Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 13-18/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 10/8 đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, nâng mức xếp hạng từ B1 lên Ba3, kèm với triển vọng điều chỉnh từ “tích cực” sang “ổn định”.

Việc nâng hạng tín nhiệm lên Ba3 dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đi kèm với việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế. Gánh nặng nợ của chính phủ giảm dần nhờ kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ dài và giảm phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ.

Kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 6,5%, nhờ sử dụng lao động và vốn ngày càng hiệu quả. Moody’s dự báo tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 đạt 6,4%. (Theo TTXVN ngày 13/8)

Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) nhận định, nền tảng cho sự thành công của kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ sự thuận lợi về cơ cấu nhân khẩu học, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý, Việt Nam gần với các chuỗi cung ứng lớn toàn cầu (Trung Quốc, Thái Lan…), đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.

Những yếu tố đảm bảo Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế một “con hổ” kinh tế của châu Á trong những năm tới, gồm: Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách dễ dàng hơn so với hầu hết các thị trường mới nổi; triển vọng tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch - một trong những yếu tố hàng đầu có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. (Theo The peninsulaqatar - tờ nhật báo của Qatar ngày 12/8)

Doanh nghiệp

Việt Nam ngày càng thu hút số lượng lớn nhà đầu tư quốc tế. Ước tính tổng giá trị M&A tại Việt Nam trong năm 2017 đạt 8,6 tỷ USD, trong đó 97% đến từ vốn FDI.

Đặc biệt, Trung Quốc mặc dù chưa phải là nước đẩy mạnh M&A trên thế giới, song lượng vốn M&A vào Việt Nam đang tăng khá mạnh.

Dự báo 3 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ đứng thứ 3 trong danh sách các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. (Theo KPMG Việt Nam ngày 08/8/2018)

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 14/8 tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam.

- Nâng định hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank.

- Nâng định hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn của VietinBank và BIDV, đồng thời giữ nguyên các đánh giá này đối với Vietcombank.

- Nâng định hạng tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với các ngân hàng ACB, Quân đội và Techcombank.

- Nâng định hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn gồm An Bình (ABB), Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank. - Nâng các đánh giá CRR và CRA dài hạn cho các ngân hàng SHB, HDBank và OCB.

- Triển vọng đối với định hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ của 8 ngân hàng gồm Vietcombak, BIDV, VietinBank, ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank được Moody’s chuyển từ “tích cực” sang “ổn định”.

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai 272 đơn vị nợ thuế, phí, tiền thuê đất đợt tháng 8/2018. Trong đó có 12 doanh nghiệp nợ 72,975 tỷ đồng tiền thuê đất, 260 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền gần 928,12 tỷ đồng.

Số đơn vị nợ thuế được công khai danh tính là 1.021 đơn vị với tổng số tiền nợ 3.960,654 tỷ đồng. Sau khi công khai, đã có 273 doanh nghiệp và dự án nộp 97,397 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. (Theo Báo Đầu tư ngày 15/8)

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II/2018 đạt 45.023 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2017; trong đó có hơn 700 triệu tiền mặt, 245 tỷ đồng gửi ngân hàng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm Tiền gửi đã dùng 42.528 tỷ đồng mua TPCP (tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017).

Trong đó, nhiều nhất là kỳ hạn 5 năm với 19.768 tỷ đồng, tiếp đến là kỳ hạn 20 năm với 6.840 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 5.803 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 3.582 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 3.349 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 1.899 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm là 1.284 tỷ đồng.

Tiền lãi từ trái phiếu trong nửa đầu năm 2018 là hơn 1.272 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 (hơn 1.100 tỷ đồng). (Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngày 16/8)

Tổng cầu


Đầu tư

Bộ Tài chính sẽ đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đồng thời sửa đổi, bổ sung 16 nghị định thuộc nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính bãi bỏ 3 điều kiện đối với cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới Ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kiểm toán, bãi bỏ điều kiện tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, theo đó người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại Công ty TNHH kiểm toán sẽ không cần điều kiện là kiểm toán viên hành nghề; giảm điều kiện về thời gian hoạt động kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán tối thiểu từ 36 tháng còn 24 tháng; bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm toán được tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng hằng năm; bỏ các quy định yêu cầu về hệ thống kiểm soát chất lượng, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khi cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm… (Theo Báo Đầu tư ngày 15/8)

Ngân sách
nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nợ công của Việt Nam năm 2018 đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP nếu tăng trưởng GDP đạt 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%.

