Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 14-19/5/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings quyết định nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam một bậc từ “BB-” lên “BB”, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng được nâng một bậc, từ BB- lên BB, trong khi nợ ngắn hạn phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ được xếp hạng B.

Xếp hạng của Việt Nam phản ánh kết quả tăng trưởng mạnh mẽ và triển vọng kinh tế tươi sáng, tài khoản vãng lai liên tục thặng dư, chi phí vay nợ trong tầm quản lý và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng. Cơ sở để Fitch Ratings nâng triển vọng của Việt Nam lên tích cực là nhờ sự cải thiện rõ rệt về chính sách kinh tế, tình hình nợ và cải cách. (Theo Hãng tin Bloomberg ngày 14/5)

Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhanh nhất trong số các nước xếp hạng tín dụng BB.

Ngoài ra, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể tăng từ 49 tỷ USD trong năm 2017 lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, trong khi nợ công có thể giảm xuống dưới 50% GDP trước năm 2019. (Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 14/5)

Doanh nghiệp

Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Doanh số thương mại điện tử chiếm 3,6% tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5% ).

Nếu tận dụng được công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính doanh nghiệp Việt Nam tạo nên. (Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017 - 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI công bố ngày 17/5)

Ngành logictisc ở Việt Nam thời gian qua đã có bước tăng trưởng mạnh 14 - 16%/năm. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ logictics hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 20,9% GDP), xếp hạng 64/160 quốc gia về chi phí dich vụ logictic (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 59%).

Để nâng cao tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại; các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cần nâng cao chất lượng đào nguồn nhân lực; các bộ, ngành nghiên cứu cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, vận tải. (Theo VCCI ngày 16/5)

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã xếp hạng tín nhiệm đối với Home Credit Việt Nam - công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên ở Việt Nam (CFR) ở mức B3, tương đương với một số ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam.

Triển vọng của CFR được đánh giá ở mức ổn định, phản ánh kỳ vọng của công ty này sẽ duy trì các hạng mục tín nhiệm ổn định trong vòng 12 - 18 tháng tới. Mức đánh giá có thể tăng lên nếu công ty cải thiện nguồn vốn và khả năng thanh khoản, đồng thời duy trì chất lượng tài sản và vốn ổn định.

Đây là lần đầu tiên một công ty tài chính tại Việt Nam công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm do Moody’s cung cấp. Mức đánh giá B3 cùng với hồ sơ tín nhiệm độc lập b3 của cho thấy, CFR phải đối mặt với các rủi ro tín dụng khá cao trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng tín chấp đang phát triển nhanh. (Theo báo Đầu tư ngày 17/5)

Tính đến cuối năm 2017 có thêm 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được thành lập mới; tăng 3,8% so với năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600.

Không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành nông nghiệp còn thu hút những tên tuổi lớn như: TH True milk, Vingroup, Massan... Tuy vậy, về tổng thể, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 21/5)

Tổng cầu

Đầu tư

Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đã chính thức được khai trương ngày 13/5, có tổng giá trị đầu tư 30.719 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản (thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA) là 114 tỷ JPY, tương đương 23.747 tỷ đồng. Đây là Dự án ODA đầu tiên được thực hiện theo hình thức Hợp tác công - tư giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản.

Dự án có quy mô bao gồm hai bến container có chiều dài 750 m, tổng diện tích 750.000 m2, đê chắn sóng, đê chắn cát có tổng chiều dài 10,8 km và luồng tàu có độ sâu -14m trên chiều dài 17,4 km, để có thể tiếp nhận các tàu container có tải trọng 100.000 DWT. (Theo TTXVN ngày 14/5)

Sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế (1987 - 2018), Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Tính đến tháng 4/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.524 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD, đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khu vực FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 20% GDP của cả nước. Khu vực này cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 20/5)

Ngân sách
nhà nước

- Thu NSNN tháng 4/2018 đạt khoảng 110,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 4 tháng đạt khoảng 446,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% dự toán năm, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, thu nội địa 4 tháng đạt khoảng 368,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (không kể các khoản thu có tính chất đặc thù thì đạt khoảng 281,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017). Thu từ dầu thô khoảng 19,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017.

Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt khoảng 90 nghìn tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán năm, giảm 2,9 so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (31 nghìn tỷ đồng), số thu đạt khoảng 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2017.

- Tổng chi NSNN tháng 4/2018 đạt khoảng 119,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 4 tháng đạt 410 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó chi đầu tư phát triển đạt khoảng 65 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3% dự toán năm, bằng 94,8% so với cùng kỳ năm 2017; chi trả nợ lãi đạt 41,75 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017; chi thường xuyên đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Tài chính ngày 11/5)

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP tính đến hết tháng 4/2018 khoảng 55,9%. Trong đó, nợ chính phủ so với GDP khoảng 47,5%; nợ được bảo lãnh chính phủ so với GDP khoảng 7,9%; nợ chính quyền địa phương so với GDP khoảng 0,5%. Trả nợ vay của Chính phủ đạt 76.158 tỷ đồng; trong đó, số tiền trả nợ vay trong nước 59.383,5 tỷ đồng, trả nợ vay nước ngoài 16.774,2 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù tỷ lệ thu trên GDP không thấp hơn các quốc gia khác, nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên), làm cho Việt Nam phải vay nợ và các chỉ số nợ đã sát ngưỡng an toàn. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. (Theo Bộ Tài chính ngày 12/4)

Tính đến ngày 31/12/2017, ước tính dư nợ công khoảng 61,4% GDP (giảm so với mức 63,7% GDP), dư nợ chính phủ khoảng 51,8% GDP (giảm so với mức 52,7% GDP), dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Danh mục trái phiếu chính phủ được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất; cơ cấu dư nợ vay trong nước chiếm khoảng 60% tổng dư nợ chính phủ, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 40%; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54%), qua đó, giảm đáng kể áp lực về nợ công so với các năm trước. (Theo Bộ Tài chính ngày 14/5)

Xuất nhập khẩu

Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu cả nước đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2% và nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam có 18 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 thị trường đạt trên 2 tỷ USD) và 11 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 2 tỷ USD. Với kết quả xuất - nhập khẩu nêu trên, cán cân thương mại hàng hóa của nước 4 tháng đầu năm 2018 thặng dư 3,89 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 11/5)

Giá trị kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng năm 2017 đạt khoảng 1,67 tỷ USD, trong đó sản phẩm xi măng đạt 780 triệu USD, đá và gạch ốp lát đạt 570 triệu USD, sứ vệ sinh đạt 120 triệu USD, kính xây dựng đạt 200 triệu USD... Trong những tháng đầu năm 2018, xuất khẩu vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, góp phần giảm áp lực tiêu thụ trong nước vốn đã khá căng thẳng, thậm chí cung vượt cầu ở một số chủng loại vật liệu xây dựng.

Nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng nhiều ngành, nhiều cấp cần ban hành các chính sách tổng thể: (i) Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong việc xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; (ii) Nghiên cứu xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được, phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia các tổ chức thương mại quốc tế hay các hiệp định thương mại song phương, đa phương; (iii) Tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, chống nhập lậu hàng hóa vật liệu xây dựng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 16/5)

Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) ngày 18/5, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 41,6 tỷ USD, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, thương mại hai chiều song phương liên tục tăng cao, gấp 47 lần, từ 220 triệu USD của năm 1994 (năm Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD vào năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt khoảng 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của quốc gia này. Thặng dư trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam đạt trên 32,4 tỷ USD trong năm 2017.

Trong tháng 4/2018, Việt Nam đã chi 630 triệu USD để nhập khẩu xăng dầu các loại, nâng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm lên 2,815 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia, Hàn Quốc và Singapore. (Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương ngày 17/5)

Xuất khẩu cà phê sang Indonesia trong 4 tháng đầu năm đạt 51 nghìn tấn, trị giá 98 triệu USD, tăng gấp 11,9 lần về lượng và tăng 9,4 lần về trị giá so cùng kỳ năm 2017.

Tính bình quân, giá cà phê xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 1.922 USD/ tấn. So với giá cà phê xuất khẩu trung bình 4 tháng của cả nước là 1.936 USD/tấn, giá cà phê xuất sang thị trường Indonesia thấp hơn 14 USD/ tấn. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 17/5)

Trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường chủ lực xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, với tỷ trọng 67,1% tổng kim ngạch; trong đó, Hoa Kỳ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng 9,63%), kế đến Trung Quốc đạt 367,2 triệu USD (tăng 1,12%) và Nhật Bản là 350,6 triệu USD (tăng 2,33%). (Theo Bộ Công Thương ngày 17/5)

Cân đối vĩ mô

Lao động

Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4/2018 là 10.252 người, tập trung ở các thị trường: Đài Loan (6.163 lao động), Nhật Bản (2.616 lao động), Hàn Quốc (764 lao động), Malaysia (84 lao động), Saudi Arabia (227 lao động), Rumania (179 lao động), Kuwait (84 lao động) và các thị trường khác.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 36.990 người, đạt 33,6% kế hoạch năm 2018. (Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ngày 17/5)

Kết quả nghiên cứu lần thứ hai về Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) cho thấy, các nữ doanh nhân tại những quốc gia phát triển có nhiều ưu thế hơn so những quốc gia đang phát triển bởi họ tận dụng được những lợi thế như khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ tài chính và chương trình giáo dục.

Việt Nam đạt 65,5 điểm, xếp thứ 18. Các quốc gia nằm trong nhóm đầu là New Zealand (74,2 điểm), Thụy Điển (71,3 điểm), Canada (70,9 điểm), Hoa Kỳ (70,8 điểm) và Singapore (69,2 điểm). Ngoài ra, tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.

Nghiên cứu theo dõi sự phát triển và thành tựu của các nữ doanh nhân và chủ doanh nghiệp tại 57 quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi, Bắc Mỹ.

(Theo TTXVN ngày 20/5)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 19/5 so với ngày 18/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,55 - 36,77 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,62 - 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 30 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 12/5, tỷ giá trung tâm là 22.590 VND/USD không thay đổi so với ngày 18/5; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 19/5 như sau:

- Vietcombank: 22.745 - 22.815 VND/USD, tăng 5 đồng.

- BIDV: 22.740 - 22.810 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 22.744 - 22.814 VND/USD, tăng 4 đồng.

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Ngày 16/5/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng), 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (2.000) và 15 năm (2.000) tỷ đồng.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 3,00%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 02/5/2018).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,23%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 09/5/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,23%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 980 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,58%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 09/5/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,58%/năm.

- Kỳ hạn 7 năm: Không trúng thầu

Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 56.026 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Tháng 4/2018, trên HNX:

- Tổng số chứng khoán niêm yết đạt 385 mã cổ phiếu, với tổng khối lượng niêm yết hơn 12 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết toàn thị trường đạt gần 121 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 19,019 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch bình quân đạt 58,5 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 10,8% so với tháng 3, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017), giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.001 tỷ đồng/phiên (giảm 13,4% so với tháng 3, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2017).

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 97,17 triệu cổ phiếu, giảm 10,1% so với tháng 3, giá trị giao dịch đạt hơn 1.745 tỷ đồng, giảm 39%. Tính chung trong tháng 4/2018, trên thị trường cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư mua ròng gần 175 nghìn tỷ đồng.

- Trên thị trường UPCoM, tính đến ngày 27/4/2018, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch đạt 735 doanh nghiệp với tổng khối lượng đăng ký hơn 26,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 261 nghìn tỷ đồng. Toàn thị trường có giá trị giao dịch đạt hơn 9.108 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch bình quân đạt 21,9 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 25% so với tháng 3 nhưng lại gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 479,3 tỷ đồng/phiên (giảm 23,9% so với tháng 3 nhưng lại gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017).

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 50,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.600 tỷ đồng. Tính chung cả tháng trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư đã bán ròng 102,6 tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 10/5)

Trong tuần từ 14/5 - 18/5/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 9,9 điểm (0,96%) lên 1.040,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 196,8 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 10.433,56 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,19%) xuống 121,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 51,05 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 710,94 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,73 điểm (-1,3%) xuống 50,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 25,78 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 332,59 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 256,48 triệu đơn vị, trị giá 27.950,3 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 254,5 triệu đơn vị, trị giá 27.928,21 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 10,8 triệu đơn vị, trị giá 201,78 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,65 triệu đơn vị, trị giá 12,3 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 10,94 triệu đơn vị, trị giá 205,74 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 670.000 đơn vị, tuy nhiên xét về giá trị họ mua ròng 9,79 tỷ đồng (trong khi tuần bán ròng 860.000 đơn vị, giá trị mua ròng 22,72 tỷ đồng).

Chính sách

Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Những mục tiêu chính được đề ra là: (i) Tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp.

(ii) Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

(iii) Bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Nghị định số 72/2018/NĐ-CP

Ngày 15/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP về việc quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, tăng mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng thêm 90.000 đồng) bắt đầu từ ngày 01/7/2018. Mức lương cơ sở mới này sẽ dùng làm căn cứ:

- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.

- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017.

Nhận định

chuyên gia

Ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (17/5):

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đã có 8/10 dấu hiệu của tình trạng bong bóng: Số lượng giao dịch tăng, giá cả trên thị trường tăng, các dự án công trình được khởi công tăng, địa bàn triển khai tăng, các chủ thể bất động sản tăng, quy mô dự án tăng, giá trị dự án tăng, dòng tiền vào các dự án tăng; còn 2 yếu tố sẽ chạm đến thời kỳ khủng hoảng bất động sản tương tự như giai đoạn 2000 - 2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất tăng. Việt Nam đang ở trong đoạn cuối chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản: Phục hồi, tăng trưởng, suy thoái và khủng khoảng.

Reuters (18/5):

Chi phí cho dầu mỏ tại châu Á sẽ vượt qua mốc 1 nghìn tỷ USD trong năm 2018, tăng gấp đôi so với năm 2015 và 2016, khi giá dầu tăng lên 80 USD/thùng và nhu cầu tại lục địa chạm mức kỷ lục.

Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất, do không chỉ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, mà nguồn lực quốc gia chưa đủ lớn để hấp thụ các chi phí nhiên liệu tăng đột ngột.

Trong các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam hay Philippines, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 8 - 9% mức lương trung bình của một người so với chỉ 1 - 2% ở các nước giàu như Nhật Bản hay Úc.