Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 11-16/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định, nhờ thu nhập tăng và tỷ lệ nghèo giảm. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm 2017, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2017 và ổn định ở mức khoảng 6,5% trong trung hạn (2018, 2019); lạm phát được duy trì ở mức thấp. (Theo báo cáo của WB công bố ngày 11/12)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,7% cho năm 2017 và 2018, tăng so với dự báo tương ứng 6,3% và 6,5% đã công bố trước đây, nhờ sự tăng trưởng mạnh của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. (Theo báo cáo của ADB công bố ngày 13/12)

Theo nghiên cứu tại Báo cáo Việt Nam 2035, để trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035, Việt Nam sẽ mất 18 năm và duy trì mức tăng trưởng GDP tối thiểu 6%/năm để có được mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Malaysia vào năm 2010 (18.000 USD), hay mất 7 năm với mức tăng GDP tối thiểu 7%/năm để đạt mức GDP đầu người của Hàn Quốc vào năm 2003 (24.000 USD).

Do đó, để tránh nguy cơ tụt hậu, Việt Nam cần khai thác và phát huy được các nhân tố động lực tăng trưởng mới, trong đó tăng năng suất là một trong những nhân tố trung tâm và động lực tạo ra sự phát triển bền vững, bứt phá của một quốc gia. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 12/12)

Sản xuất công nghiệp

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) bắt đầu kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 RON 92 thay thế xăng RON 92 từ ngày 15/12, sớm hơn nửa tháng so với thời điểm 01/01/2018 do Chính phủ quy định.

Trong năm 2018, Petrolimex tiếp tục đầu tư thêm 2 điểm phối trộn E5 RON 92 tại Bình Định và Nghệ An, nâng tổng công suất lên 1,8 triệu m3/năm. Tập đoàn cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhiên liệu Ethanol cho việc phối trộn xăng sinh học đáp ứng nhu cầu nhiên liệu phối trộn khoảng 13.000 m3/tháng.

PVOIL đã chủ động lập kế hoạch đảm bảo nguồn nhiên liệu Ethanol dùng pha chế xăng sinh học E5 RON 92; trong đó tối đa sử dụng nguồn Ethanol trong nước. Hiện tổng công suất pha chế xăng E5 của PVOIL khoảng 140.000 m3/tháng, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng E5 của doanh nghiệp. (Theo TTXVN ngày 15/12)

Dịch vụ

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2017, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm đạt khoảng 105.611 tỷ đồng, tăng 21,20% so với năm 2016; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt khoảng 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92%; tổng tài sản toàn thị trường đạt khoảng 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt khoảng 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74%.

Nguyên nhân chính giúp thị trường tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao là do ngành bảo hiểm đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm. (Theo báo Đầu tư ngày 11/12)

Doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, vốn điều lệ của PVOil là 10.342,295 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ.

Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOil với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm khi bán ra công chúng là 13.400 đồng/cổ phần, theo phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. (Theo báo Nhân dân ngày 11/12)

Số tiền thu về sau thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty trong tháng 11 là 9.072 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc bán 3,33% cổ phần của Vinamilk trong tháng 11 đã thu về 8.733 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, sau thoái vốn, các đơn vị đã thu về tổng cộng 24.586 tỷ đồng.

Về tiến độ cổ phần hóa, trong 11 tháng đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng. Trong số này, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.941 tỷ đồng. Trong 39 doanh nghiệp trên, chỉ có 9 doanh nghiệp đã thực hiện bán cổ phần lần đầu. (Theo Bộ Tài chính ngày 08/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Chính phủ Australia cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức khởi động chương trình Aus4Reform kéo dài 4 năm nhằm nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, Australia sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam 6,5 triệu AUD thông qua chương trình Aus4Reform, giúp xây dựng, thực hiện các chính sách kinh tế, pháp luật và các thể chế quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường. (Theo vov.vn ngày 13/12)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 11, xuất khẩu mặt hàng rau, quả đạt 290 triệu USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,155 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây là tín hiệu khả quan để kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới, vượt mốc 3,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 3 tỷ USD đề ra từ đầu năm. (Theo Bộ Công Thương ngày 10/12)

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2018, sản lượng than thương phẩm của TKV dự kiến đạt 36 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 4 triệu tấn. Nếu tính cả lượng than xuất khẩu của Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đạt hơn 50 nghìn tấn, thì tổng sản lượng than xuất khẩu cao hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu than năm 2018.

Do vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than năm 2018 theo hướng tăng thêm hơn 2 triệu tấn (mức vượt dự kiến đã được Thủ tướng thông qua từ năm 2016). (Theo báo Nhân dân ngày 10/12)

Dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may trong 2 tháng cuối năm 2017 đạt 5,27 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên khoảng 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, thặng dư thương mại hơn 15,5 tỷ USD. Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may khoảng 33,5 - 34 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam - Vitas ngày 11/12)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Theo Bảng xếp hạng Expat Insider, Việt Nam thuộc nhóm 15 điểm đến cho người lao động nước ngoài trong năm 2017 với thứ hạng cao trong nhiều mục: Công việc và chi phí ăn ở cùng xếp thứ nhất, môi trường thân thiện xếp thứ 10, làm việc ở nước ngoài xếp thứ 11, tài chính cá nhân xếp thứ 12.

Expat Insider là bảng xếp hạng lớn nhất thế giới với hơn 12.500 người tham gia, đại diện cho 166 quốc tịch sống ở 188 quốc gia,vùng lãnh thổ trên giới. Bảng xếp hạng được thực hiện ở 65 quốc gia thông qua 40 chỉ số như môi trường, y tế, mức độ an toàn... (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 08/12)

Thương mại điện tử

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm (cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản).

