Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 11-16/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo GDP quý I/2019 tăng trưởng 6,58%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 6,76% (kịch bản thấp) được đưa ra trước đó, do một số chỉ tiêu kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, thấp hơn tốc độ 13,7% của cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp được thành lập mới cũng giảm 14,6%... Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có khả năng đạt được tốc độ tăng  trưởng 6,6 - 6,8% trong năm 2019. (Theo vneconomy.vn ngày 11/3)

Sản xuất công nghiệp

Thống kê của Global Petrol Prices cho biết, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân vào top thấp của thế giới. Cụ thể, giá điện của Việt Nam hiện tại là 0,07 USD/kWh, chỉ bằng 1/2 giá điện bình quân của thế giới tức 0,14 USD/kWh. Trong số 93 nước được thống kê, gia điện của Việt Nam đứng thứ 21, cao hơn 20 nước nhưng thấp hơn tới 73 nước khác.

Giá điện của Việt Nam bằng 91,9% giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% giá điện của Lào; 73,5% giá điện của Indonesia; 50,4% giá điện của Philippine và 38,7% giá điện của Campuchia. Nếu giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,08 USD/kWh, tương đương Trung Quốc, Ấn Độ. (Theo cafef.vn ngày 12/3)

Dịch vụ

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây (hơn 30%), với doanh thu tăng từ 4 tỷ USD trong năm 2015 lên 7,8 tỷ USD trong năm 2018. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. (Theo Vov.vn ngày 12/3 dẫn lời ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Ecomviet - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương)

Doanh nghiệp

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết quý IV/2018. Theo đó, tính đến hết tháng 02/2019 đã có 360 công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2018. Có 325 doanh nghiệp kinh doanh có lãi với tổng giá trị lãi đạt 20.946,8 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 quý năm 2018, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết HNX đạt 19.935,7 tỷ đồng, tăng 2.042,3 tỷ đồng (11,4%) so với năm 2017; số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ là 35 công ty, tăng 16,7% so với năm trước, tuy nhiên tổng lỗ năm 2018 là -1.011,1 tỷ đồng, giảm 15,3% so với năm 2017; có 3/11 ngành có tổng kết quả kinh doanh lỗ là -137,6 tỷ đồng, tăng so với năm 2017, lần lượt là ngành công nghiệp, ngành xây dựng và ngành y tế.

Tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 02/2019 đạt 12.434 xe các loại, giảm 63% so với tháng trước. Trong tổng doanh số trên, phân khúc xe du lịch có mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay, giảm 67%, đạt 9.157 xe; phân khúc xe thương mại giảm 34%, đạt 3.810 xe; phân khúc xe chuyên dụng giảm 47%, đạt 176 xe so với tháng 01/2019.

So với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh số bán xe toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 2 tăng nhẹ 1%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 46.653 xe các loại, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể đến doanh số bán hàng 10.731 xe của Hyundai Thành Công. (Theo VAMA ngày 13/3)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN của các bộ, ngành địa phương trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 16.210,314 tỷ đồng, tương đương 3,89% so với kế hoạch Quốc hội giao và 4,52% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: Vốn trong nước là 16.174,940 tỷ đồng, đạt 4,38% kế hoạch Quốc hội giao và 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngoài nước là 35,374 tỷ đồng, đạt 0,07% kế hoạch Quốc hội giao và 0,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Con số này cao gấp 2,31 lần so cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp so với kế hoạch. Tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội giao là 416.800 tỷ đồng. Tới nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 355.617,901 tỷ đồng. Như vậy còn hơn 58.319 tỷ đồng chưa được Thủ tướng giao vốn do chưa đủ điều kiện. (Theo Bộ Tài chính ngày 11/3)

Ngân sách
nhà nước

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019 có 120,55 triệu USD vốn ODA, vốn ưu đãi (khoảng 2.531 tỷ đồng) đã được giải ngân. Trả nợ của Chính phủ trong tháng 02/2019 là 13.693 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 12.945 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 750 tỷ đồng.