Trong đó, nợ chính phủ là hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ.

Bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,6% GDP. Như vậy, bình quân mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2017 (31,3 triệu đồng).

Tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm dần về 63,46% năm 2019 và 62,58% năm 2020, dưới mức trần Quốc hội cho phép. Dự báo bội chi ngân sách so GDP trong 3 năm tới lần lượt là 3,71%; 3,59% và 3,4%. (Theo Vnexpress ngày 15/8)

Xuất - nhập khẩu

Việt Nam nhập khẩu 1.287 ô tô nguyên chiếc các loại trong tuần từ 03 - 09/8, với giá trị 31,3 triệu USD.

Trong đó, cả nước nhập khẩu 1.024 ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống, với trị giá 18,7 triệu USD. Như vậy, mỗi xe này có giá nhập khẩu trung bình hơn 420 triệu đồng. 81% xe về Việt Nam từ hai thị trường Thái Lan và Indonesia.

Luợng xe con từ Indonesia về Việt Nam tăng đột biến với 491 chiếc, gấp gần 5 lần tuần trước đó. Xe nhập khẩu từ Thái Lan là 340 chiếc, Trung Quốc 70 chiếc và Mexico 68 chiếc. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 11/8)

Tháng 7/2018, xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 48,4 triệu USD; lũy kế 7 tháng đạt khoảng 351 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.

Với đà tăng như hiện nay, 5 tháng còn lại xuất khẩu cá ngừ có khả năng đạt mục tiêu 500 triệu USD và về đích như kế hoạch của cả năm 2018. (Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - Vasep ngày 16/8)

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 7/2018 tăng 16,5% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 142,45 nghìn tấn, trị giá 188,25 triệu USD, giảm 5,4% về lượng và giảm 16,1% về trị giá so với tháng 7/2017.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 706,92 nghìn tấn, trị giá 1 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su trong tháng 7/2018 đạt bình quân 1.321 USD/tấn, giảm 6,9% so với tháng 6/2018 và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 7/2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 91,52 nghìn tấn, trị giá 118,58 triệu USD, tăng 4,3% về lượng, nhưng giảm 3,7% về trị giá so với tháng 6/2018, giảm 10,3% về lượng và giảm 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 454,8 nghìn tấn, trị giá 638,46 triệu USD, tăng 15,3% về lượng, nhưng giảm 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt bình quân 1.403,8 USD/tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương ngày 14/8)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị các bước để sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào năm 2019.

Dự kiến Dự thảo luật chỉ quy định khống chế việc làm thêm giờ. Nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm không quá 400 giờ.

Theo các doanh nghiệp, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… (Theo vov.vn ngày 16/8)

Lãi suất

Lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần từ 6 - 19/8 có xu hướng tăng mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ tăng 1 - 1,38%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,38% lên 3,36%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 1,15% lên 3,35%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 1% lên 3,5%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại cho thấy thanh khoản hệ thống trong tuần qua có dấu hiệu căng thẳng trở lại. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 15/8)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 18/8 so với ngày 17/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,62 - 36,80 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,68 - 36,76 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 60 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 13 đồng so với tuần trước đó với 1 ngày tăng giá, 2 ngày giảm và 3 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 18/8, tỷ giá trung tâm là 22.689 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 17/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 17/8 như sau:

- Vietcombank: 23.255 - 23.355 VND/USD, giảm 15 đồng.

- BIDV: 23.245 - 23.325 VND/USD, giảm 25 đồng.

- Viettinbank: 23.226 - 23.326 VND/USD, giảm 21 đồng.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 10/8 đã nâng trần tín nhiệm với trái phiếu ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ Ba2 lên Ba1 và trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn từ B2 lên B1.