Các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì có tốc độ tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của thương mại Việt Nam.

(Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương ngày 12/12/2017)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng, 1 ngày giảm và 4 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong ngày 16/12, so với ngày 15/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,32 - 36,54 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,39 - 36,45 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,38 - 36,46 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 40 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 16/12, tỷ giá trung tâm là 22.441 NVD/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 15/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ so với ngày 15/12 như sau:

- Vietinbank: 22.680 - 22.750 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietcombank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế (giảm so với 7,7% của năm 2016). Tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng giảm so với năm 2016 và thấp hơn so với tốc độ tăng của toàn hệ thống. (Theo báo Tiền phong ngày 12/12)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/12 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 với việc thu hồi hơn 5.074 tỷ đồng vốn TPCP còn dư, phân giao cho một số dự án quan trọng; chi hơn 500 tỷ cho 3 dự án của Ninh Thuận; cho phép tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kéo dài thời hạn hoàn thành dự án đường 991B đến ngày 31/12/2018, nếu không hết sẽ thu hồi.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước dành khoảng 8.136,723 tỷ đồng để hỗ trợ về nhà ở cho 313.707 hộ gia đình. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam ngày 12/12)

Ngày 13/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành với khối lượng gọi thầu 1.300 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Kết quả, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công toàn bộ 1.300 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,28%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó. Tính chung từ đầu năm đến ngày 13/12, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 162.205 tỷ đồng TPCP thông qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 11/12 - 16/12/2017, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,69 điểm (-0,07%) xuống 935,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 208,5 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.065,5 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,15 điểm (0,13) lên 111,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 64,8triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 826,39 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,3 điểm (0,56%) lên 54,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 10,21triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 278,49 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,57 triệu đơn vị, trị giá 401,1 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là TCH với khối lượng 8,12 triệu đơn vị, trị giá 199,6 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là NVL với khối lượng 6,58 triệu cổ phiếu, trị giá 400,75 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng (13/12). Tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 13,28 triệu đơn vị, trị giá 493,85 tỷ đồng, giảm 5,46% về lượng và hơn 58% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,03 triệu đơn vị, trị giá 31,59 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 2,4 triệu đơn vị, trị giá 28,93 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng liên tiếp, với khối lượng 1,68 triệu đơn vị, trị giá 61,16 tỷ đồng, tăng mạnh 264,12% về lượng và hơn 136% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Tính đến tháng 11/2017, tồn kho bất động sản ở mức hơn 25.700 tỷ đồng, giảm gần 80% so với 102.800 tỷ trong quý I/2013 và giảm 5.300 tỷ đồng (hơn 17%) so với tháng 12/2016. Bên cạnh đó, trong tháng 11/2017, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh có 1.600 giao dịch (tăng 3,2%), Hà Nội có 1.400 giao dịch.

Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dự báo, trong năm 2018, thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn và khó có khả năng xảy ra tình trạng “bong bóng”. (Theo Tạp chí Bất động Sản CafeLand ngày 08/12)

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực, nhờ những ý tưởng tiềm năng và định hướng phát triển mới. Ngành du lịch nghỉ dưỡng tăng trưởng 6,6% trong 8 tháng đầu năm 2017. Tỷ lệ du khách quốc tế đến Việt Nam tăng 28,1% so với năm 2016.

Dự báo xu hướng trên tiếp tục được duy trì nhờ tỷ lệ du lịch toàn cầu gia tăng cũng như vị trí gần với các nguồn thị trường đang tăng trưởng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường châu Á mới nổi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khách du lịch hằng năm là 7,6% trong giai đoạn 2016 - 2021, giúp thúc đẩy thị trường trong nước. (Theo Theo Savills Hotels và Tập đoàn Next Story Group ngày 11/12)

Đàm phán - Ký kết

Tổng cục Hải quan và 6 ngân hàng: LienVietPostBank, Sacombank, VPBank, HDBank, SCB, và Mizuho Bank LTD

Ngày 12/12/2017, Tổng cục Hải quan đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu ngân sách với 6 ngân hàng: LienVietPostBank, Sacombank, VPBank, HDBank, SCB, và Mizuho Bank LTD. 6 ngân hàng sẽ thực hiện thu thuế điện 24/7 từ ngày 15/12/2017.

Dịch vụ này tạo điều kiện cho người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể thực hiện và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế bất kỳ thời điểm nào trong ngày; giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, rút ngắn thời gian nộp thuế so với cách thức giao dịch tại quầy như trước đây; giảm áp lực giao dịch trực tiếp tại ngân hàng và giúp các cơ quan hải quan quản lý việc thu thuế chính xác, hiệu quả hơn.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã ký kết phối hợp thu với 5 ngân hàng thực hiện thu thuế điện tử 24/7, gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB và Techcombank.

Chính sách

Nghị định số 141/2017/NĐ-CP

Ngày 07/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiếu vùng đối với người lao động theo hợp đồng lao động.

- Từ ngày 01/01/2018, chính thức áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định sau:

+ Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP.

+ Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng).

+ Vùng III: 3.090.000 đồng/ tháng (tăng 190.000 đồng).

+ Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).

- Ngoài ra, Nghị định 141 cũng điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã như sau: Đưa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ vùng II lên vùng I; đưa các huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam từ vùng III lên vùng II.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2018.