau phổ thông khác. (Theo WB ngày 11/12)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 01 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 15/12 so với ngày 14/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,28 - 36,44 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,29 - 36,39 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 14 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 15/12, tỷ giá trung tâm là 22.778 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 14/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 14/12 như sau:

- Vietcombank: 23.255 - 23.345 VND/USD, tăng 20 đồng.

- BIDV: 23.240 - 23.330 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 23.261 - 23.351 VND/USD, tăng 26 đồng.

Tín dụng

Tính đến hết quý III/2018, các ngân hàng thương mại đã phát hành lũy kế khoảng 147 triệu thẻ thanh toán các loại. Tuy nhiên, Hội thẻ Việt Nam cho biết, trong số thẻ đã phát hành có khoảng 50 triệu là thẻ rác (thẻ đã bị hủy bỏ hoặc không kích hoạt).

Như vậy, thị trường hiện có gần 100 triệu thẻ đang sử dụng. Trong số khoảng 80 triệu thẻ từ đang lưu thông có đến 80% thẻ từ có tính an toàn không cao, dễ bị đánh cắp dữ liệu làm thẻ giả. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới từ lâu đã thực hiện chuyển đổi sang thẻ chip với độ bảo mật, an toàn cao hơn. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 08/12)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Trong tháng 11/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 312 nhà đầu tư nước ngoài gồm 57 tổ chức và 255 cá nhân. Như vậy, lượng nhà đầu tư ngoại được cấp mã số giao dịch trong tháng 11 chỉ cao hơn tháng thấp nhất trong năm là tháng 9/2018.

Ngoài ra, trong tháng 11, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 40 nhà đầu tư nước ngoài gồm 10 tổ chức và 30 cá nhân, hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 1 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Lũy kế đến hết tháng 11/2018, số nhà đầu tư nước ngoài được VSD cấp mã số là 28.805, gồm 4.067 tổ chức và 24.738 cá nhân. (Theo VSD ngày 06/12)

Trái phiếu

Ngày 12/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (3.000 tỷ đồng), 15 năm (3.000 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được 7.230 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,1%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 05/12/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 900 tỷ đồng huy động được 900 tỷ đồng với lãi suất 5,1%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 2.430 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 05/12/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 900 tỷ đồng, có 1 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 900 tỷ đồng với lãi suất 5,3%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm không có lãi suất trúng thầu.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Kho bạc Nhà nước huy động được 149.777 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 10/12 - 14/12/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 8,21 điểm (-0,85%) xuống 952,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 192,66 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.396,4 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,61%) xuống 106,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 35,36 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 493,19 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,4 điểm (-0,75%) xuống 53,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,76 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 221,12 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,81 triệu đơn vị, trị giá 309,84 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,45 triệu đơn vị, trị giá 229,59 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,31 triệu đơn vị, trị giá 2,22 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,17 triệu đơn vị, trị giá 24,47 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 4,39 triệu đơn vị, trị giá 48,57 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,19 triệu đơn vị, trị giá 55,78 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 196.221 đơn vị, trị giá 87,48 tỷ đồng).

Bất động sản

Thị trường bất động sản năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, không có nhiều biến động, thể hiện qua số lượng giao dịch khá ổn định, giá cả không biến đổi nhiều so với năm 2017. Đặc biệt lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm.

Tính đến tháng 11, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng, giảm 105.572 tỷ đồng so với đỉnh điểm của quý I/2013, cơ cấu hàng hóa ngày càng được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý, đó là lượng tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn, tập trung ở các dự án ở xa trung tâm, đô thị, hạ tầng yếu kém, rất khó tiêu thụ.

Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa, trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mà thị trường đang cần nhiều. (Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng ngày 11/12)

Đàm phán - Ký kết

ADB và BIDV

Ngày 12/12, ADB và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 300 triệu USD để hỗ trợ sự phát triển và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Theo đó, ADB sẽ trực tiếp cho BIDV vay 200 triệu USD và đầu mối thu xếp cùng 12 ngân hàng cho BIDV vay 100 triệu USD.

Đây là khoản vay thương mại lớn nhất mà ADB cung cấp cho một ngân hàng thương mại châu Á từ trước đến nay. Khoản vay sẽ hỗ trợ các DNNVV tại Việt Nam, đồng thời khẳng định nỗ lực trong việc hỗ trợ xóa nghèo, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, các DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp khoảng một nửa tổng số việc làm và 40% GDP. Mặc dù có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, DNNVV vẫn đối mặt với nhiều trở ngại kìm hãm tiềm năng phát triển kinh tế, bao gồm việc thiếu tiếp cận nguồn vốn cần thiết để mở rộng hoạt động.

Chính sách

Nghị định số 163/2018/NÐ-CP

Ngày 04/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2018/NÐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước có mệnh giá là 100 nghìn đồng hoặc là bội số của 100.000 đồng.

Nếu phát hành ra thị trường quốc tế, mệnh giá được thực hiện theo quy định của thị trường phát hành. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.

Ðáng chú ý, Nghị định này quy định trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp quyết định của tòa án hoặc thừa kế theo quy định…

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2019.

Nhận định

chuyên gia

TS. Cấn Văn Lực (06/12):

Một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng, do một số nước sẽ thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Do vậy, Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất theo đà tăng của thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế.

Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan nhất châu Á, năm 2018 dự kiến khoảng 7%. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/11 đạt khoảng 12%; cả năm đạt khoảng 14 - 15%... Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt khoảng 6,5 - 6,8%, lạm phát có thể vượt 4%.