Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 16-21/10/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, 9 tháng năm 2017, tổng sản lượng khai thác của PVEP đạt 3,75 triệu tấn quy dầu, khoảng 112% kế hoạch 9 tháng và 85% kế hoạch năm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao. Trong đó khai thác dầu đạt 2,94 triệu tấn, đạt 108% kế hoạch 9 tháng; khai thác khí đạt 818 triệu m3, đạt 127% kế hoạch 9 tháng. Tổng doanh thu 9 tháng ước đạt 25.591 tỷ đồng, tương đương 110%, lợi nhuận sau thuế ước khoảng 3.111 tỷ đồng, nộp NSNN 6.417 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch 9 tháng và 92% kế hoạch năm. (Theo báo Nhân dân ngày 16/10)

Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực thông tin - truyền thông đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. Hiện có trên 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và cứ 100 người thì có 52 người sử dụng internet. Tuy nhiên, ở Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử đạt trên 3% trong tổng doanh thu bán lẻ, thấp so với tỷ lệ 8% của thế giới. (Theo Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngày 18/10)

Ngày 16/10, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk do SCIC làm đại diện chủ sở hữu. Ngày 18/10/2017, SCIC sẽ phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Vinamilk và Liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk. SCIC sẽ công bố giá khởi điểm, nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư từ ngày 01/11/2017. Buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại HOSE ngày 10/11/2017.

Tổng cầu


Đầu tư

Tại hội nghị cấp Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lần thứ 13 diễn ra ngày 17/10, hai nước nhất trí đánh giá hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả 6 lĩnh vực: Thương mại, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, đầu tư, thông tin - truyền thông, du lịch và dịch vụ. Trong đó, về đầu tư, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam với hơn 1.900 dự án có tổng vốn hơn 41 tỷ USD.

Quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án của Singapore khoảng 21,6 triệu USD, cao hơn mức trung bình 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 12,9 triệu USD/dự án. Ngược lại, Việt Nam đầu tư 93 dự án tại Singapore với tổng vốn 235 triệu USD, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Singapore.

Trong nửa đầu tài khóa 2017 (ngày 01/4/2017 - 30/9/2017), tổng giá trị vốn vay ODA Nhật Bản cam kết đối với các dự án mới (3 dự án) của Việt Nam khoảng 61,8 tỷ JPY; tổng giá trị vốn vay đã giải ngân là 51,2 tỷ JPY.

Ngoài ra, có 1 dự án mới được ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 1,8 tỷ JPY; 2 dự án hợp tác kỹ thuật đã hoàn thành, 37 dự án đang triển khai…; có 14 dự án đã hoàn thành, 36 dự án đang triển khai là các chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản. (Theo Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tại Việt Nam ngày 18/10)

Ngân sách
nhà nước

Trong 9 tháng năm 2017, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính hơn 13.608 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp NSNN hơn 8.928 tỷ đồng.

- Trong lĩnh vực thuế, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 11.597 tỷ đồng. Số thuế đã nộp NSNN đạt hơn 6.553 tỷ đồng.

- Trong lĩnh vực hải quan, đã thực hiện 95 cuộc thanh tra tại 95 đơn vị. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 31.902 triệu đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4.588 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 27.387 triệu đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 13/10)

Xuất - nhập khẩu

Trong nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 8,951 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến ngày 15/10 lên 163,249 tỷ USD; nhập khẩu đạt 8,244 tỷ USD, nâng tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu tính từ đầu năm đạt 162,162 tỷ USD. Tính đến ngày 15/10, cả nước đã xuất siêu gần 1,09 tỷ USD.

Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 10 đã có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện (2,488 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện (1,105 tỷ USD), dệt may (1,027 tỷ USD). (Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hoa Kỳ nhập siêu 24,1 tỷ USD từ Việt Nam; kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đạt gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 9 tháng năm 2017, Việt Nam đạt thặng dư 24,1 tỷ USD trong thương mại hàng hóa với Hoa Kỳ, tương đương 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 16/10)

Trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu 150.324 tấn cao su, trị giá 240,8 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và giảm 8,4% về giá trị. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 955.683 tấn cao su, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 49,2% về giá trị.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 49.959 tấn cao su trong tháng 9, trị giá 90,1 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 4,6% về giá trị. Tính chung trong 9 tháng, cả nước chi 802,3 triệu USD để nhập khẩu 392.455 tấn cao su, tăng 29,7% về lượng và tăng 72,8% về giá trị. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 820 triệu USD cao su sang các nước. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/10)

Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 5,9 tỷ USD. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo tình hình xuất khẩu gỗ trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng và Việt Nam sẽ cán mốc kim ngạch trên 8 tỷ USD trong năm 2017. (Theo VIFORES ngày 18/10)

Lượng than đá nhập khẩu trong tháng 9/2017 đạt hơn 1 triệu tấn, nâng tổng lượng nhập khẩu trong 3 quý đầu năm lên 10,4 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,03 tỷ USD, tăng 52,7%. Ở chiều ngược lại, lượng than xuất khẩu đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 207 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/10)

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 vào ngày 17/10. Theo đó, Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu gạo về số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu theo hướng bền vững. Lượng gạo xuất khẩu hằng năm trong giai đoạn 2017 – 2020 đạt khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, trị giá bình quân 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm; giai đoạn 2021 - 2030 xuát khẩu đạt khoảng 4 triệu tấn, giá trị bình quânkhoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD/năm.

Đến năm 2020, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi theo hướng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm chất cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%; gạo nếp là 20%... Đến năm 2030, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 40%; gạo nếp 25%; gạo dinh dưỡng khác trên 10%... (Theo báo Nhân dân ngày 17/10)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Trong năm 2016, số lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch đạt khoảng 1 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng, đầu tư, thu hút du khách… của du lịch Việt Nam hiện nay, dự báo đến năm 2020 sẽ cần đến 2,5 triệu lao động làm việc trong ngành du lịch, đưa doanh thu của ngành đạt khoảng 35 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam ngày 20/10)

Tín dụng

Tín dụng toàn nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2017 tăng 12,16% so với cuối năm 2016, cao hơn so với mức tăng 11,5% (ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra ngày 05/10). Với mức tăng trưởng trên, có khoảng 668,8 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng được giải ngân ròng ra nền kinh tế .

Dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá là nguyên nhân giúp lợi nhuận toàn ngành ngân hàng khả quan. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Trước trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 19/10)

9 tháng đầu năm 2017 có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng và giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng áp dụng hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 19/10)

Sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách (2002 - 2017), tính đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) dành cho tín dụng chính sách đạt hơn 179 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,2%, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Đã có hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh (nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn) của toàn hệ thống NHCSXH giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm ngày 30/9 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%). (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 16/10)

Số liệu của WorldBank cho thấy, trong một năm trở lại đây, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân Việt Nam là 46,84%, nghĩa là bình quân cứ 100 người thì có khoảng 47 người có các khoản vay. Tỷ lệ người dân có các khoản vay tại tổ chức tài chính là 18,45%.

Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn người dân vay vốn qua các hình thức khác, có thể là qua các cửa hiệu cầm đồ, tín dụng đen, vay người thân… Thói quen của người dân Việt Nam đang thay đổi, nhất là ở nhóm đối tượng giới trẻ, thay vì chủ yếu tiết kiệm sang đi vay để mua sắm nhu cầu thiết yếu, đã khiến mức độ tiếp cận vốn tín dụng của người dân ngày càng tăng cao. (Theo Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng nhà nước ngày 19/10)