Lũy kế trả nợ 2 tháng đầu năm của Chính phủ là 60.360 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc là 36.667 tỷ đồng, trả lãi là 23.693 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm, Chính phủ không thực hiện cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước. Số dư tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho địa phương tính đến ngày 21/2/2019 là 2.622 tỷ đồng. (Theo thoibaotaichinh.vn ngày 10/3)

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít tại dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường; đồng thời đề nghị được rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2019 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít lên 4.000 đồng. (Theo vov.vn ngày 11/3)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia sẽ tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) mỗi năm, sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Trong đó có khoảng 575 tỷ đồng tiết kiệm từ chi phí bưu chính, chuyển phát, 576 tỷ đồng chi phí thời gian, số còn lại nhờ tiết kiệm tiền giấy, mực in… Đến nay đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương  hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong tháng đầu năm nay, có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử. (Theo cafef.vn ngày 12/3)

Tổng cục Thuế cho biết,  tính đến ngày 21/2, toàn ngành Thuế đã thực hiện 3.719 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 4,27% kế hoạch năm 2019 (3.719 doanh nghiệp/87.141 doanh nghiệp). Tổng số thuế tăng thu qua thanh kiểm tra là 858 tỷ đồng, trong đó giảm khấu trừ 118 tỷ đồng; giảm lỗ 2.388 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách 372 tỷ đồng. Ngành Thuế đã tiến hành thanh kiểm tra được 14 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt 56 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 702 tỷ đồng. (Theo cafef.vn ngày 13/3)

Xuất nhập khẩu

Tthống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 02/2019 tăng 18,2% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 217 nghìn tấn, trị giá 278 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 13% xuống còn 1.279 USD/tấn. Hầu hết các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2018 (trừ SVR 10, SVR CV60, RSS3, Skim block, SVR CV50). (Theo vneconomy.vn ngày 12/3)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục đặt muc tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm 4,2 tỷ USD. Năm 2018, mặc dù sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan hơn năm 2017, song ngành tôm Việt Nam chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh của ngành, chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… dẫn đến xuất khẩu tôm chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2017. (Theo vov.vn ngày 13/3)

Trong tháng 02/2019, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 2,95 tỷ USD, nâng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2018. Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 1,90 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau 2 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 6,2 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ. (Vietnamplus.vn ngày 15/3 dẫn số liệu của Bộ Công Thương)

Cân đối vĩ mô

 

Lãi suất

Thị trường vốn chính thức chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vốn của các hộ gia đình. Hầu hết các khoản vay dưới 500 triệu đồng, kỳ hạn dưới 1 năm chiếm tới 40%, hầu như không có khoản vay trên 5 năm. Cơ cấu cho vay hộ gia đình như sau:

Cho vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm 50%; mua hàng hóa tiêu dùng lâu bền chiếm khoảng 24%; mua phương tiện như ô tô, xe máy 15%; mua hàng điện tử, công nghệ 1%; cho vay phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh 3%. (Theo Infomoney.vn ngày 15/3 dẫn lời TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá và 3 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 16/3 so với ngày 15/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,48 - 36,63 triệu đồng/lượng, không thay đổi.

- Công ty Doji: 36,53 - 36,63 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng mỗi chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 11 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 16/3, tỷ giá trung tâm là 22.957 đồng, không thay đổi so với ngày 15/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi:

- BIDV và Techcombank: 23.150 - 23.250 VND/USD, không thay đổi.

- VietinBank: 23.160 - 23.260 đồng, tăng 4 đồng mỗi chiều.

- ACB và Eximbank: 23.160 - 23.240 VND/USD, không thay đổi.

- Sacombank: 23.163 - 23.250 đồng, tăng 1 đồng mỗi chiều.

Tín dụng

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7.211.457 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cuối 2017. Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2018 tăng khá cao (21,4%), đạt 1,78 triệu tỷ đồng.

Toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt khoảng 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với mức tăng trưởng lên tới 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong cơ cấu cho vay phục vụ đời sống, dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng 78%. Dư nợ cho vay tiêu dùng của 12 công ty tài chính đến cuối năm 2018 đạt 89.384 tỷ đồng. (Theo vneconomy.vn ngày 12/3)

Dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã vượt mốc 11 triệu tỷ đồng, đạt 11.064.239 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cuối năm 2017.