Trần trái phiếu ngoại tệ và tiền gửi ngắn hạn được giữ nguyên ở mức “không phải tốt nhất” (Not Prime). Mức trần trái phiếu nội tệ và tiền gửi bằng VND cũng không đổi so với mức tín nhiệm Baa3. (Theo TTXVN ngày 13/8)

Tuần qua, tổng giá trị giao dịch Outright đạt 17.745 tỷ đồng, tăng 25,71% so với tuần trước đó.

Trong đó, tỷ trọng loại trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 1 - 3 năm chiếm 39,3% tổng giá trị giao dịch, tương đương 6.966,04 tỷ đồng, tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm chiếm 5,9%; kỳ hạn còn lại 3 - 5 năm chiếm 17%; kỳ hạn còn lại 5 - 10 năm chiếm 18,5%; kỳ hạn còn lại 10 - 30 năm chiếm 19,4% tổng giá trị giao dịch.

Tổng giá trị giao dịch Repos tăng 32,32% so với tuần trước đó, đạt 23.283 tỷ đồng. (Theo BVSC ngày 15/8)

Ngày 15/8, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức phiên gọi thầu TPCP có tổng giá trị 5.500 tỷ đồng gồm các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 3,5%/năm, tăng 0,05%/năm so với phiên trước đó (ngày 18/7).

- Kỳ hạn 7 năm: Huy động thành công 10 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 3,9%/năm, bằng lãi suất phiên trước đó (ngày 1/8).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động thành công 2.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,57%/năm, tăng 0,04%/năm so với phiên trước đó (ngày 8/8).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng và lô trái phiếu; phiên đấu thầu phụ đã huy động thành công 600 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,84%/năm, tăng 0,03%/năm so với phiên trước đó (ngày 8/8).

- Kỳ hạn 20 năm: Không trúng thầu.

Từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 100.161 tỷ đồng thông qua đấu thầu.

Tín phiếu

Tuần vừa qua, NHNN bơm ròng 4.096 tỷ đồng qua kênh OMO, trong khi không có lượng vốn đáo hạn qua kênh này. Bên cạnh đó, NHNN đã bơm ròng 10.300 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Như vậy tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 14.396 tỷ đồng vào thị trường. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống ở trạng thái eo hẹp hơn so tuần trước đó. (Theo BVSC ngày 15/8)

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 13 - 17/8/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 4,6 điểm (0,48%) lên 968,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt181,61 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.311,8 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,1 điểm (0,09%) lên 108,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt44,99triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 658,29 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm, 1 ngày giảm điểm và 1 ngày không thay đổi. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,08 điểm (0,16%) lên 51,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt18,94triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 349,17 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3.861.448 đơn vị, trị giá 196,2 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 4,84 triệu đơn vị, trị giá 251,29 tỷ đồng (tuần trước bán ròng bán ròng 12,95 triệu đơn vị, trị giá 764,39 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 981.448 đơn vị, trị giá 35,71 tỷ đồng (tuần trước mua ròng hơn 2 triệu đơn vị, trị giá 18,99 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng, với khối lượng 1,96 triệu đơn vị, trị giá 90,8 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 1,75 triệu đơn vị, trị giá 84,55 tỷ đồng).

Chính sách

Quyết định số 986/QĐ-TTg

Ngày 08/8/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 cần đạt được như sau:

- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 là dưới 8%.

- Tăng cường năng lực thể chế, hiệu quả thanh tra giám sát ngân hàng của ngân hàng nhà nước (NHNN).

- Tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, giảm tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng.

- Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Quyết định số 986/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 08/8/2018.

Quyết định 1016/QĐ-TTg

Ngày 14/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, các hội có tính chất đặc thù năm 2019.

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 258.163;

- Biên chế công chức dự phòng là 749;

- Biên chế của các hội có tính chất đặc thù là 686.

Như vậy, so với tổng biên chế công chức năm 2018 là 265.106 biên chế, năm 2019 đã giảm 6.934 biên chế, đạt 2,6% (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao là 2,5%).

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/8/2019.