Độ phủ thông tin tín dụng hiện nay chiếm khoảng 35% dân số Việt Nam (93,7 triệu dân), trong đó riêng nhóm trên 15 tuổi chiếm tới 60%. Tỷ lệ phụ nữ có khoản vay cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với nam giới. Bên cạnh đó, phụ nữ vay tiền qua kênh ngân hàng chiếm 21,33%, cao gấp 1,4 lần so với nam giới. Tỷ lệ tiếp cận tín dụng qua kênh ngân hàng chính thức của người trẻ tuổi chỉ hơn 3% trên tổng số 44% người trẻ có khoản vay. Tỷ lệ tiếp cận khoản vay của người lớn tuổi cao hơn (23,02%). (Theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC ngày 18/10)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng và 4 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 21/10, so với ngày 20/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,34 - 36,56 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,43 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,42 - 36,49 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 17 đồng so với tuần trước với 4 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 21/10, tỷ giá trung tâm là 22.459 NVD/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 20/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại ngày 20/10 không thay đổi: Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 202.000 tỷ đồng. Trong đó, đấu giá cổ phần hóa thông qua hai sở giao dịch chứng khoán đạt 505,8 tỷ đồng, phát hành thêm cổ phiếu đạt 33.500 tỷ đồng, đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 166.000 tỷ đồng. (Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 17/10)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 16/10 - 20/10/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 2,09 điểm (-0,25%) xuống 826,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt182,17 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.322,85 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,86%) xuống 108,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt62,36triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.046,59 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) xuống 54,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt9,58triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 200,78 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.930.215 đơn vị, trị giá 272,42 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là KDH với khối lượng 7,56 triệu đơn vị, trị giá 189,31 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là KBC với khối lượng 8,15 triệu cổ phiếu, trị giá 121,71 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng duy nhất vào ngày 16/10. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 217.090 đơn vị, trị giá 86,87 tỷ đồng, giảm mạnh về lượng (tuần trước bán ròng 7,1 triệu đơn vị) và tăng 28,37% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,68 triệu đơn vị, trị giá 295,76 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 10,5 triệu đơn vị, trị giá 483,58 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp tổng cộng 467.305 đơn vị, trị giá 63,53 tỷ đồng, giảm 78,23% về lượng và 54,44% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý III/2017, tổng số lượng nhà ở được giao dịch của cả nước đạt 17.873 giao dịch, giảm 19,5% so với quý II. Trong đó, số lượng giao dịch thành công tại thị trường bất động sản Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 12.449 giao dịch. Giao dịch tại hai thị trường bất động sản lớn nhất vẫn tập trung chủ yếu tại phân khúc căn hộ trung cấp (45,2% giao dịch thành công), tiếp đến là căn hộ giá thấp (29,3%) và phân khúc căn hộ cao cấp (25,5%) lượng giao dịch trên thị trường. (Theo báo Chính phủ ngày 13/10)

Chính sách

Thông tư số 95/2017/TT-BTC

Ngày 22/9/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Theo đó ban hành kèm theo Thông tư 95 Điều lệ mẫu (Phụ lục số 01) và Quy chế nội bộ về quản trị công ty (Phụ lục số 02) để xây dựng Điều lệ, Quy chế đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Điều lệ mẫu có quy định: Chế độ kế toán Công ty sử dụng là Chế độ Kế toán Việt Nam (VAS), chế độ kế toán doanh nghiệp hoặc chế độ kế toán đặc thù khác được Bộ Tài chính chấp thuận; công ty lập sổ sách kế toán bằng tiếng Việt và lưu giữ theo quy định pháp luật; công ty sử dụng đơn vị tiền tệ trong kế toán là đồng Việt Nam. Nếu phát sinh các nghiệp vụ kinh tế chủ yếu bằng ngoại tệ thì được chọn ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 06/11/2017.

Quyết định số 2061/QĐ-BTC

Ngày 13/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2061/QĐ-BTC về áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK), quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (cảng Nội Bài). Theo đó, hàng hóa XNK có cửa xuất khẩu hoặc cửa nhập khẩu là cảng Nội Bài chỉ được phép đưa ra, vào kho hàng không khi đáp ứng điều kiện sau:

- Trường hợp đưa vào kho hàng không:

+ Hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan và được hệ thống điện tử của hải quan gửi thông tin hàng hóa đủ điều kiện đưa vào khu vực giám sát hải quan.

+ Hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan, được dỡ xuống từ phương tiện vận tải nhập cảnh đưa vào kho hàng không để chờ làm thủ tục hải quan.

- Trường hợp đưa ra kho hàng không:

+ Hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ trong kho hàng không.

+ Hàng hóa nhập khấu đang lưu giữ trong kho hàng không được cơ quan hải quan gửi thông tin xác nhận đủ điều kiện cho phép đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tới doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.

Quyết định số 2071/QĐ-BTC

Ngày 16/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2071/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tại Quyết định 1058/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã đề ra những mục tiêu:

- Tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

- Phối hợp với NHNN Việt Nam và các bộ, ngành tăng cường năng lực tài chính của TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Hoàn thiện thị trường chứng khoán, xây dựng khuôn khổ pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ hỗ trợ cho việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.