Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 17-21/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

 

Tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 6,9 - 7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Có được mức tăng trưởng này là nhờ các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố.

Tổng cầu của nền kinh tế tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. Giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt cũng đã giúp lạm phát đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Dự báo năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. (Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - NFSC ngày 20/12)

Doanh nghiệp

Trong năm 2018, tổng doanh thu bảo hiểm đạt khoảng 133.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 45.000 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với năm 2017 và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 87.000 tỷ đồng, tăng 33,8%.

Tổng tài sản đạt khoảng 384.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 302.000 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 81.000 tỷ đồng.

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểmđạt khoảng 248.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt khoảng 76.000 tỷ đồng, tăng 16%.

Năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi cho khách hàng số tiền khoảng 36.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi 17.000 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi 18.000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế đạt khoảng 319.000 tỷ đồng, tăng 29%.

Thời gian tới, ngành bảo hiểm có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10 - 20%/năm, trong đó có nhiều ngân hàng liên kết với bảo hiểm để đẩy mạnh hoạt động còn kỳ vọng mức tăng trưởng lên đến 30 - 40%/năm.

(Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) ngày 20/12)

Tính đến ngày 20/12, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường lên tới 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. (Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính ngày 20/12)

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đang phối hợp với 6 ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I/2019.

Năm 2018 NAPAS triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia như: dự án xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS), dự án xây dựng hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia ACH, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch điện tử của khách hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018 Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%.

Năm 2018, số lượng giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống NAPAS đạt hơn 1,3 triệu giao dịch/ngày, tăng 1.75 lần so với cùng kỳ năm 2017. Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2018 đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng 166%. Điều này cho thấy, thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực. (Theo NAPAS ngày 21/12)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Trong đó, kim ngach xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.

Giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 đạt khoảng 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 49,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2017.

Năm 2019, ngành dệt may đặt mục đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với năm 2018; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

(Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam ngày 14/12)

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018  đạt 62,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018 lên 44,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 22% lên 18,1 tỷ USD do nhu cầu màn hình và linh kiện điện tử sản xuất ở các nhà máy của Hàn Quốc ở Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc từ khi Hiệp định thương mại song phương Hàn Quốc - Việt Nam có hiệu lực vào tháng 12/2015. (Theo TTXVN ngày 19/12)

Tính đến hết ngày 15/12, cả nước nhập khẩu hơn 226 tỷ USD hàng hóa và xuất khẩu trị giá 233 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại tính tới thời điểm này đạt 6,9 tỷ USD. Dự báo năm 2018 Việt Nam xuất siêu kỷ lục.

Trong số 31 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt có tới 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, dệt may xuất khẩu 29 tỷ USD; giầy dép các loại xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD; gỗ và thủy sản đều đạt 8,4 tỷ USD; xơ sợi, túi xách, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo... là những mặt hàng tiếp theo đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

Về nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, điện thoại và các nguyên liệu phục vụ sản xuất như chất dẻo, sắt, kim loại, vải...

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/12)

Đầu tư

Trong tháng 11/2018, Chính phủ không thực hiện ký kết hiệp định vay vốn nước ngoài. Lũy kế 11 tháng, Chính phủ đã ký kết 14 hiệp định vay với tổng trị giá 1.250 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm giải ngân khoảng 1.693 triệu USD tương đương khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng.

Trong đó cấp phát khoảng 29.152 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 9.781 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm, giá trị trả nợ của Chính phủ là 188.290 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 145.440 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 42.850 tỷ đồng.

Dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công được đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ côngkhoảng 61,4% GDP; nợ chính phủ khoảng 52,1% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 8,7% GDP; nợ chính quyền địa phương khoảng 0,6% GDP).

(Theo Bộ Tài chính ngày 14/12)

Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á trong năm 2018 với việc thu hút 17 tỷ USD vốn FDI cam kết - được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với GDP là 250 tỷ USD. Trong quý I/2018, Việt Nam là thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn thứ tư trong khu vực, vượt cả Hàn Quốc, Singapore và Australia. Thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đang bùng nổ và GDP tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm.

Các yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bao gồm: Chính phủ Việt Nam đã thống nhất về tầm nhìn phát triển kinh tế tập trung vào việc cung cấp lao động hiệu quả cao phục vụ ngành sản xuất cho xuất khẩu cần nhiều lao động.

Điều này thúc đẩy dòng vốn FDI kỷ lục - phần lớn từ các nền kinh tế châu Á phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); sẵn sàng tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc khi các công ty nước ngoài tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ; kế hoạch của Chính phủ về “cổ phần hóa” hàng trăm doanh nghiệp nhà nước; Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, có học thức và đang nhanh chóng “đô thị hóa” với sức chi tiêu lớn chưa từng có…

(Theo Tạp chí Forbes của Hoa Kỳ ngày 17/12)

Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam với hơn 62 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu tính cả một số dự án quy mô lớn đầu tư qua nước thứ 3, tổng vốn FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD.

Phần lớn các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Riêng năm 2018, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 1,4 tỷ USD (tăng 50% so với năm 2017).

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 16/12)

Niềm tin tiêu dùng

Trong quý III/2018, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 129 điểm, tăng 9 điểm so với quý II/2018 nhờ sự tăng trưởng niềm tin về triển vọng việc làm và tài chính cá nhân. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong thước đo niềm tin người tiêu dùng trên thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục lạc quan về tình trạng tài chính cá nhân với 82% nhận định rằng tình trạng tài chính cá nhân của họ tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới (+6% so với quý II) và cũng là thời điểm họ sẵn sàng chi tiêu mua sắm với 63% người tiêu dùng chắc chắn như vậy (+8% so với quý II). (Theo The Conference Board® và Nielsen ngày 17/12)

Ngân sách nhà nước

Trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng số thu thuế của toàn cơ quan Hải quan đạt 284.202 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán, tăng 7,27% so với cùng kỳ năm 2017. Do hoàn thành sớm kế hoạch thu ngân sách được giao, dự kiến năm 2018, cơ quan Hải quan sẽ vượt thu trên 20.000 tỷ đồng.

Kết quả này sẽ góp phần quan trọng để ngành Tài chính thu ngân sách vượt dự toán 5% và có khả năng hoàn thành chỉ tiêu ngân sách trung ương để có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển. (Theo Bộ Tài chính ngày 17/12)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng, 2 ngày giảm, 2 ngày tăng/giảm trái chiều và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 22/12 so với ngày 21/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,24 - 36,42 triệu đồng/lượng, giảm 120 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,28 - 36,38 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 22/12, tỷ giá trung tâm là 22.785 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 21/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 21/12 như sau:

- Vietcombank: 23.240 - 23.330 VND/USD, tăng 5 đồng.

- BIDV: 23.235 - 23.325 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 23.239 - 23.339 VND/USD, tăng 4 đồng ở chiều mua vào và 14 đồng ở chiều bán ra.

Thương mại điện tử

Trong số những người tiêu dùng Việt Nam truy cập internet thì có đến 98% đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2018 có 17% người tiêu dùng đã sử dụng các nền tảng công nghệ để mua các thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.

Trong đó, thời trang, du lịch, sách và âm nhạc là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến, lần lượt đạt 59%, 52% và 51%. (Theo báo cáo Thương mại điện tử của Nielsen 2018 công bố ngày 07/12)

Lao động

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó đề xuất tăng mức lương cơ sở thêm 7,19% từ ngày 01/7/2019.

Nguyên nhân là do mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng hiện nay còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động khi chỉ đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (3.340.000 đồng/tháng).

Trước đó, Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018 quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%), thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2019. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. (Theo Bộ Nội vụ ngày 19/12)

Kiều hối

Kiều hối có xu hướng tăng mạnh, mỗi năm khoảng 10%. Năm 2017, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 13,8 tỷ USD. Dự báo trong năm 2018 đạt 15,9 tỷ USD, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Kiều hối đóng góp 6,6% GDP Việt Nam.

Có khoảng 60% lượng kiều hối về nước được sử dụng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì tiêu dùng hay gửi tiết kiệm như trước đây. Tuy nhiên, về cơ cấu, có tới 30 - 40% kiều hối tập trung vào đầu tư bất động sản. (Theo WB ngày 20/12)

Trong năm 2018, kiều hối chảy về thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều gửi về Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng liên tục lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt lại tiền tệ. Trong 3 năm qua, kiều hối về Việt Nam khá ổn định, phần lớn trong đó xuất phát từ các thị trường Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, UAE… (Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/12)

Tín dụng

Xu hướng gửi ngoại tệ năm 2018 tăng mạnh, ước đạt 17%, cao hơn rất nhiều so với mức 2,1% của năm 2017. Tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm gần 10% tổng vốn huy động. So với hồi đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,5%; tỷ giá ngân hàng thương mại tăng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3,5%.