Trong đó, khối NHTM nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, với 4.863.353 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 6,42% so với cuối năm 2017. Quy mô vốn điều lệ của khối NHTM nhà nước chỉ tăng 0,08%, đạt 147.890 tỷ đồng; quy mô vốn tự có tăng 5,48%, đạt 268.599 tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của khối NHTM nhà nước ở mức 9,52% vào cuối năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức 11,24% của khối cổ phần. Khối NHTM cổ phần có quy mô tổng tài sản là 4.554.977 tỷ đồng, tăng 13,07% so với cuối năm 2017; vốn tự có đạt 338.183 tỷ đồng, tăng 16,36%; vốn điều lệ đạt 267.234 tỷ, tăng tới 24,42%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hai khối trên đều được kiểm soát ở mức bình quân 28,41%. (Theo vneconomy.vn ngày 12/3)

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Ngày 13/3/2019, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước phát hành, tổng khối lượng gọi thầu 5.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 5.055 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động thành công 2.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,72%/năm. Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất 4,72%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm huy động được 1.055 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,05%/năm. Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất 5,05%/năm.

- Kỳ hạn 7 năm, 30 năm không trúng thầu.

Từ đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 60.248,5 tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 11 - 15/3/2019:

- VN-Index: có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 18,87 điểm (+1,92%) lêm 1.004,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 218,21 triệu đơn vị/phiên, giảm 8,87% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 4.988,62 triệu đơn vị/phiên, giảm 0,26% so với tuần trước.

- HNX-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,22 điểm (+2,05%) lên 110,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 55,19 triệu đơn vị/phiên, giảm 9,49% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 640,77 triệu đơn vị/phiên, giảm 5,49% so với tuần trước.

- Upcom-Index có 5 ngày tăng điểm liên tiếp. Chốt tuần, UPCoM tăng 0,17 điểm (+0,29%) lên 57,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,672 triệu đơn vị/ngày, giá trị 271,142 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 486.160 đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 119,74 tỷ đồng, giảm mạnh 86,46% cả về lượng nhưng tăng 37,8% về giá trị so với tuần trước (bán ròng 86,89 tỷ đồng).

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Khối ngoại đã mua ròng 5,03 triệu đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 4,11 triệu đơn vị; tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là bán ròng 40,57 tỷ đồng, giảm 79,62% so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng liên tiếp. Khối ngoại đã bán ròng 2,48 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 60,3 tỷ đồng; trong khi tuần đầu tháng 3 mua ròng 616.350 đơn vị, tổng giá trị mua ròng 78,06 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Khối ngoại đã bán ròng 3,04 triệu đơn vị, tăng mạnh so với tuần trước chỉ bán ròng 117.650 đơn vị; tổng giá trị bán ròng tương ứng 18,87 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 34,15 tỷ đồng.

Nhận định

chuyên gia

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du – Đại học Fulbright (cafef.vn 12/3):

Trong cơ cấu GDP Việt Nam từ năm 2005 đến nay, kinh tế tư nhân (doanh nghiệp chính thức, không tính kinh tế hộ gia đình, cá thể) chỉ chiếm khoảng 10%. Khu vực làm ăn tốt nhất ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua là các doanh nghiệp FDI.

Có hai vấn đề làm cho khu vực kinh tế tư nhân khó phát triển, đó là trong suốt một thời gian dài, khu vực tư nhân nhận được ít sự ưu tiên, ưu đãi nhất; ngoài ra những bất cập từ các chính sách phát triển kinh tế tư nhân cũng tạo ra tâm lý đầu cơ, kinh doanh ngắn hạn nhiều hơn là dài hạn.

Ông Simon Baptist - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Công ty Nghiên cứu phân tích thị trường Economist Intelligence Unit (thoibaonganhang.vn ngày 14/3):

Yếu tố quan trọng nhất trong cạnh tranh thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là giá cả. Các doanh nghiệp kinh doanh có nguồn hàng tại chỗ, giá rẻ hơn sẽ có lợi hơn. Hiện nay các chính sách về thương mại điện tử của Việt Nam đã khá đầy đủ, cho phép doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% áp dụng trên toàn thị trường. Đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường phát triển nhanh chóng.

Ông Nguyễn Tú Anh: Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (theo informoney.vn ngày 15/3):

Tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn, là động lực đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống tín dụng tiêu dùng.

Nhu cầu tín dụng cho việc mua, xây nhà để ở tăng lên và giá nhà đất đang tăng có thể khuyến khích người dân đầu cơ, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản. Do đó cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng.