Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 13-18/11/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Báo cáo “Thị trường thép tháng 10/2017 và 10 tháng 2017” Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 10/2017, sản xuất thép trong nước của các thành viên VSA đạt 172,875 tấn, tăng 1.04% so với tháng 9 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016; bán hàng ống thép đạt 176,031 tấn, tăng 6,33% so với tháng 9 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu ống thép hàn đạt 28,155 tấn, tăng 26,9% so với tháng 9 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 10 tháng năm 2017, sản xuất ống thép của các thành viên VSA đạt 1.798.379 tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016; bán hàng ống thép hàn đạt 1.786.755 tấn, tăng 17,7%; xuất khẩu ống thép đạt 224.369 tấn, tăng gấp hơn 2 lần. (Theo VSA ngày 15/11)

Doanh nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng 8,7%, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng 13,6%, cao hơn 2,9 điểm phần trăm và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành, làm giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên. Kết quả này cho thấy những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất của Chính phủ đã phát huy tác dụng. (Theo Bộ Công Thương ngày 15/11)

Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (08/11) công bố danh sách 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017. Thương hiệu Việt Nam xếp trong nhóm thương hiệu mạnh (A+) và được định giá 203 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016 và đứng thứ 5 trong nhóm quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam đứng vị trí thứ 6.

Sau 11 năm thành lập, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận tổng số 1.027 doanh nghiệp; trong đó, SCIC đã thoái vốn tại 975 doanh nghiệp, giá trị thu về là 27.473 tỷ đồng, giá trị thu được từ giá bán so với giá vốn là 3,4 lần. Hiện tại, danh mục của SCIC còn lại hơn 140 doanh nghiệp và SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ tại những doanh nghiệp này trong giai đoạn 2017 - 2020.

Trong 2 tháng cuối năm 2017, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn tại 80 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có các doanh nghiệp lớn như Bảo Minh (hiện có 51% vốn của Nhà nước), Tập đoàn FPT (chỉ với 6% vốn nhà nước nhưng giá trị khoảng hơn 1.500 tỷ đồng), Nhựa Tiền Phong (37% vốn nhà nước) và Nhựa Bình Minh (30% vốn nhà nước). (Theo SCIC ngày 10/11)

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2017) đã thu hút hơn 4.500 lượt người tham dự; 29 thương vụ đầu tư được cam kết với tổng giá trị hơn 4,5 triệu USD.

Triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đại diện khoảng 50 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Hoạt động kết nối đầu tư tại sự kiện cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng số 170 cuộc kết nối, số tiền có cam kết đầu tư trong 3 tháng đạt 700.000 USD. (Theo Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 15/11)

Tổng cầu


Đầu tư

Nhu cầu vốn cho khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến là 105.000 tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 của toàn vùng lên đến 120.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được kế hoạch này, các tỉnh cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh (giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống người tiêu dùng). (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/11)

Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Singapore CapitaLand vừa thông báo sẽ đầu tư thêm một dự án căn hộ trị giá 248 triệu USD tại thị trường Việt Nam (177 triệu USD). Đây là dự án thứ 9 của CapitaLand tại thành phố Hồ Chí Minh và thứ 11 tại Việt Nam.

Dự án mới được phát triển trên lô đất rộng 1,45 ha tại quận 4, gồm 870 căn hộ cùng với các mặt bằng bán lẻ. Tổng số tầng của dự án là 24 với tầm nhìn hướng về sông Sài Gòn, trung tâm quận 1. Diện tích trung bình một căn hộ vào khoảng 79 m2.

Việt Nam hiện là thị trường đầu tư lớn thứ ba của CapitaLand tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Malaysia. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng giá trị tài sản gộp mà nhà đầu tư này quản lý tại Việt Nam đạt 2 tỷ USD, trải rộng từ phân khúc căn hộ, căn hộ dịch vụ đến văn phòng cho thuê.

(Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 16/11)

Ngân sách
nhà nước

Sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, theo đó:

- Bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng (3,7% GDP), trong đó tổng thu là 1.319.200 tỷ đồng, tổng chi là 1.523.200 tỷ đồng.

- Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2017: Giảm dự toán vốn trái phiếu chính phủ 14.033,79 tỷ đồng; tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,79 tỷ đồng; bổ sung 245,814 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực và 8 địa phương; bổ sung 77,66 tỷ đồng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2018.

Ngày 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Ngày 16/11, Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.406 doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn và phạt 1.310 tỷ đồng. Năm 2017 tiến hành thanh kiểm tra với 1.288 doanh nghiệp với tổng số 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 6.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để triển khai công tác thanh, kiểm tra một cách đồng bộ. (Theo Báo Nhân dân ngày 16/11)

Xuất - nhập khẩu

- Tính đến hết tháng 10/2017, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 346,5 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xuất khẩu đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3% và nhập khẩu đạt gần 172 tỷ USD, tăng 21,6%.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất siêu trên 2,5 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 21 tỷ USD (xuất khẩu 124 tỷ USD, nhập khẩu 103 tỷ USD).

- Nhập khẩu sắt thép về Việt Nam trong tháng 10/2017 tăng 13% về lượng và 17,5% về trị giá so với tháng 9/2017, đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 791,81 triệu USD. Giá sắt thép nhập khẩu trung bình trong tháng 10 đạt 641,6 USD/tấn (tăng 3,9% so với tháng 9/2017 nhưng tăng mạnh 35,8% so với tháng 10/2016).

Tính chung 10 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập khẩu hơn 12,7 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 7,48 tỷ USD, giảm 17,5% về lượng tăng 13,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016; giá nhập khẩu trung bình khoảng 588,7 USD/tấn (tương đương 13,4 triệu đồng/tấn), tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 14/11)

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC tính đến hết tháng 10/2017 đạt 265,3 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch cả năm 2016.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 120,4 tỷ USD và 144,8 tỷ USD, làm cho cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC thâm hụt hơn 24,3 tỷ USD. Giai đoạn từ 2010 đến nay, bình quân thâm hụt thương mại mỗi năm khoảng 23,7 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều đạt 73,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 27,6% tổng giá trị thương mại song phương.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc đạt 50,4 tỷ USD, Hoa Kỳ 42,1 tỷ USD, Nhật Bản 27,1 tỷ USD… Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch đạt 46,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 32,3%. Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất với mức thâm hụt thương mại lên tới 26,1 tỷ USD.

(Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ngày 10/11)

10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 7,3 tỷ USD (so với 6,8 tỷ USD của cả năm 2016).

Trong đó mặt hàng rau quả đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch với gần 2,17 tỷ USD, tiếp theo là cao su với trên 1,13 tỷ USD, thủy sản (908 triệu USD) và gạo (909 triệu USD)... (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/11)

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ cho biết, trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria đạt 241 triệu USD, tăng 6,8% và nhập khẩu khoảng 6 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng gần đây có chiều hướng giảm mạnh kể từ khi Algeria áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu vào tháng 6/2017.

Do vậy, để tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Algeria trong thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như đàm phán và ký lại Hiệp định thương mại song phương (đã ký từ năm 1994) phù hợp với tình hình mới, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện thương mại tổ chức tại mỗi nước… (Theo TTXVN ngày 15/11)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong ngày giao dịch 18/11, so với ngày 17/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,43 - 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,49 - 36,55 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 60 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,48 - 36,56 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 19 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. So với ngày 17/1, tỷ giá trung tâm ngày 18/11 không thay đổi, ở mức 22.446 VND/USD; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietcombank và Vietinbank: 22.675 - 22.745 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Ngày 12/11, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố một số chỉ tiêu của ngành Ngân hàng trong 10 tháng đầu năm, cụ thể:

- Tỷ trọng tín dụng trung - dài hạn ước chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn chiếm khoảng 46,3% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).

- Tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).

- Huy động vốn ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5%; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%.

Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.

- Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm phần trăm so với tháng 9/2017).

Tính đến hết tháng 10/2017, không có cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn điều lệ ngân hàng thương mại cổ phần. Số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 (năm 2012) xuống còn 2. Số cặp ngân hàng sở hữu cổ phần trực tiếp giảm từ 5 xuống 2.

Sở hữu chéo vẫn tồn tại do: Việc thoái vốn thời gian qua có những khó khăn nhất định khi chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đó; thoái vốn ngoài ngành quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các đơn vị; nhiều nhà đầu tư khó khăn nguồn vốn. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 17/11)

Tính đến cuối tháng 9/2017, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng là 2,34%, giảm so với 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016.

Tuy nhiên, do một số khoản cho vay có rủi ro về thu hồi nợ, cùng với những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng đến nay chưa xử lý được, nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 giảm từ mức 10,8% (600.000 tỷ đồng) vào cuối năm 2016 xuống 8,61% (566.000 tỷ đồng). (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 17/11)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong 10 tháng đầu năm 2017, các tổ chức tín dụng đã mua ròng thêm khoảng 2,5 tỷ USD từ nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài, tương đương khoảng 55.000 tỷ đồng. Điều này góp phần tạo những phiên giao dịch có quy mô tăng đột biến, đạt kỷ lục gần 21.000 tỷ, cùng với chuỗi phiên mua ròng liên tục và kéo dài của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những nguyên nhân là do sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Hiện tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,24% so với cuối năm 2016. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 15/11)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 13/11 - 17/11/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng và 1 ngày giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 2,11 điểm (-0,24%) xuống 890,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt219,77 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 8.385,4 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,02 điểm (0,02) lên 108,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt48,26triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 624,5 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,09 điểm (-0,17%) xuống 52,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt8,98triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 165,36 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,12 triệu đơn vị, trị giá trị 736,26 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 5,5 triệu đơn vị, trị giá 998,75 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là VRE với khối lượng 8,57 triệu cổ phiếu, trị giá 378,58 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại có 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 1,69 triệu đơn vị (tuần trước mua ròng 160 triệu đơn vị), tuy nhiên xét về giá trị họ vẫn mua ròng 472,03 tỷ đồng (giảm 93,88% so với tuần trước).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,58 triệu đơn vị (giảm 56,57% so với tuần trước), tuy nhiên xét về giá trị họ vẫn bán ròng 7,61 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 65,15 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp tổng cộng 6,23 triệu đơn vị, trị giá 271,84 tỷ đồng, tăng 22,24% về lượng và 167,43% về giá trị so với tuần trước.

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến doanh nghiệp hai nước ký một loạt thỏa thuận thương mại có tổng giá trị đạt 12 tỷ USD vào ngày 12/11.

Những văn kiện trị giá hàng tỷ USD được doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết bao gồm: Biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và Đầu tư thượng nguồn; hợp đồng mua, hỗ trợ sản phẩm động cơ PW1100G-JM; thoả thuận giữa Vietjet và Pratt & Whitney trong việc lựa chọn động cơ PurePower Geared Turbofan (GTF) cho đơn hàng 10 tàu bay mới củaVietjet trị giá 600 triệu USD… (Theo vov.vn ngày 12/11)

IFC và VIB

Ngày 15/11, Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC) cung cấp khoảnvay trị giá 185 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), nhằm hỗ trợ giải quyết hai thách thức phát triển chính của Việt Nam hiện nay: Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đáp ứngvà sự thiếu hụt nhà ở hợp túi tiền cho các hộ gia đình.

Gói tài trợ được thực hiện trong 5 năm bao gồm 100 triệu USD từ IFC và 85 triệu USD từ 3 ngân hàng quốc tế gồm: Ngân hàng Cathay United; Ngân hàng Công thương Trung Quốc - Chi nhánh Hồng Kông và Ngân hàng Kiatnakin Thái Lan.

Chính sách

Thông tư số 113/2017/TT-BTC

Ngày 20/10/2017, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 113/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 202/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo đó, một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển sẽ được giảm , cụ thể:

- Phí đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm giảm còn 30.000đồng/hồ sơ (hiện tại là 70.000đồng/hồ sơ).

- Phí cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm giảm còn 25.000 đồng/trường hợp (hiện tại là 30.000 đồng/trường hợp).

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2017.

Nhận định

chuyên gia

Ông Alex Wong, Giám đốc Hợp tác về thách thức toàn cầu, Thành viên Ủy ban Chấp hành Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (16/11):

Để cải thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, cần khoảng 480 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách và khu vực công nói chung chỉ đáp ứng được khoảng 30% con số này, 70% số còn lại buộc phải huy động từ khu vực tư nhân và các nguồn vốn khác như ODA.

Do vậy, hợp tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giải bài toán vốn cho Việt Nam trong vấn đề này.