Đây là mức điều chỉnh phù hợp và Ngân hàng Nhà nước đã điều hành thành công, góp phần để hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7%. So với năm 2017, lãi suất tiền gửi và cho vay đều năm 2018 đều cao hơn. Lãi suất tiền gửi bình quân năm 2018 là 5,25% còn lãi suất cho vay bình quân đạt 8,91%. (Theo NFSC ngày 20/12)

Tăng trưởng tín dụng năm 2018 dự báo đạt 14 - 15%. Tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất - kinh doanh, đặc biệt tại các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ.

Trong năm 2019, với dự báo tăng trưởng GDP trên mức 6,5%, lạm phát dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, tăng trưởng tín dụng được dự báo tăng cao hơn so với năm 2018 nhưng không dưới 15%. (Theo báo cáo ngành ngân hàng năm 2019 của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - VCBS ngày 20/12)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 17/12 - 22/12/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 5,98 điểm (-0,65%) xuống 912,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 192,4 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.657,17 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,08%) xuống 104,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 40,08 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 562,52 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,01 điểm (0,03%) lên 52,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 14,53 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 327,82 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.917.551 đơn vị, trị giá mua ròng 320,29 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 4,31 triệu đơn vị, trị giá 71,36 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 2,45 triệu đơn vị, trị giá 229,59 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,82 triệu đơn vị, trị giá 3,84 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,17 triệu đơn vị, trị giá 24,47 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 212.449 đơn vị, trị giá 395,49 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,19 triệu đơn vị, trị giá 55,78 tỷ đồng).

Chứng khoán

Trong năm 2018, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ huy động qua kênh đấu thầu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đạt 147.000 tỷ đồng; mức huy động thành công chỉ đạt 50% và hai chỉ tiêu này lần lượt giảm 24,3% và 23% so với năm 2017.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 137.300 tỷ đồng, đạt 78,4% so với kế hoạch huy động điều chỉnh và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Trên thị trường, lãi suất trúng thầu trái phiếu có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2017, đặc biệt có một đợt giảm mạnh trong nửa đầu của năm. Cụ thể, lãi suất huy động bình quân 11 tháng đầu năm 2018 là 4,59%, giảm 1,46% so với năm 2017.

Kỳ hạn phát hành bình quân trong năm 2018 đạt 12,04 năm và giảm 0,7 năm so với năm 2017. Nhà đầu tư có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi các công ty bảo hiểm vươn lên dẫn đầu về thị phần mua, chiếm hơn 66,4% tỷ trọng trúng thầu của toàn thị trường.

(Theo HNX ngày 17/12)

Trong năm 2018, giá trị trái phiếu chính phủ niêm yết trên thị trường thứ cấp đạt khoảng gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% (tương đương 20% GDP năm 2017) so với năm 2017. Tỷ trọng giao dịch theo phương thức mua đi bán lại đã tăng và trở thành điểm sáng của thị trường năm 2018 khi chiếm 53,7% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng 4,5% so với năm 2017. (Theo HNX ngày 17/12)

Trái phiếu

Ngày 19/12, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 10.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 10 năm (5.000 tỷ đồng), 15 năm (5.000 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 11.710 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 5.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,1%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 12/12/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất 5,1%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 4.710 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 12/12/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất 5,3%/năm.

Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 161.487 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

(Theo HNX ngày 19/12)

Nhận định

chuyên gia

Ngân hàng HSBC (18/12):

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018. Việt Nam vượt trội hơn những quốc gia khác trong khu vực trong quý III/2018 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối diện với một số rủi ro như: (i) An toàn vốn vẫn là một vấn đề đối với Việt Nam.

Mức tăng trưởng tín dụng cao kéo dài trong vài năm gần đây đã dẫn tới sự tăng mạnh của lượng tài sản ngân hàng, điều này không khớp với khả năng huy động vốn của các ngân hàng; (ii) Việt Nam rất dễ tổn thương trước hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ do giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ trên GDP đạt mức cao nhất tại khu vực châu Á.